Cuộc biểu tình đẫm máu ở trung tâm công nghiệp Myanmar
Ít nhất 22 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ở Hlaing Tharya, trung tâm công nghiệp tại Yangon hôm 14/3.
Lực lượng an ninh đối phó với cuộc biểu tình ở thị trấn Hlaing Tharya, Yangon hôm 14/3. Xung đột dữ dội đã xảy ra giữa cảnh sát, binh lính và người biểu tình ở thị trấn nghèo khó, là trung tâm công nghiệp với nhiều nhà máy may mặc này.
Theo đài truyền hình Myawaddy do quân đội điều hành, lực lượng an ninh nổ súng sau khi 4 nhà máy may mặc và một nhà máy phân bón bốc cháy. Khoảng 2.000 người đã ngăn xe chữa cháy tiếp cận các nhà máy.
“Thật kinh khủng. Mọi người bị bắn ngay trước mắt tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đó”, một phóng viên ảnh tại hiện trường cho biết.
Người biểu tình núp sau khiên và rào chắn tự chế khi đối mặt cảnh sát tại thị trấn Hlaing Tharyar hôm 14/3.
Người biểu tình cầm gậy và dao xông vào lực lượng an ninh. Một số người cắt thùng rác sắt làm khiên chắn, tìm cách giải cứu những người bị thương khi lực lượng an ninh nổ súng nhưng một bác sĩ cho hay không thể tiếp cận được hết.
“Tôi có thể xác nhận 15 người đã chết”, bác sĩ nói. Cô đã điều trị cho 50 người và có thể số người chết sẽ tăng lên.
Người biểu tình mang theo cờ, băng rôn, khiên chắn tự chế tới tham gia biểu tình ở thị trấn Hlaing Tharyar hôm 14/3.
Người dân trú trong nhà ở thị trấn cho hay nghe thấy tiếng súng nổ liên tục trong ngày. Xe tải quân sự đi dọc những con phố đầy khói lửa.
Hiện chưa có bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm các vụ đốt nhà máy.
Người dân cầu nguyện trong cuộc biểu tình phản đối quân đội đảo chính ở Hlaing Tharyar hôm 14/3.
Vài giờ trước khi bạo lực nổ ra tại Hlaing Tharyar, một cảnh sát đăng video lên TikTok, tuyên bố lực lượng an ninh sẽ đưa vũ khí hạng nặng vào thị trấn. “Tôi sẽ không nương tay ở Hlaing Tharyar và họ cũng sẽ đánh trả điên cuồng bởi có đủ loại người ở đó”, sĩ quan có tài khoản @aungthuraphyo40 nói. “Chúng tôi sẽ không nương tay”. Video bị xóa sau đó vài tiếng.
Truyền thông Myanmar cho biết 5 nhà máy ở thị tấn bị phá trụi. Đại sứ quán Bắc Kinh tại Myanmar cho hay trong số này có nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc, đồng thời lên án hành động của “những kẻ hủy diệt” trên Facebook của đại sứ quán.
Người biểu tình trang bị đồ bảo hộ ngồi trên dãy bao tải cát dùng làm chướng ngại vật ngăn chặn lực lượng an ninh ở Hlaing Tharyar hôm 14/3.
Ít nhất 22 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Yangon hôm qua. Tại những nơi khác ở Myanmar, một người đàn ông bị bắn chết ở phía bắc thành phố Hpakant, một người phụ nữ chết vì trúng đạn ở Mandalay.
Tối 14/3, quân đội Myanmar tuyên bố áp đặt thiết quân luật lên Hlaing Tharyar và thị trấn Shwepyitha lân cận.
Các nhà sư đứng trước đoàn người biểu tình, giơ biểu ngữ phản đối quân đội đảo chính ở Hlaing Tharyar hôm 14/3.
Bất chấp đổ máu, phong trào biểu tình vẫn tiếp tục.
“Tôi đã chứng kiến nhiều người anh hùng ngã xuống”, Ma Khine Lay, 21 tuổi, nói. Cô thừa nhận rất sợ khi dựng lại rào chắn bằng gạch và cọc tre ở một thị trấn tại Yangon. “Nhưng tôi sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng”.
Một người trúng đạn của lực lượng an ninh Myanmar trong vụ trấn áp người biểu tình ở thị trấn Hlaing Tharyar, thành phố Yangon, hôm 14/3.
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội đảo chính, bắt giam Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), với cáo buộc đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử năm ngoái mà NLD giành thắng lợi. Bà Suu Kyi hiện đối mặt 4 cáo buộc và sẽ hầu tòa lần hai trong hôm nay.
Các nữ tu sĩ Phật giáo cầu an cho người tham gia biểu tình ở Hlaing Tharyar hôm 14/3.
Trong những tuần gần đây, lực lượng an ninh Myanmar hầu như ngày nào cũng đụng độ với người biểu tình, sử dụng hơi cay và đạn cao su, cũng như đạn thật, nhằm dập tắt biểu tình.
Một người biểu tình xòe vỏ đạn do lực lượng an ninh Myanmar bắn ra trong cuộc trấn áp ở Hlaing Tharyar hôm 14/3.
Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho biết hôm qua trở thành ngày đẫm máu nhất từ khi phong trào biểu tình bắt đầu tại Myanmar sau khi quân đội đảo chính hôm 1/2.
