Cung đường ‘tử thần’ và nỗi ám ảnh 365 ngày
Trên một đoạn đường ngắn chừng hơn 1km nhưng có tới chục vụ tai nạn/ngày và từ 27 đến 30 ngày/tháng đều có người trầy xước, gẫy xương, chấn thương sọ não hay nhập viện.
“Bẫy người” trên Quốc lộ 47
Quốc lộ 47 là con đường huyết mạch của tỉnh Thanh Hoá, nối trung tâm tỉnh lị với các huyện miền núi của tỉnh. Đây cũng là tuyến giao thông có vai trò quan trọng trong giao thương với nước bạn Lào qua các cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát) và Na Mèo (Quan Sơn).
QL 47 đoạn trước chợ Cầu Đống (thị trấn Nhồi, Đông Sơn) bị hư hỏng từ nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục.
Do đó, lưu lượng phương tiện qua lại đường này hằng ngày quá lớn làm cho chất lượng mặt đường xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói nhất là đoạn đường hơn 1km từ chợ Cầu Đống (thị trấn Nhồi) đến xóm Cộng xã Đông Tân (huyện Đông Sơn) với những ổ trâu, hố sâu tạo thành những “bẫy người” vô cùng nguy hiểm.
Từ 3 – 4 năm trở lại đây, cư dân địa phương cùng người đi đường phải sống chung với bụi mù mịt khi trời nắng và cảnh lầy lội bùn đất mỗi khi trời mưa.
Có mặt tại cung đường tử thần này, đằng sau những chuyến xe tải è máy “vật lộn” với con đường, khách bộ hành phải nhắm mắt, bịt mũi bởi lớp bụi mù mịt như sương mù luôn hiện hữu.
Những ổ gà, ổ trâu trên đường tạo thành “bẫy người” nhiều năm qua vẫn chưa được tu sửa.
Tại km 19 500 thuộc xóm Cộng xã Đông Tân, Quốc lộ 47 lầy lội như một vũng bùn. Cung đường trơn trượt khiến các xe máy liên tục bị ngã. Hai bên là khu dân cư phân bổ kín nên đoạn trũng này chính là nơi “chứa” nước và bùn đất.
Sau mỗi cơn mưa, đoạn đường lại ngập nước trong nhiều ngày. Nhiều ổ gà, ổ trâu sâu hoắm không bị lộ ra trong bãi sình lầy tạo thành “bẫy người” nên liên tục có tai nạn.
Điều đáng nói, trước và sau “điểm đen” giao thông này, mặt đường lại khá phẳng nên các phương tiện đang chạy nhanh, đến đoạn đường xấu, chủ phương tiện phản xạ không kịp.
Chỉ hơn 1 giờ tác nghiệp tại đây, chúng tôi đã chứng kiến tới…7 vụ ngã xe máy. Trong số đó, có hai nạn nhân ở xã Đông Tân đi trên xe mô tô Wave BKS 36 M2 8040 bị trọng thương, một người chấn thương sọ não.
Thấy sự xuất hiện của phóng viên, hàng chục người dân đã vây kín để chia sẻ nỗi bức xúc. Họ khẳng định, không ngày nào mà không có tai nạn tại đây, nhiều ngày có tới hàng chục vụ ngã xe.
Video đang HOT
Hàng ngày có hàng chục vụ tai nạn do tự ngã vì mặt đường nhấp nhô.
Ông Nguyễn Ngọc Quế, người bán thuốc Tây ngay tại cung đường này cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải chạy ra đỡ người ngã. Tiếng ngã xe máy đã trở nên quen thuộc với dân cư nơi đây. Có lúc vừa đỡ xong một vụ, lại nghe cái “rầm” ngay bên cạnh…”.
Ngoài những vụ ngã nhẹ, người điều khiển được sơ cứu và lên xe đi tiếp, có đêm, người dân ở đây chứng kiến tới 5 vụ tai nạn, trong đó 3 vụ nặng: vỡ xương bánh chè, chấn thương sọ não và gẫy tay. “Nhiều hôm, taxi đi qua, dân làng phải ra chặn lại, vận động hành khách xuống xe để xe kịp thời chở người đi cấp cứu” – chị Nguyễn Thị Thảo, người bán hàng gần đó cho biết.
