Cuộc chiến biên giới: 37 năm gặp lại cô bộ đội, tôi khóc gọi mẹ ơi
Bước vào cửa, vừa nhìn thấy bà Mùi, tôi đã rơi nước mắt. Tôi gọi mẹ ơi rồi chạy tới ôm bà. Người phụ nữ này không phải mẹ đẻ, không phải mẹ chồng, đây là người mẹ cơ duyên của tôi.
Bà là cô bộ đội đã ôm tôi chạy giặc và được nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường ghi lại tháng 2.1979. Sau 37 năm chúng tôi mới gặp nhau, chị Hoàng Thị Hiền kể với PV Dân Việt.
Cô bộ đội bế em bé trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (ảnh Trần Mạnh Thường).
Mò kim đáy bể thành công
Một buổi chiều xuân Kỷ Hợi (2019), chúng tôi tìm đến cơ quan của chị Hoàng Thị Hiền (cán bộ địa chính xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Lúc này đã hết giờ làm việc, chị đang cầm điện thoại trò chuyện video qua facebook với bà Bùi Thị Mùi (Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ). Chị hỏi: Mẹ hôm nay thế nào?. Phía bên kia một người phụ nữ tóc bạc trắng tươi cười nói: Con à, đã được nghỉ chưa? Câu chuyện giữa hai mẹ con như lâu ngày mới được gặp nhau.
“Ngày nào tôi cũng gọi cho mẹ Mùi”, chị Hiền bảo.
Bà Mùi không phải mẹ đẻ hay mẹ chồng của chị Hiền. Đây là người mẹ của cơ duyên. Bà chính là cô bộ đội đã ôm chị chạy giặc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2.1979. Sau 37 năm hai người mới gặp nhau.
Bức ảnh “cô bộ đội bế em bé” do nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường chụp tháng 2.1979 ở cầu Tài Hồ Sìn quốc lộ số 3, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, Cao Bằng đăng trên báo Nhân dân tháng 2.1979, sau này thành một câu chuyện cổ tích. Khoảnh khắc tình quân dân trong cuộc chiến được ghi lại rất xúc động nhưng vì sự cấp tốc của chiến tranh nên cô bộ đội, em bé và cả tác giả bức ảnh đều không kịp hỏi han để biết tên tuổi, địa chỉ của nhau.
Thế rồi vào năm 2016, nghĩa là 37 năm sau chiến tranh, nhờ những nỗ lực của nhà báo Mai Thanh Hải và báo Thanh niên, cô bộ đội và em bé ngày đó, cùng nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đã có cuộc hội ngộ đầy xúc động trên mảnh đất biên viễn Cao Bằng.
Cuộc hội ngộ xúc động giữa cô bộ đội Bùi Thị Mùi, chị Hoàng Thị Hiền và nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường (ảnh VNE).
Trò chuyện với PV Dân Việt, nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường nói: Trong số những bức ảnh về biên giới tháng 2.1979 có 3 bức ảnh về nhân vật mà ông quan tâm, một trong 3 bức ảnh đó là “cô bộ đội bế em bé”. “Nhiều lúc xem lại ảnh tư liệu tôi có ước mong tìm được cô bộ đội và em bé xem giờ ra sao”, ông nói.
Ông kể tiếp: Vào khoảng đầu năm 2013, anh Mai Thanh Hải tìm đến nhà tôi và hỏi: Bác có phải là người chụp bức ảnh cô bộ đội bế em bé tháng 2.1979 không. Tôi nói: Đúng. Anh hỏi tiếp: Bác có biết cô bộ đội này giờ ở đâu. Tôi trả lời không biết.
