Cuộc chiến ma túy vùng giáp ranh: Bài 1: Thâm nhập điểm “nóng”
Những tụ điểm ma túy trong “top nóng” nhất Hà Nội hiện nay có một điểm chung: đều “cắm rễ” ở những địa bàn giáp ranh. Thực tế cho thấy, có những nguyên nhân, yếu tố “thuận lợi” khiến vùng giáp ranh lâu nay trở thành “miền đất tội phạm”.
Khám phá “lô cốt” ma túy
Đến điểm “nóng” ma túy bãi rác Trung Liệt, thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, khu vực giáp ranh với ngõ 87 Láng Hạ, thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình vào một ngày nắng ráo, nhưng càng “lọt” sâu vào những con ngõ ngoằn ngoèo, tối tăm nơi đây ai cũng có cảm giác gai người. Điều “ấn tượng” nhất khi đến “lô cốt” ma túy này, chính là sự xuất hiện của rất nhiều quán nước nhỏ. “Lạ” ở chỗ, tôi lần mò vào những ngóc ngách ở đây lúc lâu mà chẳng gặp bóng người dân nào qua lại, nhưng cứ khi đến gần một quán nước nào đó là “đụng” ngay đám đông ngồi la liệt. Họ “đánh” mắt nhìn tôi từ xa, người lạ “lạc” vào ngõ cụt. Một cán bộ công an đi cùng nói nhỏ: nhiều kẻ trong số đó là “chân rết” bán ma túy thuê. Chúng đã cảnh giác từ khi có người lạ bước chân vào ngõ…
Cầu Trung Hà – nối xã Thái Hà, huyện Ba Vì với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được xác định là một “điểm đen” về ma túy
Trung tá Đỗ Văn Cường – Trưởng CAP Trung Liệt, quận Đống Đa kể: Những năm 1980, do thiếu địa điểm đổ rác thải, UBND TP Hà Nội đã cho phép xe chở rác, phế thải đổ xuống một hồ nước tại đây. Rác nhiều như “núi”, kéo theo một lượng người từ khắp nơi về đây hành nghề nhặt rác kiếm sống. Họ bắt đầu dựng lều, dựng nhà tạm để ở. Không thấy ai nói gì, họ tiếp tục xây nhà kiên cố và hình thành một khu dân cư “nhảy dù” như ngày nay.
Cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, nơi đây được quy hoạch thành công viên văn hóa Đống Đa, trên nền khu đất bãi rác rộng khoảng 0,8 hecta. Tuy nhiên, do chưa giải tỏa được mặt bằng, dự án đến nay vẫn “nằm” trên giấy – Trung tá Cường cho biết. Số đối tượng “nhảy dù” xuống khu đất này ngay từ đầu đã có biểu hiện phức tạp, nhiều loại tệ nạn xã hội nhanh chóng phát sinh, trong đó có tệ nạn và tội phạm ma túy. Năm 1996, khu vực bãi rác Trung Liệt, được “bình chọn” là một trong những tụ điểm ma túy “nóng” nhất địa bàn Thủ đô. Những năm qua, các lực lượng CATP Hà Nội đã triển khai nhiều “trận đánh” quy mô, bắt giữ hàng trăm đối tượng ma túy “nổi”, song sức “nóng” của địa bàn không hề giảm.
Một số điểm, tụ điểm ma túy giáp ranh khác như: khu vực bệnh viện 09 Thanh Trì, giáp ranh với quận Hà Đông; khu vực xã Thái Hòa, huyện Ba Vì giáp ranh với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ… những tháng đầu năm 2011 “nóng” lên bất thường. Đây đều là những tụ điểm ma túy tồn tại lâu năm, thu hút nhiều “con nghiện” qua lại mua bán gây mất ANTT địa bàn.
Và tụ điểm “có 1 không 2″
Video đang HOT
Ít ai ngờ rằng, một huyện vùng cao như Ba Vì có thời điểm phát sinh tới 5 tụ điểm phức tạp về ma túy. Trung tá Nguyễn Văn Chế – Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế – ma túy CAH Ba Vì cho biết: Với địa bàn rộng lớn gồm 31 xã, thị trấn, có các tuyến giao thông thủy, bộ lại tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, nên công tác phòng chống tội phạm ma túy ở Ba Vì gặp nhiều khó khăn. Đến nay, địa bàn còn một điểm “nóng” phức tạp về ma túy trên tuyến sông Đà, đoạn qua thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, giáp ranh với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Theo chân cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy – CATP Hà Nội, PV ANTĐ có dịp đến xã Thái Hòa để tìm hiểu tụ điểm ma túy “có 1 không 2″ này. Một người dân xã Thái Hòa cho biết: diện tích đất canh tác trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp, nên thanh niên, trai tráng xã Thái Hà nhiều năm nay đã quen rong ruổi trên tuyến sông Đà kiếm sống.