Cách đây hơn một tháng, tại điểm đen này, anh Nguyễn Văn Toàn chở anh vợ Nguyễn Văn Tuấn và cháu nhỏ Nguyễn Văn Tài (cùng ở xã Phú Nghiêm huyện Quan Hoá) trên xe máy 36B1 44.933 đã bị ngã bởi đường xấu. Anh Tuấn chết tại chỗ, anh Toàn và cháu Tài phải đi mổ não tại Hà Nội, hiện chưa bình phục.
Tai nạn vì con đường là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Quyền, phó trưởng Công an huyện và ông Lê Đình Sinh, Đội trưởng Đội giao thông Công an huyện Đông Sơn đều khẳng định: Đây là đoạn đường “tử thần” thường xuyên có tai nạn xảy ra.
Chúng tôi rùng mình khi được ông Sinh dở sổ, đọc liên hồi về ngày giờ, vị trí vụ tai nạn, tên tuổi nạn nhân… Qua thống kê của cơ quan chức năng này, từ tháng 1 năm 2011 đến nay, cung đường trên đã xảy ra 16 vụ tai nạn nghiêm trọng, hơn 20 người chết và trọng thương.
“Đây chỉ là những vụ nghiêm trọng và chết người. Những vụ nhẹ hơn, do tự ngã nên người dân bên đường tự gọi xe đưa nạn nhân đi viện, không báo công an nên chúng tôi không nắm hết được” – ông Sinh cho biết.
Hờn trách…con đường
Liên tục xảy ra các vụ ngã xe mô tô trên cung đường ngắn này, song đa phần là tự ngã do ổ gà, trơn trượt. Nhiều nạn nhân hoặc người nhà cũng chẳng biết bắt đền ai, kêu ai. Tất cả chỉ tại…con đường.
Kể chuyện với phóng viên, nỗi bức xúc của người dân hai bên đường đã lên đến đỉnh điểm.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm vì mặt đường đã xảy ra khiến nhiều người phải đau xót.
Không đành lòng khi liên tục phải chứng kiến cảnh máu chảy, gẫy xương hay người chết trước nhà, các hộ dân đã họp, triển khai mỗi gia đình mắc một bóng điện trước nhà.
Không dừng tại đó, hồi trước Tết Nguyên đán vừa qua, các hộ dân đã tự đóng góp được 31 triệu đồng, thuê xe tải chở đất đổ vào các ổ voi để hạn chế tai nạn. Số tiền ít ỏi không thể tu sửa con đường, song cũng đã hạn chế tai nạn được một thời gian ngắn.
Nhưng mật độ xe tải siêu trường, siêu trọng qua đây khá dày khiến những ổ voi đâu lại vào đấy.
Nói về nguyên nhân, ông Lê Đình Sinh cho hay: “Đường hỏng từ 3 – 4 năm nay, tạo thành các bậc thang giữa đường. Đoạn này trũng, không rãnh thoát nước nên chứa bùn đất, gây trơn trượt. Mỗi khi trời mưa là nơi đây ngập nước, các ổ gà, ổ voi giữa đường tạo thành bẫy gây tai nạn”.
“Việc đầu tư sửa cung đường là ngoài tầm của huyện vì đây là quốc lộ, ngoài Trung ương quản lý. Để hạn chế tai nạn, chúng tôi thường xuyên tuần tra và cắm biển phụ về hạn chế tốc độ nhưng các vụ tai nạn vẫn không giảm” – ông Sinh cho biết thêm.
Người dân đã phải tự đứng ra quyên góp để sửa chữa mặt đường, nhưng xong…đâu lại vào đấy.
Cùng nỗi bức xúc với người dân, chủ tịch xã Đông Tân, ông Đinh Ngọc Bình lắc đầu ngán ngẩm: “Chỉ riêng những vụ công an xã Đông Tân biết và thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, đoạn Quốc lộ 47 qua xóm Cộng đã có 60 vụ tai nạn. Những vụ người dân tự đứng lên đi được hay đi viện không báo cáo, chắc chắn còn nhiều hơn thế”.
