Cùng nhau xây một tổ ấm
Đành rằng suy nghĩ muốn ly hôn ngay tắp lự của cô là chính đáng. Nhưng cô quên mất một nguyên tắc thật sự quan trọng: Khi có ý định từ bỏ, hãy nghĩ về lý do mình đã bắt đầu!
Người ta thường nói, 3 năm đầu hôn nhân là khoảng thời gian hạnh phúc nhất nhưng cũng khó khăn nhất đối với vợ chồng. Bởi đây cũng là thời điểm nhiều người vỡ mộng về đối phương và luôn cảm thấy bế tắc, ngột ngạt như thể mình đã lựa chọn sai.
Có cô gái trẻ mới kết hôn chưa đầy 1 năm đã tìm đến hội chị em tâm sự: “Đến lúc này, mình chỉ thương bố mẹ chứ không tiếc nuối gì người chồng ấy nữa. Mình đã cố gắng hết sức, thấy mệt mỏi. Chắc là anh ấy cũng đã cố gắng nhưng không hợp nhau. Mình định kiên nhẫn đợi đến cuối năm lấy xong bằng đại học thì sẽ đi du học, rời bỏ mọi thứ để tránh tai tiếng cho bố mẹ và bản thân mình”.
Chuyện đáng nói là vợ chồng cô đã yêu nhau hơn 10 năm rồi mới cưới. Để đi được đến hôn nhân, cô gái đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có sự ngăn cấm từ bố mẹ, bỏ ngang việc du học, làm tốn nhiều tiền bạc và khiến bố mẹ đau lòng. Ngày vu quy, ba cô khóc 2 lần, cô vẫn khăng khăng khẳng định với ba rằng con sẽ hạnh phúc, sướng khổ con chịu vì đó là quyết định của con. Nhưng rồi sau đám cưới, những ngày tháng hạnh phúc chẳng kéo dài lâu.
Cô không đi làm, chỉ quanh quẩn trong nhà. Cô cũng không chấp nhận được người chồng U40 mặc định tất cả việc nhà là của vợ mà không có sự trợ giúp nào. Bên cạnh đó, chồng lại còn gia trưởng, vũ phu, không quan tâm, lấy lòng ba mẹ vợ.
Ảnh minh họa.
Đành rằng suy nghĩ muốn ly hôn ngay tắp lự của cô là chính đáng. Nhưng cô quên mất một nguyên tắc thật sự quan trọng: Khi có ý định từ bỏ, hãy nghĩ về lý do mình đã bắt đầu! Người chồng ấy chính là người cô đã lựa chọn. Cô chọn và yêu tất cả những thứ thuộc về anh ấy trong suốt hơn 10 năm trời, dù bây giờ chồng cô có khác đến thế nào, thì vẫn là anh ấy. Những biểu hiện, thái độ hiện tại chắc chắn đã có “mầm mống” từ xưa mà cô vô tình lướt qua chỉ vì yêu. Rồi cô dám liều lĩnh bác bỏ cơ hội tốt hơn trong sự nghiệp và bất chấp những giọt nước mắt của ba mẹ để chọn anh ấy.
Một khi đã lựa chọn, hãy ngừng than vãn. Tập trung vào những điều tốt đẹp ở chồng thay vì săm soi vào những điểm xấu để kêu ca, “ghi sổ”, đòi quyền lợi và sự thay đổi trong ngày một ngày hai – là điều cô nên làm.
Cô muốn một người chồng biết san sẻ việc nhà, để tâm vào các việc nhỏ trong nhà và chấp nhận phân chia các công việc cùng với mình. Nhưng cô quên mất từng ấn tượng bởi chồng vì “là một người đàn ông có ý chí, tự thân lập nghiệp ở Sài Gòn và nay đã có công việc kinh doanh riêng ổn định”. Cô từng nhìn anh ấy như một cây tùng, cây bách để mình dựa vào và đương nhiên sau khi cưới, chồng cô chẳng hề thay đổi gì so với trước đây. Anh ấy vẫn đảm bảo lo được cuộc sống cho vợ, khi cô ở nhà, đi học mà không đi làm. Việc của cô chỉ là làm một người vợ tốt, xuất phát từ sự chấp nhận sự “chuyên môn hóa” và phân công trong căn nhà của mình.
