“Cuộc chiến không tiếng súng” trong ngành nước giải khát Việt
Với tốc độ tăng trưởng từ 5-7% trong những năm gần đây, thị trường nước giải khát Việt Nam lâu nay vẫn được đánh giá là “miếng bánh” ngon so với nhiều thị trường các nước lân cận.
Thị trường nước giải khát là miếng “bánh ngon” nhưng doanh nghiệp nội chỉ được một góc rất nhỏ, phần lớn còn lại đều nằm gọn trong tay của những công ty nước ngoài. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam )
Thế nhưng, cũng không phải tới bây giờ, những người trong ngành mới ngậm ngùi thừa nhận, “bánh ngon” nhưng doanh nghiệp nội chỉ được một góc rất nhỏ, phần lớn còn lại đều nằm gọn trong tay của những công ty nước ngoài.
Sẽ chỉ là câu chuyện “biết rồi, nói mãi” của ngành giải khát cho tới khi một loạt vụ việc bê bối liên quan tới nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty URC khuấy đảo dư luận gần đây, người ta mới giật mình nhìn lại cuộc so kè “một mất, một còn” giành chỗ đứng trên thị trường Việt của các công ty nước ngoài, cũng như “ sức khỏe” thật sự của những doanh nghiệp nội trong ngành giải khát.
Người ta không chỉ thấy có sự lỏng lẻo trong giám sát, quản lý chất lượng nước giải khát mà còn nhận ra rằng doanh nghiệp trong nước đang “yếu” đủ đường. Và, với một “cơ thể” nhiều bệnh thật như vậy, doanh nghiệp nội liệu sẽ trụ lại ra sao trước một cuộc chiến hội nhập đang vào hồi căng thẳng hơn bao giờ hết.
Bài 1: Tăng trưởng ngoạn mục như thị trường nước giải khát Việt
Sự có mặt của khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát trong đó bao gồm cả ông lớn hàng đầu thế giới như Pepsi Cola, Coca Cola… cùng với hàng nghìn các doanh nghiệp trong nước khác đang chứng tỏ sức thu hút to lớn của thị trường nước giải khát Việt Nam.
Chưa hết, trong những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm nước giải khát có gas, không gas, nhu cầu tiêu thụ nước giải khát của người dân còn được thỏa mãn bởi một loạt các loại sản phẩm được quảng cáo là có nguồn gốc từ thiên nhiên và tốt cho sức khỏe.
(Đồ họa: PV/Vietnam )
Đó là vô số các loại nước giải nhiệt, trà giảm béo, nước khoáng, nước bổ sung thêm một số vi chất, nước tăng lực…
Video đang HOT
Từ sự đa dạng và phong phú của mặt hàng này, có thể ví thị trường nước giải khát Việt như một “dàn nhạc giao hưởng,” đầy sôi động và náo nhiệt, với đủ loại cung bậc âm sắc nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu… lạc nhịp.
Gần 90% thuộc về ba “ông lớn”
Chỉ sau vài chục năm đầu tư vào Việt Nam, hai doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Coca Cola, Pepsi Cola đang chiếm lĩnh gần như tuyệt đối thị phần nước giải khát có gas. Trong khi đó, với phân khúc nước uống giải khát không gas thì duy nhất hiện có Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp 100% vốn trong nước vẫn đang chi phối.
Theo báo cáo của Hiệp hội bia rượu-nước giải khát, đến thời điểm này, thị phần ngành nước giải khát hiện do Coca Cola chiếm lĩnh trên 41%, PepsiCo khoảng 22,7% trong khi Tân Hiệp Phát là 25,5%, số còn lại khoảng 10,5% thuộc về các cơ sở nhỏ lẻ khác.
Dưới cái bóng của 3 “Gã khổng lồ” nói trên là sự hiện diện của các loại nước giải khát có bổ sung vi chất dinh dưỡng, những cái tên từ mỹ miều với các cụm từ như tăng lực, collagen đến nước thảo dược… với thiết kế màu sắc bắt mắt, được thiết kế với nhiều hình dáng khác nhau được bán khắp nơi, từ những hàng trà đá vỉa hè đến các siêu thị, trung tâm thương mại…
Ông Vũ Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu – Nước giải khát cho biết, thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam đang có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư bởi lẽ, các nước lớn như Pháp, Nhật Bản… cũng chỉ kỳ vọng mức tăng trưởng trên thị trường nội địa khoảng 2% mỗi năm thì Việt Nam trong những năm gần đây vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng từ 6-7%.
