Cùng phát thảo chân dung người mẹ Việt Nam qua 4 bộ phim tự cổ chí kim
Nhân ngày của Mẹ, hãy cùng đi tìm chân dung người mẹ Việt Nam qua những thước phim trải suốt lịch sử Việt Nam.
Nhắc đến những bà mẹ Việt, người ta thường nhắc đến những từ đầy cao đẹp như: đảm đang, trung hậu, vị tha… Nhưng để có thể khắc họa sâu hơn thế, người ta sẽ cần thật nhiều tác phẩm nghệ thuật từ đủ mọi bộ môn. Điện ảnh có lẽ là bộ môn làm tốt nhất nhiệm vụ đó khi đã đem đến cho đám đông khán giả một hình ảnh người mẹ xuyên suốt các giai đoạn lịch sử.
Nhân ngày của Mẹ, hãy cùng đi tìm chân dung người mẹ Việt Nam qua những thước phim trải suốt lịch sử Việt Nam.
Người mẹ cam chịu, hi sinh vì con cái trong những ngày đen tối
Lịch sử dân tộc ta là một chuỗi dài đấu tranh dẫn đến đau thương. Trong những ngày cùng cực dưới ách đô hộ của giặc Pháp, người mẹ Việt Nam lại càng vất vả hơn khi vừa phải chịu sự đày đọa, vừa phải dang tay che chở đàn con thơ dại.
Nghệ sĩ Lê Vân trong vai chị Dậu.
Nhân vật điển hình nhất cho hình tượng người mẹ trong giai đoạn này có lẽ không ai khác ngoài chị Dậu. Vì nhà không có tiền đóng sưu thuế, chị Dậu phải đem bán chó, rồi bán cả đứa con gái lớn. Nhưng rồi gia đình chị lại sớm quay lại cảnh quẫn bách khiến chị phải đi làm vú nuôi cho một lão già trên tỉnh. Cảnh chị Dậu đến nhà Nghị Quế là một phân cảnh đầy cảm xúc: ánh mắt thảng thốt, đôi môi mím chặt của nghệ sĩ Lê Vân thể hiện sự tức giận, niềm đau khổ cứ nghẹn ngào nhưng không thể thốt ra của chị, khiến người xem dù không sống cùng thời với chị Dậu cũng có thể hiểu và thương cho các bà mẹ ngày ấy. Đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đóng góp rất lớn cho hình tượng kinh điển này: ông đã chờ đến 5,6 năm cho đến khi tìm được nghệ sĩ Lê Vân mới bắt đầu quay chị Dậu.
Mẹ anh hùng bước ra tiền tuyến
Đất nước vùng lên giành độc lập, mẹ âm thầm hỗ trợ đứng sau. Nhưng đúng như câu “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, mẹ cùng cha ôm súng ra trận, hi sinh xương máu để con mình được tự do. Sự vĩ đại đó biến mẹ thành một hóa thân của hi vọng, một người biến giấc mơ thành hiện thực. Trong tác phẩm “Khi mẹ vắng nhà”, đạo diễn Nguyễn Khánh Dư chọn cách kể về người mẹ qua các con: đám con của chị Út Tịch thì giành nhau xem đứa nào giống mẹ; con Bé, chị lớn trong nhà, thì vừa dàn hòa các em, vừa chăm sóc đứa em còn bế trên tay, hệt như một người mẹ thực thụ.
Một cảnh trong phim Khi mẹ vắng nhà
Khi vắng nhà, mẹ là nỗi nhớ, khi về nhà, mẹ lại là niềm vui trong ngày loạn lạc. Chị Út Tịch chỉ xuất hiện trong một vài phân cảnh, nhưng khi chị xuất hiện, đám trẻ con đang lao nhao cãi nhau, hay đang buồn vì cảnh chiến tranh khói lửa lại ánh lên nét hân hoan rạng rỡ, niềm vui, sự bình yên mà chị mang lại cho chúng khiến trái tim chúng cảm thấy đủ êm dịu để mơ về một ngày mai, khi tất cả được mặc đồ đẹp đi học chứ không còn phải lấy lá cây, mảnh gỗ vụn để chơi đồ hàng.