“Tôi nói thêm với anh rằng cháu bé trong bức ảnh lúc đó khoảng 3 tuổi, nhà chắc chắn ở không xa khu vực cầu Tài Hồ Sìn (cầu Tài Hồ Sìn cách thị xã Cao Bằng khoảng 20km). Có thể ở ven thị xã Cao Bằng hoặc một xã nào của huyện Hòa An. Bởi lúc đó quân Trung Quốc bất ngờ đánh tới nếu là người dân ở những huyện xa như Thông Nông, Hà Quảng thì không thể chạy kịp đến cầu Tài Hồ Sìn”, ông Thường cho biết.
Video đang HOT
Từ gợi ý của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường, anh Mai Thanh Hải bắt đầu hành trình “mò kim đáy bể”. Theo anh Hải, việc đi tìm kiếm hai người trong bức ảnh sau hơn 30 năm là cực kỳ khó khăn. Đến tháng 2.2014, sau rất nhiều nỗ lực của Ban Biên tập Báo Thanh niên và các phóng viên ở vùng miền, nhân vật em bé trong bức ảnh đã được tìm thấy.
Chị Hoàng Thị Hiền kể chuyện với PV Dân Việt (ảnh PV).
Cuộc đời tôi có thêm người mẹ
Kể lại với PV Dân Việt, chị Hoàng Thị Hiền (xóm 3 Ngọc Quyến, xã Hưng Đạo TP. Cao Bằng – em bé trong bức ảnh ngày đó) cho biết: Vào năm 1979, trên báo có đăng bức ảnh cô bộ đội bế em bé, bố mẹ chị đã cắt ảnh ra để lưu giữ như một kỷ niệm.
“Vào một chiều năm 2014, anh Mai Thanh Hải tìm đến nhà tôi và đưa bức ảnh ra hỏi. Tôi liền chạy vào nhà trong rồi cầm bức ảnh nhỏ cắt từ báo mà gia đình đã gìn giữ mấy chục năm qua ra. Tôi nói: Em đúng là cháu bé trong ảnh được cô bộ đội bế năm xưa”, chị Hiền kể.
Tháng 2.1979, khi quân Trung Quốc đánh vào Cao Bằng, chị Hiền lúc đó 3 tuổi được mẹ bế chạy vào xã Bình Dương, Hòa An để ra quốc lộ 3 xuôi về phía Bắc Kạn. Vào đến Thin Tẳng, xã Bình Dương, đêm đó mẹ chị Hiền bị trúng đạn của quân thù, máu chảy nhiều, lịm dần đi. Cô bé Hiền ngồi cạnh mẹ khóc. May sao lúc đó có tốp bộ đội vừa chiến đấu ở tuyến trên đi tới. Những chú bộ đội đã khiêng mẹ chị Hiền, còn cô bộ đội đeo khẩu AK ra sau lưng, ôm bé Hiền chạy suốt đêm xuyên rừng ra Tài Hồ Sìn.
Hằng ngày chị Hiền và bà Mùi trò chuyện với nhau qua video facebook (ảnh PV).
Sáng hôm sau có 2 chiếc ô tô Gaz lên phía cầu Tài Hồ Sìn đón thương binh, mẹ chị Hiền được lên chiếc xe Gaz cùng các thương binh nặng, lúc này nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường cũng vừa xuyên đường mòn từ phía thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng) đi ra. Nhìn thấy cảnh cô bộ đội ôm cháu bé, ông đã giơ máy ảnh lên bấm. Cô bộ đội Bùi Thị Mùi nhớ lại: “Lúc đó có 3 cái vội, ảnh chụp vội, đeo ba lô vội và lên xe vội. Nếu không nhanh sợ pháo của quân Trung Quốc bắn tới sẽ rất nguy hiểm”.
Sau khi cuộc chiến tháng 2.1979 kết thúc, bố chị Hiền là tài xế cũng đã cất công đi hỏi thăm, tìm kiếm những cô chú bộ đội đã giúp vợ, con ông. Ông đã gặp được những người khiêng vợ mình nhưng riêng cô bộ đội Bùi Thị Mùi sau nhiều năm tìm kiếm vẫn không thấy. “Năm 1987, cuộc tìm kiếm dừng lại vì bố tôi qua đời, còn mẹ sức khỏe yếu do thương tích nên không thể đi xa”, chị Hiền cho biết.
