Cuộc chiến để được nuôi con bằng sữa mẹ
Bầu ngực căng tức, con khóc, Nga vừa nhổm dậy định cho bú thì mẹ chồng đã ào tới với bình sữa pha trong tay “Để mẹ cho bú bình, không nó đói quá, ti mẹ khó bú, lại khóc to đấy”.
Nga (phố Vĩnh Phúc, Hà Nội) cố gắng giải thích với mẹ chồng rằng để cô tự cho con bú vì sữa mẹ tốt cho bé, hơn nữa bé bú thì mẹ mới đỡ tức sữa, sữa ra đều… nhưng thấy cháu khóc, bà nội xót nên nhất quyết giằng lấy, cho bú bình. “Con đỏ vừa đẻ ra đã để nó khóc thế này thì phải tội. Mà hôm qua con thử cho bú, nó ngậm đầu ti rồi có được giọt sữa nào đâu, lại nhả ra rồi gào to đấy thôi”, mẹ chồng Nga nói.
“Em vừa đau ngực, vừa tủi thân đến ứa nước mắt”, Nga kể. Ngay lúc vừa đón cháu ở bệnh viện, bà đã bắt bố nó đi mua sữa bột về pha cho cháu uống, rồi tự hào khoe thằng bé háu ăn, tu hồi hết 30 ml. Nga muốn cho con bú thì bà bảo &’mẹ mày vừa sinh, có sữa đâu’. Đến lúc sữa về, đầu ti mẹ ngắn, bầu ngực căng cứng, em bé khó bú, cứ khóc mỗi lần mẹ cho ti, bà lại giành lấy pha sữa cho cháu uống luôn. Cứ thế thì làm sao con chịu bú mẹ.
Bà mẹ 26 tuổi cho biết, suốt tháng đầu sau sinh, việc khiến cô cảm thấy căng thẳng nhất là phải “chiến đấu” với nhà chồng để được cho con bú thay vì cho bé uống sữa công thức. Không thể thuyết phục được mọi người giúp đỡ mình bằng cách ngừng pha sữa, cô đành nhờ người mượn dụng cụ hút sữa về hút bớt để bầu ngực đỡ cứng, đầu ti cũng mềm và dài ra cho em bé bú. Sau đó, Nga phải áng chừng khi con gần đói, chưa khóc, chưa cáu, là dỗ cho bé tập ti mẹ. Mấy hôm đầu, em bé vì háu ăn, quen bú bình sữa chảy nhiều nên có lúc cũng không chịu hợp tác với mẹ. Bà nội xót cháu, mắng con dâu rồi ai đến chơi bà cũng kể “Mẹ nó sữa không có lại cứ bắt con bú làm thằng bé mệt lả vì đói và khóc”. Nga vẫn kiên trì tập cho con, bỏ ngoài tai mọi lời công kích của mọi người.
“Dần dần, con lại nghiện ti mẹ, không thích bú sữa bột nữa, trong khi mình đủ sữa cho con và cháu phát triển tốt. Khi đó mọi người trong nhà không có lý do gì để pha sữa bột cho bé nữa”, Nga kể.
Video đang HOT
Ảnh minh họa: Nurturenormally.com.
Cũng từng vô cùng stress khi chịu áp lực của người thân về việc “phải cho con uống thêm sữa ngoài nó mới to, khỏe”, hiện tại chị Hải Huê (khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) có thể tự hào khi cậu con trai 9 tháng tuổi vẫn được bú mẹ hoàn toàn. Chị Huê kể, chị sinh mổ, được mẹ ruột đến chăm. Mấy ngày đầu ở viện, thấy con gái gắng ngồi dậy cho con bú, bà thường bảo “Con làm sao đã có sữa, để mẹ cho cháu bú bình”.
