Cuộc bàn giao khi lá phổi sắp lành
Sáng 13-10, tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 số 13 Bình Hưng, Bình Chánh ( TP.HCM) đã diễn ra lễ bàn giao giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM.
Nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức thu dọn các máy thở dòng cao “đã thất nghiệp” để chuyển về Hà Nội – Ảnh: TỰ TRUNG
Bắt đầu nhận bệnh nhân đầu tiên từ ngày 11-8, trong hơn hai tháng, các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (có thêm sự tham gia của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bưu Điện) đã tiếp nhận điều trị 971 bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng từ các bệnh viện tầng dưới chuyển đến, cho xuất viện hơn 600 bệnh nhân.
Hôm nay 13-10, tại bệnh viện còn 36 bệnh nhân với 12 người đang thở máy, 21 người cần trợ thở oxy, 3 người đã ổn định chờ xuất viện được bàn giao lại.
Nói lời chia tay, TS.BS Lưu Quang Thùy – phó giám đốc trung tâm – xúc động: “Chúng tôi là nhân viên y tế thì phải có trách nhiệm với bệnh nhân, là người Việt Nam thì phải có trách nhiệm với TP.HCM. Lá phổi của miền Nam bị bệnh thì chúng tôi đến, lá phổi lành thì chúng tôi về”.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc – giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM – cũng giản dị trả lời: “Các bác sĩ của chúng tôi tuy vẫn rất bận rộn với trung tâm hồi sức của bệnh viện, nhưng đã chủ động đến tận đây để chuẩn bị cho cuộc bàn giao từ mấy hôm trước. Bệnh viện Việt Đức làm rất bài bản khiến chúng tôi rất tự tin để nhận thêm trung tâm này. Tất cả những gì tốt nhất là dành cho bệnh nhân”.
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết Trung tâm hồi sức 13 sẽ phối hợp với Bệnh viện dã chiến số 13 bên cạnh để hình thành bệnh viện điều trị cả ba tầng.
Ông Lê Hòa Bình, phó chủ tịch UBND TP.HCM, xúc động nhắc: “Mấy tháng thành phố trải qua nạn dịch, các anh chị đã cho chúng tôi được chứng kiến sự lớn lao và hùng mạnh của y đức, của lời thề Hippocrates. Tất cả là vì bệnh nhân”.
Ông Lê Hòa Bình – phó chủ tịch UBND TP.HCM – phát biểu tại buổi bàn giao trung tâm hồi sức – Ảnh: TỰ TRUNG
“Thành phố sẽ đề nghị được giữ lại cả 5 trung tâm hồi sức tích cực đã hoạt động, đã cứu sống người dân thành phố để xây dựng thành những trung tâm hồi sức, bệnh viện hiện đại, những viện đào tạo y tế và cả điểm tham quan ghi dấu ấn những ngày lịch sử của thành phố.
Một lần nữa tôi xin nói lời cảm ơn từ đáy lòng một người con của TP.HCM đến những ân nhân của thành phố – không chỉ là các y bác sĩ mà cả những doanh nhân, doanh nghiệp đồng hành đã dốc của dốc sức khi thành phố kêu gọi”, phó chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ.
12h trưa 13-10, các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức hoàn thành nhiệm vụ mà họ đã tình nguyện lao vào để góp sức cứu những người dân TP.HCM. Chiều 13-10, các bệnh nhân còn lại tiếp tục được các y bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM chăm sóc. Cuộc chiến sinh tử vẫn tiếp tục.
