Cuộc chiến đẫm máu nhất châu Á mà Trung Quốc chưa từng chiến thắng
Trung Quốc và Nhật Bản từng trải qua những giai đoạn đối đầu căng thẳng, khởi đầu từ cuộc chiến tranh Trung-Nhật thời nhà Thanh năm 1894 và sau đó là cuộc chiến làm tiền đề cho Thế chiến 2.
Trung Quốc và Nhật Bản từng trải qua cuộc chiến đẫm máu khiến 20 triệu người chết.
Chiến tranh Trung-Nhật lần 2 mở màn năm 1937 và mãi đến khi kết thúc Thế chiến 2. Suốt một thời gian dài Trung Quốc ít nhắc đến giai đoạn chiến tranh này. Ở thời điểm đó sức mạnh của Trung Quốc ra sao? Liệu người Nhật có dễ dàng bành trướng ở Trung Hoa? Loạt bài dài kỳ này sẽ làm rõ những câu hỏi trên.
Các nhà sử học cho rằng nguồn gốc của cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần 2 năm 1937 bắt nguồn từ cuộc chiến lần đầu tiên giữa nhà Thanh với đế quốc Nhật trước đó khoảng 50 năm, theo History.
Sau cuộc chiến lần thứ nhất, đế quốc Nhật đánh bại Trung Quốc, chiếm đóng Hàn Quốc. Năm 1931, Nhật Bản thừa thắng đem quân chiếm đóng hoàn toàn Mãn Châu – vùng đất ở đông bắc Trung Quốc, nơi khởi nguồn của nhà Thanh. Đây là nơi có trữ lượng khoáng sản dồi dào, nhưng được phòng thủ hết sức yếu kém vì ở vùng đông bắc hoang sơ, giá lạnh.
Nguyên nhân khơi mào chiến tranh Trung-Nhật lần 2
Nhật Bản trong giai đoạn trước Thế chiến 2 đánh dấu bước phát triển mạnh, rất khát tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là kim loại, dầu mỏ.
Trung Quốc khi đó rơi vào cuộc nội chiến căng thẳng, giữa phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và đảng Cộng sản do lãnh tụ Mao Trạch Đông lãnh đạo.
Năm 1937, binh sĩ Nhật đóng quân ở Phong Đài (Fengtai), khi đó là khu rừng biệt lập nằm ở phía tây nam Bắc Kinh. Một trong những thành trì bảo vệ Bắc Kinh ở Phong Đài là thành Uyển Bình. Nơi đây có cây cầu Marco Polo dẫn thẳng đến Bắc Kinh.
Quân Nhật khi đó liên tục tập trận, khuếch trương thanh thế nhưng chính quyền Trung Quốc không có ý định ngăn chặn, chỉ yêu cầu phía Nhật thông báo trước các cuộc tập trận để trấn an dân chúng.
Nhật Bản chỉ đồng ý lấy lệ. Quân Nhật càng ngày càng tiến gần cầu Marco Polo hơn.
Những gì người Nhật cần là một cái cớ, giống như vụ đánh bom tuyến đường sắt ở Mãn Châu. Đêm ngày 7.7.1937, quân Nhật tổ chức một cuộc tập trận bất ngờ gần cầu Marco Polo. Binh nhì Shimura Kikujiro trong khi tập trận đã tách đội hình, đi vào rừng để giải quyết nhu cầu vệ sinh.
Khi Kikujiro quay trở lại, các binh sĩ đã rời đi. Binh nhì này phải mất nhiều giờ mò mẫm trong đêm tối mới trở về được doanh trại. Trong khi đó, phía Nhật yêu cầu người Trung Quốc mở cổng thành Uyển Bình để tìm binh nhì đi lạc.
Binh nhì Nhật Bản đi lạc khơi mào chiến tranh Trung-Nhật lần 2.
Video đang HOT
Phía Trung Quốc quyết không mở cổng vì cho rằng không thể có chuyện binh sĩ Nhật đi lạc được vào trong thành. Lính Trung Quốc đề nghị sẽ tự tìm kiếm nhưng vẫn không được quân Nhật đồng ý.
