Cùng giáo viên thay đổi, mang tương lai cho học sinh
Không một người bình thường nào vô cảm trước chuyện trẻ em bị bạo hành về thể chất, tinh thần ngay tại trường học, nơi có sứ mạng tạo điều kiện tốt nhứt có thể cho các em phát triển về trí tuệ, cảm xúc và nhân cách. Không ai vô cảm trước chuyện thầy cô giáo không được tôn trọng, không được bảo vệ an toàn khi họ đang hành nghề.
Nhưng có đúng thực chất vấn đề chưa, và có giải quyết được gì không khi chúng ta chỉ đau xót, bàng hoàng, hay chán nản, tuyệt vọng, giận dữ, thậm chí chửi bới, nguyền rủa? Hình như số đông chưa nhìn nhận đúng mức tác hại đối với xã hội, trước hết là với chính học sinh, trẻ em, khi một số người lớn tiếng đòi – hay tự mình thực hiện trả đũa bạo lực bằng bạo lực.
Có thể nào vẫn cứ coi “đấu tranh, tránh đâu?” cũng là chuyện bình thường, không thể nào thay đổi được, cho nên lãnh đạo cấp cao vẫn phải vì “bất an” mà yêu cầu chuyển em học sinh trung thực “tránh đi” cho nó lành? Chỉ cần “bảo vệ” một em học sinh (mà liệu có bảo vệ được lòng tự trọng, trái tim yêu sự thật, lẽ phải và khao khát công bằng của em khỏi tổn thương)? Hay cần bảo vệ sự an toàn và ý chí đấu tranh cho nhiều em học sinh trung thực, để cái tốt có đất sinh sôi?
Xin đừng làm đà điểu chúi đầu xuống cát để tự an ủi “chỉ là trường hợp cá biệt”. Cơ thể đã “sốt phát ban” tới mức đó rồi mà chúng ta vẫn cứ “chịu vậy thôi” thì e không cứu nổi.
Một người thầy được nhiều thế hệ học sinh kính mến. Ảnh:TL
Nhưng cũng xin đừng vơ đũa cả nắm, chửi bới, miệt thị tất cả thầy cô, phụ huynh, toàn ngành giáo dục hay cả xã hội Việt Nam, thậm chí trăm dâu đổ đầu tổ tiên, ngờ vực cả truyền thống văn hoá, cứ như thể cái “văn hoá phương Đông” mơ hồ nào đó khiếp nhược, hành xử phi nhân tính của người Việt thời nay. Sao không ứa nước mắt xót xa mà cảm nhận, như một trí thức Việt sống xa quê từng thổn thức: “Dân tộc tôi chưa xứng đáng với tổ tiên”.
Vậy làm sao bây giờ? Giữa dòng nước xiết, có đường sống nào khác hơn là bơi vượt sóng? Nhưng chúng ta cùng trên một con thuyền. Không phải người biết bơi (hay người có phao) thì sống, không biết, không có thì chìm. Ai “tị nạn giáo dục” được thì cứ lo thân mình hay cứu lấy một gia đình nhỏ của mình, còn thì “sống chết mặc bây”, hay nhai lại điệp khúc “biết sao bây giờ”. Vẫn biết một giải pháp này là chưa đủ, nhưng không thể không làm: tự cứu, nhưng là cùng nhau tự cứu.
Video đang HOT
Bước đầu thực hiện chương trình “ TEACH – Cùng giáo viên thay đổi”, chúng tôi làm quen với những câu lạc bộ suốt 20 năm miệt mài khuyến khích học sinh đọc sách, những tình nguyện viên kiên trì vượt khó xây dựng hàng trăm câu lạc bộ Sách và hành động ở các trường học, và nhiều nỗ lực âm thầm, bền bỉ khác. Mọi nỗ lực ấy đều nhằm đồng hành với bạn trẻ, với người yếu thế trong nỗ lực sống ra con người của họ. Hay nói như nhà giáo Lê Vinh Quốc, chủ tịch hội đồng chuyên gia TEACH: “Những thảm hoạ vừa qua là do nhiều người trong giáo viên, học sinh, phụ huynh và công chúng chưa xây dựng được bản ngã của mình”.
