Cuộc chiến ‘đi – ở’ gay cấn đến phút chót trên đất Anh
Tỷ lệ những người ủng hộ và phản đối phương án Anh rời khỏi EU sít sao đến mức không ai có thể đưa ra dự báo về kết quả cuộc trưng cầu dân ý.
Những người Anh kêu gọi ủng hộ phương án ở lại EU. Ảnh: Guardian
Cuộc chiến về tương lai của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU) hôm nay lại biến thành một cuộc chạy đua đầy nghẹt thở khi kết quả ban đầu của cuộc trưng cầu dân ý lịch sử cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ Anh rời khỏi khối 28 quốc gia này cao hơn dự kiến, theo AFP.
Khi chỉ còn khoảng 88 trong tổng số 382 khu vực trên khắp nước Anh chưa công bố kết quả kiểm phiếu, số người ủng hộ và người phản đối Anh rời khỏi EU vẫn đang rất sít sao, với tỷ lệ 48% ủng hộ phương án “Ở lại”, còn 52% nhất trí với phương án “Rời đi”.
“Đây là tỷ lệ sát sao không thể tin được. Chúng tôi không biết cuộc đấu này rồi sẽ đi đến đâu”, Beverly David, một người ủng hộ phương án “Ở lại”, nói.
46,5 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý, một con số kỷ lục, bất chấp thời tiết mưa gió, lụt lội ở nhiều nơi, nhằm đưa ra quyết định lịch sử trong một cuộc chiến lớn về các vấn đề quan trọng như nhập cư, kinh tế và bản sắc của nước Anh, một thành viên của EU.
“Kết quả bỏ phiếu sát sao đến mức việc đưa ra dự đoán càng trở nên khó khăn hơn”, giáo sư Kevin Featherstone thuộc Đại học Kinh tế London, cho biết.
Video đang HOT
Tại Brussels, Bỉ, khả năng nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới rời khỏi EU đã làm dấy lên nỗi lo ngại về hiệu ứng domino, khởi đầu cho một loạt cuộc trưng cầu dân ý ở các nước khác có thể làm tan rã khối liên minh vốn đã gặp rất nhiều thử thách với các cuộc khủng hoảng eurozone và người tị nạn trong thời gian gần đây.
Một thất bại của phe “Ở lại” sẽ lập tức gây ra áp lực lớn có thể khiến Thủ tướng David Cameron phải từ chức. Lãnh đạo đảng Bảo thủ này đã đặt cược rất lớn khi hứa hẹn sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý cách đây ba năm, thế nhưng nó lại gây ra chia rẽ sâu sắc ngay trong đảng của ông và cả nước Anh.
Kết quả bỏ phiếu sơ bộ cho thấy tỷ lệ ủng hộ và phản đối Brexit đang rất sát sao. Đồ họa: Guardian
Việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) cũng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp ở nước này. Nếu người Anh bỏ phiếu rời EU, trong khi Scotland muốn ở lại, nó có thể làm khởi pháp một cuộc trưng cầu dân ý độc lập ở miền đất này.
Những kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy các thành phố ở phía bắc nước Anh thể hiện sự ủng hộ lớn hơn mong đợi đối với phương án Brexit. Tuy nhiên, việc nhiều khu vực đông dân cư ở London bỏ phiếu cho phương án “Ở lại” đã giúp tình hình trở nên cân bằng, đẩy hai bên vào tình thế so kè cho đến phút chót.
Các lãnh đạo EU đã cảnh báo người dân Anh rằng hộ sẽ không còn đường quay lại nếu nhất trí với Brexit. “Đi là đi luôn”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố hôm thứ tư, bác bỏ bất cứ khả năng đàm phán nào sau bỏ phiếu về tư cách thành viên của Anh.
Vào thứ ba tuần sau, các lãnh đạo EU sẽ nhóm họp để bàn bạc về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và quyết định phương án đối phó với nguy cơ diễn ra những cuộc bỏ phiếu tương tự ở các nước thành viên trong khối.
Người dân nhiều nước châu Âu khác đã dựng lên các đài tưởng niệm cắm cờ Anh, trong khi nhiều tờ báo đăng dòng tít lớn: “Xin đừng đi”.
Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý chỉ được công bố sớm nhất là vào 3 giờ sáng (giờ địa phương, tức 13h giờ Việt Nam).
Trí Dũng
Theo VNE
Thủ tướng Anh có nguy cơ phải từ chức nếu người dân chọn rời EU
Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phải đối mặt với áp lực buộc ông phải từ chức từ đảng cầm quyền nếu người dân quyết định Anh nên rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters.
Anh đang kiểm phiếu cuộc trưng cầu dân ý hôm qua về việc Anh có nên rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không. Phe chọn "rời" khỏi EU đang dẫn trước phe "ở lại" với số phiếu tương ứng là 13 triệu và 12,2 triệu, theoBBC. Hiện chỉ còn 72 trong số 362 khu vực tham gia trưng cầu chưa công bố kết quả.
Nếu người dân chọn Brexit, nền chính trị Anh có thể rơi vào hỗn loạn,Wall Street Journal đưa tin. Thủ tướng Anh David Cameron có nguy cơ đối mặt với sức ép phải từ chức, buộc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử.
Trong trường hợp đó, ông Cameron có thể sẽ thông báo với tư cách là lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí thủ tướng cho đến khi có người kế nhiệm.
Trường hợp người dân chọn "ở lại", ông Cameron cũng sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa tái hòa giải với phe chống EU trong đảng cầm quyền hay trừng phạt họ.
Chưa rõ sự yên bình trong nội bộ đảng kéo dài bao lâu. Một sự cải tổ nội cách "có thể giúp chặt đứt đầu con rắn euroskeptic (những người phản đối EU) nhưng nó lại sớm mọc ra cái đầu khác", Tim Bale, giáo sư chính trị học tại Đại học Queen Mary, London, nói.
Thủ tướng Cameron, lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, tổ chức trưng cầu dân ý do đối mặt với áp lực từ đảng Bảo thủ và ảnh hưởng ngày càng tăng từ phe phản đối EU. Ông hy vọng cuộc trưng cầu sẽ giúp kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về vị trí của Anh ở châu Âu và quan hệ với EU.
Trong chiến dịch vận động bỏ phiếu ở lại, ông khẳng định sẽ không từ chức cho dù kết quả trưng cầu là gì. Tuy nhiên, một số chuyên gia và đảng viên Bảo thủ nói lập trường thân EU sẽ khiến vị trí của ông Cameron lung lay và đảng cầm quyền có cơ chế để buộc ông phải từ chức dù không muốn.
Như Tâm
Theo VNE
Hà Lan, Italy, Pháp muốn làm trưng cầu dân ý giống Anh Người dân tại một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý giống Anh để quyết định có nên ở lại trong khối 28 nước này không. Một người đàn ông che ô đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở London, Anh, ngày 23/6. Ảnh: AFP. Người dân Anh hôm nay đi bỏ...