Cuộc chiến keo-người: Nước mắt sơn tràng
10 năm lại đây, phong trào trồng rừng đã phủ lên huyện nghèo Quế Sơn (Quảng Nam) một màu xanh áo mới. Và giờ, đứng đâu, ngồi đâu, cũng thấy… keo.
Đến nỗi, có khoảnh đất nào cằn cỗi người ta cũng xuống keo cho yên, chứ chẳng hơi sức đâu cải tạo cho phí công. Cái nghề khai thác keo hẳn nhiên sinh ra từ đấy. Cùng cực, đẫm khổ, nhưng phải bám thôi. Mảnh đất nắng cháy này đâu cho phép chê eo, kén lựa; cũng chẳng thể kiếm tìm nghề nào nuôi sống con người ở đây trường kỳ như nó được nữa.
Phận của núi
Tinh mơ, con đường xe cày quằn quẹo chéo chồng thân núi Gò Nỗng (xã Quế Long) bắt đầu ý ới tiếng người. Một “đội lính rừng”, trẻ già có đủ, vai gùi cơm nước, chân bám bước một leo ngược con dốc dựng sững. Dừng chân ngang đồi, ai nấy mồ hôi giọt dòng, bừng bừng thở dốc. Người phóc hòn đá, người phủi hốc cây ngồi phệt nghỉ sương dăm phút trong buổi sớm. “Làm keo phải đi sớm, trưa nắng đứng chi nổi” – anh Nguyễn Dũng – người dân thôn Lộc Sơn, xã Quế Long – nhìn tôi rồi vác máy cưa gỗ dẫn “lính” lội rừng. Keo bật gốc nằm rạp. Cả đội bắt tay vào trảy nhánh, đập vỏ, khiêng vác, lật, lao cây xuống triền núi…
“Gà gáy phải lo dậy nấu ăn, cơm đùm, cơm gói, băng bộ cả chục cây số lên đây. Khổ lắm nhưng phải ráng” – bà Trần Thị Tứ (55 tuổi, ở thôn 7, xã Quế Long) nhún mình. Chân tay “ống điếu”, bà Tứ chỉ lột vỏ, nê vai được những khúc cây vừa, nhỏ. Phận rằng, con còn học, chồng sức yếu, bà phải đi, người ta hiểu, chấp nhận để bà “phụ” nên bà bám riết.
“Mình không mần thì ai mần?” – bà Tứ trách phận, đoạn ơn thầm: “Đi mần ri, có kẻ yếu người mạnh, bao bọc châm chước với nhau mà mần, chứ tình thực, mần ngang bằng tui kham không nổi”.
Chị Âu Thị Bình (40 tuổi), ở thôn Gia Cát Trung, xã miền núi Quế Phong. Gần 20 cây số là quãng đường chị Bình đi từ nhà đến núi này làm keo thuê. Một ngày, chị kiếm trên dưới 100.000 đồng, nhưng chị bảo: Thiếu! Thử tính đi, chi phí xăng bã, mắm muối, còn ốm đau, kỵ giỗ, cưới xin…”.
Video đang HOT
Bữa cơm đạm bạc giữa núi của các “sơn tràng”.
Chị Nguyễn Thị Cơ, mặt đen nhẻm, đầu đội chiếc mũ vải cũ mèm, bỗng dưng hỏi tôi, nhưng mắt cứ nhắm chằm vào khúc keo đang vọt dở trên tay: “Nhà tui 5 miệng ăn, ruộng 3 sào, chồng bị tai nạn bại liệt, 2 đứa đang ăn học… chú nghĩ khi nào giàu?”. Chẳng biết trả lời sao, tôi chỉ cười. Chị bám keo, keo đeo chị, mai sau thế nào, có trời biết. Nhưng đây, sải dài tay vẫn mùi keo hôi hoắc khó ngửi, và nhựa mủ vàng nhụa ăn chẹt cả áo quần.
Đồng tiền xương máu
“Lính rừng” bảo, nghề khai thác keo cùng cực, đẫm khổ lắm. Tôi nghe, thấy, nhưng… chưa thấm. Hơn 10h trưa, mồ hôi vã tắm, trời lặng gió, tôi phụ bà Tam lật cây xuống đường xe cày, đặng kịp giờ bốc lên xe. Đống keo vỏ lột trắng nhởn, trơn nhẫy, trịch mùi nhựa mủ. Lao cây, cây vật. Khúc chui hốc đá, khúc ọt xuống hố, tung bật tứ phía. Lủi xuống, lôi lên, lăn vật, trầy trật, lộn nhào. “Cây nào chèo léo, kéo gốc ra đã, đừng làm ẩu, bật vào mặt bây giờ” – bà Tam nhắc chừng.
Tiếng cây cứ thế đập đong đảnh, không vọng lại, não nề. Ạch ưởi, tưởng chừng như nới xương sống, tôi cùng bà Tam mới dựng đứng nổi khúc keo. Đẩy lăn, cả hai ịch mông xuống vạt bổi, thở hổn hển. Bà Tam hì hà: “Nó vẫn nằm đó, “ba tân” nữa mới chạy xuống đường”. Tôi thổi phì vạt mồ hôi lém miệng, lè lưỡi. Bà Tam lại xuề xoà: “Chưa mô. Thế này còn đỡ đấy, thấy ngọn đồi bên kia không? Mấy ổng sợ tốn, chẳng dám cày đường tận nơi, lao động phải vác những cây keo bự chảng dựng ngược từ hố lên đồi. Làm bên đấy, tối về lơ cơm, lơ cả… cháo”.
Tranh thủ bốc keo lên xe lúc giữa trưa.
Trưa, thân xác như bã, mềm nhũn, ai nấy oải bước xuống bóng cây. Chúng tôi ngồi lại ăn chung bữa trưa đạm bạc: Mắm thơm, măng kho… Ở rừng dường như chẳng ai muốn nhắc chuyện may rủi nghề keo. Nhưng rồi, cơm nước xong, ngồi lại, không kể, mắc miệng.
Bà Trực vừa loay hoay tìm nơi mắc võng thả lưng, vừa mở chuyện: “Khi sáng, thằng mô lao cây trên đồi xuống không biết, con Nga ở dưới bước lên, khúc cây chạy thẳng vào người nó. Cả đám đang làm gần đó, sảng quá, la thất lên. Ai nấy cũng trợn mắt tưởng chừng như có chuyện xảy ra với nó. May trời, nó tránh kịp”.
Tôi chưa hết bần thần thì bà Trực nói tiếp: “Sợ nhất lao cây từ trên đồi. Nhất là cây to, hắn chạy bán sống bán chết, có khi hắn chạy bên ni phóng qua bên kia. Lao động đang đập vỏ xung quanh hồn vía vắt ngọn cây”.
Nước mắt “sơn tràng”
Bao năm quẩn quanh bên mấy sào ruộng lúa, chắt bóp chẳng dư, anh Lê Công Tỵ (45 tuổi, ở xã Quế Phong) quyết định tích tiền mua chiếc máy cưa hành nghề cưa keo thuê. “Tui cưa đã hơn 5 năm rồi, tui cẩn thận lắm, nhưng nhiều lúc cũng hồn vía trên mây”. Cụ thể là sao? “Có lần, tui cưa ở ngọn đồi xuôi lắm. Mới cưa được nửa thân thì bất ngờ cây ngã tước hai, bật tung người tôi ra cả 4m. Tôi nằm bất tỉnh một hồi mới dậy được”.
Anh Tỵ dỡ chiếc mũ cũ mèm, quẹt ngang vạt mồ hôi ướt nhẹt đôi má, tiếp lời: “Nhiều lúc tôi nghĩ nó giống như cái số. Đang cưa, đã xác định được hướng cây ngã, nhưng bỗng dưng lại xuất hiện cơn gió, cây ngã ngược về phía mình”.
“Bỏ túi” vài lời gợi chuyện của nhiều “sơn tràng”, tôi rời chốn rừng thiêng về lại đồng bằng, lân la kiếm tìm những ký ức đau lòng từ “cuộc chiến”: Keo – người. Chết, thương tật là hai thứ tai nạn phổ biến. Chị Nguyễn Thị Hường (47 tuổi) ở thôn Gia Cát Tây, xã Quế Phong, có 3 người con. Đứa vừa tốt nghiệp ra trường đang tìm việc làm, đứa đang học 12, đứa học lớp 1. Chị Hường bảo, ruộng nhà thì làm chỉ đủ ăn, buộc thế chị phải đi làm keo kiếm thêm thu nhập. Vậy mà, mới “thử nghề” chưa đầy một tuần thì tai hoạ bất ngờ ập đến. Nói như anh Tỵ, là “cơn gió oan khốc”.
