Cuộc chiến EV – Nissan thành công khi lập liên minh xe điện
Trong khi nhiều nhà sản xuất ôtô phải tự lực trong việc phát triển xe điện, Renault- Nissan- Mitsubishi đang trở thành liên minh sản xuất xe điện hàng đầu.
Nissan là một trong những thương hiệu nhanh chân nhất trong cuộc chiến xe điện với việc phát triển một số mẫu xe concept và xe điện sản xuất giới hạn, trước khi tung ra mẫu xe điện thương mại Nissan Leaf vào tháng 12/2010. Tính đến tháng 12/2015, Leaf là mẫu xe điện thương mại bán chạy nhất mọi thời đại, với tổng doanh số hơn 200.000 chiếc kể từ lúc ra mắt.
Thành công của Nissan nằm ở việc thành lập liên minh với Renault và Mitsubishi để sản xuất xe điện. Tính đến nay, liên minh ôtô hàng đầu thế giới đã phát triển được 4 nền tảng xe điện chung, trong khi nền tảng thứ 5 dành cho các mẫu ôtô cỡ nhỏ đang được hoàn thiện.
Thành lập liên minh với Renault và Mitsubishi để sản xuất xe điện
Vào cuối thập niên 90, ngành công nghiệp ôtô đang trong giai đoạn hợp tác. Nhiều công ty đã hợp tác hoặc được mua lại trong nhiều thương vụ nổi tiếng, đáng chú ý nhất là việc Daimler mua lại Chrysler vào năm 1998.
Ngày 27/3/1999, liên minh giữa Renault và Nissan được thành lập. Đến năm 2001, Nissan nắm giữ 15% cổ phần của Renault, từ đó tăng cổ phần của hãng xe Nhật Bản trong liên minh này lên 43,4%.
Năm 2002, liên minh Renault-Nissan đã thành lập công ty Renault-Nissan BV (RNBV), một công ty quản lý chiến lược để giám sát các lĩnh vực, điển hình như quản trị doanh nghiệp giữa hai công ty. RNBV có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan. Nissan và Renault đều nắm giữ 50% cổ phần ở công ty này. Đây được xem là một địa điểm trung lập để liên minh trao đổi ý tưởng, xây dựng chiến lược và tận dụng tối đa sự hợp tác giữa hai hãng xe.
Vào tháng 5/2016, Nissan phanh phui vụ bê bối tiết kiệm nhiên liệu của Mitsubishi. Sau đó Nissan mua lại 34% cổ phần của hãng xe đồng hương. Động thái này nhằm mục đích biến Nissan trở thành cổ đông lớn nhất, nắm toàn quyền kiểm soát Mitsubishi và biến thương hiệu đồng hương thành thành viên của liên minh Renault-Nissan.
Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Renault, Nissan và Mitsubishi không phải là sáp nhập hay mua lại. Ba hãng xe liên kết với nhau thông qua một thỏa thuận hợp tác. Nhiều hãng xe như General Motors, PSA Group, Volkswagen Group và Suzuki cũng sử dụng phương thức này để liên minh với nhau, nhưng đều tan rã sau một khoảng thời gian ngắn.
Sau hơn 23 năm hình thành và phát triển, liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi đã mở rộng phạm vi của mình một cách đáng kể, hình thành các quan hệ đối tác chiến lược với các nhà sản xuất ôtô khác, bao gồm Daimler của Đức và Dongfeng của Trung Quốc.
Liên minh này đã bán được 10,6 triệu xe trên toàn thế giới trong năm 2017, trở thành liên minh sản xuất xe hạng nhẹ hàng đầu thế giới. Tính đến tháng 12/2021, liên minh Renault-Nissan là một trong những liên minh sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, với doanh số toàn cầu hơn 1 triệu xe điện hạng nhẹ kể từ năm 2009.
Video đang HOT
Tính đến nay, liên minh ôtô hàng đầu thế giới đã phát triển được 4 nền tảng xe điện chung, trong khi nền tảng thứ 5 dành cho các mẫu ôtô cỡ nhỏ đang được hoàn thiện. Các mẫu xe điện bán chạy nhất trong dải sản phẩm xe điện của liên minh là Nissan Leaf và Renault Zoe.
Thành công với mẫu xe điện đầu tiên Nissan Leaf
Nissan Leaf là mẫu xe điện hatchback 5 cửa chạy pin được hãng xe Nhật Bản giới thiệu đến thị trường nội địa và thị trường Mỹ vào tháng 12/2010. Hiện nay Nissan Leaf đang ở thế hệ thứ hai, được giới thiệu vào tháng 10/2017.
Xe được trang bị động cơ điện sản sinh công suất 107 mã lực và 280 Nm mô-men xoắn. Hệ dẫn động là loại cầu trước. Ban đầu mẫu Leaf được trang bị hệ thống pin lithium ion 24 kWh, sau đó tăng lên 30 kWh. Tại Mỹ, hệ thống pin này được bảo hành trong 8 năm hoặc 160.000 km, còn tại châu Âu là 5 năm và 100.000 km, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Nissan Leaf thế hệ đầu tiên. Ảnh: NetCarShow.