“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên huyện qua các hội nghị hay tiếp xúc cử tri…mong huyện phản ánh lên các cấp, ngành liên quan, song vẫn chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc. Hàng chục hộ dân của chúng tôi làm các nghề dịch vụ, buôn bán hai bên đường này cũng chẳng làm ăn được gì nữa”.
Thay mặt cho hàng nghìn hộ dân xã nhà, ông Bình khẩn thiết kiến nghị ngành giao thông có giải pháp khắc phục sớm để nhân dân tái lập cuộc sống bình thường.
Theo VTC
Cung đường tử thần ở TP HCM
Tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A (qua huyện Bình Chánh, TP HCM) đang tăng cao, do đường nhỏ hẹp lại thêm các loại xe "né" trạm thu phí cao tốc Trung Lương ùn ùn đổ về.
TP HCM đang thực hiện năm an toàn giao thông 2012 với mục tiêu kéo giảm 10% tai nạn và ùn tắc, song tình hình tai nạn giao thông trong tháng 5 trên địa bàn lại tăng cao trên cả 3 mặt ở số vụ, số người chết và bị thương. Một trong những "điểm đen" là quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Bình Chánh (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An).
Hiện trường vụ tai nạn giữa xe tải cầu và 5 xe máy khiến 3 người chết trên quốc lộ 1A đọan qua huyện Bình Chánh ngày 13/4. Ảnh: An Nhơn.
Vụ tai nạn mới nhất trên đoạn đường nguy hiểm này xảy ra ngày 12/5. Anh Hà Minh Mẫn (44 tuổi) chở vợ và con gái 8 tuổi từ TP HCM về Long An, khi đến trước cây xăng Thạnh Lộc, xe của anh va quẹt với một xe máy chạy cùng chiều khiến hai vợ chồng và con gái văng ra. Cùng lúc, xe bồn chở gas chạy từ phía sau tới do không phanh kịp đã cán lên người vợ con anh làm họ chết tại chỗ.
Trước đó 2 ngày, khoảng 16h, xe khách 29 chỗ chạy từ huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) về bến xe miền Tây (TP HCM) đến nút giao thông quốc lộ 1A - Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh, TP HCM), xe khách chạy đường dưới cầu vượt bắt qua giao lộ. Vừa qua ngã tư nó đã bị ôtô tải 15 tấn chạy từ đường Nguyễn Văn Linh ra quốc lộ 1A đâm thẳng vào hông. Vụ tai nạn khiến một người đàn ông tử vong và 10 người khác phải nhập viện.
Chiều 13/4, xe tải cẩu chạy trên quốc lộ 1A hướng từ TP HCM về Long An, vừa đổ dốc cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh) thì bất ngờ lao vào đám đông xe máy phía trước làm 4 xe máy bị cán nán dưới gầm xe tải, một chiếc bị đẩy văng xa 20 m. Vụ tai nạn làm một người chết tại chỗ, 2 người tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện.
Đoạn quốc lộ 1A, qua địa bàn huyện Bình Chánh lòng đường nhỏ hẹp nhưng mật độ phương tiện lại rất cao, lại thêm nhiều xe tải và container "đổ" về đây để "né" trạm thu phí trên cao tốc Trung Lương. Ảnh: H.C.
Ghi nhận của VnExpress.net, mặt đường quốc lộ 1A (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) mỗi chiều lưu thông rộng khoảng 9 m với 2 làn xe ôtô và một làn xe máy. Tuy mặt đường nhỏ hẹp, nhưng mật độ xe cộ lưu thông qua đây rất đông. Do không có giải phân cách giữa ôtô và xe máy nên tình trạng lấn tuyến rất phổ biến, xe máy chạy vào làn trong cùng của ôtô hoặc ngược lại.
Thêm vào đó, kể từ ngày cao tốc TP HCM - Trung Lương bắt đầu thu phí (25/2), các loại xe tải và container được cho là đã chuyển sang đi quốc lộ 1A để "né" việc đóng phí. Điều này càng khiến cho lượng xe qua quốc lộ 1A càng đông hơn, nguy cơ tai nạn càng cao hơn.
