Cuộc chia tay lịch sử Anh – EU qua hình họa con thuyền
Lựa chọn rời khỏi EU của người Anh được giải thích dễ hiểu qua hình ảnh những con thuyền tượng trưng cho các nước.
Người dân Anh đã có quyết định lịch sử trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, khi đa số họ lựa chọn phương án Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc “ly hôn” đình đám này không chỉ là kết quả 4 tháng vận động quyết liệt của phe ủng hộ phương án rời EU (Brexit), mà còn là hậu quả của chủ nghĩa hoài nghi EU kéo dài nhiều thập kỷ.
Vì sao EU tồn tại
Theo Vox, châu Âu là một tập hợp các nước từng chiến đấu chống lại nhau, chẳng hạn như trong Thế chiến II. Vì vậy, sau Thế chiến II, nhiều nước cảm thấy cần hợp nhất để đoàn kết các nước châu Âu, bắt đầu với các ngành công nghiệp than, thép và sau đó mở rộng đến các vấn đề thương mại.
Thông thường, các nước đặt ra quy định riêng cho việc nhập khẩu. Ví dụ, nếu bạn muốn chế tạo xe hơi ở Pháp và bán sang Anh, bạn sẽ phải trả thuế để làm như vậy.
Hoặc giả sử bạn là người Pháp nhưng muốn sống và làm việc tại Anh, bạn sẽ phải trải qua một quá trình nhập cư kéo dài để làm việc đó hợp pháp.
Tây Âu có hàng chục quốc gia, mỗi nước có chính sách thương mại, nhập cư, và kinh tế riêng. Liên minh châu Âu (EU) về cơ bản bắt đầu từ một câu hỏi: sẽ thế nào nếu các quốc gia đều có những quy tắc tương tự? Điều gì xảy ra nếu tất cả rào cản biến mất?
Và đó là những gì EU làm.
Hầu hết các nước Tây Âu tham gia nhóm để hợp nhất quy định kinh tế của họ vào năm 1993. Họ làm điều này bằng cách cho phép người, hàng hóa, dịch vụ và vốn di chuyển tự do giữa các nước thành viên.
EU đã giúp tạo ra thời kỳ thịnh vượng kinh tế lâu dài và giữ gìn hòa bình cho khu vực.
Cuộc chia tay
Tuy nhiên, có những thách thức cho việc hợp tác này. Khi điều gì xấu xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước. Ví dụ như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu đã không ứng phó hiệu quả. hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng, các ngân hàng cần hỗ trợ, và nợ tại một số nước EU tăng vọt.
Nhìn thấy EU trong cơn khủng hoảng như vậy, một số nước đặt ra nghi ngờ về liên minh. Nhiều nước giàu có (như Anh) lo ngại rằng họ có thể phải mang gánh nặng giải cứu các quốc gia kém giàu có gặp khó khăn.
Video đang HOT
Đồng thời, một số người Anh không thích việc người nước ngoài chuyển sang Anh sinh sống ngày một nhiều. EU khiến cho việc công dân nước này di cư đến nước khác dễ dàng hơn. Và số người Anh có gốc gác nước ngoài cũng tăng vọt sau khi Anh gia nhập EU.
Các chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này. Thứ nhất, EU đã mở rộng quy mô và kết nạp thêm các nước nghèo hơn. Nhiều người dân ở các nước này di cư sang các nước giàu, như Anh. Thứ hai, khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến một số nước châu Âu đặc biệt khó khăn. Khi người dân chưa thể tìm được việc tại nước nhà, họ phải tìm việc ở nơi khác, như Anh.
Căng thẳng về nhập cư đã tăng đáng kể ở Anh trong những năm gần đây. Trong một cuộc khảo sát năm ngoái, 45% người Anh cho rằng nhập cư là một trong những vấn đề hàng đầu nước này phải đối mặt. 77% người Anh tin rằng số lượng người nhập cư vào nước này nên được giảm.
Ngày 23/6, Anh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU. Người Anh đã chọn rời khỏi EU. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức.
Anh và EU sẽ có hai năm để thống nhất về thỏa thuận cho cuộc chia ly. Anh nhiều khả năng mất đi các lợi thế và ưu đãi của EU.
Nhà kinh tế Jacob Funk Kirkegaard nói rằng vào thời điểm hiện giờ, các hãng xe Anh có thể yên tâm rằng họ có thể bán xe ở bất kỳ quốc gia EU nào, bởi vì các nước đều có cùng một tiêu chuẩn. Nhưng một khi Anh rời EU, nếu hai bên không thống nhất được thỏa thuận, việc doanh nghiệp bán Anh xe cho các nước EU có thể phức tạp hơn nhiều.
Không chỉ có xe hơi, các sản phẩm dược, công nghệ, thực phẩm, hay bất cứ sản phẩm nào của Anh cũng sẽ khó được nhập dễ dàng vào các nước EU.