Dù chị đã chia sẻ ý định sẽ cho con bú mẹ hoàn toàn mấy tháng đầu và nói về giá trị quý báu của nguồn sữa này nhưng bà ngoại vẫn không yên tâm, liên tục khuyên chị cho con uống thêm sữa bột, sợ bé đói. Sau đó, mẹ chồng và các chị em chồng cũng luôn nhắc nhở chị “phải cho con uống thêm sữa ngoài thì nó mới cao lớn được, không khéo lại lùn như mẹ”. Rồi hễ mỗi lần thấy cháu khóc là ông bà nội lại than thở “Chắc tại nó đói, uống sữa mẹ ít chất nên nhanh đói, phải cho ăn sữa ngoài”…
“Những bà mẹ xung quanh mình mỗi khi ngồi lại với nhau là so sánh con nặng bao nhiêu cân, rồi hỏi nhau cho con uống sữa gì, chứ không hề chia sẻ xem làm thế nào để đủ sữa cho con bú”, chị Huệ chia sẻ.
Chị Giang, Linh Đàm, Hà Nội kể, khi sinh con, chị được bạn bè, người thân tới chơi tặng quà, tặng tiền được tới 9 triệu đồng nhưng trong số đó, có 4 triệu từ bạn bè và họ hàng xa với lời nói đi kèm “chẳng biết con cháu/bạn dùng sữa gì, thôi đưa tiền để bạn/con tự đi mua nhé”. Lúc chị mới sinh, có người bạn còn gọi điện hỏi luôn “Này, con mày ăn sữa loại gì, để tao mua”. Ngoài ra, chị còn nhận được quà là 3 hộp sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.
“Mình đủ sữa cho con bú nên mấy tháng đầu không cần dùng đến sữa công thức. Lạ là hầu hết ai cũng nghĩ cứ trẻ đẻ ra phải uống sữa bột mới tốt. Mình giờ đi thăm người mới sinh nếu mua sữa chỉ chọn loại dành cho phụ nữ có bầu và cho con bú”, chị Giang chia sẻ.
Một nghiên cứu về “Nuôi con bằng sữa mẹ – cuộc chiến từ quan niệm”, trình bày tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục mới đây tại Hà Nội, cho thấy chỉ có 0,3% trẻ được bú mẹ hoàn toàn tới lúc 6 tháng tuổi, trong khi có tới hơn một nửa số bé được ăn sữa công thức ngay tuần đầu sau sinh. Nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 2010-2014, với 1.258 phụ nữ, ở 104 xã nông thôn tại Hà Nam. Người mẹ được theo dõi từ khi mang thai tới khi trẻ 36 tháng.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn lúc 6 tuần tuổi là 33%, lúc 4 tháng tuổi là 4,3% và lúc 6 tháng tuổi chỉ còn là 0,3%. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ được cho ăn sữa bột công thức lúc 6 tuần tuổi là hơn 60%, tăng lên thành 84% lúc 4 tháng và đạt 89% lúc 6 tháng tuổi. Trung bình, trẻ được cho ăn sữa bột công thức lần đầu là một tuần tuổi. Thống kê cho thấy, không có sự khác biệt về tỷ lệ cho ăn lần đầu theo nghề nghiệp, trình độ văn hóa và kinh tế của mẹ.
Có tới gần 1/4 số bà mẹ cho con uống sữa bột công thức ngay sau khi chào đời. Điều đó cho thấy việc mẹ phải đi làm hoặc sữa chậm về do sinh mổ không phải là lý do khiến trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ toàn toàn, bởi tỷ lệ sinh mổ chỉ chiếm chưa đầy 1/6 số phụ nữ được nghiên cứu. Trong số các phụ nữ cho con bú bình ngay ngày đầu tiên chào đời, chỉ có 20% là mổ đẻ, 80% là sinh thường.
Theo các tác giả nghiên cứu, việc hơn một nửa số bà mẹ cho con uống sữa bột trong vòng một tuần đầu tiên cho thấy phụ nữ mang thai thiếu hiểu biết về kỹ năng cho trẻ bú đúng cách, thiếu kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ; cả gia đình và cộng đồng đang có niềm tin sai lệch về sữa công thức và ủng hộ người mẹ cho trẻ ăn sữa ngoài. “Có thể nói, các công ty sữa đã thành công trong chiến lược quảng bá sản phẩm sữa công thức không chỉ ở thành phố mà cả ở nông thôn”, các tác giả nghiên cứu kết luận.