Cả buổi làm ở thôn An Long 1, trời im ả, keo cưa ngã một hướng, nhưng đến gần trưa, chị Hường vác keo xuống giữa ngọn đồi thì “cơn gió oan khốc” ấy xuất hiện. Cú đập chí tử xuống bả vai đã khiến chị Hường bị gãy xương sống. Hơn 5 tháng trời nằm oằn oài tại BV Đa khoa Đà Nẵng, trải qua nhiều đợt phẫu thuật nhưng thương tật của chị vẫn vậy. Bác sĩ lắc đầu, chị quay về.
Hôm đến nhà, chị cứ nhìn tôi im lặng, đôi mắt buồn rượi, khắc khoải như thể “khát” làm lắm, rằng chị không muốn trở thành gánh nặng của chồng, con… Nhưng, biết làm sao, sự thật là nghề keo đã khiến chị phải ngồi trên chiếc xe lăn hơn 2 năm nay – vì miếng cơm manh áo mà ra cả.
Chị Nguyễn Thị Hường phải ngồi xe lăn vì tai nạn nghề keo. Còn người cha già Nguyễn Hoàng chưa hết bàng hoàng trước cái chết của con trai mình.
Một buổi chiều cách đây 2 năm, người cha già Nguyễn Hoàng (thôn Lộc Trung, xã Quế Phong) nhận được tin dữ của con mình. Đứa con trai duy nhất của ông là Nguyễn Tuấn, trong lúc làm keo tại núi Bà Châu (xã Quế Châu) thì bị keo ngã đập chết tại chỗ. Ông Hoàng đau đớn: “Vừa hay tin, tôi như đứt ruột, đứt gan, chết lặng người”. Tuấn ra đi, bỏ lại vợ và đứa con mới 13 tháng tuổi.
Hôm gặp tôi, anh Hà Đồng – chồng chị Nguyễn Thị Mai, thôn 2b, xã Quế Châu – đã tỉnh táo trở lại làm ăn, sau hơn 3 tháng trời nằm nhà “từ việc”, tóc để dài đến cổ… vì sự ra đi đột ngột của vợ mình. “Tui không thể tin được cái nghề nuôi sống cả gia đình gần hơn 2 năm trời đã cướp mất vợ tôi chỉ trong tích tắc. Sáng đi làm đi ăn mà tối lại đi từ nhà thương về nhà”. 9 giờ sáng một ngày đầu năm 2012, đang lúc cắm cúi lột vỏ keo tại hố Bền (xã Quế Thuận) chị Mai bị keo ngã đập xuống đầu, chấn thương sọ não nặng rồi không qua khỏi.
Sau tang lễ, sáng anh Đồng lên mộ thắp hương vợ, ngồi thần người đến trưa mới về. Nỗi mất mát quá lớn nhưng rồi cũng phải nguôi ngoai. Còn con cái ăn học và tương lai của chúng nó, anh Đồng gượng dậy làm ăn và nghề anh chọn vẫn là nghề… keo!
Giải quyết việc làm cho 30% lao động nông nhàn
Toàn huyện Quế Sơn hiện có khoảng 9.000ha đất lâm nghiệp có khả năng trồng rừng. Trong đó có gần 7.000ha keo trồng thường xuyên. Mỗi năm khai thác từ 1.000 – 1.500ha, bình quân 1ha đạt 40 – 50 tấn/năm. Với giá dao động từ 900.000 – 1 triệu đồng/tấn keo, người trồng thu về 30 – 40% lãi.
“Những năm qua, việc phát triển trồng rừng, đặc biệt là cây keo trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Người dân xem đất rừng là đất canh tác chính, trồng rừng thâm canh mang lại hiệu quả cao. Đi cùng với đó là kinh tế, đời sống được đổi thay rõ rệt” – ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Quế Sơn – thông tin.
Theo 24h