Chưa vững vàng bản ngã, chưa biết mình là ai, có quyền và nghĩa vụ gì là do học chưa tới nơi, chưa đúng cách. Vậy, nói như nhà cách mạng Phan Châu Trinh từ trăm năm trước: “Chi bằng học”. Thầy và trò, cha mẹ và con cái tự học từ sách và nguồn tư liệu khác, từ cuộc sống có thành công và thất bại, học từ trải nghiệm của chính mình và người thân. Giáo viên giúp nhau tự tạo ra thay đổi tích cực trong thực hành giáo dục. Phụ huynh cùng nhau tìm giải pháp bổ khuyết những gì con chưa học được ở nhà trường, xã hội. Giáo viên cố gắng sửa chữa những khuyết tật. Nhiều nỗ lực tự cứu đã và đang diễn ra như vậy. Bảo vệ trẻ hay người yếu thế, phương thức khác nhau tuỳ lứa tuổi, hoàn cảnh nhưng không gì hiệu quả hơn trang bị, tăng cường bản lĩnh, năng lực tự vệ cho trẻ, cho người yếu thế. Pháp luật, quy tắc chỗ nào chưa có, đấu tranh cho có, chưa hoàn thiện, góp sức hoàn thiện nó; có rồi thì quảng bá, và tạo áp lực cộng đồng để nó được thấu hiểu rộng rãi, đi vào đời sống. Và mạnh hơn cả pháp luật, là lòng tự trọng, nhân cách, là những giá trị mà mỗi người tự thấy mình cần bảo vệ.
Có người nói những kẻ tự cứu ấy vẫn đang là thiểu số, đôi khi họ còn đơn độc, lạc lõng. Nhưng không có thiểu số đó, không có khát khao làm người – dù còn chao đảo, có bước tiến bước lùi – ở trong số đông sẽ còn ra sao nữa? Tình hình càng nước sôi lửa bỏng, nỗ lực tự cứu càng thu hút thêm người quan tâm. Chúng tôi thực hiện “Cùng giáo viên thay đổi” chưa lâu, đã có phụ huynh yêu cầu “Cùng phụ huynh thay đổi”. Và họ đúng. Đúng hơn nữa là phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh, giữa nhiều tác nhân có liên quan, để cùng nhau tự cứu. Thành thật, không có giải pháp “đũa thần”, chỉ là cùng nhau tự cứu. Vì nguy và gấp lắm rồi.
Những thảm hoạ vừa qua là do nhiều người trong giáo viên, học sinh, phụ huynh và công chúng đều chưa xây dựng được bản ngã của mình.
Theo Bùi Trân Phượng ( Thế giới tiếp thị)
Hiệu trưởng của cô giáo "không nói gì": Mong mọi người nhân văn hơn
"Với trách nhiệm một người quản lý tôi rất đau lòng, nhưng mong mọi người hãy nhân văn hơn với cô Châu"- ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM chia sẻ sau việc cô giáo không nói gì xảy ra tại trường.
Bao năm làm nghề giáo đây là nỗi đau lớn nhất
Tròn một tuần việc sự việc cô giáo không nói gì ở Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM bị phát hiện, ông Bùi Minh Bình Hiệu trưởng thừa nhận trường phải đối diện với nhiều áp lực
Sau ngày thứ 6 tuần trước, Hội đồng sư phạm đã họp và mổ xẻ nguyên nhân. Câu hỏi lớn nhất là tại sao lại như vậy? Mẫu chốt vấn đề đã được giải đáp khi giáo viên chủ nhiệm tường trình "sự việc không quan trọng nên không báo lên hiệu trưởng".
"Tôi cứ nghĩ, học sinh có việc gì sẽ báo lên chủ nhiệm. Thông thường phụ huynh cũng hay báo cho chủ nhiệm và chủ nhiệm sẽ báo lên nhà trường. Đây là một kênh thông tin hoàn hảo nhưng không ngờ chúng tôi lại vấp phải sự việc "chết người" này. Lỗi của cả một chuỗi, từ cô Châu, tới cô chủ nhiệm và cả bản thân tôi nữa"- ông Bình nhìn nhận.
Ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới
Việc cô Châu không nói gì diễn ra trong thời gian tương đối dài, nhưng chỉ vỡ lẽ khi một học sinh không nằm trong diện được phát biểu nói ra trong buổi đối thoại với lãnh Sở GD-ĐT tuần trước. Là hiệu trưởng ông Bình rất đau lòng.