Một trong những tác giả nghiên cứu, thạc sĩ Trần Thị Thu Hà, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, tuy đây chỉ là nghiên cứu ở khu vực nông thôn, cách Hà Nội chưa đầy 100 km nhưng kết quả phản ánh tình trạng chung ở các vùng quê khác, và rất có thể, tỷ lệ trẻ được dùng sữa công thức thay cho sữa mẹ lúc mới chào đời còn cao hơn nữa ở thành phố – nơi các nhà sản xuất dễ tiếp cận với các bà mẹ hơn.
Theo các tác giả, để đảm bảo trẻ có quyền được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hoặc ít nhất là 4 tháng đầu, cần làm thay đổi quan niệm của cộng đồng về giá trị của sữa bột công thức và tăng cường kiến thức kỹ năng cho cả cộng đồng về cho trẻ bú mẹ đúng cách. Để làm được điều này, cần có các chương trình truyền thông cộng đồng rộng rãi trên truyền hình và truyền thông nhóm nhỏ tại cộng đồng. Cuộc chiến cần bắt đầu từ thay đổi quan niệm và hiểu biết, không chỉ ở người dân, mà còn cả ở nhân viên y tế.
“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rất rõ là, ở cơ sở y tế nào mà các nữ hộ sinh, nhân viên y tế nhiệt tình, hướng dẫn cặn kẽ các bà mẹ mới sinh cách cho con bú, về tác dụng của sữa mẹ, không cho trẻ bú sữa công thức… thì tỷ lệ các bà mẹ cho con bú sớm, bú hoàn toàn, đủ sữa cho con cao hơn hẳn những nơi mà nhân viên y tế không mặn mà gì với việc này. Thực tế, ở nhiều nơi, nhân viên y tế còn không tin vào giá trị của nguồn sữa mẹ, thậm chí tiếp tay cho các công ty, giới thiệu sữa tới các ông bố, bà mẹ vừa sinh con”, bà Hà nói.
Theo VNE
Công dụng bất ngờ của sữa mẹ
Nếu muốn con thông minh, có học vấn cao và kiếm được thu nhập tốt về sau, bạn hãy cho trẻ bú sữa mẹ lâu hơn (tới 12 tháng).
Ảnh: Shutterstock
Các nhà khoa học thuộc Đại học liên bang Pelotas (Brazil) rút ra kết luận trên sau khi khảo sát ở khoảng 3.500 trẻ sơ sinh trong 30 năm. Các tình nguyện viên làm bài tập kiểm tra IQ ở độ tuổi trung bình là 30. Theo trưởng nhóm, tiến sĩ Bernardo Lessa Horta, nghiên cứu cung cấp bằng chứng đầu tiên rằng nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian dài không chỉ giúp tăng trí thông minh cho đến khi trẻ ít nhất được 30 tuổi, mà còn có tác động cả ở cấp độ cá nhân và xã hội bằng cách nâng cao trình độ học vấn và cải thiện khả năng thu nhập. Tiến sĩ Horta lý giải: "Tác động tiềm ẩn của sữa mẹ về trí thông minh là nhờ sự hiện diện của các a xít béo bão hòa chuỗi dài (DHA) có nhiều trong sữa mẹ, chất rất cần thiết cho phát triển não bộ. Phát hiện của chúng tôi cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ có nhiều tác động tích cực đến chỉ số IQ ở tuổi trưởng thành cũng như cho thấy số lượng sữa được nạp lúc nhỏ đóng một vai trò quan trọng". Nghiên cứu được công bố chuyên san The Lancet Global Health.
M.Duyên
Theo Thanhnien
Cho con bú, mẹ lợi đủ đường! Những lợi ích tuyệt vời từ việc nuôi con bằng sữa mẹ dưới đây chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực cho hành trình "bò sữa" của mẹ. Những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ thường được đề cập đến với con trẻ mà quên đi những lợi ích tuyệt vời với chính người mẹ. Các nghiên cứu đã chỉ...