Cùng một trang thiết bị y tế, vẫn vênh vài chục triệu giữa các bệnh viện
Ví dụ, một stent động mạch vành mức giá trúng thầu chênh nhau giữa ba bệnh viện là rất lớn, cao nhất đến gần 40 triệu đồng.
Chiều 9/4, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá thuốc, vướng mắc trong đấu thầu vật tư y tế…
Giá chênh quá lớn!
Tại buổi làm việc này, ông ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, qua rà soát, BHXH Việt Nam đề nghị đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế tập trung cấp quốc gia ngay trong năm nay, tập trung vào 6 nhóm sử dụng nhiều và giá trị thanh toán lớn.
Nhóm 1 là thủy tinh thể nhân tạo các loại, với số tiền mà quỹ BHYT thanh toán trong năm 2017 lên tới gần 900 tỉ đồng cho khoảng 300.000 thủy tinh thể. Ông Sơn nhấn mạnh về giá chênh rất lớn giữa các loại thủy tinh thể, từ 200.000 đồng nhân cứng lên 28 triệu đồng nhân mềm. Do đó cần chia nhỏ dải giá theo nhóm tiêu chí kĩ thuật.
Có mặt tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc BV Mắt Trung ương với tư cách là một chuyên gia trong ngành đã lý giải sự chênh lệch giá thủy tinh thể nhân tạo là do của những hãng khác nhau, đầu tư công nghệ khác nhau. “Ngay cùng của Mỹ, nhưng mỗi hãng lại có giá khác biệt do công nghệ”, ông Hiệp nói.
Nhóm 2 mà BHXH đề nghị đấu thầu tập trung quốc gia là stent động mạch vành.
Ông Sơn cho rằng, có sự chênh lệch quá lớn giữa các bệnh viện về stent này. Cùng stent mạch vành của Đức, giá tại BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa là hơn 58 triệu đồng, trong khi giá tại Bắc Giang chỉ có 29,4 triệu, trong khi ở một cơ sở khác ở Đồng Nai là 38,5 triệu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Y tế. Ảnh: T.D
Video đang HOT
Nghe đến thông tin này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lên tiếng cắt ngang lời đại diện BHXH Việt Nam, cho rằng cơ quan này phải chứng minh 1 stent như nhau nhưng giá khác nhau thế nào, còn dải giá khác nhau với nhiều loại stent khác nhau là chuyện bình thường. “Bởi nếu không chính xác, dư luận sẽ hiểu sai”.
Được biết trong năm 2017, quỹ BHYT thanh toán hơn 29.500 stent với giá trị gần 1.100 tỉ đồng. Mức giá dao động từ 12-60 triệu đồng, chưa kể stent sinh học có giá trên 200 triệu/cái.
4 nhóm còn lại mà BHXH đề xuất đấu thầu thập trung do có chi phí thanh toán lớn, chênh lệch lớn gồm: Khớp nhân tạo (năm 2017 thanh toán hơn 16.000 cái với tổng giá trị 541 tỉ đồng. Trong đó dù ổ khớp cùng loại nhưng giá tại Phú Thọ là 58 triệu đồng, tại Thanh Hóa là 38 triệu đồng); Kim luồn tĩnh mạch; Đinh nẹp vít, ốc vít (sử dụng gần 813.000 cái, tương đương 952 tỉ đồng) và nhóm bóng nong.
Phó Thủ tướng: Không hi sinh chất lượng chạy theo giá
Trước những dẫn chứng về sự chênh lệch giá vật tư mà BHXH đưa ra, địa diện viện Mắt tiếp tục lý giải về sự chênh lệch giá của nhân thủy tinh thể. Bởi có những hãng lớn, uy tín họ đầu tư vào công nghệ nên giá cao. Trong khi đó, ngay tại quốc gia đó lại có những hãng ít tên tuổi hơn, với các tiêu chí khác nhau. Giờ thủy tinh thể không chỉ ở Mỹ, mà hàng Hàn Quốc, Hy Lạp… cũng vào đấu thầu. “Chúng tôi mong muốn có văn bản quy phạm rõ ràng để thực hiện nhưng thực tế vẫn chưa có nên rất khó khăn. Còn nếu theo quy chế đấu thầu, lấy theo giá thấp nhất trong tình trạng nhiều nhà cung cấp mới như hiện nay, e không đảm bảo chất lượng”, ông Hiệp nói.
Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị-Công trình y tế cho biết, cơ quan này đang cân nhắc kỹ đưa ra những tiêu chí kỹ thuật, giá phù hợp để xây dựng nghị định về đấu thầu trang thiết bị y tế tránh “nền y tế giá rẻ”. “Thuốc kém chất lượng có thể điều chỉnh thay thuốc, nhưng vật tư y tế cấy vào con người mà mổ lấy ra không phải dễ”, ông Tuấn bày tỏ.
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải, không phải cứ tên vật tư tiêu hao giống nhau là giá cả giống nhau. Ảnh: T.D
Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết Bộ đang soạn thảo, sẽ sớm xây dựng nghị định đấu thầu trang thiết bị y tế trong đó có vật tư y tế theo tiêu chí chất lượng. Bà Tiến cũng lý giải: “Không phải cứ tên vật tư như vậy thì giá phải giống nhau mà còn căn cứ vào cấu hình của trang thiết bị y tế”.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Y tế làm đề án trình Chính Phủ cho phép Bộ thí điểm đấu thầu vật tư y tế, cần sớm thực hiện trong năm nay. Đầu tiên có thể thí điểm trong chính phạm vi các bệnh viện trực thuộc Bộ, chọn một số vật tư đấu thầu có thể căn cứ trên gợi ý của Bảo hiểm Xã hội.
“Đấu thầu trên tinh thần là công khai, minh bạch, chất lượng phải đặt trên hàng đầu, đảm bảo tính cạnh tranh về giá nhưng không thể vì giá mà hy sinh quyền lợi của người bệnh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hồng Hải
Theo Dân trí
40 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh trong tháng 5
Các dịch vụ được điều chỉnh là dịch vụ có tần suất sử dụng cao trong khám chữa bệnh như giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị, Xquang, MRI, nội soi tai mũi họng, siêu âm, CT, y tế cổ truyền...
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về các vấn đề bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế, đấu thầu thuốc... chiều ngày 9.4.
Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế đang khảo sát và xây dựng lại giá của nhiều dịch vụ y tế. Dự tính trong tháng 5 sẽ có 40 dịch vụ y tế được điều chỉnh. Đây là các dịch vụ thường xuyên được sử dụng trong khám chữa bệnh. Sau đó, tiến tới sẽ xây dựng lại giá cho các dịch vụ y tế khác.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế chiều 9.4. Ảnh: T.D
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) giải thích thêm, thông tư 37 ban hành từ năm 2015 là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế quy định tại Nghị định 16 của Chính phủ; góp phần làm tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện (TP Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng, ...).
Cụ thể như giá điện đã tăng từ 1.310 đồng/KWh lên 1.713 đồng, nước 6.270 đ/m3 lên 11.148 đồng, xử lý nước thải y tế 2011 mới tính 3.135 đ/m3, hiện nay chi phí thực tế và thuê bình quân 15.000 đồng...; công suất sử dụng, lương cơ sở tại thời điểm 2015 là 1.150.000 đồng, nay 1.300.000 đồng, từ 1.7.2018 là 1.390.000 đồng. Như vậy, nếu giá dịch vụ y tế tính theo mức chi phí từ năm 2011 là quá thấp.Tuy nhiên, Thông tư 37 được ban hành năm 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp (vật tư y tế, điện nước, chi phí tiền lương) lại được tính theo Thông tư 04, ban hành từ năm 2012 (giá khảo sát là năm 2011). Do đó, rất nhiều giá của dịch vụ y tế, chi phí tiền lương... đã lạc hậu.
Các dịch vụ siêu âm, nội soi tai mũi họng, X.quang... sẽ được điều chỉnh trong tháng 5 (Ảnh minh họa IT)
Bệnh cạnh đó, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH), một số cơ sở y tế có một số đơn vị có lượt khám bệnh/01 bàn khám cao hơn định mức số lượt khám tính giá (theo quy định là 35 bệnh nhân/bàn khám/ngày, nhưng thực tế nhiều cơ sở khám 80-100 bệnh nhân/bàn khám/ngày); một số đơn vi có tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi tai mũi họng cũng cao hơn đinh mưc tinh gia.
"Do đó, Bộ Y tế sẽ khảo sát lại giá dịch vụ y tế cho sát với giá thị trường hiện nay, đồng thời sẽ điều chỉnh các chi phí bất hợp lý. Dịch vụ nào cần tăng sẽ điều chỉnh tăng, dịch vụ nào cần giảm sẽ giảm. Trước mắt, tháng 5 sẽ điều chỉnh 40 dịch vụ y tế".Như vậy, nếu các cơ sở y tế này vẫn tính giá dịch vụ như quy định là không hợp lý. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cho rằng các đơn vị này chỉ định ngươi bênh điêu tri nôi tru, sử dụng dịch vụ bất hợp lý, coi đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây nên bội chi quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ bằng 70%-80% mức giá hiện nay.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có tới 18.000 dịch vụ y tế, mỗi dịch vụ được ban hành một giá riêng. Điều này gây khó khăn cho việc thanh toán và giám định BHYT của cả các bệnh viện và BHXH. Trong khi đó, các nước khác trên thế giới chỉ có danh mục giá của 2000 -3000 dịch vụ, cùng lắm là 6000-7000 dịch vụ. Để giảm bớt danh mục dịch vụ, theo lộ trình, đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện lại danh mục giá dịch vụ y tế, giảm xuống còn 3000 - 4000 dịch vụ. Sau đó sẽ xây dựng giá theo các nhóm dịch vụ đó.
Giải thích thêm về điều này, ông Nam Liên cho biết, dịch vụ y tế nào có thể "gom" lại được sẽ gom lại. Ví dụ như các dịch vụ X.quang tay, chân, khuỷu tay, khuỷu chân... như hiện nay chỉ ban hành giá 1 dịch vụ X.quang mà thôi.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề cập đến nhiều vấn đề của BHYT, giá thuốc. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải mở rộng hình thức đấu thầu thuốc như Bộ Y tế đã thí điểm để nhằm giảm giá thuốc, có lợi cho người bệnh.
"Giá thuốc không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề nhân đạo. Việt Nam người nghèo, người có thu nhập trung bình còn rất nhiều. Chúng ta cứ nói, giá thuốc Việt Nam thấp hơn giá thuốc nhiều nước trên thế giới nhưng thu nhập của chúng ta có cao hoặc bằng thu nhập các nước đó hay không? Do đó, để tiết kiệm tiền túi của người dân, giảm chi ngân sách nhà nước, Bộ Y tế cần nghiên cứu để mở rộng đấu thầu thuốc để giảm giá thành, tiền tới đấu thầu cả trang thiết bị y tế nữa. Một cái kim tiêm chỉ vài chục đồng, nhưng số lượng sử dụng hàng triệu cái, nếu đấu thầu giúp tiết kiệm được vài đồng một kim tiêm thì cả năm cũng lên tới vài tỷ thậm chí vài chục tỷ đồng ngân sách" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Danviet
Một bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả hơn một tỷ đồng Bệnh nhân bị hẹp hở van 2 lá, hẹp van động mạch chủ, được bảo hiểm thanh toán chi phí khám chữa bệnh cao nhất trong hai tháng qua. Ảnh minh họa Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong hai tháng đầu năm nay, Quỹ Bảo hiểm Y tế đã chi trả cho 108 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh...