Cùng khối lượng công việc, giáo viên già lương cao hơn giáo viên trẻ là vô lý
Chúng ta thấy tính chất, khối lượng công việc của các giáo viên như nhau nhưng lương thì lại đang chênh lệch rất lớn- đây rõ ràng là những hạn chế cần tháo gỡ.
Ngay sau khi Bộ ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập thì nó lập tức trở thành tâm điểm của dư luận.
Nhiều bài viết cho rằng lương giáo viên sẽ tăng mạnh sau ngày 20/3 tới đây. Nhiều thầy cô giáo chia sẻ băn khoăn về chuyện mình xuống hạng. Và, có cả những thầy cô cho rằng với cách xếp lương theo các Thông tư mới này thì giáo viên trẻ có lợi còn những thầy cô lớn tuổi sẽ thiệt thòi.
Bảng lương hiện nay đang thể hiện nhiều bất cập (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc các cơ quan chức năng đang tiến tới việc trả lương theo vị trí việc làm là điều công bằng nhất. Giáo viên trẻ hay lớn tuổi không quan trọng, quan trọng nhất là sự cống hiến và hiệu quả công việc của mỗi người thầy cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Nếu giáo viên trẻ mà họ thực sự giỏi, có tâm huyết, có trách nhiệm, là những nhân tố tích cực trong nhà trường, trong ngành giáo dục thì việc trả lương cho họ bằng, thậm chí cao hơn những thầy cô lớn tuổi cũng là một lẽ thường tình.
Hãy nhìn vào việc phân công định mức giảng dạy để thấy sự công bằng hay không công bằng
Theo Luật Giáo dục năm 2019 thì phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ bị cắt nhưng vì hiện nay nhà nước chưa trả lương theo vị trí việc làm nên phụ cấp này vẫn đang còn được giữ nguyên.
Việc cắt thâm niên nhà giáo là thiệt thòi chung cho tất cả đội ngũ các thầy cô giáo đang công tác trong ngành giáo dục và tất nhiên là ai cũng mong muốn được giữ lại phụ cấp này.
Song, vấn đề là sau khi Bộ ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì một số thầy cô cho rằng nếu trả lương theo cách tính của các Thông tư này thì giáo viên trẻ có lợi, giáo viên lớn tuổi bị thua thiệt.
Tuy nhiên, chúng tôi không cho là vậy. Để được hưởng lương hạng II thì giáo viên đó ít nhất cũng đã phải trải qua 9 năm công tác nhưng đây mới là tiêu chí về thời gian.
Những thầy cô được bổ nhiệm là giáo viên hạng II phải hội tụ rất nhiều tiêu chí khác nhau chứ đâu cứ đủ bằng cấp, chứng chỉ và năm công tác thì nghiễm nhiên trở thành giáo viên hạng II. Vì thế, giáo viên nào được bổ nghiệm hạng II cũng phải là những người tiêu biểu mới đạt được.
Xếp lương giáo viên tiểu học hạng II cũ chuyển sang hạng II mới
Còn đối với việc trả lương như mấy chục năm nay thì người đang thiệt thòi nhất lại là những thầy cô giáo trẻ, những thầy cô có thâm niên trên dưới 10 năm công tác nhưng họ nào biết kêu ai.
Vì sao chúng tôi nói giáo viên trẻ hiện nay đang thiệt thòi? Bởi vì theo quy định của ngành thì giáo viên tiểu học dạy 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần.
Nhìn vào quy định này thì chúng ta thấy Bộ Giáo dục có phân công giáo viên lớn tuổi, trẻ tuổi không khác nhau về định mức công việc đâu, ai cũng đều đảm nhận số lượng công việc như nhau hết.
Nhiều người cho rằng những thầy cô lớn tuổi có kinh nghiệm giảng dạy- điều này hoàn toàn đúng, không có gì bàn cãi, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều những thầy cô chưa thực sự là những “cây cao bóng cả” trong đơn vị- điều này các bạn đồng nghiệp có thể nhìn thấy rõ trong đơn vị mình công tác.
Ở chiều ngược lại, những giáo viên trẻ có thể kinh nghiệm chưa bằng nhưng có lẽ chỉ cần 5 năm công tác (lương bậc 2) là họ đã đủ kinh nghiệm để làm việc, và tham gia tất cả các kỳ thi, hội thi mà ngành giáo dục tổ chức.
