Cuộc chạm mặt lúc nửa đêm của bộ đội biên phòng và người vượt biên bất hợp pháp
Nếu không có cuộc gặp lúc nửa đêm của chiến sĩ biên phòng Hà Giang và người vượt biên bất hợp pháp thì không biết số phận những người Việt tha phương sẽ về đâu.
Video: Bộ đội Biên phòng Hà Giang đội mưa xuyên đêm truy bắt người nhập cảnh trái phép
Cuộc gọi lúc nửa đêm
23h30 đêm đầu đông, điện thoại Đồn Biên phòng Xín Cái ( huyện Mèo Vạc, Hà Giang) đổ chuông từng hồi. Thượng uý Nguyễn Xuân Cháng gọi về đồn báo cáo phát hiện nhóm người nhập cảnh trái phép theo đường mòn tại cột mốc 457.
Con đường nhựa dẫn đến khu vực cột mốc 457 đầy ổ gà, ổ voi chìm trong sương mù. Mưa nặng hạt, nhiệt độ xuống 16 độ C, người cách người 2-3m khó nhìn thấy nhau. Giá rét cùng gió to và những giọt nước mưa xen qua các lớp áo lạnh đến tê cóng.
Người này bám người kia, bước chân họ dò dẫm qua từng vách núi, từng con suối. Cái lạnh của sương đêm thấm đẫm vào cơ thể họ. Những cành cây, những cái gai cắt qua da thịt khiến họ đau buốt. Chân sưng tấy nên nhiều người vứt bỏ giày, dép và đồ đạc. Họ chỉ mong sao lết được về đến mốc biên giới 457 là hạnh phúc lắm rồi.
Đông cởi chiếc áo bò của mình làm chăn ủ cho đứa con đang sợ hãi và đói khát. Một vài thanh niên trong đoàn thương 2 mẹ con chị, họ thay nhau mang vác hộ túi quần áo – tài sản duy nhất của chị còn đến giờ này.
Hồi lâu, chiếc áo bò cũng ngấm nước, dần trở nên lạnh, đứa bé co ro tìm hơi ấm duy nhất từ người mẹ. Đông và nhóm người Việt được dân môi giới đưa đến địa điểm vượt biên bên kia biên giới từ 18h rồi chỉ dẫn theo lối mòn đi vào Việt Nam, với lời hứa hẹn cứ sang bên kia sẽ có người đón. Sau 4 tiếng mò mẫm trong đêm, đoàn người sắp bước chân về đất mẹ.
23h30, những người Việt từ hai bên biên giới chạm mặt nhau nơi cột mốc 457.
23h30, những người Việt từ hai bên biên giới chạm mặt nhau nơi cột mốc 457.
“Tất cả đứng lại, lực lượng biên phòng Việt Nam đây!”, Thượng úy Nguyễn Xuân Cháng, Chốt trưởng Chốt kiểm tra liên ngành 450 hô to.
Những ánh đèn pin rọi thẳng vào nhóm người vừa đặt chân qua phần cột mốc thuộc lãnh thổ Việt Nam. Tổ tuần tra kiểm soát chạy thẳng lên phía mốc 457, dùng đèn pin soi hết một lượt xung quanh, rồi quay ra hỏi nhóm người đang co ro trong cái lạnh miền biên viễn.
“Đoàn này đi có bao nhiêu người, có bao nhiêu lớn nhỏ, mọi người trong đoàn nhìn xung quanh xem còn thiếu ai không?”
Người phụ nữ tầm 70 tuổi, không kịp để anh Cháng nói dứt câu, đã chạy lại ôm chầm lấy anh và gần như khụy xuống: “Mừng quá chú bộ đội ơi, gặp các chú là chúng tôi biết được mình còn sống rồi, cả đoàn cứ nghĩ phải bỏ xác trên rừng trong đêm nay!”
