Cuộc chiến dùng rượu phân định chủ quyền đảo hoang
Binh sĩ Canada và Đan Mạch thay nhau đổ bộ lên đảo Hans, mang theo chai rượu đặc sản nước mình để khẳng định chủ quyền trong suốt 30 năm.
Các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ trên bộ thường diễn ra dai dẳng và đẫm máu. Tuy nhiên, trong “Cuộc chiến Whisky” nhằm kiểm soát đảo Hans giữa Canada và Đan Mạch, hai bên đã chiến đấu theo cách chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Hans là hòn đảo chỉ rộng 1,3 km vuông nằm giữa eo biển Nares, tuyến đường biển rộng hơn 35 km chia cắt đảo Ellesmere, vùng lãnh thổ xa nhất về phía bắc của Canada và đảo Greenland, vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Đảo Hans không có nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc lợi thế lãnh thổ nào. Về cơ bản, nó là một khối đá khổng lồ không người ở và điều duy nhất dẫn đến tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều thập kỷ là nó nằm trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của cả Canada và Đan Mạch. Vị trí này của đảo Hans khiến cả hai nước đều có quyền đưa ra yêu sách chủ quyền theo luật quốc tế.
Đảo Hans nhìn từ trên cao. Ảnh: Wikipedia .
Video đang HOT
Năm 1880, đảo Hans không nằm trong danh sách lãnh thổ vùng Bắc Cực được Anh trao trả cho Canada. Do sử dụng bản đồ lỗi thời từ thế kỷ thứ 16, hòn đảo này không được thể hiện rõ trong quá trình chuyển giao, thậm chí không được công nhận nhiều thập kỷ sau đó.
Năm 1933, Tòa Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) ra phán quyết công nhận Greenland là chủ sở hữu hợp pháp của đảo Hans. PCIJ vốn là tòa án của Hội Quốc Liên ra đời vào năm 1922 để xét xử tranh chấp giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, khi Liên Hợp Quốc ra đời, PCIJ bị giải thể và được thay thế bằng Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 1946, nên phán quyết với chủ quyền đảo Hans cũng mất hiệu lực. Đảo Hans một lần nữa trở thành đối tượng tranh chấp giữa Canada và Đan Mạch.
Tranh chấp tạm lắng xuống trong thời gian đầu Chiến tranh Lạnh. Trong thập niên 1970, hai bên tiến hành đàm phán về ranh giới trên biển, nhưng vấn đề đảo Hans vẫn chưa được giải quyết.
Năm 1984, một nhóm binh sĩ Canada đổ bộ đảo và để lại dấu hiệu dễ nhận biết nhằm đánh dấu chủ quyền. Họ dựng một lá cờ Canada cùng tấm biển ghi “Chào mừng đến Canada” và một chai rượu whisky của hãng Canadian Club.
Không muốn mất trắng hòn đảo này, quan chức Greenland sau đó cũng lên đảo và dỡ bỏ những gì phía Canada để lại. Trước khi rời đi, phía Đan Mạch dựng lá cờ của mình để thay thế, để lại một chai rượu Đan Mạch của hãng Schnapps và tấm biển ghi “Chào mừng đến Đan Mạch”.
Vị trí đảo Hans nằm giữa Canada và Greenland thuộc Đan Mạch. Đồ họa: Twitter/Andy Proehl.
Hai bên bắt đầu thời kỳ tranh chấp “hiếu khách” nhất trong lịch sử nhân loại với tên gọi “Chiến tranh Whisky”. Binh sĩ Canada và Đan Mạch liên tục tổ chức các chuyến thăm đảo để thu dọn và thay thế đồ vật đánh dấu lãnh thổ của bên kia. Số phận các chai rượu được đưa khỏi đảo chưa bao giờ được tiết lộ, nhưng người ta tin rằng hai bên đều thưởng thức rượu của nhau.
Ngày 19/9/2005, Ngoại trưởng Canada Pierre Pettigrew tuyên bố hai bên đã thống nhất quy trình giải quyết tranh chấp đảo Hans sau cuộc gặp với người đồng cấp Đan Mạch. Pettigrew cho biết hai nước sẽ phối hợp “để gác vấn đề này lại phía sau”, nhưng tái khẳng định Canada có chủ quyền đối với hòn đảo.