Trở lại với cuộc tìm kiếm của anh Mai Thanh Hải và báo Thanh niên, sau khi tìm được chị Hiền, anh Hải tiếp tục tìm kiếm cô bộ đội. Anh và các đồng nghiệp đã đi hỏi thăm, qua nhiều tỉnh, nhiều đơn vị chiến đấu, gặp rất nhiều nhân vật từ Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, tuy nhiên các nỗ lực đều không có kết quả.
Tháng 2.2016, báo Thanh niên đăng bài viết “Tìm cô bộ đội 37 năm về trước” ngay lập tức anh Hải nhận được tin nhắn của một độc giả rằng cô bộ này tên Mùi đang ở Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ. Anh Hải lên đường và tìm gặp được bà Mùi.
“Hôm anh Mai Thanh Hải gọi điện báo cho tôi đã tìm được cô bộ đội năm xưa, cảm xúc trong tôi hồi hộp khó tả. Đêm đó tôi đi xe khách giường nằm từ Cao Bằng về Hà Nội (để từ Hà Nội lên Phú Thọ) không sao chợp mắt được. Chỉ mong sao sớm được gặp cô”, chị Hiền nhớ lại.
Nhà vợ chồng bà Mùi ở Đội 7, xã Hanh Cù, đó là ngôi nhà tềnh toàng. Bà nhập ngũ năm 1976, khi đó 18 tuổi, sau cuộc chiến 1979, đến năm 1980 bà giải ngũ về địa phương làm kế toán cho hợp tác xã. Năm 1981, bà xây dựng gia đình, tuy nhiên sau đó bị tai nạn lao động, bị liệt chân phải ngồi xe lăn.
“Hôm anh Hải dẫn tới, vừa vào cửa nhìn thấy bà Mùi, tôi đã rơi nước mắt. Tôi gọi mẹ ơi rồi chạy tới ôm bà. Từ hôm đó tôi gọi bà là mẹ”, chị Hiền kể. Chị Hiền cho biết thêm, 3 năm qua chị và chồng con vẫn thường xuyên từ Cao Bằng về Phú Thọ để thăm vợ chồng bà Mùi. Nhờ công nghệ hiện đại, hiện hằng ngày chị và bà Mùi thường xuyên liên lạc với nhau bằng video của facebook.
Nhớ những giây phút gặp lại em bé trong bức ảnh năm xưa bà Mùi nghẹn ngào chia sẻ: Khi chị Hiền bước vào cửa tôi nhận ra ngay bởi cằm và trán giống hệt như của cô bé năm 1979 mà tôi đã bế chạy. Chị Hiền đến ôm tôi khóc gọi là mẹ. Tôi nghẹn ngào không nói được.
“Tôi không có con, mà đến tuổi xế chiều lại có người gọi là mẹ. Tôi bị tai nạn nên rất suy sụp. Tôi yếu mà chồng cũng già yếu. Tôi rất thèm được như những người phụ nữ khác, muốn được có con, rất thèm được gọi là mẹ. Tự nhiên em bé ngày xưa đến gọi tôi bằng mẹ, điều này làm cho tôi có động lực, cần kiên cường sống thêm. Từ ngày đó tôi thấy khỏe ra. Mỗi khi Hiền gọi điện tôi thấy rất phấn khởi”, bà Mùi nói.
Chị Hoàng Thị Hiền kể: Nhờ anh Mai Thanh Hải kết nối các nhà hảo tâm, bà Bùi Thị Mùi được giúp đỡ xây một ngôi nhà khang trang. Ngôi nhà khánh thành vào đúng ngày 2.9.2018.