Các tài liệu mật được Thư viện Quốc hội Nhật Bản (NDL) công khai năm 2013 cho thấy các tướng lĩnh Nhật đã muốn lợi dụng sự cố này để phát động tấn công, dù binh nhì Kikujiro sau đó đã trở về đơn vị an toàn.
Trong đêm đó, giao tranh nổ ra nhưng không rõ bên nào nổ súng trước. Đến rạng sáng ngày 8.7.1937, một đơn vị lính Nhật tìm cách mở đường máu tiến vào thành, nhưng bị đẩy lùi.
Phía Trung Quốc một mặt tìm cách đàm phán, mặt khác huy động quân hỗ trợ thành Uyển Bình. Đến 4 giờ 50 phút sáng, chiến tranh Trung-Nhật lần hai bùng nổ.
Chỉ trong vòng một tháng, Bắc Kinh và cảng Thiên Tân – cảng biển lớn nhất miền bắc Trung Quốc rơi vào tay quân Nhật.
Cuộc chiến Trung Quốc chưa bao giờ thắng
Lãnh thổ Trung Quốc giai đoạn này chủ yếu do Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch kiểm soát. Năm 1937, Quốc dân Đảng có 1,7 triệu quân, so với Nhật Bản ở giai đoạn đầu chỉ có 600.000 quân.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Mao Trạch Đông lúc này vừa hoàn thành cuộc Vạn Lý Trường Chinh, chưa sẵn sàng kháng chiến chống Nhật.
Ngược lại, Tưởng Giới Thạch lại chủ trương phát động chiến tranh quy ước với quân Nhật. Kết quả là Quốc Dân Đảng liên tục hứng chịu những thất bại nặng nề.
Ước tính trong 8 năm chiến tranh Trung-Nhật, Trung Quốc đã mất tổng cộng 14-20 triệu người, bao gồm cả binh sĩ và dân thường. Đây được coi là cuộc chiến đẫm máu nhất ở châu Á trong lịch sử hiện đại.
Giai đoạn đầu cuộc chiến, Tưởng Giới Thạch phải một mình chống Nhật dù đã liên minh với Mao Trạch Đông, do cả Liên Xô và Mỹ khi đó đều chưa tham chiến.
Khi Liên Xô mở mặt trận chống phát xít Đức trong Thế chiến 2, sự giúp đỡ đối với Trung Quốc vẫn rất hạn chế vì Moscow không muốn phải vừa chống Đức ở mặt trận phía tây, vừa đối phó quân Nhật ở phía đông.
Lính Trung Quốc rút lui trước đà tiến công của quân Nhật.
Phải tới tận khi Mỹ quyết định tham chiến, Washington mới bắt đầu tác động lên Liên Xô về vấn đề Trung Quốc để tăng cường viện trợ cho các lực lượng quân sự Trung Quốc chống Nhật.
Trên thực tế, phe Quốc dân Đảng đã liên tiếp thất bại trong các trận chiến lớn với quân Nhật, để mất các thành phố quan trọng như Thượng Hải, Quảng Châu, khiến uy tín của Tưởng Giới Thạch giảm sút.
Đến năm 1941, quân Nhật kiểm soát toàn bộ các vùng ven biển trù phú ở Trung Quốc và gần như án binh bất động, chuyển hướng sang mặt trận Thái Bình Dương chống Mỹ.
Sau khi cục diện Thế chiến 2 an bài với chiến thắng thuộc về phe Đồng Minh, đội quân do Mao Trạch Đông lãnh đạo nhân cơ hội giành chính quyền, buộc Tưởng Giới Thạch rút sang Đài Loan.
Đây là lý do các nhà sử học trên thế giới đều đồng tình rằng Trung Quốc chưa bao giờ thắng Nhật Bản trong cuộc chiến lần 2. Nhật rút quân khỏi Trung Quốc là do đầu hàng Đồng Minh. Trung Quốc với tư cách là đồng minh chống phát xít, nghiễm nhiên là phe chiến thắng.
