Cuộc chiến Facebook giữa Thủ tướng Hun Sen và lãnh đạo đối lập
Cuộc chiến Facebook giữa Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen và lãnh đạo đối lập Sam Rainsy đã bị lôi ra tới tòa án. Phe Thủ tướng bảo ông không hề bỏ tiền mua “like” (thích) như lời cáo buộc “bóp méo sự thật” của phe đối lập.
Thủ tướng Hun Sen (bìa phải) gần đây đã tỏ ra rất chuộng công nghệ – Ảnh: AFP
Vượt xa thủ tướng Anh
Thủ tướng Hun Sen đã lãnh đạo Campuchia trên dưới 30 năm. Nhưng chỉ mới gần đây, ông mới bắt đầu thích Facebook. Hồi tháng 11.2015, ông tuyên bố tài khoản Hun Sen trên Facebook chính là của mình, là nơi “đã đưa tôi tới gần nhân dân hơn, cho phép tôi lắng nghe và tiếp nhận những yêu cầu trực tiếp từ nhân dân”.
Ông đã khuyến khích người dân tố cáo các hành vi nhũng nhiễu, bắt nạt của quan chức thông qua Facebook, cùng lúc tô đậm những vụ việc mà ông đã can thiệp giúp dân. Thủ tướng Hun Sen cũng dùng Facebook để chỉ trích các nhân vật đối lập chống lại mình.
Lượt “like” trên trang Facebook của ông Hun Sen cứ thế mà tăng vùn vụt và tới tháng trước đã qua mặt số lần “like” của lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, người đang sống ở nước ngoài nhưng vẫn tích cực chỉ trích chính quyền Hun Sen.
Video đang HOT
Trang Facebook của ông Hun Sen đã được trên 3,2 triệu lượt “thích” – Ảnh: Facebook
Tính đến tháng 3.2016, Facebook của Thủ tướng Hun Sen được trên 3,2 triệu lượt “like” so với con số 2,2 triệu của ông Rainsy. Cả hai đều là những con số quá ngoạn mục ở một đất nước nhỏ bé như Campuchia, nơi dân số chỉ hơn 15 triệu người. Nếu muốn so sánh, hãy thử nhìn qua xứ sương mù – nơi dân số không những gấp 4 lần đất nước chùa tháp mà độ phủ internet là hơn 90% so với chưa đầy 10% của Campuchia. Ở Anh, Thủ tướng David Cameron được chừng 1 triệu “like” trên trang Facebook của mình.
“Thích” nội hay “thích” ngoại?
Rainsy đã lên tiếng. Ông bảo rằng các bộ trưởng Camphuchia đã gây sức ép để buộc các đảng viên đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền phải “like” trang Facebook của ông Hun Sen. Chưa hết, ông Rainsy cũng tố hàng loạt tài khoản giả ở nước ngoài đã “like” ông Hun Sen, rằng đây chỉ là chiêu tung tiền thuê “like” quen thuộc.
Điều này đã khiến Som Soeun – quan chức phụ trách xây dựng hình ảnh của ông Hun Sen trên mạng nổi đóa, đệ đơn ra tòa đòi Rainsy phải bồi thường 5.000 USD vì đã “bóp méo sự thật”. Hãng truyền thông BBC dẫn lời ông này chỉ trích hành động của ông Rainsy là “rẻ tiền”.
Trong lúc chờ tòa án phân biệt phải trái thì báo Phnom Penh Post hồi tuần trước đăng tải một phân tích cho thấy trong số 779.000 tài khoản Facebook “like” trang Facebook của ông Hun Sen vào tháng trước chỉ có 157.331 là ở trong nước. Theo số liệu này thì đến 80% “fan” của ông Hun Sen vào tháng 2.2016 là ở nước ngoài.
Ông Hun Sen xem thông tin trên điện thoại thông minh giữa một phiên họp – Ảnh: Reuters
Còn phân tích của BBC thì cho rằng tính tổng thể, khoảng 57% lượt like dành cho ông Hun Sen trên Facebook đến từ bên trong Campuchia so với 83% dành cho ông Rainsy – người đang sống ở nước ngoài.