10 người từ già đến trẻ, từ 70 tuổi đến cháu bé hơn 1 tuổi, họ đang đứng co ro bên nhau dưới giá rét và cơn mưa rừng, từ đầu đến chân lấm lem bùn đất, gương mặt thất thần, tái mét, không còn mấy ai đủ sức đứng vững tại phía bìa rừng này. Họ đói, họ kiệt sức sau hơn 4 tiếng vượt biên trong đêm tối mịt mù, không có ánh sáng.
Con của chị Đông giật mình tỉnh giấc, cháu khóc vì nhìn thấy người lạ. Chiếc túi vải của chị gần như rách nát, quần áo rơi cả ra bên ngoài.
Chị Nguyễn Thị Diễm Đông ôm chặt con trai một tuổi.
Thượng úy Cháng bảo chiến sĩ cởi áo mưa cho bà bầu và người già trong đoàn mặc, còn mình thì đưa ô cho một chiến sĩ cơ động che cho 2 mẹ con của Đông khỏi cơn mưa. Cháng cùng anh em trong tổ hỏi han từng người, sức khỏe và lấy thông tin ban đầu của cả đoàn.
Chiếc xe 7 chỗ lên đón, cả đoàn nhường 2 mẹ con chị Đông ngồi ghế đầu, còn lại ngồi nép với nhau ở những chiếc ghế sau. Chiếc xe chầm chậm lăn bánh trong màn đêm trở về điểm cách ly.
Mốc giới 457, thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nằm cách xa dân cư, tiếp giáp với huyện Phù Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Từ vị trí mốc giới này có thể nhìn thấy cách vài trăm mét là hệ thống đường sá cao tốc của nước bạn.
Vị trí này được nhóm môi giới xuất nhập cảnh trái phép chọn làm địa điểm ‘vàng’ để đưa và đón người qua lại, một phần là xa khu dân cư, ít người chú ý và quan trọng nhất là khoảng cách từ điểm xuất phát qua điểm đến chỉ mất 40 phút (với những người thạo đường và đi ban ngày).
Chiến sĩ 1 năm chưa được về nhà
Bên ấm chè vừa pha, Thượng úy Nguyễn Xuân Cháng, dáng người bé nhỏ, cao khoảng 1m65, nước da ngăm đen bảo anh em cán bộ tìm gói cháo để pha cho cháu bé.
Vừa pha, anh Cháng vừa nói: “Điểm cách ly nào chúng em cũng mua sẵn một thùng cháo ăn liền, nhỡ có đoàn nào có cháu bé về cùng thì còn pha cho các cháu ăn tạm qua cơn đón, những người còn lại thì bọn em có gì thì mời họ ăn cùng cái đó”.
Anh Cháng chợt nhớ rằng, từ tháng 2 đến giờ, anh mới tranh thủ về nhà được 1-2 lần để thăm vợ và các con nhỏ của mình.
Thượng úy Nguyễn Xuân Cháng.
Bát cháo nóng hổi được bê sang phòng kế bên cho cháu bé. Đông nhận bát cháo từ tay chiến sĩ, miệng lí nhí cảm ơn. Cháu bé ăn ngon một cách lạ lùng. Người mẹ thở phào nhẹ nhõm, khuôn mặt giãn ra.
Đông 34 tuổi, quê gốc Thanh Hóa nhưng vào Tây Nguyên sinh sống đã nhiều năm, cuộc sống lận đận từ công việc đến tình duyên. Vài tháng trước, nghe theo những người quen, chị Đông liều mình bế con chưa đầy 1 tuổi vượt biên qua Trung Quốc để kiếm sống.
Mọi người bảo để con ở nhà cho người thân chăm sóc, nhưng chị không đành, phần vì con còn quá bé, phần vì nhớ và thương con. Với chút tiền dành dụm nhiều năm, 2 mẹ con mơ cơ hội đổi đời nơi đất khách.
Sang Trung Quốc chưa đầy 1 tháng, dịch bệnh bùng phát, công việc trở nên bấp bênh, cùng với đó lực lượng chức năng nước bạn truy quét gắt gao những người Việt nhập cư trái phép. Sống chui lủi nơi đất khách quê người nhưng Đông vẫn phải gồng mình bám trụ, vì bản thân thì ít mà vì tương lai của con thì nhiều.
Chuyện gì đến cũng phải đến, sau những tháng tha hương, sức chịu đựng của cô gái miền Trung đã đến giới hạn, gom góp tiền dành dụm, Đông theo những lời giới thiệu của nhóm người môi giới, quyết định quay về Việt Nam theo dạng vượt biên. Đông phải bỏ ra 6.000 tệ (khoảng 20 triệu đồng).
Nhìn cháu bé ăn no bát cháo rồi dụi đầu vào mẹ, anh Cháng quay ra thở dài tâm sự: “Những trường hợp tìm được đường về như này còn may lắm anh à. Trong tâm trí em vẫn in đậm về lần giải cứu hồi tháng 7 vừa rồi. Hôm đấy mưa cũng nặng hạt và sương mù dày đặc, cũng trên mốc giới 457 đó, một nhóm khoảng 9 người cũng men theo rừng về Việt Nam, trong đó có một gia đình có 2 con nhỏ.
Bố mẹ thì thay nhau người ẵm 2 cháu nhỏ, người xách đồ đạc, họ bị lạc lại phía sau. Chúng em phải đứng trên mốc giới phía mình dùng đèn pin để dẫn lối cho họ về. Nhưng do đêm tối cũng như sương mù, phải mất vài tiếng sau thì gia đình ấy mới lên tới điểm cột mốc. Lúc đó, cả gia đình đều đã quỵ xuống, anh em vừa bế 2 cháu nhỏ vừa dìu bố mẹ xuống xe”.
2h30 sáng, mọi việc từ nơi ăn chốn nghỉ cho đoàn người nhập cảnh trái phép đã tạm ổn, Cháng lại cùng tổ công tác đứng dậy ra về đổi ca gác để nghỉ ngơi. Đông cùng nhóm người đứng dậy chạy ra sảnh, họ cúi người và nói hai từ: “Cảm ơn!”.
Mưa vẫn nặng hạt, sương mù vẫn che phủ kín những con đường, mái nhà nơi vùng biên.
Giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, bất chấp các quy định của pháp luật, tại khu vực biên giới tỉnh Hà Giang vẫn có hàng trăm lượt người chờ chực tìm cách xuất, nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở.
Tính từ tháng 2/2020 đến đầu tháng 12/2020, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Giang phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý khoảng 900 vụ với hơn 7.000 công dân xuất, nhập cảnh trái phép.
Trong đó, Đồn Xín Cái quản lý gần 24 km đường biên trên địa bàn hai xã Thượng Phùng và Xín Cái, với 30 cán bộ chiến sĩ cùng với các lực khác được tăng cường từ tỉnh và huyện.
Đồn thành lập 6 chốt khác nhau, mỗi chốt gần 10 người. Chỉ trong gần 10 tháng, Bộ đội Biên phòng đồn Xín Cái cùng các lực lượng khác phát hiện, ngăn chặn và xử lý trên 700 vụ xuất nhập cảnh trái phép, với hơn 6.000 người và đưa vào khu cách ly theo đúng quy định phòng, chống dịch.
Ông Đoàn Ngọc Hải lập di chúc tiền tỷ cho học sinh và bệnh nhân nghèo
Vợ chồng ông Đoàn Ngọc Hải đã quyết định lập di chúc dành số tiền 3 tỷ đồng để làm từ thiện giúp đỡ các học sinh và bệnh nhân nghèo.
Số tiền 3 tỷ đồng được trích ra từ việc bán xe cổ và chiếc áo có chữa ký của các cầu thủ cho doanh nhân ở Hải Dương
Mới đây, ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM) cho biết, ông vừa cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (trú phường Đa Kao, quận 1) đã mở tài khoản tại một ngân hàng ở TP.HCM để làm từ thiện.