Nhân viên y tế gấp rút bàn giao hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân trước 12h trưa 13-10 – Ảnh: TỰ TRUNG
Nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức thu dọn các máy thở dòng cao đã “thất nghiệp” để chuyển về Hà Nội – Ảnh: TỰ TRUNG
Đội ngũ nhân viên y tế Việt Đức bàn giao công việc và chào tạm biệt để rút về sau kỳ công tác đặc biệt – Ảnh: TỰ TRUNG
Ký kết bàn giao giữa Trung tâm hồi sức tích cực do Bệnh viện Việt Đức điều hành cho Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với sự chứng kiến của Sở Y tế và lãnh đạo UBND TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
Bác sĩ Lê Minh Khôi (trái), bác sĩ Lưu Quang Thùy (phải) – người tiếp nhận, người chia tay Trung tâm hồi sức tích cực (Bình Chánh) từ 12h ngày 13-10 – Ảnh: TỰ TRUNG
Sau khi bàn giao, Trung tâm hồi sức tích cực còn lại những bệnh nhân nhẹ (bên phải). Trước đây nơi này điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng.
Các điều dưỡng Bệnh viện Việt Đức bàn giao công việc lại cho đồng nghiệp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với dòng chữ yêu thương “Tạm biệt Sài Gòn” – Ảnh: TỰ TRUNG
TP.HCM cần tăng cường sàng lọc tại cơ sở y tế khi số F0 mới vẫn cao
Với số lượng người đến khám, chữa bệnh tăng cao sau ngày TP.HCM mở cửa, chuyên gia cho rằng các cơ sở y tế cần tích cực sàng lọc, tránh xảy ra bùng phát ổ dịch.
TP.HCM đang dần mở cửa theo Chỉ thị 18. Không chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh được nối lại, các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh cũng bắt đầu tiếp nhận lượng lớn người bệnh.
Trao đổi với Zing , bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng từ sự việc lây nhiễm phức tạp ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, công tác sàng lọc rất quan trọng đối với cơ sở y tế.
"Các bệnh viện ở TP.HCM cũng sắp đón nhận lại lượng bệnh nhân lớn. Trong bối cảnh thích ứng an toàn với Covid-19, việc sàng lọc cần thận trọng hơn", ông nói.
Hồi chuông cảnh báo từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, điểm dịch mới xuất hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) là bài học điển hình trong công tác sàng lọc, xét nghiệm định kỳ cho người bệnh, thân nhân trong cơ sở y tế.
"Sự cố lây nhiễm chéo ở bệnh viện này là hồi chuông cảnh báo cho các cơ sở y tế. Đặc biệt là trong giai đoạn thành phố mở cửa, các hoạt động được nới lỏng, nhu cầu khám chữa bệnh tăng lên, bản thân người dân cần tuân thủ nghiêm 5K, phòng tránh lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng", PGS Hùng nói.
Lực lượng y tế tổ chức hai điểm lấy mẫu cho người dân sinh sống xung quanh khu vực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Việt Linh.
Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cảnh báo rằng dịch bệnh vẫn hiện hữu trong cộng đồng, do đó, chỉ cần một bước lơ là, điểm dịch có thể bùng phát phức tạp và khó kiểm soát. Đặc biệt là tại các bệnh viện lớn.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cần nhanh chóng truy vết và rà soát tất cả người liên quan để sớm khoanh vùng, xét nghiệm toàn bộ người có nguy cơ.
"Đây là bài học cho tất cả cơ sở y tế, không chỉ Hà Nội mà TP.HCM trong giai đoạn mở cửa cũng đặc biệt lưu tâm. Nguy cơ hiện nay với các bệnh viện ở thành phố đã giảm hơn so với giai đoạn đầu, tuy nhiên, F0 ở mới hàng ngày vẫn cao, TP.HCM cần tăng cường sàng lọc tại cơ sở y tế", bác sĩ Khanh nói.
Chuyên gia này cho biết theo quy định của Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện trên địa bàn đều tổ chức sàng lọc ngay tại cổng và phân luồng nhiễm khuẩn riêng.
Tất cả khách đến bao gồm thân nhân, người bệnh được test nhanh, bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú phải có xét nghiệm rRT-PCR khẳng định. Trong thời gian điều trị, bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức xét nghiệm định kỳ để sàng lọc nguy cơ.