Thêm vào đó, ngay từ điểm xuất phát cố gắng làm mọi việc chỉ để vừa lòng người khác, là cô đã sai. Cô học nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, cô nâng khăn sửa túi cho chồng vì hy vọng chồng yêu mình hơn, trả cho mình những điều tương tự ngược lại. Nói cách khác cô đặt kỳ vọng vào việc chồng sẽ ghi nhận kết quả, nên khi chồng không thể hiện gì, cô bất mãn, trách cứ và quy kết anh ấy vô tâm.
Video đang HOT
Ảnh minh họa.
Đành rằng gia đình là một tổ ấm cần được đôi tay của người đàn bà chăm sóc, nhưng nó phải xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn xây dựng thật sự, chứ không phải là nghĩa vụ để kể lể hay chứng minh. Chăm sóc tổ ấm vì mình thích ở trong một không gian đẹp và thoải mái. Nấu bữa cơm thịnh soạn vì điều đó khiến mình vui, thương chồng nên mình làm vậy. Thì khi xong tất cả những việc đó rồi, mình cũng đã thu nhận đủ niềm vui, thái độ của đối phương như thế nào là việc của anh ấy, đừng trông đợi sự ghi nhận từ chồng, vô tình mình sẽ nhận được những điều xứng đáng.
Chìa khóa cho mọi cuộc hôn nhân luôn là sự đối thoại. Có một giảng viên piano, người đã đi qua 25 năm hôn nhân tiết lộ trong một bài phỏng vấn về bí quyết hạnh phúc: “Vợ chồng tôi cho đến thời điểm hiện tại, để giữ được sự hòa hợp vẫn không ngừng đối thoại mỗi ngày. Những cuộc đối thoại thực sự như những cuộc họp vậy. Hai vợ chồng cầm sổ và bút, ghi lại những điểm chưa được của nhau, đưa ra lập luận, cùng thống nhất để phấn đấu vì mục tiêu chung. Nguyên tắc đối thoại luôn đặt tiêu chí cất cái tôi đi và chọn lắng nghe lên hàng đầu. Phải như thế thì vợ chồng mới có thể thấu hiểu được nhu cầu, mong muốn của nhau và không bị mất kết nối”.
Vậy mới nói, dù ở lâu với nhau đến bao nhiêu, cũng vẫn cần sự siêng năng chia sẻ nỗi niềm, băn khoăn mới có thể tìm được tiếng nói chung. Những cuộc đối thoại sẽ giữ đúng tính chất của nó, không quy chụp, phán xét, không đòi hỏi, không bạo lực và hoàn toàn tôn trọng những suy nghĩ của đối phương. Thời điểm đối thoại thích hợp đương nhiên cũng là khi những cơn giận, những cảm xúc tiêu cực đã lắng lại. Muốn gì hãy nói ra, nhưng hãy biết lựa lời mà nói.
Ảnh minh họa.
Khi bạn chì chiết: “Anh có biết tôi vất vả thế nào không? Anh là cái thể loại chồng vô tâm khi vợ mệt vẫn ngồi lướt điện thoại! Tôi thật sai lầm khi lấy anh!”… thì lòng tự trọng, cơn thịnh nộ của đàn ông tăng cao tột độ. Khi ấy sự vung tay hay những hành động mất kiểm soát cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra mà chẳng liên quan gì đến việc tình yêu còn hay không. Bí quyết giữ gìn tình yêu và hôn nhân, chính là đừng đẩy đối phương lên đến cơn đỉnh điểm tiêu cực ấy. Bởi trong cơn giận dữ, người ta chẳng biết mình sẽ làm gì.
Đàn ông và đàn bà vốn dĩ đã rất khác nhau trong mọi suy nghĩ. Đàn bà có thể vừa rửa bát vừa trông con, vừa ngắm cảnh ngoài cửa sổ, thậm chí có thể vừa ngó xem chồng mình đang làm gì. Nhưng đàn ông thì ngược lại, họ chỉ tập trung được việc mình đang làm và họ sẽ làm khi được nhờ vả với sự thoải mái, tin cậy chứ không phải là trách móc, chì chiết. Muôn đời mưa dầm thấm lâu, những sự chuyển hóa tích cực và chân thành từ người vợ chắc chắn sẽ tạo được một bầu không khí thoải mái trong ngôi nhà. Người vợ là phong thủy trong gia đình, hãy bắt đầu mọi chuyện từ người vợ trước tiên.