Không ít người còn rời bỏ quê hương, xa gia đình lên các tỉnh vùng núi phía Bắc đào đãi vàng. “Vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy thân tàn ma dại hồi hương. Chính những người dân đi đào vàng đã “mang” tệ nạn ma túy về vùng quê bình yên này – người dân này kể. Tụ điểm ma túy và những “đại lý” bán lẻ “cái chết trắng” trên sông, ven sông đến với vùng quê nghèo này tình cờ như thế. Có thời điểm, nơi đây thu hút hàng chục con nghiện qua lại. Nhiều “con nghiện” lặn lội chèo thuyền từ bên kia sông Đà – huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ sang xã Thái Hòa mua “hàng”.
Nhớ lại vụ triệt xóa tụ điểm ma túy miền sông nước, do đối tượng Lê Văn Trung (SN 1974), trú tại xã Thái Hòa, huyện Ba Vì cầm đầu – Trung tá Chế kể, Trung là đối tượng đã có 1 tiền án về tội ma túy, bản thân nhiễm HIV giai đoạn cuối, mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống song đã tái phạm. Đề phòng bị công an phát hiện, hắn thường đi đò, thuyền dưới sông Đà vào ban đêm để bán ma túy cho các “con nghiện” từ nhiều nơi đến “giao dịch”. Để vây bắt Trung, lực lượng công an phải phục kích hắn lên bờ. Gần 1 tháng sau, một ngày cuối năm 2010, trinh sát phát hiện Trung ra khỏi nhà, đi xuống đò bán ma túy đã áp sát bắt giữ. Bị phát hiện, Trung chống trả quyết liệt và cắn vào tay một cán bộ công an hòng nhảy xuống sông trốn thoát. Tuy nhiên, với ý chí dũng cảm, lực lượng công an đã tóm gọn đối tượng này, thu trong người hắn 9,12 gam heroin.
(Còn nữa)
Theo ANTD
Xoá bỏ tụ điểm mại dâm phức tạp nhất Hà Nội
Đêm buông xuống, đường Giải Phóng hun hút. Dòng người vẫn hối hả ngược xuôi. Phía bên kia đường những quán gội đầu thư giãn, nhà nghỉ hắt những ánh sáng mờ ảo. Ánh vàng nhợt nhạt của đèn cao áp xuyên qua màn đêm khiến bước đi của những cô gái bán hoa thêm xiêu vẹo. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc trên con đường này vào mỗi tối. Tuy nhiên sau gần 10 năm đấu tranh quyết liệt, tụ điểm mại dâm phức tạp nhất Hà Nội đã được xóa bỏ.
200 bộ hồ sơ gái bán hoa
Từ những năm 2000, tuyến đường Giải Phóng thuộc phường Giáp Bát đã trở thành một trong những tụ điểm mại dâm di động phức tạp nhất Hà Nội, bên cạnh những khu vực như đường Trần Bình Trọng, phố Phạm Ngũ Lão - Tràng Tiền - Bác Cổ, Nguyễn Trãi - Hà Đông... Là một địa bàn nhạy cảm: có tuyến đường Quốc lộ 1A chạy qua, ga Giáp Bát, Bến xe phía Nam, nhiều nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn đã tạo thuận lợi cho mại dâm công cộng tại đây hoạt động vô cùng táo bạo.
Hình ảnh quen thuộc trên đường Giải Phóng những năm về trước, nay đã giảm rất nhiều
Lật giở gần 200 bộ hồ sơ được xếp từng chồng trong tủ, Trung tá Nguyễn Xuân Bảo, Phó Trưởng Công an phường Giáp Bát bảo: 200 bộ hồ sơ là 200 thân phận gái bán dâm bị Công an phường bắt về từ năm 2004 đến nay. Có nhiều trường hợp tái phạm từ 3-4 lần. Nhiều nhất là năm 2004, vào mỗi buổi tối, gái bán dâm đứng hai bên đường dày đặc mà chúng tôi gọi vui là những "hàng rào danh dự". Mỗi lần bắt được khách, gái bán dâm sẽ dẫn khách vào hành lạc ngay tại các nhà nghỉ vốn nhiều như nấm trong khu vực.