Ngày nay, chính sử Trung Quốc thừa nhận vai trò kháng chiến chống Nhật với tổn thất nặng nề của phe Quốc dân Đảng, theo New York Times. Các lực lượng của Mao Trạch Đông khi đó có quân số ít ỏi hơn, chủ yếu chiến đấu ở khu vực Đông Bắc với chiến thuật chiến tranh du kích.
Theo danviet.vn
Cuộc thảm sát đẫm máu đầu tiên trong lịch sử Mỹ thời nằm dưới ách cai trị của người Anh
Vào một đêm buốt giá ở Boston vào tháng 5. năm 1770, cuộc xô xát giữa người dân thuộc địa Mỹ với một lính gác người Anh đã nhanh chóng trở thành cuộc thảm sát đẫm máu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Cuộc thảm sát đẫm máu đầu tiên trong lịch sử Mỹ bắt đầu bằng một cuộc ném tuyết tại Boston
Vào lúc 8 giờ tối ngày 5.3.1770, dưới trận mưa tuyết nặng trên khắp các đường phố ở Boston, Massachusetts, binh nhì Anh Hugh White đứng gác gần tòa chính quyền thuộc địa trên phố King, thì bất ngờ bị một nhóm nam thanh niên thuộc địa bước tới khiêu khích.
Có rất nhiều ghi nhận khác nhau về cuộc chạm trán trên, từ những lời lăng mạ và chửi bới đến cả việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Và rồi tiếng chuông từ một nhà thờ chợt vang lên và toàn bộ người dân Boston đổ ào ra khắp các con phố.
Rồi ai đó đã bất ngờ ném một quả bóng tuyết về phía binh nhì White, kéo theo sau là hàng loạt quả bóng tuyết, khối băng và vỏ hàu bị ném tới tấp về phía tòa nhà Hải quan. Bất lực trong việc kiểm soát tình hình hỗn loạn, người lính Anh tội nghiệp này buộc phải gọi chi viện.
Vì sao ẩu đả?
Người Mỹ sống trong 13 bang thuộc địa đang ngày càng bất mãn với sự cai trị của thực dân Anh. Từ năm 1763 đến 1767, Quốc hội Anh đã thông qua một loạt các đạo luật như Đạo luật Đường, Đạo luật Tem và Đạo luật Townshend, nhằm áp thuế và hạn chế việc kinh doanh các loại hàng hóa thiết yếu ở các bang thuộc địa tại Mỹ. Người Anh cũng đã thông qua Đạo luật tiền tệ, ngăn không cho các thuộc địa tạo ra đơn vị tiền tệ của riêng mình.
Những điều này đã khiến người dân thuộc địa rất tức giận, đặc biệt là khi họ không có đại diện dân cử trong Quốc hội Anh. Nhiều năm qua, nhiều nhân vật có địa vị và ảnh hưởng tại các vùng thuộc địa ở Mỹ, như Benjamin Franklin, Patrick Henry, George Washington và Samuel Adams đã lên tiếng chống lại những đạo luật ngày càng hà khắc của Anh lên người dân Mỹ. Dù cuối cùng đã bãi bỏ Đạo luật Tem, nhưng chính quyền Anh sau đó lại ban hành một đạo luật mới, tuyên bố nắm quyền lực tuyệt đối với nền luật pháp ở các bang thuộc địa tại Mỹ.
Người dân thuộc địa Mỹ ngày càng bất mãn với những đạo luật kìm kẹp của chính quyền Anh, trong đó có Đạo luật Tem
Căng thẳng trở nên leo thang ở Boston vào đầu năm 1770. Hơn 2.000 lính Anh đã chiếm thành phố của gần 16.000 cư dân thuộc địa và cố gắng áp đặt các Đạo luật tem và Đạo luật Townshend tại đây. Để phản kháng, người dân thuộc địa đã tấn công và phá hoại cửa hàng của những thương nhân có mối quan hệ thân với chính quyền Anh .
Vào ngày 22.2.1770, khi người dân Mỹ dùng gạch đá tấn công vào một cửa hàng thân chính quyền, binh sĩ Ebenezer Richardson sống gần đó đã cố gắng giải tán đám đông bằng cách bắn súng qua cửa sổ nhà anh ta. Phát súng của Richardson đã bắn trúng và giết chết một cậu bé 11 tuổi tên Christopher Seider và khiến những người dân Mỹ càng thêm giận dữ.