Nhưng một khi đã trở thành một người vợ mềm mỏng, uyển chuyển như nước mà người ở bên vẫn cảm thấy khó chịu, hằn gắt và không có ý thức cùng xây nên tổ ấm, thì hãy chấp nhận rằng duyên tình đã hết.
Cuối cùng, hôn nhân như thế nào thì vẫn luôn là sự lựa chọn của chính mình. Dù muốn kết thúc đi nữa cũng phải nghĩ về lí do mình đã bắt đầu và cố gắng đi hết lựa chọn, để biết mình đã không bỏ lỡ cơ hội để được hạnh phúc. Chuyện ly hôn ở cuối đường, nếu bắt buộc phải xảy ra, nên coi như là điều tự nhiên chứ không phải hối hận, oán giận, thù hằn bất cứ điều gì nữa. Dù chẳng ai mong mối tình đứt gãy, nhưng có những khi, đó lại là cánh cửa giải thoát duy nhất cho cả hai người.
Cát Tường
Theo phunuonline.com.vn
Vợ có bằng đại học nhưng chồng bắt ở nhà làm ruộng vì... ghen
Có bằng đại học nhưng phải ở nhà làm ruộng. Kiếm được bao nhiêu tiền thì chồng giữ hết vì sợ vợ cho bên ngoại.
Cứ mỗi lần cãi nhau, đụng chuyện gì, chồng cũng lôi bố mẹ vợ ra chửi... Lấy chồng như thế này hỏi lấy làm gì?
Tôi 26 tuổi, lấy chồng 2 năm nay nhưng chưa có con. Tuy chưa quá bận bịu con nhỏ nhưng chồng tôi không cho tôi đi làm, mặc dù tôi đã tốt nghiệp đại học. Chồng tôi không cho tôi làm công việc văn phòng vì lo sợ tôi ngoại tình. Mặc dù tôi không hề có tính đó nhưng chồng tôi vẫn không yên tâm.
Nhà chồng tôi làm ruộng. Chồng tôi bắt tôi ở nhà làm ruộng với cha mẹ chồng. Tôi thì từ nhỏ đến lớn chưa biết làm nông bao giờ nhưng vì chồng tôi không cho tôi đi làm công việc văn phòng nên cuối cùng tôi vẫn phải chấp nhận ở nhà làm ruộng, mặc dù trong lòng cảm thấy không hề thoải mái.
Ngoài công việc đồng áng, vào những lúc rảnh rỗi, tôi tranh thủ kinh doanh trên mạng nên cũng kiếm được tiền. Như năm ngoái, mỗi tháng tôi cũng kiếm được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Năm nay thì kém hơn nhưng mỗi tháng tôi cũng kiếm được khoảng 3,5 triệu đồng. Tôi làm được bao nhiêu, chồng tôi giữ hết, chỉ để lại 500.000 đồng cho tôi tiêu vặt.
Chồng tôi làm kinh doanh nhưng không lời lãi được bao nhiêu vì làm ăn ở nông thôn không dễ dàng gì. Mỗi tháng trừ tiền thuê ki ốt ra còn phải trả lãi khoản nợ ngân hàng 200 triệu vay cách đây 5 năm. Cùng với các khoản nợ lặt vặt cũng lên đến khoảng 300 triệu.
Tiền chồng tôi kiếm ra chỉ đủ tiền ăn và tiền ăn nhậu của chồng. Chỉ vì cái tật ăn nhậu mà vợ chồng tôi cãi nhau suốt ngày.
Năm ngoái, chồng tôi cứ đi nhậu về là chửi vợ, chửi cả dòng họ nhà vợ. Năm nay chồng tôi ít nhậu nhẹt hơn nhưng cái tính gia trưởng thì không thay đổi.
Từ ngày lấy chồng, tôi có cảm giác mình như đang đi tù. Ảnh minh họa
Tôi muốn giữ tiền nhưng chồng tôi không đồng ý vì sợ tôi làm mất tiền. Chồng tôi nói là sợ tôi làm mất nhưng thực chất là sợ tôi cho bên ngoại.
Nói thật từ ngày lấy chồng, ở nhà chồng, tình cảnh không có tiền trong người khiến tôi thấy mình như đang đi tù vậy. Vì chuyện tiền bạc nên cứ vài ngày vợ chồng tôi lại cãi nhau một trận. Mỗi lần cãi nhau như vậy, tôi lại là người phải nhịn rồi làm lành để cho mọi chuyện được êm đẹp.