Sau 20-30 phút, các cô gái này lại xuất hiện tại vị trí cũ để bắt những lượt khách tiếp theo. Điều đáng nói là hiếm một cô nào không nghiện ma túy. Tệ hại hơn, nhiều cô đang điều trị HIV/AIDS giai đoạn cuối tại Bệnh viện 09 (trung tâm Cầu Bươu, Thanh Trì) cũng trốn viện ra đón khách. Khi bị bắt, chúng tôi chỉ biết trả về bệnh viện dẫu biết rằng sau đó không lâu, ả lại sẽ trốn ra ngoài bán dâm để lấy tiền mua ma túy. Trung bình mỗi ngày gái bán dâm kiếm được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Đó là không kể có nhiều cô kiếm 5-10 triệu chỉ một lần do "móc ví" khách làng chơi. Tất cả số tiền này bị nướng hết vào ma túy.
Đến bây giờ, nhiều người vẫn không thể quên được buổi chiều cuối tháng 4-2009, khi công an phường nhận được tin báo cô Lê Thị H đang trong tình trạng nguy kịch trên vỉa hè đường Giải Phóng. H sinh năm 1982, vốn nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp với khuôn mặt tròn trịa, hài hòa. H bắt đầu hành nghề mại dâm từ năm 18 tuổi và không lâu sau đó dính vào ma túy như một điều tất yếu cần phải "tăng lực" sau những đêm thác loạn. Cũng vì nghiện ma túy nặng mà H nhiễm HIV. Để có tiền mua thuốc, dù đang bị HIV giai đoạn cuối, H vẫn lang thang ra đường tàu. Sức khỏe đã kiệt quệ, thân hình lở loét. Vào buổi chiều công an đến, H chỉ còn kịp trút hơi thở cuối cùng, không một người thân bên cạnh. Khi xe cấp cứu chở H vào nhà xác, chẳng ai khác là anh Bảo và các anh em công an khác phải bê cô gái xấu số này lên xe. Sáng hôm sau, mẹ H mới từ Thanh Hóa ra nhận xác con.
Còn Yến, thoạt nhìn, rất có sức quyến rũ đối với đàn ông. Nước da trắng, đôi mắt đen láy, dáng cao dong dỏng. Yến lớn lên tại một thị trấn ở Hải Phòng trong một gia đình nghèo. Bố mẹ ly hôn đã khiến Yến chán đời theo bạn bè đi bụi từ năm 14 tuổi. Nhiều lần bố mẹ tìm đưa về nhà nhưng sau đó cô lại trốn đi. 15 tuổi Yến bắt đầu biết đến ma túy. Nhưng trong một lần đi khách, cô bị bắt tại nhà nghỉ, đưa lên Trung tâm lao động số 2. Sau một thời gian cải tạo, Yến được trở về cộng đồng. Sẵn có nhan sắc, lại không có tiền, cô tiếp tục hành nghề, kiêm thêm cả việc bán ma túy. Đêm ngày 15-3-2010, trong lúc đứng đón khách tại đường Giải Phóng, cô bị công an bắt.
Nguyễn Thị Hương, 17 tuổi, quê ở Phú Thọ cũng bị bắt giữ vào một đêm ngày 15-10-2010. Trong bản tường trình Hương viết: Tôi đã hành nghề bán dâm được 1 năm. Hàng ngày cứ 9h30 tôi ra đón khách ở đường Giải Phóng, đối diện Bến xe Giáp Bát. Trung bình mỗi khách tôi lấy 150.000 đồng, tôi trả tiền phòng. Mỗi tối tôi "đi" 2-3 khách. Đến 10h ngày 15-10-2010 tôi bị bắt khi chưa bắt được khách nào". Sau đó Hương được đưa đến Trại Lưu trú Lộc Hà.
Lan, Trâm, Ngọc, Minh... cũng là những cái tên đã 2-3 lần bị bắt về trụ sở công an phường. Vốn là gái mại dâm được đưa lên Trung tâm Giáo dục lao động số 2, Ba Vì, Hà Nội nhưng do bị HIV giai đoạn cuối nên các cô được chuyển về điều trị tại Bệnh viện 09. Tại đây sau một thời gian thuốc men, cơ thể khỏe lại, "ngựa quen đường cũ", các cô trốn viện ra lang thang ở đường Giải Phóng bắt khách. Có tiền, lại tái nghiện. Bị bắt, công an trả về bệnh viện. Nhưng có thể chỉ một thời gian sau lại thấy các cô xuất hiện. Đây là một trong những đối tượng gây nhức nhối nhất.
Theo bác sĩ Vũ Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện 09: Bệnh viện có nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân AIDS có hoàn cảnh đặc biệt. Đó là những người lang thang, gia đình bỏ rơi, không có khả năng chăm sóc, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các đối tượng tại 9 trung tâm lao động xã hội của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng trong diện được điều trị miễn phí tại đây.
