Cung đường phượt ven biển lý tưởng dịp 30/4
Với dịp nghỉ lễ dài ngày tới đây, bạn có thể lên lịch để làm một chuyến rong ruổi men theo đường biển từ Sài Gòn tới Lăng Cô, Huế bằng xe máy.
Trước khi đi, bạn nên kiểm tra xe, đổ đầy xăng, tìm hiểu các chặng, đánh dấu đoạn nghỉ để giữ sức. Ngoài ra, bạn cũng cần thường xuyên tra Google maps hoặc hỏi người dân để chắc chắn đang đi đúng hướng.
Ngày 1: Sài Gòn – Bà Rịa – Kê Gà – Hòn Rơm
Tổng chiều dài: 290 km, mất khoảng 10-12 giờ chạy xe.
Hướng dẫn đi: Từ Sài Gòn, bạn chạy đường phà Cát Lái, rồi đi quốc lộ 51 về tới cổng chào Bà Rịa, hỏi người dân đường về Long Hải. Sau đó cứ đi ven đường biển tới Hồ Tràm, tiếp tới Hồ Cốc, chạy thẳng sẽ gặp quốc lộ 53.
Đi thẳng về thị xã Lagi, hỏi tiếp đường ra Kê Gà. Nơi đây có một đoạn đường nối thẳng xuống TP Phan Thiết. Để tới Hòn Rơm, TP Phan Thiết, bạn rẽ phải về hướng trung tâm, vừa đi vừa hỏi đường người dân..
Ăn uống: Bữa sáng thưởng thức bánh canh giò heo ở cổng chào Bà Rịa, giá 30.000 – 50.000 đồng. Buổi trưa, bạn có thể ghé các quán ở Kê Gà để ăn hải sản, giá khoảng 200.000 đồng cho 3 người ăn.
Nghỉ ngơi: Về Hòn Rơm, bạn chạy xe vào resort Hòn Rơm 2. Nơi đây cho thuê lều và bạn có thể dựng ngay gần biển. Một lều ngủ được 2-3 người, giá 150.000 đồng.
Đoạn đường ven biển Hồ Tràm thanh bình và vắng vẻ.
Ngày 2: Hòn Rơm – Cà Ná – Mũi Dinh – Vĩnh Hy – Bình Tiên – Cam Ranh – Nha Trang
Tổng chiều dài: 290 km, thời gian chạy xe khoảng 10 -12 tiếng.
Hướng dẫn đi: Từ Hòn Rơm, bạn chạy thẳng về phía Bàu Trắng. Tới đây, bạn có hai lựa chọn, một là ven đường Bàu Trắng để đi Phan Rí Thành, hoặc chạy thẳng ra ngã 3 Lương Sơn rồi mới rẽ phải về Phan Rí Thành.
Nếu có thời gian, bạn ghé vào bãi biển đá 7 màu tham quan, chụp hình, rồi chạy về biển Cà Ná hỏi đường rẽ vào Mũi Dinh. Từ đây đi tiếp đường dọc biển về TP Phan Rang.
Trên đường từ Phan Rang đi Vĩnh Hy, bạn có thể ghé thăm khu du lịch Núi Chúa để thăm Hang Rái. Chạy xe tiếp đến khi gặp bảng hiệu rẽ trái đi Bình Tiên. Đi khoảng 5 km nữa, bạn sẽ thu vào tầm mắt toàn bộ vịnh Vĩnh Hy hình chữ C ôm trọn những con thuyền đánh cá.
Sau khi thưởng thức cung đường biển đẹp nhất nhì Việt Nam, bạn sẽ gặp quốc lộ 1A, lúc này rẽ phải để chạy về TP Cam Ranh. Từ đây, đi đường bãi dài là về tới thành phố biển Nha Trang.
Hang Rái – một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Ninh Thuận.
Ăn uống: Cơm gà TP Phan Rang giá khá cao, 30.000 – 40.000 đồng một suất. Dọc đường ở Phan Rang, bạn có thể ăn bánh hỏi giá 15.000 đồng một đĩa. TP Nha Trang có món bún chả cá, bún sứa trên đường Ngô Gia Tự rất nổi tiếng.
Nghỉ ngơi: Đường Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang có nhiều nhà nghỉ dành cho dân du lịch bụi, giá 75.000 đồng với phòng ngủ chung, 135.000 – 200.000 đồng cho phòng riêng.
Video đang HOT
Ngày 3: Nha Trang – Đầm Môn – Đèo Cả- Vũng Rô – Đại Lãnh – Tuy Hòa – Quy Nhơn
Tổng chiều dài: 290 km, mất khoảng10-12 tiếng chạy xe.
Hướng dẫn đi: Từ đường Trần Phú – Nha Trang, bạn không nên chạy vào quốc lộ 1A mà rẽ vào đường Phạm Văn Đồng, rồi chạy tiếp vào quốc lộ 1A. Đi khoảng 60 km nhìn bên tay phải là cổng chào, bạn chạy thẳng vào trong (lưu ý nên vừa đi vừa kiểm tra Google map), vừa đi vừa hỏi người dân đường vào Đầm Môn.
Càng chạy, bạn sẽ thấy con đường ven uốn lượn hiện ra. Chừng nào có cột mốc Đầm Môn 0 km, bạn rẽ trái vào con đường vạch vàng tuyệt đẹp khoảng 2 km. Sau khi ngắm biển, chụp hình, bạn phải vòng ngược lại đường cũ để đi đèo Cổ Mã và đèo Cả.