Theo Danviet
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979: Bài học nằm lòng
40 năm đã trôi qua, song những bài học rút ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979 vẫn vô cùng quý giá, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Ngày 17/2 đúng 40 năm trước, 600.000 quân Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam. Cuộc bành trướng này tuy ngắn nhưng để lại thương vong nặng nề cho cả đôi bên và đẩy quan hệ hai nước vào tình trạng đóng băng trong một thời gian rất dài sau đó.
Mặc dù vậy, trải nghiệm đau thương này cũng giúp chúng ta đúc kết được nhiều bài học qúy giá, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vẫn còn căng thẳng và tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Có lẽ bài học đầu tiên và lớn nhất có thể rút ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của tổ quốc tháng 2/1979 là không được phép đánh giá thấp nỗi lo sợ của một cường quốc. Các cường quốc vẫn có những mối lo ngại về an ninh và một khi lo sợ, rất có thể họ sẽ chủ động dùng vũ lực để trấn an bản thân.
Ở thời điểm Trung Quốc tấn công bành trướng chúng ta, tuy không mạnh như Mỹ hay Liên Xô nhưng nước này vẫn có thể được coi là một nước lớn ở khu vực Châu Á. Hơn nữa, Trung Quốc khi đó đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân, đồng nghĩa với việc họ có thể răn đe mọi đối thủ có ý định tấn công lãnh thổ của mình.
Với lãnh thổ rộng lớn, Trung Quốc gần như là một "pháo đài bất khả xâm phạm" trước kẻ địch. Vì vậy trên lý thuyết, Trung Quốc có ít lý do để lo sợ trước Liên Xô, bất chấp căng thẳng giữa hai nước.
Thế nhưng từ góc nhìn của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh khi đó thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Điều duy nhất họ thấy là Liên Xô đang tìm cách vây hãm mình từ tứ phía và Việt Nam sẽ là cái chốt cuối cùng giúp Liên Xô hoàn thành "vòng kim cô" siết chặt Trung Quốc.
Ngày 17/2 đúng 40 năm trước, Trung Quốc đã tràn quân sang tấn công Việt Nam.
Lịch sử cho thấy người Trung Quốc đã không ít lần phải đối mặt với kẻ địch hùng mạnh nhưng không bị khuất phục. Dưới triều đại nhà Thanh, Trung Quốc thậm chí còn bị các cường quốc phương Tây đô hộ và chia năm xẻ bảy song dân tộc này vẫn tìm được lối thoát.
Nhưng đối với những nhà lãnh đạo Trung Quốc, bản thân việc bị bao vây chiến lược như vậy đã là một mối đe doạ an ninh nghiêm trọng. Đó là một mối lo sợ vô hình, vốn chỉ tồn tại trong tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979 cho thấy Trung Quốc không chỉ dùng đến vũ lực khi họ muốn bành trướng lãnh thổ, mà họ còn phát động vũ lực để trấn an bản thân trước các mối đe doạ. Có ý kiến hiện nay cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông bởi dùng vũ lực để chiếm đảo vô cùng rủi ro mà lại có thể "lợi bất cập hại".
Điều này tuy có thể đúng nhưng rút kinh nghiệm từ quá khứ, để duy trì được hoà bình, Việt Nam cần tính đến cả trường hợp Trung Quốc tiến hành xung đột vũ trang chớp nhoáng ở quy mô hạn chế để "dạy các nước khác một bài học" hay giành lợi thế trên bàn đàm phán ở các thời điểm nhạy cảm.
Bài học thứ hai rất đơn giản: một nước nhỏ như Việt Nam cần làm mọi cách để không bị coi là quân cờ trên bàn cờ nước lớn.
Năm 1965, quân đội Mỹ vượt Thái Bình Dương để đến Việt Nam với niềm tin rằng Việt Nam chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Liên Xô và Trung Quốc. Dưới ảnh hưởng của "học thuyết domino", người Mỹ cho rằng Việt Nam là đạo quân tiên phong của khối xã hội chủ nghĩa và rằng nếu không đánh chặn chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, toàn bộ Đông Nam Á sẽ ngả theo Liên Xô.