Và cuộc ném bóng tuyết vào đêm ngày 5.3.1770 chính là đỉnh điểm cho những xung đột dai dẳng giữa người dân Boston và những người lính Anh đang cai trị trên chính mảnh đất nơi họ sinh cơ lập nghiệp.
Bạo lực leo thang
Bất đắc dĩ phải trở thành một bao tuyết, Binh nhì White đã phải tức tốc cầu viện Đại úy Thomas Preston và một số binh lính được cử đến trấn an tình hình. Tuy nhiên, tình hình bạo lực vẫn không hề suy giảm, thậm chí nhiều người Mỹ còn mang cả gậy gộc đến xáp lá cà với binh lính. Nhận thấy tình hình đang trở nên ngoài tầm kiểm soát, những người lính Anh đã quyết định nổ súng.
Khi khói súng tan, 5 người dân thường được tìm thấy đã chết hoặc đang thoi thóp. Họ gồm Crispus Attucks, Patrick Carr, Samuel Gray, Samuel Maverick, và James Caldwell. Ngoài ra còn có ba người khác bị thương. Cái chết của 5 người đàn ông này cho đến nay vẫn được một số nhà sử học xem là các trường hợp tử vong đầu tiên trong Cách mạng Mỹ.
Bức phù điêu về cuộc thảm sát Boston của họa sĩ Paul Revere
Các binh sĩ Anh đã bị đưa ra xét xử, và hai nhà ái quốc John Adams và Josiah Quincy đã đồng ý làm luật sư biện hộ cho các binh sĩ này nhằm thể hiện sự ủng hộ hệ thống tư pháp thuộc địa. Khi phiên tòa kết thúc vào tháng 12/1770, hai lính Anh bị kết tội ngộ sát và ngón tay cái của họ đã bị khắc chữ "M" để trừng phạt tội giết người (Murder.)
Giọt nước tràn ly
Các cuộc cách mạng thường bùng nổ không chỉ bởi súng ống, quân đội hay người dân, mà còn bởi ngôn từ, sự tẩy chay và thậm chí là những quả bóng tuyết. Có thể lập luận rằng người dân thuộc Mỹ đã bắt đầu một cuộc cách mạng chống lại Anh từ lâu , nhưng những quả bóng tuyết trong đêm đẫm máu tại Boston mới thực sự làm giọt nước tràn ly.
Đài tưởng niệm vụ thảm sát Boston đặt tại công viên Boston Common, thành phố Boston
"Những Đứa con của Tự do" (Sons of Liberty) - một nhóm ái quốc được thành lập năm 1765 để phản đối Đạo luật Tem (Stamp Act) - đã xem Thảm sát Boston là cuộc chiến đấu giành tự do của người Mỹ và là lý do chính đáng để quân Anh phải rút khỏi Boston. Paul Revere đã tạo nên một bức điêu khắc vụ việc, mô tả những người lính Anh xếp hàng thành một đội quân để ngăn chặn những người đại diện cho cuộc nổi dậy thuộc địa. Bản sao của bức điêu khắc đã xuất hiện khắp thuộc địa và giúp tăng cường sự căm ghét của người Mỹ trước ách cai trị của Anh.
Và đến ngày 16.12.1773, ngay tại Boston, một nhóm các cư dân thuộc địa cải trang thành người da đỏ Mohawk đã đột nhập lên ba chiếc tàu Anh và đổ 342 kiện chè xuống biển. Cách mạng Mỹ chính thức bùng nổ từ đây.
Theo danviet.vn
Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện rút quân hoàn toàn khỏi Syria Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa lên tiếng khẳng định rằng, lực lượng quân sự của nước này sẽ không rời khỏi Syria cho tới khi tất cả quốc gia khác rời khỏi đây. Trả lời phỏng vấn vào hôm 8-11, Tổng thống Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ rút quân khỏi Syria khi các quốc gia khác cũng...