Cuộc chiến “giải cứu” rừng Amazon: Hy vọng mang tên Lula
Một loạt ngân hàng Brazil vừa cam kết không cấp tín dụng cho những công ty chế biến thịt thu mua gia súc từ các khu vực bị phá rừng trái phép.
Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt nỗ lực chính phủ tổng thống Lula đang tiến hành nhằm cứu rừng Amazon khỏi sự tàn phá vô tội vạ.
Những nỗ lực mới nhất…
Quy định trên nằm trong bộ tiêu chuẩn phát triển bền vững do FEBRABAN, liên đoàn ngân hàng Brazil, ban hành hôm 31/5. Theo đó, để có được tín dụng từ các ngân hàng, những công ty chế biến thịt sẽ phải đảm bảo rằng họ không mua gia súc – trực tiếp hoặc gián tiếp – ở các khu vực phá rừng bất hợp pháp.
Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva quyết dẹp bỏ nạn phá rừng trái phép tại Brazil. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, các cơ sở giết mổ còn phải áp dụng hệ thống theo dõi để giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng của mình ở khu vực Amazon và bang Maranhao trước tháng 12/2025. Yêu cầu này áp dụng cho cả nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp.
21 ngân hàng Brazil, bao gồm những tên tuổi lớn như Itau Unibanco, Banco do Brasil, Bradesco, Santander và Caixa Economica Federal…, đã ký vào cam kết. FEBRABAN cho biết động thái này cũng sẽ đáp ứng quy định mới của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm bảo vệ rừng nhiệt đới. Hồi tháng 12, EU yêu cầu các nhà xuất khẩu vào khối phải chứng minh những mặt hàng nông nghiệp, bao gồm thịt bò, đậu nành và cà phê… không góp phần vào nạn phá rừng.
Hiện tại, hai tập đoàn chế biến thịt hàng đầu của Brazil là JBS SA và Marfrig Global Foods SA đã cam kết ngừng mua gia súc từ các nhà cung cấp gián tiếp có liên quan đến nạn phá rừng bất hợp pháp tại Amazon, kể từ năm 2025. Nhiều công ty tương tự cũng tuyên bố sẽ không mua hàng trực tiếp từ các khu vực bị chặt phá trái phép.
Hoạt động khai thác gỗ diễn ra với tốc độ chóng mặt khiến Amazon ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: Reuters
ABIEC, tổ chức đại diện cho các nhà xuất khẩu thịt bò Brazil, đã bày tỏ sự thất vọng về quy định này khi lưu ý rằng các chủ đất không phải đối mặt với các yêu cầu tương tự khi tiếp cận các gói tài chính. “Điều quan trọng là các ngân hàng phải áp dụng những yêu cầu về môi trường giống nhau đối với tất cả các chủ tài khoản, bao gồm cả chủ sở hữu ở các khu vực nông thôn”, ABIEC tuyên bố trong một email gửi tới báo chí.
Tuy nhiên, tinh thần chung của ABIEC vẫn sẽ là hợp tác. ABIEC cho biết tới nay, họ đã từ chối hơn 20.000 chủ trang trại bán gia súc cho các công ty thành viên của hiệp hội do những cơ sở chăn nuôi này có vi phạm về môi trường.
Phá rừng tràn lan
Video đang HOT
Sự tàn phá và suy thoái của Amazon – rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đã xảy ra liên tục. Trải dài trên 8 quốc gia, Amazon bao phủ hơn 3 triệu km2 với khoảng một nửa trong số đó nằm ở Brazil, cũng là trung tâm của sự tàn phá.
Báo Guardian (Anh) cho biết, các vệ tinh của chính phủ Brazil ghi nhận một phần rừng Amazon có diện tích kỷ lục 322 km2 đã bị “xóa sổ” vào tháng 2 năm nay. Con số này tăng 62% so với năm ngoái và là diện tích rừng bị phá lớn nhất trong một tháng kể từ khi nhà chức trách Brazil bắt đầu thống kê.