Do vậy, sức hấp dẫn này cũng là niềm ước mơ của nhiều ngành công nghiệp lớn trên thế giới.
Sự thâm nhập của những “ông lớn” nước ngoài là điều khó tránh khỏi khi tiềm lực của những đơn vị này là vô cùng hùng hậu và có chiến lược rất bài bản. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam )
Trước một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn như vậy, không chỉ các các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian qua, mà bản thân các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cũng ráo riết nâng công suất hoạt động.
Trong tháng 1/2015, Tập đoàn Hòa Bình đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh để xây dựng nhà máy sản xuất nước ngọt (có gas và không có gas) nhằm chiếm lĩnh nhiều phân khúc thị trường tại nông thôn và các khu đô thị lớn.
Trong khi đó, tập đoàn Tân Hiệp Phát đã xây dựng thêm nhà máy Number One Chu Lai tại miền Trung – Tây nguyên và nhà máy nước giải khát Number One Hà Nam ở miền Bắc, nâng tổng công suất lên 2 tỷ lít/năm để đón đầu thị trường.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ và tốc độ phát triển tốt của thị trường Việt Nam, Tập đoàn Coca Cola cũng tiếp tục đầu tư hàng triệu USD để nâng cao hiệu quả hoạt động của 3 nhà máy tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khi có mặt ở Việt Nam vào năm 1994 đến nay, PepsiCo đã đầu tư khoảng 500 triệu USD, xây dựng 5 nhà máy sản xuất đồ uống. Nhà máy mới nhất được khai trương vào tháng 10/2012 tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 73 triệu USD, được xem là nhà máy nước giải khát và thực phẩm lớn nhất châu Á trong hệ thống PepsiCo toàn cầu.
Ai kiểm soát thị trường bán lẻ?
Đánh giá về năng lực cạnh tranh của các công ty đồ uống trong nước, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, hiện sức ép thâm nhập của doanh nghiệp ngoại vào thị phần nước giải khát Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ.
Ngoài các hãng lớn như Coca Cola, Pepsi đã hiện diện từ lâu thì nhiều doanh nghiệp đến từ Singapore, Thái Lan, Malaysia… cũng đang thâm nhập nhiều hơn vào thị trường đồ uống của Việt Nam.
Ông Phú nhẩm tính, trong 800 điểm siêu thị Việt Nam thì có 100 điểm là của các doanh nghiệp FDI, nhưng quan trọng hơn, theo ông thì dù ít hơn về số lượng nhưng doanh số của những điểm này đã gấp 5-7 lần siêu thị trong nước.
Từ thực tế đó, lãnh đạo Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, thị phần bán lẻ của ngành đồ uống trong nước ngày càng chịu nhiều nguy cơ và sức ép cạnh tranh hơn từ hệ thống bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam.
Thấy rõ nhất là các khoản chiết khấu chi phí khuyến mại mạnh của doanh nghiệp nước ngoài đang làm hàng hóa của Việt Nam không trụ nổi, dẫn đến thu hẹp thị phần trong kênh bán lẻ hiện đại
“Điều đáng nói là doanh nghiệp FDI, ngoài việc thâm nhập vào các dây chuyền sản xuất bằng cách liên doanh hoặc mua lại thì họ còn thâm nhập vào hệ thống phân phối bằng cách thôn tính,” ông Vũ Vinh Phú nói.
Sự thâm nhập của những ông lớn nước ngoài theo nhiều chuyên gia là điều khó tránh khỏi khi tiềm lực của những đơn vị này là vô cùng hùng hậu và có chiến lược rất bài bản. Tỏ ra lo lắng về sự “teo tóp” của doanh nghiệp nội, điều làm những người theo dõi ngành nước giải khát quan tâm những đơn vị trong nước sẽ “đi đâu về đâu” khi cuộc chiến mang tên “hội nhập” đã chính thức bắt đầu.
Nguồn: Vietnam
Doanh nghiệp nước giải khát nội: "Bỏ quên" lợi thế "vườn nhà"
Mặc dù, có lợi thế về nguồn nguyên liệu trái cây nhiệt đới không thua kém Thái Lan, nhưng công nghệ chế biến nước giải khát từ nguyên liệu hoa quả của Việt Nam lại có khoảng cách khá xa với nước này.
