Cuộc chiến của hai thầy thuốc với Covid-19
Deng Danjing và Xia Sisi cùng mắc bệnh Covid-19, một người đã đánh bại virus, người kia không qua khỏi.
Hai người mẹ trẻ quyết định không nói với con rằng mình đã nhiễm nCoV, chỉ bảo rằng họ làm việc hết mình để cứu chữa cho các bệnh nhân. Song suốt khoảng thời gian đó Deng Danjing và Xia Sisi đang vật lộn trong cuộc chiến của riêng mình tại khu cách ly, ốm yếu và thở hổn hển vì sốt.
Chỉ một tuần, họ từ các y bác sĩ khoẻ mạnh trở thành bệnh nhân Covid-19 nguy kịch.
Đối với một số người, bệnh chỉ biểu hiện như một cơn cảm lạnh thông thường trong khi số khác rơi vào tình trạng nguy kịch. Nhiễm trùng xâm lấn phổi, đẩy hệ miễn dịch vào tình trạng quá tải và phá huỷ ngay cả những tế bào khoẻ mạnh.
Khác biệt giữa sự sống và cái chết phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ, tuổi tác và khả năng đáp ứng điều trị. nCoV có thể tiến triển nhanh chóng. Tại thời điểm đó, tỷ lệ sống sót giảm mạnh.
Y tá Deng Danjing và con gái 5 tuổi. Ảnh: NY Times
Số phận của y tá Deng và bác sĩ Xia phản ánh bản chất khó lường của virus, chứng minh rằng bệnh có thể ảnh hưởng mỗi người theo cách khác nhau, đôi khi vượt ngoài phạm vi thống kê và các nghiên cứu khoa học.
Deng và Xia có nhiều điểm chung đến đáng kinh ngạc. Cả hai đều 29 tuổi, đã kết hôn, là những bà mẹ một con.
Cô Deng là y tá tại Bệnh viện số 7 Vũ Hán, điểm bắt đầu của đại dịch. Mẹ cô từng làm công việc tương tự tại đây. Trong khi đó Xia – một bác sĩ tiêu hoá cũng xuất thân từ một gia đình có truyền thống y tế.
Dịch bệnh đột ngột tấn công thành phố, hai người phụ nữ phải làm việc nhiều giờ liền, điều trị số lượng bệnh nhân dường như vô tận. Họ chủ động đề phòng và tự bảo vệ, song không ai thoát khỏi việc lây nhiễm chéo.
Dù cùng mắc bệnh, câu chuyện của mỗi người rẽ theo hướng khác nhau. Một người hồi phục, người còn lại không qua khỏi.
Triệu chứng
Triệu chứng của Covid-19 xuất hiện vô cùng đột ngột.
Bác sĩ Xia kết thúc ca trực đêm của mình ngày 14/1 sau khi được gọi lại để điều trị cho một bệnh nhân nghi nhiễm 76 tuổi. Năm ngày sau đó, cô bắt đầu cảm thấy không khoẻ, phải ngủ trưa hai tiếng ở nhà vì kiệt sức. Sau khi tỉnh dậy và kiểm tra nhiệt độ, cô sốt 38,8 độ C và cảm thấy tức ngực.
Y tá Deng phát hiện bệnh vào đầu tháng 2 khi đang chuẩn bị dùng bữa tối tại văn phòng bệnh viện, nhưng thức ăn khiến cô buồn nôn. Cô gạt đi cảm giác đó và nghĩ rằng mình chỉ mệt mỏi vì công việc. Kể từ đầu đợt dịch, cô điều trị cho các bệnh nhân dương tính và dạy họ cách khử trùng. Sau khi cố gắng ăn cơm, Deng về nhà tắm rửa, cảm thấy cơ thể lảo đảo và nghỉ ngơi. Tỉnh dậy, cô sốt 37,7 độ C.
Đây là triệu chứng phổ biến nhất với những người mắc Covid-19, biểu hiện ở gần 90% các bệnh nhân. Khoảng 1/5 người bệnh khác bị khó thở, thường bao gồm ho và ngạt mũi.
Xia và Deng lập tức đến gặp bác sĩ. Kết quả chụp lồng ngực cho thấy các tổn thương ở phổi, dấu hiệu rõ ràng của Covid-19, xuất hiện ở ít nhất 85% các bệnh nhân.
Vì bệnh viện quá tải, y tá Deng phải cách ly ở phòng khách sạn để tránh lây nhiễm cho chồng và con gái 5 tuổi. Cô đổ mồ hôi suốt đêm, thỉnh thoảng co giật ở bắp chân.