"Trong bối cảnh dịch ở TP.HCM, việc phát hiện ca dương trong bệnh viện có thể là tình huống bình thường, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhất là tại các khoa, phòng bệnh nặng, công tác sàng lọc Covid-19 cần tiếp tục thực hiện nghiêm, tuyệt đối không để xảy ra sơ hở", ông nói thêm.
Bệnh viện ở TP.HCM bắt đầu đông đúc
Trao đổi với Zing , bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết từ sau khi TP.HCM mở cửa đến nay, số lượng người đến khám, chữa bệnh tại đơn vị này đang dần tăng 10-20%.
Theo bác sĩ Khanh, số lượng này hiện vẫn chưa nhiều so với giai đoạn trước, tuy nhiên, dự kiến, thời gian tới sẽ tăng lên đáng kể.
"Công tác sàng lọc và phân luồng tại bệnh viện luôn được chúng tôi ưu tiên triển khai nghiêm ngặt từ trước đến nay, đảm bảo không bỏ sót ca bệnh", bác sĩ Khanh nói.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân đến khám, chữa bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.
Hiện tại, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đang duy trì mô hình "bệnh viện tách đôi" để duy trì công tác khám chữa bệnh ngoài Covid-19. Dự kiến khoảng 1-2 tuần tới, đơn vị này chuyển công năng về đúng khám, chữa bệnh thông thường.
Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết trong ngày đầu TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, số lượng bệnh nhân đến tăng rõ so với thời gian trước.
"Thời gian dài thành phố giãn cách xã hội khiến việc khám, chữa bệnh và nhận thuốc của người dân bị trì hoãn. Khi việc đi lại dễ dàng hơn, dự kiến, bệnh viện tiếp nhận lượng bệnh nhân gia tăng trong những ngày tới", bác sĩ Sóng cho biết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết từ khi xảy ra đợt bùng phát dịch liên quan điểm nhóm tôn giáo, hầu hết cơ sở y tế tại thành phố đều "tách đôi" và phân vùng nguy cơ ngay trong bệnh viện.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, vùng đỏ là khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Vùng vàng là khu điều trị bệnh nhân có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 14 ngày trở lại.
Vùng xanh là khu vực điều trị cho người bệnh có xét nghiệm âm tính sau 14 ngày. Tuy vậy, bệnh viện vẫn duy trì cách 7 ngày sẽ xét nghiệm lại.
"Vẫn có trường hợp dương tính được phát hiện trong bệnh viện. Song trước đó họ đều đã được kiểm soát nghiêm ngặt nên không xảy ra lây nhiễm", bác sĩ Khanh nói.
Nhân viên y tế Bệnh viện Quân y 175 nhắc nhở việc đảm bảo giãn cách trong thời gian người dân chờ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết từ ngày 1/10, việc tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh, cấp cứu tại bệnh viện sẽ trở lại bình thường trong điều kiện duy trì các biện pháp phòng, chống dịch.
"Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho bệnh viện và người bệnh. Do đó, bệnh viện duy trì công tác kiểm soát chặt chẽ người ra vào, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân và sàng lọc đối với chính cán bộ, nhân viên các khu vực nguy cơ tại bệnh viện", lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 nói.
Để giảm áp lực tại tuyến sàng lọc và hạn chế tập trung đông người, giảm tiếp xúc trực tiếp và thời gian chờ, TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu (TP.HCM), cho biết đơn vị này triển khai đăng ký trực tuyến trước khi vào khám bệnh. Người bệnh có thể đăng ký khám bệnh tại website hoặc tải app của bệnh viện để đặt lịch trước.
F0 đã âm tính với nCoV có thể rơi vào cơn bão cytokine không? Bác sĩ Trương Hữu Khanh lý giải cơn bão cytokine là diễn biến không mới trong các bệnh truyền nhiễm.
Bình Chánh sắp có trung tâm hồi sức Covid-19 Trung tâm hồi sức Covid-19 dự kiến được đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) với quy mô 500 giường. Chiều 29/7, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đã cùng đoàn công tác của Bộ Y tế khảo sát một số bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP.HCM để...