Môi trường sống của nhiều cộng đồng thiểu số bản địa ở Amazon bị ảnh hưởng nặng nề vì nạn phá rừng. Ảnh: Reuters
Còn theo một cuộc điều tra khác cũng được Guardian tiến hành, hơn 800 triệu cây đã bị đốn hạ tại Amazon chỉ trong 6 năm để phục vụ nhu cầu thịt bò Brazil. Cuộc điều tra là một phần của dự án “Forbidden Stories’ Bruno and Dom” nhằm tiếp tục công việc của Bruno Pereira – một chuyên gia về người bản địa Brazil, và Dom Phillips – một nhà báo từng là cộng tác viên lâu năm của tờ Guardian. Cả hai đã bị giết ở Amazon năm ngoái và người ta tin rằng, thủ phạm chính là những kẻ phá rừng.
Nạn phá rừng trên khắp Brazil đã tăng vọt từ năm 2019 đến năm 2022 dưới thời tổng thống lúc bấy giờ là Jair Bolsonaro. Dù việc chăn nuôi gia súc là nguyên nhân số 1 nhưng các hoạt động khai thác gỗ và khai khoáng cũng diễn ra với tốc độ chóng mặt, góp phần làm tổn thương nghiêm trọng rừng Amazon.
“Từ mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới đến ngành công nghiệp chăn nuôi giết mổ hơn 6 triệu gia súc mỗi năm”, dự án điều tra giữa Guardian và Forbidden Stories phân tích. “Vùng đất đa dạng sinh học nhất thế giới, nơi được xem như “lá phổi của hành tinh” giờ đây cũng là vùng đất của những công xưởng. Các doanh nghiệp là nguồn tăng trưởng kinh tế và việc làm cho cộng đồng. Nhưng họ đang hoạt động trong một môi trường đặc biệt – khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và một bể chứa carbon quan trọng của hành tinh – và điều này tạo ra những thách thức khó lường”.
Sử dụng hồ sơ các công ty, dữ liệu tài chính và nghiên cứu khoa học, những nhà phân tích của Guardian ước tính được giá trị hàng hóa khổng lồ “đi ra” từ Amazon, bao gồm từ khai thác vàng, quặng sắt và bauxite, chăn nuôi gia súc, trồng đậu nành, sản xuất bột giấy và khai thác gỗ… từ đó phác thảo bức tranh u ám về khu rừng đang kêu cứu.
Một ví dụ sống động là công ty khai khoáng Vale của Brazil. Kể từ năm 2010 đến nay, chỉ riêng Vale đã khai thác hơn 4 tỷ tấn quặng sắt từ mỏ Carajas, ở bang Para (phía bắc Brazil), trị giá 220 tỷ USD. Khu mỏ sắt lớn nhất thế giới này lọt giữa Rừng quốc gia Carajas, khu bảo tồn sinh học nằm ở phía đông nam rừng Amazon. Para cũng là quê hương của Alunorte, nhà máy luyện nhôm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc, tạo ra doanh thu khoảng 15,3 tỷ USD kể từ năm 2014.
Lĩnh vực khai mỏ cho đến nay vẫn là hoạt động sinh lợi nhất về mặt tài chính của Amazon và điều đáng nói, tất cả những dự án khai khoáng ấy đều hợp pháp. Mauricio Angelo, người sáng lập Tổ chức Mining Observatory, cho biết diện tích khai thác công nghiệp hợp pháp ở Brazil đã tăng gấp 7 lần kể từ năm 1985. Theo ông Angelo, việc mở rộng này, bao gồm cả xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, nhà máy thủy điện, cảng, đường sắt) mang lại những rủi ro lớn về môi trường và đe dọa tới sự tồn vong của các dân tộc thiểu số trong khu vực.
Trong khi đó, một báo cáo do Hội đồng Khoa học về Amazon (SPA) công bố hồi năm 2021 cho biết, khoảng 17% diện tích rừng Amazon – tức là rộng gấp 2 lần nước Đức – đã được chuyển đổi thành là các trang trại gia súc, những khu mỏ hoặc cánh đồng canh tác rộng lớn trong nửa thế kỷ qua.
Theo Carlos Nobre, nhà khoa học khí hậu nổi tiếng người Brazil, nếu nạn phá rừng đạt 20 đến 25% diện tích của Amazon, “những dòng sông bay” – những đám mây mưa tái tạo độ ẩm của chính khu rừng – sẽ yếu đi đủ để khu rừng không thể tự duy trì sự sống. Khi đó, hầu hết lưu vực sông Amazon ở miền nam Brazil, nơi tạo ra 70% GDP của đất nước, sẽ trở thành những xavan (trảng cỏ), chỉ trong vài thập kỷ.