Đến sáng, cô được đưa vào bệnh viện để lấy dịch ngoáy họng làm xét nghiệm. Bác sĩ kết luận cô nhiễm nCoV. Deng nghỉ ngơi tại một phòng dành cho nhân viên rất nhỏ, có hai chiếc giường trẻ em được đánh số. Nữ y tá nằm giường 28, bạn cùng phòng của cô cũng là một nhân viên y tế bị lây chéo Covid-19.
Cách đó 28 km, tại Bệnh viện Giang Bắc, bác sĩ Xia thở một cách chật vật. Cô được đưa vào khu cách ly có bác sĩ mặc đồ bảo hộ. Căn phòng vô cùng lạnh lẽo.
Điều trị
Video đang HOT
Khi mới nhập viện, y tá Deng cố giữ tinh thần lạc quan. Cô nhắn tin giục chồng đeo khẩu trang tại nhà, rửa sạch bát đũa bằng nước sôi hoặc vứt chúng đi.
Chồng Deng gửi cô bức ảnh của chú mèo họ nuôi và bảo: “Nó chờ em quay về đó”.
“Chắc sẽ mất khoảng 10 ngày đến nửa tháng thôi. Anh tự chăm sóc mình nhé”, cô trả lời.
Chưa có phương pháp chính thức để điều trị Covid-19, bác sĩ thường kê đơn hỗn hợp thuốc kháng virus và một số loại khác để làm giảm triệu chứng của bệnh nhân. Y tá Deng được sử dụng thuốc kháng virus arbidol, thuốc cúm Tamiflu, thuốc kháng HIV Kaletra và một số loại thuốc Trung y.
Mặc dù lạc quan, cơ thể cô ngày càng yếu đi, không thể ăn uống gì. Mỗi ngày, đồng nghiệp phải truyền dinh dưỡng, kháng thể và thuốc kháng virus cho cô.
Bệnh tình của bác sĩ Xia ban đầu cũng nghiêm trọng, song cơ thể cô dần chống được nhiễm trùng. Cơn sốt thuyên giảm sau vài ngày và cô có thể thở dễ dàng hơn. Nữ bác sĩ vui vẻ trở lại, đến ngày 25/1 cô nói với các đồng nghiệp rằng mình đang hồi phục.
Bác sĩ Xia Sisi trong chuyến đi biển. Ảnh: NY Times
Đầu tháng 2, cô hỏi chồng là bác sĩ Wu Shilei liệu mình có thể kết thúc liệu pháp oxy sớm không.
“Bình tĩnh thôi. Đừng quá lo lắng”, anh nhắn lại.
Ngày 8/2, cô được xuất viện sau khi điều trị thành công và có kết quả âm tính, giống như hầu hết các bệnh nhân khác.
Y tá Deng không bình phục sớm như vậy. Đến ngày thứ 4 ở bệnh viện, cô chẳng còn giả vờ vui tươi được nữa. Cô bị nôn mửa, tiêu chảy và không ngừng run rẩy. Cơn sốt tăng lên 38,5 độ C. Sáng sớm ngày 5/2, cô tỉnh dậy và nhận ra thuốc men không làm giảm nhiệt độ. Cô bật khóc và nói mình được phân loại là bệnh nhân nguy kịch.
Ngày tiếp theo, nữ y tá nôn ba lần, bị ảo giác, không thể ngửi hay nếm được gì. Nhịp tim của cô chậm lại, còn khoảng 50 nhịp mỗi phút.
“Tôi cảm thấy mình đang đứng trên bờ vực của cái chết”, Xia viết trên một bài đăng mạng xã hội.
Trung Quốc định nghĩa bệnh nhân nguy kịch là người bị suy hô hấp, sốt hoặc suy tạng. Khoảng 5% người mắc Covid-19 ở tình trạng này, trong số đó 49% đã tử vong.
Hồi phục
Song trong hầu hết các trường hợp, cơ thể tự phục hồi do hệ thống miễn dịch tạo đủ kháng thể chống lại virus. Dù tình trạng có vẻ nghiêm trọng, y tá Deng dần hồi phục, giảm sốt và có thể ăn uống trở lại.
Ngày 18/2, sau hai lần xét nghiệm âm tính với virus, cô được trở về nhà và tự cách ly 14 ngày.
Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi những bệnh nhân khỏi Covid-19 hiến huyết tương chứa kháng thể để điều trị cho người khác. Deng liên lạc với một ngân hàng máu địa phương để làm điều này ngay sau khi trở về nhà.
