Cuộc biểu tình dự kiến lớn nhất ngay sau lễ nhậm chức của Trump
Tuần hành của Phụ nữ là cuộc biểu tình dự kiến thu hút hơn 100.000 người, diễn ra một ngày sau lễ nhậm chức của Donald Trump, gửi đi thông điệp về nữ quyền đến chính quyền mới.
Những nhà tổ chức cuộc diễu hành. Ảnh: Washington Post
Teresa Shook không bao giờ coi bà là một nhà hoạt động hay tích cực đấu tranh cho nữ quyền, nhưng khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống trở nên rõ ràng, luật sư về hưu ở Hawaii này đã lên Facebook hỏi: Nếu phụ nữ tổ chức một buổi biểu tình tuần hành quy mô lớn ở Washington gần thời điểm Trump nhậm chức thì sao?
Shook nói rằng bà nảy ra ý tưởng sau khi thấy một người từng khoe khoang việc sàm sỡ phụ nữ như ông Trump lại chiến thắng và nữ ứng viên Hillary Clinton thì thất bại. Bà tạo một trang sự kiện trên Facebook cho cuộc tuần hành, đến lúc bà đi ngủ, 40 phụ nữ trả lời rằng họ sẽ tham gia. Khi bà tỉnh dậy, con số này đã lên đến 10.000 người.
Hiện giờ hơn 100.000 người đã đăng ký tham dự cuộc Tuần hành của Phụ nữ tại Washington vào ngày 21/1, đây dự kiến là cuộc biểu tình lớn nhất liên quan đến lễ nhậm chức của Donald Trump và là tâm điểm cho các nhà hoạt động cánh tả phản đối chương trình nghị sự của ông.
Các nhà tổ chức nói rằng kế hoạch đang tiến triển tốt, họ đã nhận được giấy phép từ cảnh sát Washington D.C. để tập trung 200.000 người gần tòa nhà quốc hội vào buổi sáng sau ngày ông Trump nhậm chức. Quy mô của cuộc diễu hành vẫn chưa được xác định, khi các nhà tổ chức vẫn đang gấp rút xin các giấy phép còn lại và gây quỹ 1- 2 triệu USD cũng như chuẩn bị các thiết bị hậu cần như hệ thống âm thanh hay toilet di động.
Tuy ban đầu cuộc diễu hành do Shook cùng một số người nghiệp dư tổ chức, công tác chuẩn bị sau này được giao cho một nhóm các nhà hoạt động nữ kỳ cựu từ New York như Mallory – nhà hoạt động kiểm soát súng, Linda Sarsour – giám đốc điều hành của Hiệp hội Mỹ Arab tại New York; Carmen Perez – người đứng đầu của tổ chức cải cách hình phạt với tội phạm Tập trung về Công lý và Bob Bland – một doanh nhân thời trang.
Những người tham gia cuộc tuần hành quan tâm đến nhiều vấn đề, từ quyền nhập cư cho đến các vụ cảnh sát giết người Mỹ gốc Phi. Nhưng trọng tâm của nó là nhu cầu về quyền bình đẳng cho phụ nữ, sau khi nữ ứng viên Clinton thất bại.
“Chúng tôi có kế hoạch đưa ra một tuyên bố táo bạo và rõ ràng đối với đất nước này ở cấp quốc gia và địa phương rằng chúng tôi sẽ không im lặng và chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai đảo ngược lại những quyền mà chúng tôi đã chiến đấu và đấu tranh để có được”, Tamika Mallory, một trong những nhà tổ chức, nói.
Video đang HOT
Những người tham gia
Các nhà tổ chức khẳng định mục đích của cuộc tuần hành không phải là chống Trump mà là gửi thông điệp mạnh mẽ đến chính quyền mới vào ngày làm việc đầu tiên, mặc dù nhiều người trong nhóm này quyết liệt phản đối chương trình nghị sự của ông.
Những người tham dự cuộc diễu hành có vẻ ít quan tâm đến chính trị mà tập trung vào kêu gọi chính phủ có chính sách tốt cho hộ gia đình, bình đẳng lương cho phụ nữ hay quyền thai sản. Một số người nói rằng họ chỉ đơn giản là muốn phản đối cách ông Trump nói về phụ nữ.
Lindsey Shriver, một cựu đầu bếp bánh ngọt 27 tuổi, cho biết cô cảm thấy bị xúc phạm bởi những phát biểu của ông Trump, điều mà cô mô tả là “kỳ thị phụ nữ”. Cô cũng muốn nêu bật sự cần thiết của việc trả lương cho những người nghỉ phép vì lý do gia đình và việc chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng.
“Tôi nhận ra rằng nếu chỉ đấu tranh cho nữ quyền trong cuộc sống cá nhân thì sẽ không đủ cho con gái tôi”, Shriver nói.
Caroline Rule, 57 tuổi, một luật sư sống ở Manhattan, cho biết bà sẽ tham gia sự kiện cùng con gái 15 tuổi. Trong khi bà đồng ý với thông điệp ủng hộ phụ nữ của cuộc tuần hành, bà nói rằng bà có thể tham gia bất kỳ cuộc tuần hành nào chống lại các thông điệp của ông Trump.
“Tôi hoàn toàn khinh thường Donald Trump và tất cả mọi quan điểm của ông ấy”, bà nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên Ủy ban Nhậm chức của ông Trump, Boris Epshteyn, đã bảo vệ hình ảnh của tổng thống đắc cử trong mắt phụ nữ. Tuy không nhận được đa số phiếu của phụ nữ, ông ấy vẫn nhận được rất nhiều phiếu từ họ, Epshteyn nói.
“Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mối quan tâm của họ”, ông nói thêm.