"Tuần nào sinh hoạt dưới cờ tôi cũng dặn các em, nếu có khúc mắc gì hãy trao đổi với chủ nhiệm hoặc trao đổi với tôi. Các em cứ lên phòng hiệu trưởng, tôi luôn đón tiếp. Có nhiều em đã lên và yêu cầu bảo mật thông tin. Có nhiều em lên nhưng rồi e ngại không nói. Bản thân tôi là người thân thiện nhưng chuyện này lại không hay biết. Với trách nhiệm một người quản lý tôi rất đau lòng. Bao nhiêu năm làm nghề giáo đây là nỗi đau lớn nhất tôi gặp. Một chuyện đúng ra rất nhỏ nhưng giờ lại thành chuyện lớn"- ông Bình thốt lên.
Về nguyên nhân vì sao cô giáo không nói, ông Bình cho rằng ở thời điểm này trường chưa thể đưa ra một nguyên nhân chính thức, dù trong tường trình cô giáo đã nói có nguyên nhân liên quan đến học sinh và thầy cô ở trường. Nhưng trường sẽ phải tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra.
Sau sự việc, ông Bình xuống tận lớp 11A1 để ổn định học sinh. Với em Song Toàn ông Bình khẳng định "em được quyền phát biểu, còn nội dung em nói đúng hay sai thì hãy chờ kết luận. Nhà trường phải làm từng bước để sáng tỏ mọi việc".
Mong mọi người nhân văn hơn với cô Châu
Sau sự việc, cô Châu đang trở thành trung tâm của dư luận. Chuyện cô từng bị kỷ luật ở trường cũ cũng được xới xáo lại. Dù khẳng định không quan tâm tới quá khứ của cô Châu nhưng ông Bình không hài lòng khi có nhiều thông tin "móc" lại chuyện cũ.
"Cô Châu là một giáo viên tốt nhưng rất cá tính. Ở trường cô khắt khe với học sinh nhưng có chuyên môn giỏi. Cô Châu cũng không có nhiều mỗi quan hệ với đồng nghiệp. Trong sự việc này bây giờ có nói gì thì cô Châu cũng đã sai"- ông Bình cho hay.
"Cô Châu đã nhận sai nhưng nếu được hãy để ngành giáo dục xử lý. Mong mọi người đừng dùng những câu từ nặng nề áp đặt. Ai chưa từng kỷ bị luật thì chưa hiểu rõ nhưng kỷ luật chứ không phải buộc thôi việc. Tại sao trước đây cô Châu bị kỷ luật vẫn có người giang tay đón nhận mà mình lại chửi bới họ. Mong mọi người nhân văn hơn với Châu. Cô Châu đang rất sợ"- ông Bình nhắn gửi.Ông Bình mong muốn khi nhận xét đánh giá một sự việc nào cần khách quan hơn. Hiện nay cô Châu đã nhận sai nhưng hãy nhân văn hơn với cô ấy.
Ông Bình cũng mong cô Châu hãy nhận lỗi, tự kiểm điểm bản thân mình và bớt cá tính đi, để mỗi quan hệ cô trò được hài hòa hơn.
Trong khi đó, cô Đặng Thị Thanh Bình, Phó hiệu trưởng cho biết cô Châu không phải là người chơi rộng rãi nhưng có chuyên môn tốt.
Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết lúc xem video em Toàn phát biểu cô đã khóc.
"Tôi không nghĩ sự việc lại như vậy. Không phải chúng tôi sợ trách nhiệm vì trách nhiệm là đương nhiên nhưng mình thấy học sinh của mình bị thiệt thòi quá. Bài học mà chúng tôi rút ra sau sự việc này là tất cả các giáo viên hãy san sẻ với nhau. Giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn hãy gắn kết với nhau hơn nữa để không còn tái hiện việc này một lần nào".
Theo Lê Huyền (Vietnamnet)
Cô giáo bị phản ánh không nói gì: Nghiêm khắc, thiếu cởi mở "Cô C. dạy tốt nhưng nghiêm khắc với học sinh. Lớp học thường xuyên căng thẳng, không cởi mở, vui tươi", hiệu trưởng THPT Long Thới (Nhà Bè, TP.HCM) nói. Trong chương trình gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM với học sinh trên địa bàn thành phố diễn ra sáng 23/3, nữ sinh Phạm Song Toàn cho hay giáo...