Cô dự định sớm quay lại bệnh viện làm việc.
“Đây là đất nước của tôi. Tôi nghĩ mình cần trả ơn cho tổ quốc”, cô nói.
Tử vong
Dù bác sĩ Xia đã hồi phục, cô vẫn còn sợ sệt. Xét nghiệm có thể bị lỗi, cho ra kết quả âm tính giả. Cô cũng lo lắng cho chồng và gọi video nhắc anh mặc đồ bảo hộ tại nơi làm việc.
“Cô ấy nói sẽ đợi tôi trở về nhà an toàn và lại cùng nhau làm việc ở tuyến đầu chống dịch khi đã khoẻ hẳn”, anh nói.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tình trạng của bác sĩ Xia đột ngột xấu đi. Sớm ngày 7/2, cô được đưa vào phòng cấp cứu.
Tim đã ngừng đập.
Bác sĩ phải tiến hành đặt nội khí quản. Giám đốc bệnh viện ráo riết triệu tập các chuyên gia từ khắp nơi trong thành phố, liên lạc các cơ sở y tế lớn để mượn thiết bị ECMO.
Đám tang của bác sĩ Xia. Ảnh: NY Times
Tim bác sĩ Xia đập trở lại, nhưng nhiễm trùng trong phổi cô quá nghiêm trọng, não bị thiếu oxy gây ra tổn thương không thể hồi phục. Thận cô cũng ngừng hoạt động và phải lọc máu nhân tạo suốt ngày đêm.
Bác sĩ Xia rơi vào tình trạng hôn mê sâu.
Ngày 23/2, cô qua đời.
Bác sĩ Peng Zhiyong, trưởng khoa chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện Trung Nam, vẫn băn khoăn về lý do Xia qua đời sau khi hồi phục. Theo phỏng đoán, hệ thống miễn dịch của cô có thể đã bị tổn hại do tiếp xúc liên tục với virus. Cũng có khả năng, Xia trải qua “hội chứng phóng thích cytokine”, trong đó phản ứng thái quá cuả hệ miễn dịch phá huỷ tế bào bạch cầu và chất dịch.
Chồng nữ bác sĩ vẫn còn bàng hoàng, chưa thể chấp nhận cái chết của vợ.
Họ gặp gỡ tại trường y và là mối tình đầu của nhau, đã lên kế hoạch cùng đồng hành đến khi già đi.
“Tôi yêu cô ấy rất nhiều. Cô ấy đi rồi. Tôi chẳng biết phải làm gì về sau nữa, chỉ có thể cầm cự thôi”, anh nói.
Thục Linh (Theo NY Times)
Theo vnexpress.net
Covid-19, chỉ Trung Quốc cấm tiêu thụ động vật hoang dã là không đủ
Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) kêu gọi các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á sớm đưa ra quyết định cấm tiêu thụ động vật hoang dã, vì nỗ lực của một mình Trung Quốc là không đủ.
Trước đó, ngày 24/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội của Trung Quốc đã ra quyết định cấm tiêu thụ thịt động vật hoang dã và chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) không được kiểm soát. Hoạt động buôn bán và tiêu thụ ĐVHD được cho là nguyên nhân gây ra dịch Covid-19.
Quyết định này được công bố trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp ở Trung Quốc vẫn diễn biến khó lường, buộc nước này phải hoãn phiên họp Quốc hội thường niên lần đầu tiên trong lịch sử, dự kiến khai mạc vào 5/3 tới.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc quyết định cấm tiêu thụ động vật hoang dã. Ảnh: Trần Khánh
Theo đó, tất cả các loài động vật hoang dã trong danh mục cần được bảo vệ bao gồm cả ở trên cạn, biết bay, dưới nước, có thể nhân giống và nuôi trồng đều bị cấm tiêu thụ.
Các văn phòng WWF châu Á Thái Bình Dương hoan nghênh quyết định này của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á cũng sớm đưa ra quyết định tương tự để bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của người dân trên toàn khu vực.
Đông Nam Á vẫn nổi tiếng là nơi cung cấp sản phẩm các loài ĐVHD và là nơi trung chuyển các sản phẩm này tới thị trường Trung Quốc; đặc biệt là ở lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam, khu vực Tam Giác Vàng rất gần với biên giới Trung Quốc.
Đông Nam Á nổi tiếng là nơi cung cấp động vật hoang tới thị trường Trung Quốc. Ảnh Trần Khánh
Theo WWF, những kẻ săn trộm trải bẫy khắp nơi để săn bắt thú rừng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở khu vực và đã trở thành vấn nạn phổ biến ở các nước. Kết cục là rất nhiều khu rừng nhiệt đới ở châu Á đang trở thành rừng rỗng, không còn các quần thể thú đặc hữu, quý và hiếm.