Công nghệ chế biến cũng như đầu tư vào nước giải khát từ nguyên liệu hoa quả của VN thua kém với khoảng cách khá xa với Thái Lan - Ảnh: Bloomberg
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần nhận xét thẳng thắn rằng, trái cây trong nước đến mùa thường rơi vào tình trạng không có người mua, bị bán đổ bán tháo, hoặc hái bỏ hoặc may mắn hơn là trông chờ vào các cuộc giải cứu. Song thực tế, bài toán dễ nhất và hiệu quả nhất là đầu tư vào công nghệ chế biến dường như không thấy ai làm đến nơi đến chốn.
"Chúng ta thích làm cái dễ, thích sử dụng hương liệu hơn là dùng công nghệ để bảo quản, "ép" những nguyên liệu thật đó thành sản phẩm tốt để tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa" - ông Robert Trần chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc đầu tư vào công nghệ chế biến đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tính đến bài toán lâu dài, quy hoạch vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân... Việc này không đơn giản, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực vốn cũng như quản trị bài bản, chuyên nghiệp. Đó là lý do khiến doanh nghiệp nội "ngại" đầu tư.
Chỉ trong vòng 15 năm, sản lượng nước giải khát tại thị trường Việt Nam tăng gấp 6 lần, và đang được định vị là ngành "hot" nhất trong nhóm hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chỉ trong vòng 15 năm, sản lượng nước giải khát tại thị trường Việt Nam tăng gấp 6 lần, từ 800 triệu lít vào năm 2000 lên 4,8 tỉ lít trong năm 2015 và đang được định vị là ngành "hot" nhất trong nhóm hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh.
Có lẽ đây là lý do mà suốt nhiều thập niên qua, thị trường nước giải khát luôn diễn ra các cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Không ít doanh nghiệp Việt đã bị thâu tóm, những thương hiệu đình đám một thời đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Thị trường nước giải khát có gas: DN nội đủ sức thay đổi cục diện ? Thị trường đồ uống và nước giải khát VN: Cuộc chiến chưa hồi kết Doanh nghiệp nước giải khát tăng tốc đầu tư
Điển hình như thương hiệu Tribeco, mặc dù đã có lịch sử 20 năm hoạt động và luôn được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong hơn 11 năm liền trước đó. Thời điểm năm 2000, sản phẩm sữa đậu nành Tribeco được xem là "vô đối" trong dòng sản phẩm nước uống thiên nhiên có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng, sau khi lần lượt bán cổ phần cho các đối tác ngoại là Uni-President cùng lúc với việc xây dựng thêm 2 nhà máy để mở rộng sản xuất thì Công ty bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần.
Bên cạnh bị thâu tóm, không ít thương hiệu Việt đã rơi vào thế lép vế, vắng bóng dần trên thị trường do không thể cạnh tranh, như Cty cổ phần nước giải khát Chương Dương. Sự yếu thế trong các hoạt động quảng bá khiến thương hiệu này một lần nữa bị lu mờ để rồi người tiêu dùng gần như không biết đến các sản phẩm khác của Chương Dương ngoài xá xị.
Trong cuộc chia sẻ mới đây, về chiến lược phát triển của thị trường nước giải khát của khối nội, ông Lê Phụng Hào - Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam cho rằng, với mức tăng trưởng của thị trường nước giải khát, thị trường không phải là vấn đề đáng lo ngại, doanh nghiệp nội chỉ cần tìm sự khác biệt và thị trường ngách cùng với các sản phẩm riêng.
Ví dụ sản xuất ra các loại nước uống có nguồn nguyên liệu hoa quả đặc thù của Việt Nam như: vải, xoài... hay đưa ra sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình, giới học sinh, sinh viên... Nhưng điều đặc biệt quan trọng là các sản phẩm phải thể hiện được yếu tố "thật", tránh dùng những hương liệu công nghiệp vì khi nền kinh tế ngày càng phát triển, người tiêu dùng càng quan tâm tới yếu tố có lợi cho sức khỏe.
Mai Thanh (Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
Tìm đáp án cho bài toán của ngành bán lẻ Việt Nam Hội nhập mang đến cơ hội để hàng hóa Việt Nam xâm nhập các thị trường khu vực và quốc tế, thế nhưng cũng là thách thức không nhỏ khi hàng hóa nước ngoài tràn vào nước ta mà doanh nghiệp Việt vẫn chưa đủ lớn và đang chật vật trong cuộc chiến bảo vệ thị phần. Câu chuyện hàng Thái, hàng Nhật......