Theo thống kê sơ bộ tại bệnh viện đã có khoảng 50-60 gái mại dâm nhiễm HIV giai đoạn cuối được chuyển từ Trung tâm lao động xã hội số 2 về đây điều trị. Có trường hợp nằm 1-2 tháng hoặc 3-4 tháng là nhiều. Khỏe lên các cô được ra viện. Nếu ở Trung tâm giáo dục lao động số 2 các cô gái mại dâm bị quản lý tập trung thì tại đây các cô được coi là bệnh nhân đang điều trị tại một cơ sở y tế. Theo Luật Phòng chống AIDS, bệnh nhân AIDS có thể từ chối điều trị, được miễn giảm xử phạt hành chính. Đây chính là lý do khiến họ "lợi dụng" bỏ điều trị, trốn ra ngoài mà không bị cưỡng chế bắt vào. Khi đã ra khỏi cánh cổng, bệnh viện cũng không thể giám sát, ép buộc họ quay về.
Kiên quyết xóa bỏ
Suốt 10 năm, tuyến đường Giải Phóng, phường Giáp Bát là địa bàn nóng nhất về tình trạng mại dâm, nhiều lúc tưởng như không thể giải quyết. Gái mại dâm liên tục thay đổi bằng nhiều thủ đoạn: dùng điện thoại di động, thuê "xe ôm" đón khách. Công an đã mở nhiều cuộc truy quét nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng đó lại tái diễn, bắt không xuể.
Năm 2004, Trung tá Nguyễn Xuân Bảo được điều từ Công an quận Hoàng Mai về tăng cường cho phường Giáp Bát với nhiệm vụ xóa bỏ tụ điểm mại dâm lớn nhất thành phố. Cùng với các lực lượng khác, Công an phường Giáp Bát xây dựng kế hoạch hiệp đồng tấn công liên tiếp trong suốt 6 năm trời. Từ 124 trường hợp gái mại dâm bị bắt năm 2004 xuống còn 80 năm 2005, 60 năm 2006. Năm 2010 chỉ còn 26 trường hợp, chuyển 16 đối tượng lên Trung tâm Lưu trú Lộc Hà, xử lý hành chính 10 đối tượng đang mang thai, nuôi con nhỏ, xử 4 người làm "xe ôm" chở gái mại dâm, xử lý 5 nhà nghỉ vi phạm hoạt động mại dâm.
Cuối tháng 3-2011 vừa qua, tụ điểm tệ nạn mại dâm ở khu vực phường Giáp Bát đã được xóa bỏ, được UBND TP Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá có nhiều biện pháp làm hay góp phần đẩy lùi tệ nạn này. Trung tá Nguyễn Xuân Bảo vừa gấp lại đống hồ sơ vừa cười nói: Bây giờ chúng tôi có thể nói với nhân dân ở đây là đã tương đối hoàn thành trách nhiệm. Sau nhiều đêm thức trắng phục kích, tuần tra, cuối cùng cũng đã đạt được mục tiêu đề ra. 4 kinh nghiệm mà theo Trung tá Bảo để góp phần đưa đến thành công là: Tăng cường tuyên truyền các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn phường cam kết không cho gái mại dâm vào hoạt động, duy trì kế hoạch bắt gái mại dâm, kiểm tra liên tục và xử lý một số trường hợp để giáo dục, răn đe theo Nghị định 152 của Chính phủ.
Đêm đã bình yên hơn trên con đường huyết mạch dẫn vào thành phố. Dưới những ngọn đèn cao áp cũng không còn bóng những cô gái phấn son lòe loẹt đứng "vợt khách". Tuy nhiên, đâu đó, thi thoảng vẫn có thể bắt gặp một hai cô gái với khuôn mặt mệt mỏi nhìn vào dòng người qua lại, mong có một chiếc xe dừng xuống. Đó là các đối tượng mại dâm lợi dụng nuôi con nhỏ hoạt động. Hiện tại phường Giáp Bát vẫn còn tồn tại 5-6 đối tượng này. Những trường hợp này đa số bị chồng bỏ hoặc không có chồng, không nghề nghiệp. Không có tiền nuôi con, lại ra đứng đường, bị bắt, được thả, lại tái phạm. Lực lượng công an cũng không còn cách nào khác là khuyên bảo, nhắc nhở họ tìm một công việc khác phù hợp hơn.
Theo ANTD
Xóa sổ tụ điểm cờ bạc lớn, bắt 37 đối tượng Chiều 30/3, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá thành công tụ điểm cờ bạc quy mô lớn tại xã Thường Thắng, Hiệp Hoà bắt 37 đối tượng, thu giữ gần 130 triệu đồng. Theo thông tin do quần chúng cung cấp, các đối tượng đang tổ chức đánh bạc tại nhà Nguyễn Văn Mười (47...