Đáng tiếc là, nhiều quốc gia đã có luật cấm buôn bán, săn bắt các loài hoang dã nguy cấp, nhưng việc thực thi pháp luật đối với các thị trường bất hợp pháp này dường như bị bỏ ngỏ. Những hoạt động buôn bán bất hợp pháp này không chỉ là mối đe dọa đối với quần thể các loài hoang dã mà còn đe dọa đối với sức khỏe con người và vật nuôi.
Sự xuất hiện và lây lan của Covid-19 và các dịch bệnh tương tự như SARS, MERS trong những năm gần đây đã cho thấy sự nguy hiểm của việc buôn bán và tiêu thụ thịt ĐVHD đối với sức khoẻ con người. Thiệt hại do Covid-19 gây ra cho mỗi quốc gia, mỗi khu vực và cho toàn thế giới đã lên đến hàng tỷ USD và sẽ còn tác động lên nền kinh tế trong nhiều năm tới.
Nhiều bộ phận của gấu đen ở tỉnh Tứ Xuyên bị cảnh sát Trung Quốc thu giữ trong chiến dịch truy quét vừa qua. Ảnh: China Daily
WWF đề nghị các quốc gia cần hành động khẩn trương hơn nữa để ngăn chặn nguy cơ các dịch bệnh mới có thể bùng phát, gây ra nhiều đau khổ và thương vong cho con người. Và với tình hình lây nhiễm phức tạp của Covid-19 như hiện nay, hành động của một quốc gia thôi là không đủ.
Tại khu vực phía Nam Việt Nam, chợ động vật hoang dã tại huyện Thạnh Hóa (Long An) được xem là "thiên đường" ĐVHD thu hút rất nhiều du khách miệt Đồng Tháp Mười.
Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Long An cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh đã có kế hoạch dẹp hẳn chợ ĐVHD này.
Chợ động vật hoang dã Thạnh Hóa thu hút rất nhiều du khách. Ảnh: Trần Đáng
TS. Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam đề nghị: Việt Nam cần có những hành động quyết liệt tương tự để đóng cửa các hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép, đồng thời cấm vĩnh viễn tiêu thụ ĐVHD, bao gồm cả cấm tiêu thụ thịt thú rừng và sử dụng các bộ phận của chúng làm thuốc.
"Đã đến lúc chúng ta ngừng biện minh rằng sử dụng ĐVHD là thói quen lâu đời khó bỏ. Sức khỏe của người dân, sự ổn định về kinh tế, hệ số tín nhiệm quốc gia và an sinh xã hội cần được đặt lên hàng đầu", TS. Thịnh nhấn mạnh.
Một mình Trung Quốc cấm tiêu thụ động vật hoang dã là không đủ. Ảnh: Trần Khánh
Những tác động tiêu cực của việc buôn bán bất hợp pháp ĐVHD lên tới quần thể của chúng và đa dạng sinh học toàn cầu đã được biết đến rộng rãi, tuy nhiên ảnh hưởng của việc buôn bán này đối với sức khoẻ của con người hiện nay vẫn còn hạn chế và ít được quan tâm.
Thịt ĐVHD có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại. Virus Corona gây bệnh trên động vật, và có thể truyền từ động vật sang người. Loại virus này có khả năng tự biến đổi và trú ngụ tại vật chủ là động vật có vú và truyền sang người ở những nơi con người tiếp xúc gần với các loài thú mang bệnh.
Các thị trường buôn bán các động vật hoang dã tạo ra một môi trường tiềm ẩn nguy cơ cao cho các loại virus như thế này biến đổi và lây sang con người. Thêm vào đó, sự thuận tiện của giao thông và phát triển du lịch khiến cho việc phát tán virus từ người mắc bệnh trở nên dễ dàng, các ổ dịch cục bộ có thể nhanh chóng phát triển thành đại dịch.
Theo danviet.vn
Giáo sư Hàn Quốc và 'bài học xương máu' vì chủ quan chống COVID-19 Giáo sư Hàn Quốc Park Hyun chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về sự chủ quan trong phòng dịch sau khi hồi phục từ quá trình điều trị COVID-19. Giáo sư Park Hyun trong thời gian điều trị COVID-19 Ảnh chụp màn hình Facebook Park Hyun Theo South China Morning Post, giáo sư Park Hyun tại Hàn Quốc vừa chia sẻ bài học...