Mỗi lần đụng chuyện gì, chồng tôi cũng đều đổ hết lỗi cho tôi, cho bên ngoại. Như chuyện vợ chồng tôi khó khăn về đường con cái chẳng hạn. Năm ngoái tôi mang bầu nhưng bị hỏng thai. Nguyên nhân do chồng tôi nghiện hút thuốc lá dẫn đến tinh trùng yếu, bản thân tôi cũng hít phải khói thuốc lá của chồng thường xuyên. Khi tôi bảo chồng tôi bỏ thuốc lá và đi uống thuốc gì cho tinh trùng khỏe để sinh con thì anh ấy chửi ầm lên. Chồng tôi đổ lỗi cho tôi, cho rằng đứa trước hỏng là do tôi về đi lại về bên ngoại nhiều nên mới như vậy, mặc dù suốt cả thai kỳ tôi chỉ về ngoại đúng 2 lần.
Mặc dù bố mẹ tôi chẳng có lỗi gì với chồng tôi hay bố mẹ chồng tôi nhưng chồng tôi lúc nào cũng tỏ ra hằn học với bên ngoại. Cứ đụng chuyện gì là nói tôi và nói bố mẹ tôi không ra gì.
Bố mẹ tôi là công nhân, công việc vất vả, lại còn nuôi mấy đứa em tôi nữa nên ít khi gọi điện hỏi thăm con rể. Chỉ vì như vậy mà chồng tôi tỏ ra ác cảm với bố mẹ tôi. Anh ta luôn có tư tưởng coi khinh bố mẹ vợ.
Cho dù vợ chồng tôi cãi nhau vì bất cứ chuyện gì, chồng tôi cũng lôi bố mẹ tôi ra chửi. Anh ta chửi bố mẹ tôi không biết dạy con, chửi vì bố mẹ tôi mà cuộc hôn nhân này lục đục...
Chồng tôi luôn luôn nghĩ sai cho bố mẹ tôi. Tôi bị ốm, bố mẹ tôi gọi điện cho tôi bảo tôi thu xếp đi khám. Chồng tôi liền cho rằng như vậy là bố mẹ tôi không coi anh ta ra gì, coi bố mẹ anh ta không ra gì.
Tôi nói chồng tôi không được đụng đến bố mẹ tôi thì chồng tôi bảo: "Tính tao thế đấy, mày sống được thì sống, không thì đi đi. Ở nơi khác thế nào chứ ở đây luôn quy định làm vợ là phải nhịn. Chồng nói không được cãi mà phải im mồm răm rắp nghe theo. Nếu không người ta nói đàn bà không biết nhịn chồng".
Càng ngày tôi càng thấy chồng tôi có lối sống giang hồ chợ búa, trong cả lời ăn tiếng nói và cách cư xử. Trước đây vì vẫn còn thương chồng nên tôi cố gắng nhẫn nhịn đi để mọi chuyện được êm ấm. Nhưng bây giờ dường như tôi không thể chịu đựng nổi nữa.
Tôi nói với chồng tôi rằng: nếu không yêu thương em và tôn trọng gia đình em thì anh hãy viết đơn đi. Tôi cũng yêu cầu chồng tôi trả lại tất cả những gì mà anh ấy đã nợ tôi như tiền bạc hàng tháng anh ấy giữ của tôi, số vàng bạc là của hồi môn của tôi sau cưới...
Nghe tôi nói như vậy, chồng tôi nói với tôi rằng: Nếu muốn bỏ thì tự mà đi viết đơn rồi tự mà ra khỏi nhà chứ anh ta không có một xu nào hết. Nghe anh ta nói thế, nói thật tôi quá choáng váng. Tôi không ngờ chồng tôi lại là người cạn tình đến mức như vậy. Giờ tôi phải làm sao?
L. T. M.A
Theo giadinh.net.vn
Cố gắng một chút sẽ đâu vào đấy Càng ngày tôi càng không chịu nổi. Chúng tôi như đang ở trong một cuộc chiến âm thầm nhưng quyết liệt, một ngày trôi qua dài như thăm thẳm. Chúng tôi đến với nhau khi anh đã ly hôn bốn năm, có một con gái. Anh không giấu tôi điều gì, kể cả lý do vì anh nghèo nên chị ly hôn. Ngay...