Đó là chưa kể nhiều thầy cô giáo trẻ hiện nay rất năng động, họ giỏi về công nghệ thông tin nên những giờ dạy của họ thường được học sinh thích thú.
Video đang HOT
Nhiều khi chúng tôi đi dự giờ những thầy cô giáo trẻ cũng học ở họ rất nhiều kinh nghiệm đứng lớp và cách tổ chức các hoạt động dạy học theo những đổi mới của ngành trong những năm gần đây.
Suy cho cùng, mục tiêu của bài học là học sinh nắm được bài, lĩnh hội được kiến thức chứ không phải là người thầy đó lớn tuổi hay ít tuổi đứng lớp.
Vậy, tại sao lâu nay lương giáo viên lại có sự chênh lệch nhau quá lớn? Trong khi phần lớn giáo viên đều là giáo viên đứng lớp không đảm nhận chức vụ?
Bởi vì giáo viên sang năm thứ 6 mới được hưởng phụ cấp thâm niên, mỗi năm được 1% phụ cấp. Nếu bình thường cứ 3 năm tăng 1 bậc lương với hệ số 0.33.
Trong khi những thầy cô lớn tuổi hưởng lương vượt khung, nhiều người hưởng phụ cấp đến trên dưới 30% nên nhiều thầy cô hiện nay có mức lương trên 12-13 triệu đồng.
Trong khi lương giáo viên bậc 1, bậc 2 chỉ được hưởng ở ở ngưỡng trên dưới 4 triệu đồng…Đây cũng là một điều bất công chứ? Bởi, công việc được giao như nhau, thậm chí một số công việc khó thì Ban giám hiệu lại thường giao cho giáo viên trẻ thực hiện.
Chính vì thế, chúng ta thấy tính chất, khối lượng công việc của các giáo viên như nhau nhưng lương thì lại đang chênh lệch rất lớn- đây rõ ràng là những hạn chế cần tháo gỡ.
Hy vọng vào việc trả lương theo vị trí việc làm
Sau khi Bộ ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì trên các diễn đàn của giáo viên đề cập nhiều đến chuyện xếp lương, xếp hạng. Nhưng, có lẽ các Thông tư này cũng chưa có thể giải quyết được vấn đề gì trong lúc này.
Bởi, hơn 5 năm trước, các Thông tư liên tịch số 20, 21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cũng được ban hành, cũng xếp hạng, xếp hệ số lương giáo viên nhưng đến bây giờ cũng có thay đổi được gì đâu.
Vì thế, các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT lần này biết đâu rồi cũng vậy…!
Bởi, ngày 09/10/2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến 01/7/2022 thay vì từ năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW nên có lẽ giáo viên sẽ tiếp tục chờ và hy vọng.
Hy vọng tới đây giáo viên được trả lương theo vị trí việc làm, lúc ấy những thầy cô giáo dù lớn tuổi hay ít tuổi sẽ được nhận lương đúng giá trị công việc của mình đảm nhận. Những giáo viên trẻ không phải buồn, không phải chạnh lòng với những đồng lương hàng tháng của mình!
Ưu đãi giáo viên trẻ, nhưng đừng bạc bẽo với giáo viên già
Chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có chế độ đãi ngộ đúng mức.
Thông tin ngày 1/7/2022 tới đây, giáo viên các cấp sẽ bị cắt thâm niên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 đang làm nhiều gia đình nhà giáo bất an, lo lắng.
Lo vì bỗng dưng mất đi tiền triệu, đặc biệt là gia đình có 2 vợ chồng đi dạy một tháng phải hụt chi tiêu đến vài triệu đồng, lỗ hổng về tài chính quá lớn thế này biết lấy khoản nào bù lại?
Suốt ngày tất bật trên lớp, ra khỏi trường giáo viên làm thêm đủ việc để lo cho cuộc sống (Ảnh: Lã Tiến)
Xóa bỏ phụ cấp thâm niên để ưu đãi giáo viên trẻ?
Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng cho biết:
" Thời gian tới, phụ cấp thâm niên sẽ bị xóa bỏ.
Phụ cấp này đang là nguyên nhân phân cấp giữa giáo viên cao tuổi và giáo viên trẻ. Khi bỏ phụ cấp thâm niên, cũng có nghĩa sẽ xóa được khoảng cách lương giữa người giáo viên lâu năm và giáo viên trẻ, hoặc khoảng cách sẽ được rút ngắn thông qua cơ cấu của phụ cấp ưu đãi.
Điều này không làm ảnh hưởng đến lương của người làm lâu năm nhưng những người mới vào với lộ trình 10 năm đầu sẽ được đẩy lên tương đối. Rút ngắn đó cũng mang tính logic, hợp lý.
Về tổng thể, có thể tất cả giáo viên đều được nâng lương nhưng sẽ không còn khoảng cách giữa lương của người mới vào ngành và người lâu năm, sẽ giải quyết một số bất cập đang hiện hữu" . [1]
Giáo viên lớn tuổi tâm tư
Rõ ràng, nếu bị cắt phụ cấp thâm niên một giáo viên mới đi dạy vài năm sẽ có mức lương cao gần bằng những thầy cô đi dạy 20 năm. Theo cá nhân người viết, đây chính là thiệt thòi lớn cho những giáo viên đã gắn bó với nghề từ những ngày ngành giáo dục còn vô vàn khó khăn
Suốt tuổi trẻ của họ sống trong kham khổ, thiếu thốn nhưng vẫn luôn bám trường, bám lớp vì họ hy vọng một ngày nào đó đồng lương ít ỏi sẽ được cải thiện.
Nay tuổi đã bước sang xế chiều, sức khỏe giảm sút, con cái bước vào giai đoạn học tập "ngốn tiền" thì đồng lương lại bị thụt giảm chỉ để rút ngắn khoảng các đồng lương với những đồng nghiệp trẻ.
Cô giáo Lê Thị Vân cho biết: " Tôi ra trường từ 1989 dạy ở miền núi của tỉnh Thanh Hoá , không điện , không nước, nhà tranh vách nứa. Lương 1 tháng không mua nổi 1 yến gạo. Đến bây giờ, cắt thâm niên thì quá bất công ".
Cô giáo Hoàng Thị Anh ở Vũng Tàu chia sẻ: " Tôi cũng là giáo viên đã công tác tại vùng sâu dân tộc Châu Ro, xã Châu Pha từ năm 1989 cho đến nay. Nơi đây mãi đến năm 1997 mới có điện, cuộc sống muôn vàn khó khăn ...
Những lớp học được dựng ven đồi, nhiều lớp chỉ có 10 em nhưng đủ độ tuổi. Những lúc nghỉ ngơi, chúng tôi lại ngồi cắt móng tay hay bắt chấy cho các em.
Với đồng lương quá bèo bọt và rẻ mạt năm đó chỉ có 20,500 ( đồng). Chúng tôi với nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nghề cố gắng bám trụ, bám trường và hy vọng lương sẽ khá hơn.
Thầy giáo Trần Tình tâm sự: " Lúc mới ra trường, chúng tôi nhận lương chỉ mấy chục nghìn, cuộc sống cơ cực, nhiều người bỏ nghề. Vì yêu nghề, hy vọng vào những lời hứa của người có trách nhiệm sẽ cải cách tiền lương giúp giáo viên sống với nghề nên chúng tôi cố gắng trụ lại.
Khi dạy đủ 5 năm để có phụ cấp thâm niên bị cắt, được chục năm lại đây, nhà nước quan tâm trả lại phụ cấp thâm niên thì nay lại quyết định cắt. Có cảm giác lứa giáo viên chúng tôi ngày ấy gặp quá nhiều thiệt thòi ...".
Thầy giáo Võ Tiến Hưng lo lắng: " Giờ năm mươi mấy tuổi, dạy trên 30 năm, lương trên 10 triệu, nếu cắt thâm niên mất khoảng trên 2 triệu, còn chừng 8 triệu.
Mỗi tháng, lấy ra 6 triệu để đóng học phí đại học cho hai đứa con. Cuối cùng còn 2 triệu để chỉ tiêu cho cả nhà, mọi người nghĩ coi gia đình tôi sống như thế nào đây ?".