Phương Vũ
Theo VNE
Người biểu tình bài toán an ninh hóc búa trong lễ nhậm chức của Trump
Nguy cơ các nhóm ủng hộ và chống Donald Trump đụng độ đang tạo ra thách thức lớn cho công tác an ninh lễ nhậm chức tổng thống ngày 20/1 tới.
Công trình xây dựng bên ngoài tòa quốc hội Mỹ để phục vụ cho lễ nhậm chức. Ảnh: NYTimes
Ba chục cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh trong lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump đang chuẩn bị cho khả năng một lượng lớn người biểu tình sẽ tràn ngập Washington D.C. vào ngày 20/1, cùng với khoảng một triệu người ủng hộ ông Trump, theo NYTimes.
Các cơ quan lo lắng về khả năng đối đầu giữa những nhóm người Mỹ vẫn còn chia rẽ sâu sắc trong cuộc bầu cử, đặc biệt là tại thời điểm khi hàng triệu người trên thế giới đổ dồn sự chú ý vào Washington D.C.
Từng có nhiều mối lo ngại trước lễ nhậm chức lần thứ hai của ông Bush vào năm 2005 sau vụ khủng bố 11/9/2001. Năm 2009, khi ông Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, ông phải đối mặt với một loạt mối đe dọa phân biệt chủng tộc cũng như lo ngại về âm mưu khủng bố.
Dù vậy, ông Obama không phải đối mặt với nguy cơ có những cuộc biểu tình lớn "chào đón" khi ông chính thức vào Nhà Trắng. Đám đông gần hai triệu người năm 2009 chỉ có ít người biểu tình và không dẫn đến vụ bắt giữ nào, theo Christopher T. Geldart, quan chức an ninh của Washington D.C.
Bảo vệ tân tổng thống cùng hàng nghìn quan chức và đám đông vẫn là ưu tiên hàng đầu của năm nay, nhưng việc tránh các cuộc đụng độ bạo lực giữa những người ủng hộ và phản đối ông Trump, trong khi vẫn cho phép cả hai bên thực hiện các sự kiện, cũng là mối quan tâm lớn.
Cơ quan Công viên Quốc gia, kiểm soát nhiều đất công tại Washington - từ vỉa hè cho đến công viên National Mall, đã nhận được 23 đơn xin tổ chức sự kiện của cả nhóm chống lẫn ủng hộ ông Trump. Trong những năm trước đây, cơ quan này chỉ nhận được một số ít.
Mike Litterst, phát ngôn viên của Cơ quan Công viên Quốc gia, cho biết cơ quan này đang "tích cực xem xét" các yêu cầu, với mục tiêu cố gắng sắp xếp để nhiều sự kiện được tổ chức nhất có thể. Các nhóm được cấp phép sẽ được phân bổ vị trí và thời gian tách bạch để tránh lẫn lộn. Sự kiện lớn nhất được chấp nhận là cuộc diễu hành của phụ nữ ở Washington, với khoảng 200.000 người biểu tình chống ông Trump vào ngày 21/1, một ngày sau lễ nhậm chức.
Boris Epshteyn, giám đốc truyền thông cho ủy ban kế hoạch lễ nhậm chức của ông Trump, cho biết họ hoan nghênh việc người dân sử dụng quyền biểu tình, "miễn là nó được thực hiện một cách hòa bình và đúng luật, quy tắc và quy định".
Một người phản đối Donald Trump. Ảnh: AP
Từ cảnh sát Washington, Cơ quan Công viên Quốc gia cho đến Cục Điều tra Liên bang (FBI), một mạng lưới các nhà phân tích tình báo, binh lính và lực lượng hành pháp với số nhân viên lên đến hàng chục nghìn người, sẽ làm việc để bảo vệ lễ nhậm chức và các hoạt động liên quan. Chi phí an ninh dự kiến sẽ hơn 100 triệu USD.
Hiện chưa rõ sẽ có bao nhiêu người ủng hộ ông Trump tham dự sự kiện. Ủy ban kế hoạch cho biết họ dự đoán có 2 - 3 triệu người. Một đám đông như vậy sẽ là kỷ lục, mặc dù ông Geldart cho biết ông chưa thấy bằng chứng sẽ có con số như vậy và đưa ra dự đoán riêng là 800.000 - 900.000 người.
Hơn 3.200 cảnh sát và khoảng 8.000 thành viên Vệ binh Quốc gia sẽ có mặt để giám sát đám đông và điều khiển giao thông xung quanh thành phố. Khoảng 5.000 lính sẽ có mặt để phục vụ trong nghi lễ.
Ông Geldart nói rằng những lực lượng này sẽ cho phép các cơ quan địa phương có chiến thuật quản lý đám đông tốt hơn để giám sát những người biểu tình và các nhóm ủng hộ ông Trump.
Các kế hoạch an ninh không chỉ bao gồm ngày nhậm chức mà còn cả một tuần sự kiện ăn mừng chiến thắng của ông Trump, bắt đầu với buổi hòa nhạc tại National Mall vào ngày 19/1.
"Lễ nhậm chức nào cũng có những mối nguy hiểm, nhưng mỗi lễ lại có những mối lo ngại riêng", Michael Chertoff, cựu bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ, nói. "Nhưng tôi chưa từng thấy lễ nhậm chức nào đặt ra nhiều thách thức an ninh hơn lần này".
Phương Vũ
Theo VNE
Lễ nhậm chức của Trump được chuẩn bị như thế nào? Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông đang gấp rút chuẩn bị cho lễ nhậm chức, được hy vọng có quy mô lớn nhất lịch sử vào ngày 20/1 tới. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters Lễ nhậm chức của tổng thống, được tổ chức vào ngày 20/1, là một trong...