Ông Hun Sen không phải là chính khách duy nhất từng bị chỉ trích “mua like”. Hồi tháng 7.2015, chính trị gia đang làm dậy sóng nước Mỹ Donald Trump cũng từng bị tố tương tự, với bằng chứng được trưng ra là đến 42% lượt “like” xuất phát từ nước ngoài. Nhưng đến nay, “like” dành cho Trump đã “nội địa hóa” nhiều hơn: chiếm khoảng 3/4 trong số 6,4 triệu “like”.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Đảng đối lập CNRP tẩy chay quốc hội Campuchia
Đảng đối lập Cứu nguy dân tộc (CNRP) của Campuchia tẩy chay quốc hội để thể hiện sự phản đối của đảng này với chính phủ cầm quyền.
Đảng đối lập CNRP lại tẩy chay quốc hội Campuchia - Ảnh: AFP
Báo Cambodia Daily hôm nay 30.11 cho biết hai lãnh đạo của CNRP là ông Sam Rainsy và Kem Sokha đã quyết định tẩy chay quốc hội, và 55 nghị sĩ của đảng này không đến dự cuộc họp của quốc hội sáng 30.11.
Quốc hội Campuchia ngày 30.11 họp bàn về ngân sách quốc gia cho năm tài khóa 2016. Cambodia Daily cho biết CNRP sẽ tẩy chay cho đến khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen đảm bảo an toàn cho các thành viên của CNRP và quốc hội làm việc trên tình thần hợp tác.
Trong một tháng qua đã xảy ra nhiều sự kiện đối với các nghị sĩ của CNRP. Hai thành viên của đảng này bị những người ủng hộ của CPP hành hung ngay sau khi bước ra khỏi tòa nhà quốc hội hồi tháng 10.2015. Phó chủ tịch CNRP Kem Sokha bị tước quyền Phó chủ tịch Quốc hội sau một cuộc bỏ phiếu với sự đồng thuận của tất cả các nghị sĩ của đảng CPP.
Bản thân lãnh đạo Sam Rainsy bị tòa Campuchia ra lệnh bắt vì tội vu khống đối với Phó thủ tướng Hor Namhong. Tất cả những sự kiện này được CNRP cáo buộc là "âm mưu của đảng cầm quyền".
Đây là lần thứ hai CNRP tẩy chay quốc hội. Lần đầu là sau cuộc bầu cử được tổ chức hồi năm 2013 với thắng lợi thuộc về CPP nhưng lại không được CNRP thừa nhận với cáo buộc CPP gian lận trong bầu cử. Căng thẳng xảy ra giữa 2 đảng và kéo dài trong 1 năm. CPP nhượng bộ, đồng ý để CNRP giữ vị trí phó chủ tịch Quốc hội, đổi lại CNRP ngưng chiến dịch tẩy chay.
"Tình hình hiện nay không bình thường và chúng tôi không thể làm việc được cho đến khi mọi thứ được đảm bảo", ông Rainsy, người có 2 quốc tịch Campuchia và Pháp, đang sống lưu vong ở Pháp để tránh lệnh bắt của tòa, nói với Cambodia Daily.
Người phát ngôn của Quốc hội, ông Leng Peng Long nói rằng cuộc họp của quốc hội với 123 ghế vẫn diễn ra bình thường cho dù không có nghị sĩ nào của CNRP. Trong khi đó, người phát ngôn của CNRP Yem Ponhearith cho biết các nghị sĩ CNRP cũng tụ tập để bàn ngân sách quốc gia nhưng ở trụ sở của đảng này thay vì ở quốc hội.
Hôm 26.11, Nghị viện châu Âu biểu quyết kêu gọi chính phủ Campuchia bỏ lệnh bắt đối với ông Rainsy và dọa cắt viện trợ hàng trăm triệu USD cho Campuchia nếu Phnom Penh phớt lờ đề nghị của EU. Chính quyền Phnom Penh chưa đưa ra bình luận cũng như phản ứng về biểu quyết của EU.
Quốc hội Campuchia một ngày sau ra thông cáo phản đối biểu quyết của EU, trong khi đảng đối lập Funcinpec do hoàng thân Norodom Ranariddh lãnh đạo chỉ trích Rainsy đã đem lợi ích quốc gia ra ngã giá cho sự nghiệp chính trị của mình.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Campuchia cấm chính khách đa quốc tịch Tờ The Cambodian Daily ngày 29.12 dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết chính phủ và đảng cầm quyền CPP đang xúc tiến ban hành đạo luật quy định quan chức và chính khách cấp cao chỉ được mang quốc tịch nước này. Chính trị gia đối lập Sam Rainsy (bên phải) là người mang hai hộ chiếu Pháp và Campuchia...