Vào năm 2015, Tổ chức Warranty Direct cho biết trong số 35.000 chiếc Leaf được bán ra ở châu Âu, chỉ có 3 chiếc gặp lỗi pin. Đây được xem là con số ấn tượng khi tỷ lệ này thấp hơn 25 lần nếu so với những mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong.
Phạm vi hoạt động của Leaf trong một lần sạc đầy tăng dần từ 117 km lên 364 km nhờ việc sử dụng bộ pin lớn hơn cùng với một số cải tiến nhỏ.
Đây cũng là mẫu xe mang về cho Nissan hàng loạt giải thưởng, điển hình như Giải thưởng Tầm nhìn Xe Xanh vào năm 2010, Xe của Năm tại châu Âu vào năm 2011, World Car of the Year vào năm 2011 và Xe của Năm 2011-2012 tại Nhật Bản.
Nissan Leaf thế hệ hiện tại. Ảnh: NetCarShow.
Tính đến tháng 2/2022, doanh số toàn cầu của Nissan Leaf đạt 577.000 chiếc. Tháng 9/2021, tổng doanh số bán hàng tại Châu Âu đạt hơn 208.000 chiếc. Tính đến tháng 12/2021, hơn 165.000 chiếc Leaf đã được bán ra tại Mỹ, còn ở Nhật Bản là 157.000 chiếc.
Nissan Leaf được xem là mẫu xe điện bán chạy nhất mọi thời đại tính đến tháng 12/2019, trước khi bị Tesla Model 3 vượt mặt vào đầu năm 2020.
Chia tay động cơ đốt trong để phát triển xe điện
Vào đầu năm nay, Nissan thông báo hãng sẽ ngừng nghiên cứu động cơ đốt trong mới ở hầu hết thị trường lớn, ngoại trừ một vài mẫu xe tại Mỹ. Điều này khiến nhiều người bất ngờ khi trước đó, chưa có nhà sản xuất ôtô lớn nào của Nhật Bản có động thái chuẩn bị khai tử động cơ đốt trong như Nissan.
Hãng xe này đặt mục tiêu 75% doanh số xe bán ra tại châu Âu là xe điện hoặc xe hybrid vào năm 2030. Con số tương ứng đối với thị trường Nhật Bản là 55%, 40% ở Mỹ và Trung Quốc. Tổng số tiền đầu tư cho kế hoạch này là gần 18 tỷ USD, theo Forbes.
Con số đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm của Nissan trong thời gian qua là khoảng 4,3 tỷ USD mỗi năm. Phần lớn số tiền này sẽ được chuyển hướng sang cho xe điện và những công nghệ mới.
Xe điện Nissan Ariya chuẩn bị được giới thiệu tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nissan.
Nissan cho biết những quy định khí thải mới, chẳng hạn chuẩn Euro 7, vốn sẽ có hiệu lực từ năm 2025 ở châu Âu, sẽ khiến chi phí phát triển động cơ đốt trong tăng cao đến ngưỡng mất cân bằng và không bền vững.
Dù vậy, những dòng động cơ đốt trong sẵn có sẽ được nhà sản xuất này cải tiến và nâng cấp đến hết vòng đời sản phẩm, chẳng hạn như động cơ V6m dung tích 3.0L tăng áp kép trên mẫu xe thể thao cỡ nhỏ Nissan Z.
Hãng ôtô Nhật Bản cho biết sẽ từng bước dừng phát triển động cơ xăng cho các dòng xe bán ra ở Trung Quốc và Nhật Bản trong tương lai gần, tuy nhiên Nissan vẫn đầu tư cho công nghệ hybrid ở mức phù hợp với nhu cầu thị trường.
Còn tại Mỹ, Nissan bỏ ngỏ khả năng duy trì các dòng động cơ cho xe bán tải để thu hút nhóm khách hàng chưa quá hào hứng với xe điện, nhất là khi công nghệ hiện nay chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu chở hàng nặng hay đi xa, vốn là điều mà người dùng pick-up ở xứ cờ hoa ưu tiên hàng đầu.
Tại Nhật Bản, Nissan phân bổ các nhóm nghiên cứu và phát triển động cơ tại nhiều địa điểm, trong đó có trụ sở ở TP Atsugi, tỉnh Kanagawa, vùng Kanto gần Tokyo. Trong khi đó, ở các thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu, nơi sản xuất động cơ thường tọa lạc gần với các nhà máy có dây chuyền lắp ráp xe.
Trong tương lai, nhân sự phát triển và sản xuất động cơ đốt trong của hãng xe Nhật Bản sẽ được điều chuyển sang phụ trách nghiên cứu động cơ điện, động cơ hybrid và các bộ phận truyền động khác.