Thầy Nguyễn Văn Thi cùng tâm trạng: " Trước đây sức còn tốt, tôi thường xuyên làm thêm để đủ trang trải trong gia đình. Hiện giờ là 46 tuổi rồi, đâu đủ sức để làm thêm?
Từ trước đến giờ chưa từng dạy thêm, nhưng nếu sắp tới bị cắt thâm niên cũng phải mở một lớp dạy thêm vì không thế chúng tôi sẽ sống thế nào? ".
Cô giáo Nguyễn Thị Nụ cho biết: " Nhiều năm công tác trong nghề, khi trẻ mới vào nghề đồng lương bèo bọt, tháng vài chục ngàn chẳng đủ ăn.
Khi về già ốm yếu bệnh tật, con cái đang học hành cũng chỉ trông chờ vào lương mà lại bị cắt giảm thì không biết sống thế nào đây ?
Ngày trẻ sống nghèo khổ nhưng vẫn còn những món ăn tinh thần là những trò ngoan, phụ huynh chia sẻ nên vẫn thấy vui vẻ sống nghèo thanh thản, còn giờ khác xưa nhiều lắm nặng trĩu bao nỗi buồn mấy ai thấu hiểu? "
Thầy giáo Vũ Văn Thành cho rằng: " Việc xếp lại lương theo thông tư mới sẽ khuyến khích cho giáo viên trẻ nhưng thật sự bất cập cho giáo viên cao tuổi. Như vậy, thật là bất công và không công bằng với họ ".
Lương nhà giáo có tương xứng với vị thế một nghề mà xã hội tôn vinh là cao quý?
Nói về vấn đề tiền lương cho giáo viên, Giáo sư Trần Hồng Quân từng có ý kiến góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo:
"Tôi đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp".
"Chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có thái độ của xã hội. Cụ thể là đãi ngộ đúng mức".
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng từng cho rằng: "Chế độ tiền lương cho giáo viên không nên thua kém so với những ngành nghề như công an, quân đội và khi sinh viên ra trường phải được phân công bố trí việc làm.
Đối với người làm nhà giáo cần có một chế độ đãi ngộ tốt để luôn luôn giữ đúng vai trò của người thầy không chỉ đối với học sinh mà đối với cả trong sinh hoạt cộng đồng và xã hội.
Đối với chế độ lương cho các giáo viên cần một chế độ thỏa đáng để đúng với vị thế một nghề mà xã hội tôn vinh là cao quý. Chế độ lương tốt để các thầy cô toàn tâm toàn ý hết lòng vì sự nghiệp giáo dục".
"Đầu tư cho giáo dục không phải đầu tư cho ngày hôm nay mà đầu tư cho tương lai. Trong đầu tư cho ngày hôm nay thì đầu tư cho người thầy - bộ máy cái là đầu tư trực tiếp nhất cho giáo dục".
Cải cách tiền lương để rút ngắn khoảng cách lương của giáo viên trẻ với giáo viên lâu năm là việc nên làm vì như thế mới thu hút được người tài vào ngành.
Nhưng bỏ phụ cấp thâm niên sẽ làm hạ thu nhập nhiều thầy cô giáo lớn tuổi để khoảng cách lương của những thầy cô này gần bằng với lương giáo viên trẻ là điều không nên và hết sức vô lý.
Làm thế khiến những giáo viên già chúng tôi khó tránh khỏi có cảm giác hụt hẫng vì đã đồng hành cùng với ngành giáo dục trong những năm tháng gian khổ nhất.
Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng viễn cảnh thế này sẽ không xảy ra. Và như thế, cũng là cách tiếp thêm động lực cho những nhà giáo đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.giadinhmoi.vn/luong-moi-cua-giao-vien-giao-vien-moi-ra-truong-se-co-thu-nhap-cao-hon-d27276.html
[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nang-luong-cho-giao-vien-la-cach-dau-tu-truc-tiep-tot-nhat-cho-giao-duc-post194795.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Khi chính sách giáo dục 'xếp hạng' cả đạo đức của giáo viên Không chỉ khiến giáo giới "xáo động" về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chuyện nâng hạng, tụt hạng..., những văn bản mới của Bộ GD-ĐT còn gây bất ngờ khi ở từng hạng giáo viên lại có riêng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp. Bộ GD-ĐT vừa ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu...