Cuộc chiến chống IS: Giá trị Mỹ trong mắt đồng minh?
Nếu không kích, các đồng minh hoàn toàn ủng hộ. Nhưng nếu bộ binh tham chiến, họ còn ủng hộ hay sẽ im lặng?
Sự im lặng đáng sợ
Ngày 11/9/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên chiến với Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq. Sách lược mà Mỹ lựa chọn là không kích.
Sở dĩ Washington sử dụng chiến thuật này, bởi họ tự tin vào sức mạnh không quân của mình, nhưng quan trọng hơn, không kích sẽ giúp an toàn cho quân Mỹ (IS chưa có vũ khí phòng không). Và ngoài ra, Mỹ sẽ tránh sự sa lầy như kinh nghiệm các cuộc chiến trước ở Trung Đông để lại.
Và khi nước Mỹ xây dựng một liên minh mới để chống IS, họ đưa ra chiến lược an toàn như vậy thì tất nhiên, các đồng minh phương Tây cũng không ngại gì từ chối. Hàng loạt nước đã đưa không quân của mình đến bầu trời Trung Đông để quần thảo mặt đất.
Sự ủng hộ từ các đồng minh đã làm Mỹ cảm thấy ấm áp. Washington không cô đơn, Washington vẫn đang cầm trịch với quyền chỉ huy và điều động tối thượng. Thế nhưng, những người bạn Mỹ có thực sự ở bên Mỹ hết tâm hết sức?
Chiến đấu cơ CF-18 của Canada trên bầu trời Syria
Video đang HOT
Lấy Canada làm ví dụ. Người hàng xóm ở Bắc Mỹ xa xôi này đã vui vẻ gửi đi những chiến đấu cơ, oanh tạc cơ hàng đầu của họ xung trận. Thề đồng tâm hiệp lực với Mỹ trong trận chiến này.
Truyền thông phương Tây cũng liên tiếp đưa tin về việc các chiến đấu cơ của Canada không kích vào các căn cứ, cơ sở sản xuất vũ khí của IS. Gần đây nhất là cuộc không kích hôm 17/11 của 4 chiến đấu cơ CF-18. Những thông tin đó làm người ta liên tưởng đến một sự phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa Mỹ – đồng minh, và Canada đang làm tròn vai.
Tuy nhiên, một thực tế mà Mỹ đang đối diện, đó là nguy cơ xuất bộ binh tham chiến ở Iraq. Điều này là ngoài dự tính của Lầu Năm Góc, bởi khi không kích rồi mới phát hiện ra IS khó nhằn hơn họ nghĩ. Hoặc Lầu Năm Góc đã biết phi bộ binh bất thủ thắng, nhưng không công bố.
Nhưng thái độ của Canada đã được thể hiện rõ ràng. Đối diện với nguy cơ “mở rộng can thiệp” của quân đội Mỹ, Canada vẫn im lặng. Họ không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối.
Thực tế thì Ottawa đang phải toan tính. Tham chiến với bộ binh là một bài toán hóc búa, hứa hẹn nhiều thiệt hại mà Canada chắc chắn không bao giờ muốn dấn thân vào. Mỹ có thể đổ bộ binh đến Trung Đông, đó là việc của Mỹ, nhưng nó không nằm trong kế hoạch của Canada.
Bài học ở Ukraine vẫn còn hiện hữu, khi EU tham gia vào cuộc khủng hoảng đó với vai trò khuyếch trương thanh thế cho những chính sách của Washington. Nhưng cuối cùng, Mỹ rút đẹp và để lại gánh nặng đó cho EU phân xử. Canada sẽ chẳng dại gì gánh trách nhiệm hoặc chia sẽ trách nhiệm trong vũng bùn Trung Đông này với Mỹ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói thẳng sẽ không đưa quân tham chiến vì Mỹ đã quên lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ
Còn những đồng minh Trung Đông đang trực tiếp dính líu vào vấn đề với IS thì sao? Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 19/11 nói thẳng: Ankara sẽ không cử bộ binh tham chiến, bởi Mỹ đang không đáp ứng được các yêu cầu của họ.
Mỹ đang hậu thuẫn cho người Kurd chống IS, và chống IS đồng thời cũng góp phần bảo vệ chế độ của Bashar al-Assad ở Syria. Những điều này mâu thuẫn nghiêm trọng với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Lời cự tuyệt của Ankara càng khiến khả năng Mỹ phải đưa bộ binh tham chiến trở nên hiện hữu và cấp bách hơn bao giờ hết.
Còn Israel, vốn được mệnh danh là nước Mỹ ở Trung Đông, từ đầu cục diện đến giờ, họ chưa một lần ra mặt. Thực tế thì cả Israel và Mỹ đều đang trong giai đoạn xấu của mối quan hệ đồng minh.
Và các đồng minh Ả Rập của Mỹ thì sao? Thay vì đứng chung hàng ngũ với liên minh Mỹ, họ tổ chức một liên minh độc lập, đảm bảo các hành động độc lập, chủ động. Liên minh Ả Rập này chỉ hành động khi an ninh và lợi ích của mình đe dọa, chứ không phải vì lợi ích Mỹ.
Những dấu hiệu đó cho thấy, đã đến lúc Washington phải đặt ra nghi vấn về lòng tin chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh của mình.
Nút thắt trong cuộc chiến với IS
Vì sao Mỹ phải vội vàng thúc đẩy phương án đưa bộ binh tham chiến ở Trung Đông, dù quân đội Iraq đã giành được một số thắng lợi quan trọng? Chính sự bành trướng, phát triển của IS khiến Mỹ cũng như các đồng minh của mình không thể cho phép tổ chức này tồn tại lâu hơn.
IS đã tuyên bố thành lập nhà nước và phất lên ngọn cờ Thánh chiến Hồi giáo. Họ có đồng tiền riêng, có đầy đủ các cơ quan ban ngành. Lá cờ đen của IS có thể coi là quốc kỳ, chỉ có điều cuộc chinh phạt của IS chưa xong, nên chưa thể có biên giới lãnh thổ hay Thủ đô, Quốc ca…
Peter Kassig, một nhân viên cứu trợ nhân đạo đã bị chặt đầu.
Tháng 10, IS ngông nghênh đòi tổ chức giải “World Cup” của các tổ chức Hồi giáo cực đoan, IS ngang nhiên khôi phục chế độ nô lệ – một hành động xấc xược với nền dân chủ của Mỹ.
Và mới ngày 17/11, tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Syria công bố IS đã hành quyết 1.429 người tại đất nước này trong 5 tháng qua. Luật pháp của IS, thú vui của IS đều là mang mạng sống của “những kẻ ngoại đạo” ra trừng phạt. Điều không may, nước Mỹ và các đồng minh cũng bị liệt vào danh sách ngoại đạo đó.
Quan trọng hơn nữa, người Mỹ tiếp tục bị giết hại. Peter Kassig, một nhân viên cứu trợ nhân đạo đã bị chặt đầu. Tuy nhiên, trong đám đao phủ đó lại có mặt 2 công dân Pháp, đã được chính phủ của ông Francois Hollande nhận dạng.
Nút thắt ở đây không phải IS chiếm được bao nhiêu dầu, bao nhiêu đất ở Syria hay Iraq, mà là việc người phương Tây đang tham chiến cho tổ chức này ngày càng nhiều. IS đã tạo ra một ma lực mê hoặc mà chưa một tổ chức khủng bố nào làm được từ trước đến nay. Đó là điều mà Washington hay bất kỳ chính quyền nào không thể ngồi yên.
Những vấn đề về an ninh, lợi ích kinh tế, chính trị của Mỹ đều bị đe dọa nghiêm trọng với IS. Và khi các đồng minh không ai chịu gánh vác trách nhiệm thay Mỹ, có lẽ đã đến lúc bộ binh của Mỹ phải tham chiến trong cục diện này.
Theo Đất Việt