Cuộc chiến Libya ngốn bao nhiêu tiền?
Các bộ trưởng quốc phòng khối NATO, hôm nay (6/10), bàn thảo thời điểm tuyên bố chấm dứt chiến dịch không kích Libya giữa lúc có nhiều lo ngại về chiến phí tăng cao và sự mù mờ về mục tiêu chiến tranh sau khi đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ.
Các chiến binh chống Gaddafi trong một buổi lễ mừng ở Tripoli. (Ảnh: Corbis)
Video đang HOT
Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, phát biểu hôm 5/10 rằng, việc kết thúc cuộc chiến Libya sẽ không do số phận của ông Gaddafi quyết định.
“Yếu tố then chốt là bảo vệ dân thường, vì vậy, khi không còn mối đe dọa nào nhằm vào họ thì đã đến lúc phải kết thúc chiến dịch của chúng ta”, Rasmussen nói trong bài phát biểu mở đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Brussels, sự kiện có sự tham dự của cả các nước Ảrập tham gia chiến dịch.
Rasmussen cho hay, quyết định sẽ được đưa ra một phần dựa trên cơ sở đánh giá khả năng của chính phủ mới ở Tripoli trong việc bảo vệ thường dân, và sẽ được đưa ra tham vấn với Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) và Liên Hợp Quốc.
Lực lượng ủng hộ Gaddafi vẫn nắm giữ nhiều khu vực ở các thành phố Sirte và Bani Walid, nhưng vì các thành trì này đang thu hẹp lại, nhiều mục tiêu quân sự của các máy bay NATO cũng giảm bớt.
Máy bay của NATO không thực hiện một cuộc không kích nào kể từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, các đợt xuất kích của máy bay Typhoon và Tornado của Không lực Hoàng gia Anh, thậm chí không thả một quả bom hay bắn một tên lửa nào, vẫn lần lượt ngốn tới 35.000 Bảng và 45.000 Bảng.
Theo một số ước tính, cuộc chiến sẽ sớm tiêu tốn của Anh hơn 1 tỷ Bảng, với Pháp và Mỹ cũng chịu các khoản chiến phí tương tự. Hiện đang có một sự lo ngại ở cả ba nước rằng chiến dịch sẽ kéo dài vô hạn định.
Trong khi đó, các thành viên NATO lúc đầu phản đối sự can thiệp quân sự ở Libya, gồm Đức và một số nước Đông Âu, giờ đây cho rằng nhiệm vụ của liên minh này không còn rõ ràng nữa.
Các quan chức NATO thừa nhận, sẽ rất khó để đưa ra một đánh giá về thời điểm người dân bình thường không còn phải chịu đe dọa.
“Một chiến dịch cũng giống như một cuộc hôn nhân. Điều duy nhất bạn biết chắc là ngày nó bắt đầu”, một quan chức cấp cao bình luận. “Mối nguy lớn là một ngày chúng ta dừng lại và ngày hôm sau có một cuộc thảm sát, trong trường hợp đó chúng ta thất bại”.
Các nhà hoạch định chính sách của Liên minh hiện đang thảo luận một viễn cảnh mà theo đó, những người trung thành của ông Gaddafi không nắm giữ thành trì nào nhưng lại tiếp tục gây thương vong, như những người theo Saddam Hussein đã làm ở Iraq.
Trong một tình huống như vậy, người dẫn sẽ phải chịu nguy hiểm triền miên, nhưng các máy bay của NATO sẽ gần như không thể can thiệp mà không gây thương vong cho dân thường.
Các quan chức NATO cũng lo ngại rằng, giao chiến có thể nổ ra giữa các lực lượng cùng hạ bệ chế độ Gaddafi. Họ tin rằng, liên minh này sẽ có nghĩa vụ phải can thiệp theo các điều khoản trong lệnh ủy thác của Liên Hợp Quốc để bảo vệ người dân Libya.
Liên minh NATO hiện nay đang giữ trách nhiệm kiểm soát không lưu trên bầu trời Libya, và có thể phải mất một thời gian tân chính quyền mới có thể đảm nhận được nhiệm vụ này.
Theo VietNamNet