Đồng thời, người Anh cũng sẽ gặp khó khăn khi di chuyển qua biên giới. Khoảng 1,2 triệu người Anh đang sống ở các nước EU khác. Họ đang làm việc ở các nước này mà không gặp nhiều rắc rối. Nhưng điều đó sẽ thay đổi.
Có kịch bản rằng Anh sẽ cố giữ thỏa thuận kinh tế với EU, cho phép họ giữ các đặc quyền kinh tế, giống như Na Uy. (Na Uy không phải là thành viên EU, nhưng đã đồng ý tuân theo một số quy định của EU để đổi lấy quyền truy cập thuận lợi thị trường chung châu Âu). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng EU nhiều khả năng sẽ “chơi rắn” với Anh, và nếu thỏa thuận như vậy, Anh có thể vẫn bị ràng buộc bởi của quy định của EU.
Những tác động lớn hơn
EU giúp cho Mỹ tiến hành thương mại với châu Âu dễ dàng hơn, và cũng giúp Mỹ dễ dàng hơn khi đề nghị châu Âu giúp đỡ về địa chính trị. Thay vì nói chuyện với hàng chục quốc gia khác nhau, các quan chức Mỹ có thể đến cơ quan EU đàm phán.
Nếu Anh rời EU, Anh có thể sẽ không còn được tham gia vào các cuộc đàm phán đó nữa.
Sự ra đi của Anh cũng có thể có tác động xuyên suốt châu Âu. Hiệu quả kinh tế kém và việc xử lý không phù hợp cuộc khủng hoảng di cư khiến nhiều người dân ở một số nước, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha, nói rằng họ muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giống Anh. Vì vậy, quyết định của Anh có thể là mở màn cho một tương lai không mấy tươi sáng với châu Âu.
Phương Vũ
Đồ họa: Vox
Theo VNE
Brexit có thể phá vỡ cán cân quyền lực châu Âu
Việc người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể phá vỡ cán cân quyền lực tại châu lục, làm giảm vai trò và ảnh hưởng của khối đối với thế giới.
Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters
Quyết định ra đi của Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ gây ra những tác động to lớn về kinh tế và tài chính cho EU. Nhưng hơn hết nó sẽ làm thay đổi cục diện địa chính trị, làm lung lay nền tảng cán cân quyền lực tại châu Âu, buộc EU phải định hình lại vai trò của liên minh này với thế giới, theo Strafort.
Cân bằng
Chuyên gia Adriano Bosoni nhận định rằng từ lâu quan hệ liên minh Pháp-Đức vốn là hòn đá tảng của sự đoàn kết EU, là động năng cho sức mạnh của các thể chế của khu vực. Cuộc xung đột giữa hai quốc gia đi đầu này sẽ làm lung lay toàn bộ cấu trúc an ninh, chính trị của châu Âu.
Trong lịch sử hai cường quốc này từng đối đầu với nhau ba lần trong các cuộc chiến tranh từ năm 1870 đến 1945. Sự hòa giải của hai nước sau Thế chiến II giúp đem lại hòa bình và tạo nền tảng cho sự hội nhập cho toàn bộ EU.
Tuy nhiên, hai nước này không phải là những quốc gia duy nhất góp phần hình thành nên tiến trình xây dựng và hội nhập của EU. Nhân tố thứ ba đó là Anh trong vai trò kết nối, trung gian giữa hai nước, giúp ổn định mối quan hệ giữa đôi bên và rộng hơn là cả châu Âu.
Pháp và Tây Đức đã đặt ra hai mục tiêu khi hình thành Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU, trong những năm 1950. Đầu tiên là tạo ra một cấu trúc kinh tế-chính trị nhằm đưa hai nước xích lại gần nhau, giảm nguy cơ bùng phát một cuộc chiến khác tại châu Âu. Hai là tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư nhằm hồi sinh các nền kinh tế châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh.
Cả hai nước đều đã đạt được điều đã đề ra. Pháp đã "trung hòa" được quốc gia láng giềng phía Đông và kiểm soát được tình hình chính trị của lục địa. Đức cũng hội nhập thành công với phía Tây.
Với Anh, quan hệ giữa London với EU có nhiều tham vọng hơn. Với vị trí là một quốc đảo tách khỏi châu Âu lục địa, Anh được bảo vệ khỏi những biến động ở với phần còn lại của châu Âu.
Trong trường hợp Anh can dự vào các vấn đề của châu Âu, đó thường là để đảm bảo cân bằng được cán cân quyền lực và đảm bảo sự an toàn của chính quốc gia này. Khi EEC ra đời, Anh ban đầu nhìn nhận thể chế này với sự hoài nghi, lo ngại về các ý tưởng có thể làm mất chủ quyền của Anh, để mất quyền kiểm soát Nghị viện vào các thể chế kỹ trị không qua bầu cử ở Brussels.
Bên cạnh đó, Pháp lại muốn Anh không gia nhập EEC do lo ngại về việc trao tư cách thành viên cho quốc gia mà cố Tổng thống De Gaulle mô tả là "một con ngựa thành Troy của Mỹ ở châu Âu". Anh cũng là quốc gia Tây Âu duy nhất có khả năng cạnh tranh vị trí lãnh đạo khu vực với Pháp. Do vậy, không ngạc nhiên khi những năm 1960, Pháp đã phủ quyết tư cách thành viên của Anh tới hai lần.