Gió đang đảo chiều
Vận may của Amazon phụ thuộc vào những chính phủ nắm quyền. Từ năm 2004 đến năm 2012, Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, và chính quyền kế nhiệm do bà Dilma Rousseff lãnh đạo, đã có nhiều nỗ lực chống lại nạn phá rừng. Ghi nhận từ Tổ chức Amazon Monitoring cho thấy, hoạt động phá rừng tại Brazil giảm 84% trong giai đoạn từ 2010 đến 2014, một thành tích đáng ngưỡng mộ ngay cả khi so sánh với bất kỳ quốc gia nào khác.
Bãi khai thác vàng trái phép mọc lên như nấm tại Amazon. Ảnh: EURACTIV
Nhưng sau đó, tiến trình đã bị đảo ngược dưới sự thời Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro. Việc khai thác tài nguyên và trồng trọt trên đất rừng một cách bất hợp pháp đã gia tăng chóng mặt khi nguồn ngân sách cho các cơ quan môi trường bị cắt giảm và nhiều biện pháp bảo vệ bị dỡ bỏ. Chỉ trong 3 năm ông Bolsonaro lãnh đạo đất nước, một diện tích rừng lớn hơn cả nước Bỉ đã bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp hay những khu mỏ.
Khi trở lại nắm quyền vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Lula đã hứa sẽ chấm dứt nạn phá rừng ở Amazon. Một trong các quyết định đầu tiên ở nhiệm kỳ mới của ông Lula là khôi phục quyền hạn của Viện Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên tái tạo Brazil (Ibama). Đây là cơ quan bảo vệ môi trường chuyên trách của chính phủ, để chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp, nhưng đã bị làm suy yếu dưới thời ông Bolsonaro.
Tổng thống Lula cũng hủy bỏ một chính sách khuyến khích khai khoáng trên các vùng đất được bảo vệ của người bản địa do người tiền nhiệm ban hành. Bên cạnh đó, ông đã giải phóng Quỹ Amazon trị giá hàng tỷ USD do Na Uy và Đức tài trợ để hỗ trợ các dự án bền vững, củng cố cam kết chấm dứt nạn phá rừng ở Amazon.
Tất nhiên, hành trình “giải cứu Amazon” còn nhiều chông gai, minh chứng là diện tích rừng bị tàn phá vẫn tăng lên vào tháng 2 và tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng có thể lạc quan rằng “gió sẽ đảo chiều”, bởi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – đặc biệt là chống nạn phá rừng – đang được xem là ưu tiên cao nhất đối với chính phủ của Tổng thống Lula.
Trong phát biểu mới đây, ông Lula tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường nhân lực cho cơ quan chấp pháp để xử lý và trừng phạt các hoạt động khai thác vàng, khai thác gỗ và trồng trọt trái phép tại Amazon. Ông cũng sẽ thành lập một bộ dành cho người bản địa để những cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất “có cơ hội nói lên tiếng nói của riêng họ”.
Trên bình diện quốc tế, ông Lula đang vận động để Hội nghị khí hậu COP30 diễn ra năm 2025 được tổ chức ở Brazil, ngay tại khu vực Amazon, nhằm giúp thế giới thực sự hiểu được tầm quan trọng của khu rừng với hành tinh này. Và khi Brazil chủ trì cuộc họp G20 vào năm 2024, khí hậu cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Những lời hứa về tài chính khí hậu trị giá 100 tỷ USD cần được làm rõ bởi ông Lula cho rằng, các quốc gia giàu có phải thực hiện những cam kết của họ từ COP15 tại Copenhagen.
“Sẽ không có an ninh khí hậu cho thế giới nếu không có một Amazon được bảo vệ. Brazil sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để không còn nạn phá rừng và suy thoái quần xã sinh vật”, Tổng thống Lula nhấn mạnh.
Bước khởi đầu của hành trình trở lại quỹ đạo phát triển
Sau chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra hồi cuối tháng 10/2022, Tổng thống đắc cử Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã chính thức nhậm chức ngày 1/1 trong buổi lễ được tổ chức tại thủ đô Brasilia với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các nước Mỹ Latinh và đại diện nhiều nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu một nhiệm kỳ được đánh giá là vô cùng khó khăn với chính trị gia cánh tả kỳ cựu này khi mà tình hình nội bộ Brazil đang chia rẽ sâu sắc, cùng với ảnh hưởng từ những biến động khó lường của tình hình thế giới.
Ông Luiz Inacio Lula da Silva tại lễ nhậm chức Tổng thống Brazil ở Brasilia ngày 1/1/2023. Ảnh: AFP/ TTXVN
Sức hút và tầm ảnh hưởng của ông Lula da Silva trong suốt nhiều năm qua là điều không phải bàn cãi. Ông luôn nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ mọi tầng lớp trong xã hội, cũng như tạo được uy tín lớn trên trường quốc tế với những thành tựu nổi bật trong hai nhiệm kỳ liên tiếp hồi những năm 2000.
Mặc dù vậy, trong nhiệm kỳ này, nhà lãnh đạo Lula da Silva sẽ phải tiếp quản một đất nước Brazil với nhiều thể chế nhà nước đã bị suy yếu trong 4 năm vừa qua dưới thời của chính quyền cực hữu, từ các cơ quan bảo vệ môi trường cho tới hệ thống y tế công. Cùng với đó, việc chính quyền của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro cắt giảm ngân sách chi cho các trường đại học cũng gián tiếp khiến cho chất lượng giáo dục tại quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh suy giảm trong những năm gần đây.
Tổng thống Lula da Silva cam kết sẽ đầu tư mạnh vào giáo dục và hệ thống y tế phổ quát, khôi phục lại dự án hỗ trợ nhà ở cộng đồng giá rẻ, những lĩnh vực được cho là hết sức quan trọng đối với đời sống của đại đa số người dân Brazil. Nhà lãnh đạo cánh tả này khẳng định ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức sẽ là tiếp tục cuộc đấu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Cùng với đó, ông Lula da Silva cũng chú trọng tới việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt là quyết tâm chấm dứt tình trạng tàn phá rừng nhiệt đới Amazon, vốn được coi là "lá phổi xanh" của hành tinh. Trong suốt hai nhiệm kỳ trước đây của ông Lula da Silva và sau đó là bà Dilma Rousseff, Brazil luôn được coi là hình mẫu trong các chính sách bảo vệ môi trường khi đạt được nhiều thành công trong việc giảm đáng kể tình trạng tàn phá rừng, cũng như đưa ra được cam kết cụ thể trong việc giảm phát thải khí carbon xuống 37% vào năm 2025. Tuy nhiên, khi ông Bolsonaro theo đường lối cánh hữu lên nắm quyền, các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường của Brazil đã đảo chiều nhanh chóng khiến cho nước này bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh đó, việc ông Lula da Silva quay trở lại nắm quyền được dư luận hy vọng sẽ giúp cho Brazil lấy lại được hình ảnh và quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.
Tân Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tại lễ nhậm chức ở Brasilia ngày 1/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hồi giữa tháng 11, ông Lula da Silva đã tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, thể hiện quyết tâm đưa Brazil trở lại trung tâm thảo luận các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Ông cũng khẳng định sẽ thành lập bộ về các các dân tộc thổ dân, vốn là những cộng đồng phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất tác động của tình trạng tàn phá rừng và các loại tội phạm môi trường khác, để chính họ là những người đưa ra đề xuất với chính phủ về những chính sách bảo vệ các khu vực họ sinh sống. Ông Lula da Silva cũng bày tỏ hy vọng sẽ tăng cường liên minh giữa Brazil, CHDC Congo và Indonesia, 3 quốc gia sở hữu tới 53% diện tích rừng nhiệt đới trên Trái Đất, để cùng nhau tìm kiếm cơ chế tài trợ bền vững cho các chương trình bảo vệ thiên nhiên.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng nhà sáng lập đảng Lao động Brazil nhậm chức trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với hai nhiệm kỳ trước đây (giai đoạn 2003 - 2010). Giám đốc phụ trách châu Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Ryan Berg nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Brazil đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây, trong khi xuất khẩu được dự báo sẽ giảm trong năm 2023. Cùng với đó, nếu không có sự bùng nổ về giá nguyên liệu thì chính phủ mới ở Brazil sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện những cải cách đã hoạch định, cũng như những cam kết về chi tiêu xã hội.