Sự thành công trong việc khắc họa vai chị Út Tịch của nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thu có lẽ là ở sự thấu hiểu dành cho tấm lòng người mẹ Việt. Cô chia sẻ:
“Theo tôi nghĩ, người phụ nữ dù ở miền Bắc hay miền Nam thì vẫn là người phụ nữ của Việt Nam. Tình yêu thương các con và tình yêu đất nước đều sâu sắc như nhau, nhưng mỗi nơi có cách biểu hiện hơi khác một chút. Như hình ảnh chị Út Tịch, đó là người phụ nữ rất quyết liệt, gặp kẻ thù nào cũng sẵn sàng đánh. Còn phụ nữ nơi khác có thể biểu hiện sự quyết liệt theo cách khác”.
Yêu con quá mức, mẹ ở mãi trong đời con
Hòa bình lặp lại, người mẹ không còn chịu cảnh mất con, cũng không phải xa con để ra mặt trận. Thế nhưng tình yêu quá lớn của bà mẹ Việt dành cho con, đôi khi đã chặn mất con đường trưởng thành của chính đứa con. Cũng chỉ vì thương con trai, mà bà Phương (NSND Lan Hương) đã can thiệp quá sâu vào đời sống vợ chồng của con trai mình là Thanh (Anh Dũng) và cô con dâu Vân (Bảo Thanh) trong Sống Chung Với Mẹ Chồng.
Được nhớ tới với những câu nói hay nhức nhối, bà Phương là điển hình của người mẹ làm hư con với tình yêu của mình
Bà Phương đã khiến cho bao cô gái phải khiếp hãi trước viễn cảnh lấy chồng. Không khó để nhận ra, sự cay nghiệt mà bà dành cho con dâu Minh Vân xuất phát từ cảm giác “mất đi” đứa con trai bé bỏng Thanh. Cộng với sự mù quáng của bà Phương là sự nhu nhược và khờ dại của Thanh, khiến cho gia đình phải đi vào bế tắc. Dẫu cho kết phim là sự tha thứ mà Vân dành cho bà Phương, thì hạnh phúc gia đình đã mất đi sẽ không bao giờ quay lại được. Tất cả chỉ vì tình thương đầy cảm tính mà mẹ Việt dành cho con.
Mẹ dành cả đời chờ con quay về
Kém may mắn hơn bà Phương, bà Tư của nghệ sĩ Kim Xuân đã phải khắc khoải chờ con suốt 30 năm chỉ vì một sự cố của đứa con thơ dại trong Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa.
Bà Tư ra đi thanh thản sau khi tìm thấy con mình
Câu chuyện bắt đầu khi Nam, con trai bà Tư đi nhậu cùng bạn. Sáng hôm sau khi mọi người phát hiện ra người bạn của con bà đã chết đuối, mọi nghi vấn đổ dồn về Nam, trong khi đứa trẻ dại dột chẳng nhớ gì sau chầu nhậu. Lo sợ, bà Tư cho Nam tiền vàng để trốn lên nhà họ hàng. Thế nhưng bà không bao giờ ngờ được, đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy con mình. Phải đến 30 năm sau, con trai của bà mới đến tìm bà trong hình hài của Sơn (Dương Cường).
Bộ phim có một cốt truyện khá đơn giản. Nhịp phim chậm giúp khắc họa sự trôi đi của thời gian. Trong bối cảnh đó, bà Tư của nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân hiện ra đầy vị tha và thương yêu. Sự vội vàng, bấn loạn của bà Tư đã gián tiếp hại chết Nam, nhưng cũng chính sự lo toan không nghĩ suy đó là một nét đặc trưng khác của lòng mẹ. Bà hiểu rằng con mình không phải kẻ xấu, nhưng cũng không đành lòng để con chịu cảnh tù tội nếu nó thực sự có trách nhiệm với cái chết của bạn mình. Thế nên bà chọn cách ở lại khu chung cư cũ 30 năm, chỉ để chờ con về và nấu một bữa cơm “Râu tôm nấu với ruột bầu”. Chính nét đẹp đó của lòng mẹ, đã giúp bộ phim là một trong số ít các phim lấy nước mắt khán giả thành công trong năm 2017.
Nhân ngày của mẹ, mong rằng tất cả những người mẹ Việt, dẫu mạnh mẽ như chị Út Tịch, hay tảo tần như chị Dậu, dẫu nóng tính như bà Phương hay đằm thắm như bà Tư, cũng đều tìm được sự bình yên bên gia đình.
Theo Trí Thức Trẻ
Không 'ngôn tình', không gây cười, liệu những tác phẩm này có thắng giải Cánh diều 2017?