Trong khi, thực chất Việt Nam là một nước độc lập và chúng ta nhận viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa đơn thuần để phục vụ mục tiêu thống nhất đất nước chứ không phải để giúp cho Liên Xô giành lợi thế trong Chiến tranh Lạnh ở Châu Á.
Năm 1979, Trung Quốc sử dụng vũ lực bành trướng sang biên giới chúng ta cũng vì họ nghĩ rằng Việt Nam đưa quân sang Campuchia để lật đổ chế độ Khơ Me đỏ diệt chủng chỉ để giúp Liên Xô kiểm soát Đông Dương. Trong khi thực chất đây hoàn toàn là hành động tự vệ chứ không nhằm bao vây họ.
Hết lần này đến lần khác, chúng ta đều chịu thiệt bởi các nước không nhận ra rằng người Việt Nam chiến đấu vì lợi ích của dân tộc Việt Nam chứ không phải bất kỳ thế lực nào khác.
Nhìn vào vấn đề Biển Đông hiện nay, Việt Nam có lợi ích trong việc thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ và tất cả các nước muốn duy trì hoà bình cũng như tự do hàng hải trong khu vực. Nhưng cần tránh để bị hiểu lầm rằng Việt Nam đang ngầm phối hợp với nước này để kiềm chế nước kia. Để làm được điều này, chúng ta cần những sự hợp tác thực chất nhưng không khoa trương và đặc biệt tránh những tuyên bố dễ gây hiểu lầm về lập trường đối ngoại - quốc phòng của ta.
Cuối cùng, cách Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc bành trướng biên giới cho thấy họ tuy sẵn sàng sử dụng vũ lực nhưng vẫn hết sức cẩn trọng. Trước khi đưa quân sang Việt Nam, lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc đã đích thân sang Mỹ, Nhật Bản và các nước láng giềng chủ chốt để vận động ngoại giao và cô lập Việt Nam. Bắc Kinh đã chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng cho cuộc chiến này và họ chỉ tấn công chúng ta khi đã chắc rằng cộng đồng quốc tế sẽ không lên án hay phản ứng một cách mạnh mẽ. Nói cách khác, việc cô lập chúng ta về mặt ngoại giao có thể xem như một trong những điều kiện cần để họ phát động cuộc bành trướng vào năm 1979.
Người Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới dư luận quốc tế nên có lý do để tin rằng ngày nào Việt Nam còn được sự ủng hộ ngoại giao của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây, ngày đó Trung Quốc còn động lực để hành xử kiềm chế. Để tránh rơi vào tình trạng cô lập, Việt Nam cần chứng minh rằng mình là một thành viên tích cực của cộng động quốc tế trong nhiều vấn đề dù không trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của ta, đồng thời hành xử kiềm chế trong các cuộc khủng hoảng như sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014.
Những bài học trên có thể giúp Việt Nam tránh một cuộc đụng độ với Trung Quốc trong tương lai nhưng nó không thể giúp ta có được một môi trường thực sự hoà bình. Một dạng "hoà bình nóng" vốn chưa bao giờ là một trạng thái ổn định. Là nước nhỏ cạnh một nước lớn, chìa khoá để chúng ta có thể đảm bảo an ninh về lâu dài vẫn là quan hệ hữu hảo với láng giềng phương Bắc. Điều này chỉ đạt được khi hai bên có thể cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược, trước hết qua việc dám nhìn thẳng vào lịch sử, chấp nhận quá khứ nhưng bàn về tương lai.
Ngô Di Lân
Theo Vietnamnet
Sự trùng hợp về cuộc chiến bảo vệ biên giới Cuốn sách ra mắt vào thời điểm này có giá trị rất lớn: Vừa tròn 40 năm kỷ niệm ngày thành lập Quân đoàn 14, cũng là tròn 40 năm kỷ niệm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sự trùng hợp này đã thôi thúc chúng tôi phải làm điều gì đó để tri ân hàng vạn...