Theo Đội Cảnh sát giao thông An Lạc, mỗi ngày có tới gần chục ngàn lượt xe "né" đường cao tốc đi sang quốc lộ 1A, trong khi đoạn đường này vốn đã quá nhỏ hẹp nên tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Vì xe máy và ôtô chen nhau trên cùng làn đường nên chỉ cần một người bị ngã là có thể dẫn tới tai nạn chết người.
Bà Trần Thị Bé, nhà ở trên quốc lộ 1A (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) cho biết, không chỉ lượng ôtô đông mà còn phóng ào ào nên tai nạn thường xuyên xảy ra trên đoạn đường này. Dù có bảng quy định tốc độ tối đa của các loại phương tiện là 40 km/h, song hầu hết đều không tuân thủ.
Do đường nhỏ hẹp, các phương tiện thường xuyên lấn sang phần đường xe khác nên nguy cơ tai nạn xảy ra rất cao. Ảnh: H.C.
Còn anh Nguyễn Hữu Vinh, nhà ở quận 12 cho hay, đoạn quốc lộ 1A từ đoạn giáp ranh Long An đến vòng xoay An Lạc là đoạn đường rất nguy hiểm. "Mỗi lần đi miền Tây tôi ngán nhất là qua đoạn đường này. Xe tải, container chạy ầm ầm chen lấn cả vào làn xe máy. Chỉ cần va quẹt, ngã xuống là coi như xong", anh này ngán ngẩm.
Thống kê của Sở GTVT cho thấy đoạn quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh dài khoảng 8 km, chỉ chiếm 17% chiều dài nhưng lại chiếm tới hơn nửa số vụ tai nạn giao thông của toàn tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn TP HCM. Trong 4 tháng đầu năm nay, trên tuyến quốc lộ 1A (đoạn đi qua huyện Bình Chánh) đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông làm chết 11 người và bị thương 2 người. So với cùng kỳ giảm một vụ tai nạn (giảm 10%) nhưng lại tăng một người chết (tăng 10%).
"Do bề rộng đoạn đường này rất nhỏ nên không đủ để lắp đặt dải phân cách. Vì vậy Sở đã kẻ lại bề rộng làn ôtô và tăng bề rộng làn xe hai bánh thêm 0,75 m, đồng thời cắm biển báo hạn chế tốc độ tối đa từ 50 km/h xuống 40km/h. Nhưng do mật độ các phương tiện trên tuyến quốc lộ 1A quá đông nên kết quả của các biện pháp đạt được không đáng kể", đại diện Sở GTVT cho biết.
Trước tình hình số vụ tai nạn ngày càng tăng tại "điểm đen" giao thông quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh), TP HCM đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét giảm phí nhằm giảm áp lực các loại xe trên tuyến đường quốc lộ 1A để giảm tai nạn, đồng thời bảo đảm việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tuyến cao tốc này.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng vừa chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu hạn chế xe tải, container lưu thông trên quốc lộ 1A đoạn từ vòng xoay An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An. Theo đó, Sở GTVT dự kiến sẽ cấm xe tải nặng, xe container lưu thông trên đoạn đường này trong thời gian từ 6h đến 24h mỗi ngày.
Đồng thời, Sở GTVT cũng đang nghiên cứu dự án mở rộng quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Chánh thêm 5 m mỗi bên để không chỉ mở rộng làn đường cho xe máy mà còn đáp ứng nhu cầu lưu thông của các loại ôtô ra vào các cơ sở sản xuất kinh doanh dọc hai bên đường.
Theo VNExpress
Đằng sau những vụ trọng án xảy ra ngay trong "tổ ấm": Nỗi ám ảnh trong mắt con thơ Chứng kiến cảnh mẹ bị bố bạo hành, đối với trẻ đó sẽ là những vết thương lòng rất khó lành. Và khi tận mắt nhìn thấy bố sát hại mẹ càng khiến trẻ bị chấn động tâm lý, thậm chí còn mất nhiều thời gian điều trị để trở lại cuộc sống bình thường... Nỗi đau khắc vào tim con trẻ Trước...