Ở giải thưởng Cánh diều danh giá, liệu những bộ phim không lấy đề tài tình yêu, không có tính giải trí cao, cũng không sở hữu dàn "trai xinh, gái đẹp" như "Đảo của dân ngụ cư", "Giấc mơ Mỹ", "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa" hay "Dạ cổ hoài lang" có giành chiến thắng?
Giải thưởng Hội điện ảnh Việt Nam, có tên gọi là Cánh diều Vàng (tiếng Anh: Golden Kites Awards) là một giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngày 05/04/2018, buổi họp báo Cánh diều Vàng 2017 chính thức diễn ra tại Hà Nội, nhằm công bố quy chế lựa chọn giải thưởng năm nay, cũng như danh sách các tác phẩm tham dự. Theo đó, tiêu chí Cánh diều Vàng là "đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực".
Nếu như dòng phim nghệ thuật đã "chào thua" phim thương mại tại Liên hoan phim lần thứ XX, thì ở giải thưởng Cánh diều, liệu những bộ phim không lấy đề tài tình yêu, không có tính giải trí cao, cũng không sở hữu dàn "trai xinh, gái đẹp" như Đảo của dân ngụ cư, Giấc mơ Mỹ, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa hay Dạ cổ hoài lang có giành chiến thắng?
Đảo của dân ngụ cư
Đảo của dân ngụ cư là tác phẩm điện ảnh chính kịch, tâm lý, tình cảm. Phim do Hồng Ánh đạo diễn, Nguyễn Quang Lập viết kịch bản và được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên năm 1992 của nhà văn Đỗ Phước Tiến. Phim Đảo của dân ngụ cưquy tụ dàn diễn viên như Phạm Hồng Phước, Ngọc Thanh Tâm, Nhan Phúc Vinh, NSƯT Ngọc Hiệp, Hoàng Phúc, Hoàng Nhân, NSƯT Hữu Châu, Phi Phụng và Lê Hiền Hạnh.
Trailer "Đảo của dân ngụ cư".
Xoay quanh mối quan hệ của các nhân vật sống chung trong nhà hàng Đêm Trắng, Đảo của dân ngụ cư là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt Nam được giới thiệu tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017 tại Malaysia. Đồng thời, phim cũng là một trong bốn tác phẩm Việt giới thiệu ở sự kiện Đêm Việt Nam nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2017. Không những thế, "đứa con" của đạo diễn Hồng Ánh còn được công chiếu với phụ đề tiếng Tây Ban Nha tại Tuần lễ phim Việt Nam, Madrid, Tây Ban Nha.
Không chỉ gây tiếng vang, Đảo của dân ngụ cư còn giành không ít giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN như Phim xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Phạm Hồng Phước), Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất(Lý Thái Dũng) cùng nhiều đề cử khác. Tuy nhiên, tính nghệ thuật không khiến phim chiến thắng trước những bộ phim thương mại ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX. Do đó, khán giả đặt nhiều kì vọng cho tác phẩm tại giải thưởng Cánh diều lần này.
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa
Ra rạp vào thời điểm giữa năm 2017, khi các rạp Việt Nam vẫn chưa "nguội" với bộ phim thương mại ăn khách Em chưa 18, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa được xem là bước đi liều lĩnh của nhà sản xuất. Đặc biệt, người đảm nhận trọng trách biên kịch lẫn đạo diễn cho tác phẩm là chàng trai sinh năm 1994 - Bình Nguyên. Phim để lại dấu ấn sáng tạo, khi "ngược dòng" thị hiếu khán giả, khai thác đề tài tình mẫu tử, tình người, cùng câu chuyện đậm màu sắc trầm buồn.
Phim xoay quanh Nam ( Khắc Minh) - con trai bà Tư ( NSƯT Kim Xuân) - cậu bé ngoan ngoãn, nghe lời, học giỏi, nhưng bị hàng xóm khẳng định là kẻ sát nhân. Điều này khiến Nam bỏ nhà đi biền biệt, để lại mẹ ngậm đắng nuốt cay, chịu nghe người đời dèm pha. Suốt 30 năm ròng rã, bà Tư ngồi chờ tin con bên song cửa sổ mở, cho đến khi Sơn ( Dương Cường) xuất hiện, và vén tấm rèm bí mật năm xưa...
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa còn tồn tại một số "lỗ hổng" kịch bản, những nút thắt được tháo, mở chưa thực sự làm hài lòng người xem. Song phim vẫn nhận phản hồi tích cực, do không đi theo lối mòn điện ảnh, khai thác dòng phim cảm xúc khá "kén" khán giả, và mang nhiều giá trị nhân văn. Đồng thời, nếu phim thắng giải Cánh diều vàng 2017, đây là động lực cho những đạo diễn trẻ nhiều hoài bão, sáng tạo như đạo diễn phim Bình Nguyên.