APP cho biết những trường hợp tử vong mới nhất nâng số người chết trong biểu tình chống đảo chính lên 126. Hơn 2.150 người bị bắt giam tính đến 13/3, trong đó hơn 300 người đã được thả.
Người biểu tình chạy qua rào chắn tạm tự dựng ở Hlaing Tharyar hôm 14/3.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener lên án “sự tàn bạo đang diễn ra”. Theo bà, hành động của lực lượng an ninh làm suy yếu triển vọng hòa bình và ổn định, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ người dân Myanmar cũng như nguyện vọng dân chủ của họ.
Đại sứ Anh Dan Chungg ký tuyên bố kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức” bạo lực và yêu cầu chính quyền quân sự trả lại quyền lực cho các lãnh đạo dân cử.
Một người biểu tình vừa khóc vừa nắm chặt áo một người biểu tình khác ngã xuống trong cuộc trấn áp của lực lượng an ninh ở Hlaing Tharyar hôm 14/3.
Hỏa hoạn ở nhà máy Trung Quốc tại thị trấn Hlaing Tharyar hôm 14/3. Video: Global Times
Myanmar thiết quân luật ở Yangon
Chính quyền quân sự Myanmar ngày 14/3 ban bố thiết quân luật tại hai khu vực của Yangon sau khi ít nhất 18 người thiệt mạng trong biểu tình.
Bạo lực ngày hôm qua đã nâng số người thiệt mạng khi tham gia biểu tình ở Myanmar lên khoảng 100, dù các nhà hoạt động và nhóm nhân quyền tin rằng con số có thể còn cao hơn.
Truyền thông nhà nước cho biết quận Hlaing Tharyar và quận Shwepyitha lân cận sẽ được đặt trong tình trạng thiết quân luật. Đây là hai nơi tập trung nhiều nhà máy, đặc biệt là các cơ sở dệt may.
Lực lượng an ninh Myanmar dàn hàng ngăn chặn những người biểu tình ở quận Hlaing Tharyar, Yangon, ngày 14/3. Ảnh: AFP.
Chính quyền trao quyền "ban bố thiết quân luật và hành chính cho chỉ huy khu vực Yangon... nhằm bảo đảm an ninh, duy trì pháp quyền và yên bình hiệu quả hơn", một biên tập viên trên kênh truyền hình nhà nước Myanmar thông báo.
Thiết quân luật là hành động áp đặt kiểm soát quân sự trực tiếp đối với các chức năng dân sự thông thường hoặc đình chỉ luật dân sự của chính phủ, thường là nhằm đối phó với những tình huống khẩn cấp.
Việc áp dụng thiết quân luật thường đi kèm với lệnh giới nghiêm, đình chỉ pháp luật dân sự, giảm các quyền dân sự thông thường của công dân, đồng thời quy định nhiều hình phạt nghiêm khắc hơn luật bình thường.
Binh sĩ quân đội và cảnh sát những tuần qua gần như ngày nào cũng tiến hành các cuộc trấn áp đối với người biểu tình phản đối đảo chính, sử dụng hơi cay, bắn đạn cao su và cả đạn thật vào đám đông.
Tại quận Hlaing Tharyar, một bác sĩ xác nhận đã có 15 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ vào hôm qua. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, một nhóm nhân quyền, trong khi đó đưa ra con số cao hơn.
Người dân phải trú ẩn trong nhà khi tiếng súng liên tục nổ lên trên đường phố và xe tải quân sự đi lại trên các con đường mù khói.
Trước khi bạo lực nổ ra ở Hlaing Tharyar, một sĩ quan cảnh sát đã đăng video lên mạng xã hội TikTok nói rằng lực lượng an ninh sẽ đưa vũ khí hạng nặng tới đây và sẽ "không thương tiếc" đối với người biểu tình. Video sau đó đã bị xóa.
Truyền thông đưa tin 5 nhà máy tại Hlaing Tharyar đã bị đốt cháy, trong đó có cả các cơ sở của Bắc Kinh. Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar "kêu gọi cảnh sát địa phương nhanh chóng đảm bảo an ninh cho các doanh nghiệp và nhân viên" nước này.
Tin tức buổi tối tại Yangon xác nhận có một người chết ở quận Tamwe, cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng vào hàng trăm người biểu tình đang tìm cách đốt một đồn cảnh sát.
Tại các nơi khác, một người đàn ông bị bắn chết ở thành phố Hpakant và một phụ nữ bị bắn vào đầu ở Mandalay.
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân sự hôm 1/2 với cáo buộc xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng hồi tháng 11. Hơn một tháng qua, hàng trăm nghìn người đã biểu tình yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi, đồng thời tôn trọng kết quả cuộc bầu cử.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, cảnh sát và quân đội Myanmar đã khiến hơn 80 người thiệt mạng kể từ khi phong trào biểu tình phản đối đảo chính nổ ra.
Anh, Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt những biện pháp trừng phạt với chính quyền quân sự Myanmar. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào những doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành.
Nhà máy Trung Quốc bị đốt phá, 38 người biểu tình Myanmar thiệt mạng Các nhà máy có vốn của Trung Quốc tại khu công nghiệp ở Yangon bị đốt phá, khiến lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình, làm nhiều người chết. Truyền thông địa phương cho biết khi khói bốc lên từ khu công nghiệp Hlaingthaya, ngoại ô Yangon hôm 14/3, lực lượng an ninh bắt đầu nổ súng vào người biểu...