Định hướng xe điện của hãng xe Nhật Bản và liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi trong tương lai
Nissan cùng với 2 thành viên trong liên minh là Mitsubishi và Renault đang ấp ủ dự định đầu tư lớn vào xe điện để cạnh tranh với những nhà sản xuất khác. Hồi tháng 1, nguồn tin của Reuters xác nhận rằng 3 hãng xe có dự định rót hơn 23 tỷ USD trong 5 năm tới vào việc phát triển xe điện. Con số này nằm ngoài 10 tỷ euro mà Nissan-Renault-Mitsubishi đã bỏ ra cho công cuộc điện khí hóa trong vài năm qua.
Song song đó, theo Automotive News, Nissan đang xem xét xây dựng nhà máy thứ 3 tại Mỹ, sau hai nhà máy hiện có của hãng tại TP Smyrna, bang Tennessee và TP Canton, bang Mississippi. Mặc dù không tiết lộ thông tin chi tiết, Giám đốc Điều hành Nissan Ashwani Gupta úp mở: “Chúng tôi đang phát triển theo kế hoạch đã định trước. Điều đó cũng đồng nghĩa Nissan sẽ cần thêm một nhà máy mới”.
Ashwani Gupta còn cho biết thêm nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động cuối thập kỷ này và nhiều khả năng sẽ được giao nhiệm vụ sản xuất xe điện.
“Tôi nghĩ việc Nissan có thêm một nhà máy mới tại Mỹ là điều tất yếu”, Ashwani Gupta cho biết. Tuy nhiên, ông cũng cho biết về ý định mở rộng một nhà máy hiện có của hãng.
Nissan gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào nhà máy tại Canton, bang Mississippi của họ để bắt đầu chế tạo những mẫu xe Nissan và Infiniti thuần điện hoàn toàn mới từ năm 2025. Động thái này là một phần trong mục tiêu ra mắt 23 mẫu xe điện Nissan và Infiniti, trong đó có 15 mẫu xe thuần điện hoàn toàn vào năm 2030.
Nissan phát triển công nghệ giảm chi phí tái chế đất hiếm trong xe điện
Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản - Nissan đã phát triển một công nghệ mới để giảm một nửa chi phí tái chế đất hiếm, vốn được sử dụng trong động cơ nam châm dùng cho xe điện (EV).
Nissan cũng như nhiều hãng sản xuất xe điện khác đang tìm mọi cách để giảm chi phí liên quan đến nguyên liệu. Ảnh: AFP.
Với căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, các nhà sản xuất ôtô điện đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp đất hiếm, vốn tạo nên nam châm vĩnh cửu cung cấp năng lượng cho động cơ điện. Hầu hết các động cơ này được làm bằng kim loại đất hiếm từ Trung Quốc.
Nissan, hợp tác với Katsunori Yamaguchi, giáo sư tại Đại học Waseda, đã thiết lập một công nghệ tái chế mới để thu hồi các hợp chất đất hiếm ở độ tinh khiết và hiệu quả cao mà không cần tháo dỡ động cơ, như cách làm thông thường.
Động cơ nam châm vĩnh cửu, sử dụng đất hiếm như neodymium và dysprosi - có lực từ tự nhiên. Đây là trung tâm của nhiều động cơ điện, cung cấp năng lượng cho rôto của hệ thống truyền lực.
Với công nghệ mới trong phương pháp tinh chế khô, Nissan nấu chảy các cánh quạt trong lò ở nhiệt độ trên 1.400 độ C, chiết xuất chúng dưới dạng chất lỏng oxit, sau đó tách chúng ra để chiết xuất đất hiếm.
Kazuhiro Ogawa, quản lý cấp cao của Nissan cho biết, phương pháp mới sẽ rút ngắn thời gian xử lý xuống còn khoảng 4 giờ thay vì 8 giờ như trước, cũng như giảm một nửa chi phí tái chế.
Nissan sẽ tiếp tục thử nghiệm với các cơ sở quy mô lớn hơn, với mục đích làm cho quy trình này có thể thương mại hóa trong những năm tới. "Giảm việc sử dụng đất hiếm là một thách thức lớn vì các nguồn tài nguyên phân bổ không đồng đều, giá cả dao động tùy thuộc vào cân bằng cung cầu và quá trình khai thác và nấu chảy có tác động đến hệ sinh thái", ông Ogawa cho biết với Reuters.
Sony và Honda "bắt tay" sản xuất xe điện Theo kế hoạch, liên doanh Sony - Honda sẽ được thành lập vào năm nay và thời điểm giao xe sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2025. Hai công ty Nhật Bản dự kiến sẽ hoàn thành một liên doanh vào cuối năm nay với mục đích cùng phát triển xe điện. "Công ty mới dự kiến sẽ lập kế hoạch, thiết kế,...