Trailer "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa".
Dạ cổ hoài lang
Bộ phim Dạ cổ hoài lang là tác phẩm do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch, dựa trên vở kịch nổi tiếng cùng tên. Đặt góc nhìn từ tâm hồn người trẻ, tác phẩm khơi gợi cảm xúc nhớ quê hương của người xa xứ, xoay quanh sự cách biệt, hình thành mâu thuẫn giữa thế hệ già và trẻ, giữa tư tưởng hiện đại tây phương và quan niệm truyền thống Việt Nam.
Mang đậm ý nghĩa nhân văn, được đầu tư chi phí cao, phim gây ấn tượng bởi sự đối lập giữa bối cảnh nước Mỹ với màu sắc u tối, lạnh lẽo và Việt Nam cùng gam màu ấm nóng của đồng lúa, nông thôn. Đặc biệt, ở Dạ cổ hoài lang, nam danh hài Hoài Linh đã không diễn hài. Thế nhưng, phim Dạ cổ hoài lang không thực sự thành công trên thị trường. Sau 3 tuần chính thức công chiếu, theo những chia sẻ từ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, doanh thu phim chỉ dừng ở mức tương đối, không quá tốt và chưa đạt mức hòa vốn như mong đợi. Đặc biệt, thời điểm đó, phim Việt gặp nhiều khó khăn khi các dự án quốc tế ồ ạt vào rạp.
Trailer "Dạ cổ hoài lang".
Tuy nhiên, tác phẩm Dạ cổ hoài lang vinh dự trở thành đại diện Việt Nam tranh tài với các quốc gia châu Á trong hạng mục Giải thưởng phim ASEAN 2017 (Film Asean Awards). Do vậy, người hâm mộ bộ phim vẫn kì vọng vào giải thưởng Cánh diều Vàng cho dự án của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Giấc mơ Mỹ
Giấc mơ Mỹ là bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên lấy đề tài y khoa mà không khai thác những yếu tố kinh dị như Bệnh viện ma trước đó. Phim quy tụ nhiều cái tên gây chú ý như Mai Thu Huyền, Bình Minh, Đinh Y Nhung, Kyo York, Mai Thu Trang... Khi công bố thông tin, dự án được kì vọng sẽ là tác phẩm chỉn chu, trau chuốt về y học với hình ảnh poster nhân vật giàu tính nghệ thuật. Teaser gợi mở bối cảnh là hàng loạt địa danh nổi tiếng ở bang California, hình ảnh chuyên môn về băng ca cấp cứu, máy bay cứu hộ...
Như vậy, nếu làm tới, phim Giấc mơ Mỹ sẽ là tác phẩm nghệ thuật có ưu thế trong cuộc đua giành giải Cánh diều Vàng, vì phim khai thác chủ đề đầy sáng tạo, mang nhiều ý nghĩa nhân văn, được thể hiện qua đề tựa: "một tuyệt tác nhân văn". Thế nhưng, Giấc mơ Mỹ đi ngược lại kì vọng của người hâm mộ. Bộ phim gặp không ít "sạn" về nội dung, khiến khán giả lấn cấn bởi kịch bản thiếu logic và tâm lý, tính cách mâu thuẫn của nhân vật.
Không làm phim về đề tài tình yêu, không mang tính giải trí cao, cũng không sở hữu dàn diễn viên trẻ nhiều sức hút, các bộ phim điện ảnh khó chiếm ưu thế trong cuộc đua doanh thu phòng vé. Tuy nhiên, nếu được đầu tư chỉn chu, để lại dấu ấn sáng tạo và chứa đựng ý nghĩa nhân văn, những tác phẩm này sẽ nhận đền đáp xứng đáng bằng giải thưởng danh giá như Cánh diều Vàng.
Theo Saostar
Cánh diều vàng 2017: Những gương mặt cạnh tranh giải Nữ chính Với sự vắng mặt đáng tiếc của "Tháng năm rực rỡ" - "đứa con" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, hạng mục Nữ chính mất đi ứng viên sáng giá nhất là Hoàng Yến Chibi. Nhiều cơ hội dành cho Diệu Nhi, NSƯT Kim Xuân trong khi Minh Hằng, Ninh Dương Lan Ngọc và Kaity Nguyễn xứng đáng góp mặt trong Top 5...