Tài khoản này có 3 tỷ đồng, được đặt tên "Tiền quỹ ĐNH ủng hộ sữa cho học sinh lớp 1 của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và bệnh nhân của Bệnh viện Trung ương Huế - cơ sở 2".
Số tiền lãi từ toàn bộ số tiền trong tài khoản sẽ được chia làm 2 phần: 70% để mua sữa cho học sinh lớp 1 của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và 30% để mua sữa cho bệnh nhân của Bệnh viện Trung ương Huế - cơ sở 2 ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế).
Cũng theo ông Hải, sau đó, vợ chồng ông đã đến Phòng Công chứng số 7, quận 6, TP.HCM lập di chúc. Số tiền trong tài khoản này sẽ được di chúc cho ông Lê Thanh Hải (38 tuổi, 1 doanh nhân ở quận Long Biên, Hà Nội, người chi 4 tỷ đồng mua chiếc xe cổ của ông Đoàn Ngọc Hải và 4 chiếc áo thi đấu).
Nội dung bản di chúc thể hiện khi thừa kế số tài sản nêu trên, ông Lê Thanh Hải có trách nhiệm dùng số tiền lãi phát sinh từ toàn bộ số tiền có trong tài khoản nêu trên để mua sữa và chuyển cho những học sinh lớp 1 của huyện Mèo Vạc và bệnh nhân của Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2 theo tỷ lệ đã được nêu ở trên.
Ông Đoàn Ngọc Hải đút phở cho một em học sinh ở huyện Mèo Vạc
Trường hợp sau này ông Lê Thanh Hải định đoạt, lập di chúc hoặc chuyển giao toàn bộ số tiền (kể cả tiền lãi) trong tài khoản nêu trên cho người khác thì chủ tài khoản mới phải đảm bảo duy trì mục đích sử dụng của "Tiền quỹ ĐNH ủng hộ sữa cho học sinh lớp 1 của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và bệnh nhân của Bệnh viện Trung ương Huế - cơ sở 2" nêu trên.
Sau khi lập di chúc, vợ chồng ông Đoàn Ngọc Hải cũng lập giấy ủy quyền cho ông Lê Thanh Hải thực hiện việc rút tiền lãi để mua sữa tặng trong thời gian 20 năm.
Được biết, số tiền 3 tỷ đồng, được trích ra từ việc bán xe cổ và chiếc áo có chữa ký của các cầu thủ. Riêng 1 tỷ đồng còn lại (trong số 4 tỷ đồng nói trên), ông Đoàn Ngọc Hải cho biết, sẽ cùng ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mua xe đạp giúp học sinh vùng khó khăn, thuốc hen suyễn, quà cho người mù.... và chi cho mỗi bệnh nhân nghèo 1 triệu khi họ đi xe cứu thương của ông Hải từ bệnh viện về quê miễn phí.
Trước đó, khi tới huyện Mèo Vạc (Hà Giang), ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM), đã thuê nhà bếp của một quán nổi tiếng nấu 170 tô phở gà đãi các học sinh tiểu học (là người dân tộc H'Mông, có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn) ăn sáng.
Không chỉ thuê người nấu phở, ông Đoàn Ngọc Hải còn mời bí thư và chủ tịch huyện Mèo Vạc tới sớm để cùng ăn bữa sáng thân mật với các em học sinh ở ngôi trường tiểu học này. Ông Đoàn Ngọc Hải cũng ngồi cạnh đút từng muỗng cho tới khi hết bát phở cho một em học sinh.
Khắc phục sự cố sạt lở, mở đường đón các đoàn cứu trợ vào 3 bản đồng bào Rục Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình vừa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khắc phục sự cố sạt lở đoạn đường vào 3 bản đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sau gần một ngày nỗ lực, tạm thời đã thông được tuyến đường độc đạo này, đủ để đi xe máy...