Đến những năm đầu thập kỷ 70, khi De Gaulle không còn là tổng thống Pháp, Paris và Berlin cũng đều nhận ra sự quan trọng về địa chính trị của việc mở rộng thành viên EEC. Động cơ này là nền tảng cho mối quan hệ hiện đại của Anh với châu Âu và được hình thành đầy đủ dưới thời của thủ tướng Margaret Thatcher.
Phá vỡ cán cân quyền lực
Những người ủng hộ Anh rời khỏi EU vẫy cờ bên ngoài Phố Downing ở London sau khi có kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters
Nhưng nay, sự cân bằng này sẽ bị xáo trộn khi Anh rời EU. Đức từ lâu vẫn cần sự hậu thuẫn của Anh để thúc đẩy tự do thương mại, đối phó với các xu hướng bảo hộ từ phía Pháp. Trong khi đó, Pháp coi Anh không chỉ là một đối tác quốc phòng then chốt mà còn là một đối trọng với ảnh hưởng của Đức.
Việc nhân tố Anh rời khỏi "phương trình" này sẽ khiến xáo trộn những dàn xếp của châu Âu. Nó lại đến trong một thời điểm nhạy cảm khi châu Âu đang bị chia rẽ nghiêm trọng và khi mà cả Pháp và Đức đều không hài lòng với hiện trạng.
Fredrik Reinfeldt, cựu thủ tướng Thụy Điển cho biết kết quả bỏ phiếu "ra đi" "sẽ làm suy yếu EU và khiến liên minh này trở nên thiếu cân đối, thậm chí làm EU rơi vào tay các phe cánh cực hữu. Cả Pháp và Hà Lan đều tổ chức bầu cử vào đầu năm sau. Đảng Mặt trận dân tộc của Marine Le Pen ở Pháp và đảng Tự do của Geert Wilders ở Hà Lan đều đang có uy tín khá cao. Cả hai chính trị gia này đều phát biểu về việc tiến hành trưng cầu dân ý và cho rằng lá phiếu "ra đi" của Anh sẽ tạo ra "một mùa xuân yêu nước" kết liễu EU.
Trong khi đó các chính trị gia theo đường lối trung dung ở châu Âu lại cho rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến châu Âu trở lại thời kỳ bao gồm những quốc gia riêng rẽ, sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột thảm khốc như trong thế kỷ 20.
Vị thế suy giảm
Hơn nữa, chuyên gia Bosoni cho rằng Brexit cũng làm suy giảm ảnh hưởng của EU trên toàn cầu. Việc thiếu đi một thành viên có chân trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và một cường quốc về quân sự, năng lực đối phó với những thách thức, như cuộc khủng hoảng di cư, chủ nghĩa khủng bố quốc tế hay cuộc đối đầu với Nga hiện nay, của EU sẽ bị suy yếu.
Đức và Pháp mới đây đã kêu gọi EU làm sâu sắc hơn quan hệ quân sự và an ninh. Thực tế, từ khi khủng hoảng di cư bùng phát, Đức đã phải đứng ra đảm nhận gánh nặng dẫn dắt khu vực về chính trị và kinh tế, nhằm duy trì sự đoàn kết của EU. Nhưng nay, khi Anh rời EU, gánh nặng về một vai trò quân sự dường như là quá sức với quốc gia này.
Về phía Pháp, Paris chỉ chấp nhận một vai trò đi đầu về quốc phòng trong khuôn khổ của EU, điều vốn đã rất khó khăn trong bối cảnh các nước thành viên ngày càng muốn độc lập khỏi Brussels. Tổn thất với châu Âu sau Brexit đã khá rõ ràng. Nó sẽ đem tới cho châu lục này một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị khác, đẩy cao tâm lý hoài nghi châu Âu vốn đang lan tràn. Và cán cân quyền lực châu Âu sẽ phải được định hình lại.
"EU đang phải hứng chịu đòn tấn công ngay vào thời điểm đang phải vật lộn để thoát khỏi khủng hoảng tài chính, giải quyết dòng người di cư chưa từng có từ trước đến nay và đối phó với một nước Nga đang trỗi dậy. Châu lục này không chỉ mất đi một thị trường tự do nhất mà còn mất đi một thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an và một trong những quân đội hùng mạnh nhất, khiến vai trò của nó bị giảm đi đáng kể", Bosoni nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Kẻ khóc người cười vì Anh chọn 'chia tay' EU Việc Anh rời EU có thể tạo cơ hội để một số thành viên của nhóm hợp tác chặt chẽ hơn song cũng tạo ra không ít thách thức đối với quá trình hội nhập trong khối. Kết quả kiểm phiếu trưng cầu dân ý ở Anh. Đồ họa: BBC Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 24/6, đa số người...