Cùng nhau bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển, đảo
Sáng 4/6, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Chương trình “ Chung tay Hành động – Vì Trái đất Xanh” – “Acting for a Green Earth” – Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 (1-8/6).
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chung tay bảo vệ môi trường.
Chương trình có mục tiêu tạo điểm nhấn thu hút, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, du khách thông điệp cùng nhau bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; đồng thời kêu gọi bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030…
Chương trình có sự tham dự của đại diện Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các tổ chức đoàn thể cấp thành phố, doanh nghiệp và hơn 600 cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng quân đội, dân quân, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn quận Thanh Khê.
Tại buổi Lễ, Ông Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu: “Chỉ một Trái đất” là Thông điệp hết sức ý nghĩa, nhắc nhở mỗi chúng ta rằng chỉ có duy nhất một “ngôi nhà tự nhiên” chung cần được bảo vệ.
Video đang HOT
Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị, người dân thành phố Đà Nẵng hãy thực sự là những nhân tố tích cực, gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường, nêu cao trách nhiệm của mình bằng những hành động cụ thể như: Tập trung giải quyết nhanh, kịp thời các vấn đề môi trường còn phát sinh ở mỗi địa phương, khu dân cư; quản lý chặt chẽ môi trường trong các khu công nghiệp và ngay trong từng doanh nghiệp; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động triển khai đồng bộ về phân loại, thu gom chất thải tại nguồn; ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến tái chế, xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, mỗi người dân phải sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên trong sinh hoạt hàng ngày, tập thói quen từ chối sử dụng để giảm thiểu phát thải; đặc biệt là chất thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần; sử dụng giao thông thân thiện với môi trường; không tiêu thụ, buôn bán, khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã… Toàn thành phố tích cực tham gia Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh tại địa phương; tham gia các phong trào Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp, Khu dân cư môi trường… Thành phố cũng cần chú trọng lồng ghép các hoạt động giáo dục về bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng hành cùng các hoạt động bảo vệ môi trường của thành phố, tại buổi Lễ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước Giải khát Coca-Cola Việt Nam tiếp tục trao tặng các thùng rác phân loại cho các đơn vị trên địa bàn quận Thanh Khê với số tiền trị giá 100 triệu đồng. Sau buổi Lễ, khoảng 600 người đã triển khai công tác vệ sinh môi trường thủ công. Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Miền Trung, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức vệ sinh môi trường bằng cơ giới với hơn 30 phương tiện. Các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đồng loạt ra quân để hưởng ứng hoạt động ý nghĩa này.
Theo Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 23/5/2022 của UBND thành phố, hơn 48 hoạt động, sự kiện triển khai Tháng hành động vì môi trường và Tuần lễ Biển, Hải đảo Việt Nam sẽ diễn ra từ 1/6 đến ngày 30/8 trên địa bàn thành phố như: Tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải đảm bảo phát triển bền vững các đô thị tại Việt Nam; hội thảo khoa học “Hợp tác thúc đẩy Phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng”; tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu thành phố Đà Nẵng năm 2022; tổng ra quân vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước trên toàn địa bàn thành phố…
Khởi động Dự án quản lý cảnh quan rừng bền vững tại Lâm Đồng và Đắk Nông
Ngày 3/6 tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khởi động Dự án "Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông".
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh tuyên bố Khởi động Dự án.
Đây là Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), có trị giá 5 triệu euro, triển khai trong giai đoạn 2022-2026.
Tại hội thảo, đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã báo cáo tổng quan về Dự án gồm: Mục tiêu chính của Dự án nhằm tăng cường tính bền vững về môi trường, an sinh xã hội, khả năng chống chịu và thích ứng của hệ thống sản xuất nông nghiệp và các chuỗi cung ứng của vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Mục tiêu cụ thể nhằm tăng cường hệ sinh thái, bao gồm giảm mất rừng và suy thoái rừng tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái ưu tiên, giảm phát thải khí nhà kính; cải thiện sinh kế cho nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm cả người dân tộc thiểu số và phụ nữ trong các chuỗi giá trị nông lâm nghiệp và du lịch sinh thái; nâng cao tính bền vững trong sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua cải thiện các khâu như thực hành canh tác, tổ chức sản xuất và phát triển các chuỗi cung ứng minh bạch và giảm thiểu trung gian.
Dự án sẽ thí điểm cách tiếp cận cảnh quan không gian mất rừng tại 4 huyện Đắk Klong, Đắk R'lấp của tỉnh Đắk Nông cùng Di Linh và Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng với tổng vốn tài trợ không hoàn lại là 5 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ.
Ông Jesus Lavina, Tham tán thứ Nhất, Phó trưởng ban hợp tác của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Jesus Lavina, Tham tán thứ Nhất, Phó trưởng ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam mong muốn tiếp tục được thảo luận chuyên sâu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Lâm nghiệp cũng như các đối tác có mặt tại đây, nhằm góp phần quản lý, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, bảo vệ phục hồi rừng, tạo ra việc làm bền vững cho người dân, tạo ra các giá trị gia tăng cho các sản phẩm; tạo động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội bao trùm; tăng diện tích che phủ rừng; giải quyết tình trạng mất rừng và độ che phủ rừng...
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú văn phòng UNDP tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.
Ông Patrick Haverman - Phó trưởng Đại diện Thường trú văn phòng UNDP tại Việt Nam đánh giá, dự án này là cách tiếp cận bao trùm về cách thức để phát triển rừng bền vững và không gây mất rừng tại khu vực Tây Nguyên. Hội thảo là cơ hội để mọi người kết nối, tìm hiểu thêm về các dự án tương tự mà các nước châu Âu đang hỗ trợ...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, trong nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chung khôi phục rừng Tây Nguyên ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phát triển rừng trong thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động của REDD của tỉnh; Việc hợp tác của các tổ chức quốc tế và sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để triển khai Dự án tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông là rất cần thiết .
Kết thúc cuộc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ cùng các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên cần xác định là còn rất nhiều việc phải làm đối với lĩnh vực lâm nghiệp. Phải có hành động rất cụ thể cho từng năm, cho từng giai đoạn. Từng hành động rất căn cơ, bài bản và thường xuyên có đánh giá, có điều chỉnh giải pháp để thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rất cao cách tiếp cận của dự án, rất mới và toàn diện do UNDP và EU tài trợ. Mục tiêu là giữ được rừng, không để mất rừng nhưng tạo được sinh kế cho người dân, cho người sống với rừng, giữ rừng bằng những hoạt động sản xuất bền vững, tiên tiến và thông minh...
Kon Tum: Lễ ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2022 Sáng 2/6, tại Quảng trường 24/3, huyện Đăk Hà, Tỉnh đoàn Kon Tum đã tổ chức Lễ ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2022 gắn với phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Tặng mô hình vườn cây sinh kế cho thanh niên khuyết tật, khó khăn....