Trong những năm gần đây, cả Canada lẫn Đan Mạch đều kêu gọi tuyên bố chủ quyền chung với hòn đảo này, nhưng vẫn chưa rõ hai bên có đạt được bất kỳ giải pháp chính thức nào cho Cuộc chiến Whisky hay không.
Nghiên cứu mới hé lộ 'manh mối' về mực nước biển dâng trong tương lai
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh được công bố ngày 1/4, các dải băng tan chảy vào cuối kỷ Băng hà gần đây nhất có thể đã khiến mực nước biển dâng cao gấp 10 lần so với hiện nay.
Băng lở từ sông băng Apusiajik ở gần Kulusuk, Greenland, ngày 17/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Dựa vào những hồ sơ địa lý, một nhóm nhà khoa học của Đại học Durham (Anh) ước tính rằng mực nước biển trên thế giới đã dâng cao 3,6 mét/thế kỷ trong một giai đoạn dài 500 năm cách đây khoảng 14.600 năm, tức là vào cuối kỷ Băng hà gần đây nhất. Phát hiện này đã làm tăng cảnh báo về nguy cơ mực nước biển dâng cao nhanh có thể nhấn chìm các thành phố duyên hải và những vùng đồng bằng đông dân trên thế giới.
Nhóm nhà khoa học Anh đã phát hiện rằng sự kiện mực nước biển dâng cao xấp xỉ 18 mét trong 5 thế kỷ vào cuối kỷ Băng Hà gần đây nhất có thể ban đầu là do các dải băng tan chảy ở bán cầu Bắc chứ không phải ở Nam Cực như dự báo trước đây.
Đồng tác giả của nghiên cứu, nhà khoa học Pippa Whitehouse thuộc Khoa địa lý của Đại học Durham nêu rõ: "Chúng tôi phát hiện thấy phần lớn mực nước biển dâng cao nhanh là do các dải băng tan chảy ở Bắc Mỹ và vùng Scandinavia, với phần đóng góp khá nhỏ từ Nam Cực. Vấn đề lớn tiếp theo là tìm hiểu nguyên nhân khiến băng tan chảy và những tác động của nó đối với dòng chảy đại dương ở Bắc Đại Tây Dương".
Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này có thể hé lộ "manh mối quan trọng" về các dải băng tan chảy, cũng như mực nước biển dâng trong tương lai do sự ấm lên của Trái Đất.
Theo mô hình tính toán hiện nay của nhiều nhà nghiên cứu về khí hậu, mực nước biển trên toàn cầu có thể dâng cao từ 1-2 mét vào cuối thế kỷ này. Nhóm nhà khoa học Đại học Durham đã sử dụng dữ liệu chi tiết về mực nước biển kết hợp với công nghệ mô phỏng hiện đại nhất để tìm ra nguyên nhân gây ra mực nước biển dâng cao 18 mét trước đây. Các nhà khoa học kết luận rằng việc tan chảy các dải băng hồi đó có kích cỡ tương đương gấp 2 lần Greenland hiện nay, đã gây ra tình trạng lụt lội ở các vùng đất thấp rộng lớn và làm rối loạn các dòng hải lưu và gây ra phản ứng dây chuyền đối với khí hậu toàn cầu.
Các nhà khoa học Anh cho rằng xác định được nguồn nước từ băng tan sẽ giúp nâng cao tính chính xác của các mô hình khí hậu hiện được sử dụng để mô phỏng lại quá khứ và dự báo những thay đổi trong tương lai. Các nhà khoa học cho rằng những phát hiện này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dải băng Greenland đang tan chảy nhanh, góp phần làm dâng cao mực nước biển cũng như làm thay đổi dòng hải lưu trên toàn cầu. Năm 2019, hơn 500 tỉ tấn băng của dải băng Greenland đã tan chảy, chiếm 40% trong tổng số mức nước biển dâng trong cùng năm đó.
Nhiệt độ các đại dương trên thế giới vẫn ở mức nóng nhất trong lịch sử Theo nghiên cứu do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc vừa công bố, mặc dù lượng phát thải khí CO2 tên toàn cầu giảm do các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng trong năm 2020, nhiệt độ trong các đại dương trên thế giới vẫn ở mức nóng nhất...