Không những vậy, chính quyền mới của Tổng thống Lula da Silva đang phải đối mặt với sự chống phá mạnh mẽ của nhóm cực hữu vốn ủng chính quyền tiền nhiệm. Sau khi nhà lãnh đạo cánh tả này thắng cử, những nhóm ủng hộ trung thành nhất của ông Bolsonaro liên tục có những hành động phản kháng, thậm chí gây rối. Hàng nghìn người vẫn liên tục tổ chức các cuộc biểu tình trước các doanh trại quân đội kêu gọi lực lượng vũ trang can thiệp, không cho ông Lula da Silva được nhậm chức. Trong khi đó, bản thân ông Bolsonaro vẫn chưa hề công khai thừa nhận thất bại, khiến cho một bộ phận những người ủng hộ càng trở nên cực đoan hơn.
Chưa hết, với việc đảng Tự do cực hữu của ông Bolsonaro nắm quyền kiểm soát quốc hội, giới phân tích cho rằng chính quyền sắp tới của ông Lula da Silva sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các dự luật để có thể triển khai chương trình hoạt động của mình nếu không tìm được tiếng nói chung với một số đảng trung hữu trong cơ quan lập pháp. Thượng nghị sỹ Eduardo Girão thuộc đảng Podemos ủng hộ ông Bolsonaro tại Quốc hội từng thẳng thừng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ trở thành một lực lượng đối lập cứng rắn với chính quyền mới trong những năm tới đây".
Tân Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (giữa) tại lễ nhậm chức ở Brasilia ngày 1/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Về đối ngoại, việc ông Lula da Silva quay trở lại nắm quyền cũng đem lại một luồng gió lạc quan hơn cho phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh bởi chính ông là một trong những đầu tàu thúc đẩy hội nhập khu vực khi nắm quyền trong hai nhiệm kỳ trước. Với vị thế và vai trò của mình, dư luận kỳ vọng nhà lãnh đạo cánh tả này sẽ cùng với các nước khác trong khu vực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các chương trình hợp tác và hội nhập tại Mỹ Latinh thông qua các cơ chế như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), hồi sinh tổ chức Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và tạo ra sự đồng thuận trong các chính sách chung của khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động hiện nay, Tổng thống Lula da Silva đã phải thừa nhận, ngoài việc thúc đẩy hội nhập giữa các nước trong khu vực, ông và các chính phủ tiến bộ khác ở Mỹ Latinh cần phải chú trọng hơn trong giải quyết những vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư và tăng cường sản xuất trong nước nhằm hướng tới một sự phát triển bền vững hơn. Chuyên gia nghiên cứu chính trị Mauricio Santoro, trường Đại học Rio de Janeiro, đánh giá ông Lula da Silva sẽ có nhiều lợi thế trong thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế nhờ những dấu ấn từ các nhiệm kỳ trước và Brazil sẽ dần lấy lại được vị thế của mình trên các diễn đàn quốc tế, cũng như thể hiện được vai trò quan trọng tại LHQ cùng một số cơ chế hợp tác khác như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Rõ ràng sự quay trở lại lần này của ông Lula da Silva đang được dư luận đặt nhiều kỳ vọng để có thể giúp Brazil quay trở lại con đường phát triển. Hy vọng rằng với kinh nghiệm thực tiễn trên chính trường, nhà lãnh đạo cánh tả này sẽ tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội để thực hiện được những cam kết đã đưa ra, đáp ứng những đòi hỏi về một xã hội công bằng và phát triển bền vững, cũng như hòa nhập với xu hướng hội nhập ở Mỹ Latinh.
Một phần ba rừng Amazon suy thoái do hoạt động của con người, hạn hán Các vụ cháy rừng, khai thác gỗ và thay đổi môi trường sống dọc theo ranh giới rừng đã làm suy giảm ít nhất 5,5% diện tích rừng Amazon còn lại, tương đương 364.748 km2, từ năm 2001 đến 2018. Khói bốc lên từ đám cháy rừng Amazon ở Apui, bang Amazonas, Brazil, ngày 27/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) Theo một nghiên cứu đăng trên...