Lúc xuống đèo Cả, hãy chú ý bên tay phải có bảng hiệu chỉ vào Vũng Rô, bạn rẽ vào và hỏi người dân đường về hải đăng Đại Lãnh. Từ đây, bạn cứ chạy thẳng là tới TP Tuy Hòa, sau đó đi theo quốc lộ 1A để về TP Quy Nhơn. Tại đây, bạn có thể ghé eo gió và tắm biển.
Biển Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Ăn uống: Từ đèo Cả rẽ vào Vũng Rô, chạy sâu vào bên trong có quán cơm gần cảng, sát mép biển, giá 40.000 đồng một suất. Về TP Quy Nhơn, bạn nên thử món cháo lòng bánh hỏi.
Nghỉ ngơi: Tại Quy Nhơn, trên đường Chương Dương, giá nhà nghỉ khoảng150.000 – 200.000 đồng một đêm.
Ngày 4: Quy Nhơn – Quãng Ngãi – Đà Nẵng
Tổng chiều dài: 350 km, khoảng 12-13 tiếng.
Hướng dẫn đi: Từ Quy Nhơn, bạn đi qua cầu Thị Nại, chạy tiếp về hướng chùa Ông Núi và dọc theo con đường ven biển. Lưu ý, chặng này, bạn nên vừa đi vừa tra Google maps và hỏi người dân đường biển ra Tam Quan.
Cứ chạy thẳng, bạn sẽ gặp quốc lộ 1A để đi vào TP Quảng Ngãi. Nghỉ chân ở Quảng Ngãi rồi chạy tiếp theo quốc lộ về Hội An, ven đường biển Phạm Văn Đồng là tới TP Đà Nẵng.
Hàng dừa xanh ở biển Mỹ Khê, Đà Nẵng.
Ăn uống: Bánh xèo Quảng Ngãi, mì Quảng ở Hội An, Đà Nẵng.
Nghỉ ngơi: Những khách sạn trên đường Trần Phú, gần trung tâm thành phố có giá tầm 200.000 – 250.000 đồng một đêm.
Ngày 5: Đà Nẵng – Hải Vân – Lăng Cô
Tổng chiều dài: 100 km, mất khoảng 3-5 tiếng.
Hướng dẫn đi: Từ Đà Nẵng, bạn đi dọc đường biển Nguyễn Tất Thành, theo hướng bắc lên đèo Hải Vân. Xuống đèo, hỏi người dẫn bến tập kết xe máy để qua hầm, đến Lăng Cô. Nếu muốn, bạn có thể chạy tiếp về TP Huế hoặc vòng ngược lại TP Đà Nẵng.
Ăn uống: Xuống đèo Hải Vân, bạn không nên chạy thẳng, hãy rẽ trái vào đường ven đầm. Nơi đó có nhiều nhà hàng được làm nổi trên đầm, bán đồ hải sản tươi ngon.
Theo VNE
5 cung đường dân phượt nên thử một lần trong đời ở Việt Nam
Giới trẻ ngày càng đam mê với phượt hơn, bởi càng đi càng mê say, càng thấy đất nước có quá nhiều cái đẹp, tiếp xúc nhiều người tốt và hiểu rằng có rất nhiều thứ cần phải học hỏi.
1. Tây Bắc Bộ
Có thể nói, cung đường Tây Bắc là cung đường núi đẹp nhất Việt Nam, đi qua các địa phận tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang. Nếu đi vào khoảng tháng 9 mùa lúa chín, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục khi các thửa ruộng bậc thang chạy dài khắp Tây Bắc nhuộm màu vàng óng đẹp rực rỡ. Hành trình những ngày cuối tháng 11 là để ngắm hoa tam giác mạch. Hoa trải rộng trên khắp các thửa ruộng, khiến đất trời vùng cao như được nhuộm một màu hồng thơ mộng.
Mù Căng Chải mùa lúa chín. Ảnh: Placehunt.
Trải nghiệm trên cung đường này, bạn còn được tiếp xúc với những người dân tộc miền núi dễ thương và có phần e dè với khách du lịch. Tuy nhiên, khi đã tiếp xúc, họ sẽ rất cởi mở và giúp đỡ bạn nhiệt tình trên suốt chặng đi.
Cung đường: Hà Nội - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải - Sapa - Lào Cai - Hoàng Su Phì - Yên Minh - Lũng Cú - Đồng Văn - Mèo Vạc - Hà Giang.
Độ dài: 1087,5 km.
Thời gian thích hợp: tháng 10 đến tháng 2.
2. Nam Trung Bộ
Nếu miền Bắc sở hữu cung đường núi, miền Trung lại có cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Phượt trên đường này, đường lại không quá khó đi mà vẫn có thể thu vào tầm mắt những khung cảnh đẹp đến ngỡ ngàng.
Không hùng vĩ trùng điệp như Tây Bắc, cung đường Nam Trung Bộ thu hút bởi một bên là núi sừng sững, một bên là biển mênh mông. Những địa danh nổi tiếng như vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong hay Vũng Rô sẽ làm bạn ngất ngây. Ở đây, bạn còn có thể khám phá, trải nghiệm cuộc sống của những người dân chài, cách họ sinh tồn từ đời này qua đời khác rất đáng để bạn học hỏi và giữ làm hành trang trong cuộc sống sau này.
Vịnh Cam Ranh. Ảnh: Namdutravel.
Cung đường: Sài Gòn - Phan Thiết - Phan Rang - Nha Trang - Tuy Hòa - Quy Nhơn - Quãng Ngải - Đà Nẵng.
Độ dài: 1068 km.
Thời gian thích hợp: tháng 2 đến tháng 5.
3. Tây Nam Bộ
Cung đường miền Tây Nam Bộ sẽ làm bạn choáng ngợp bởi hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, cứ chạy một chốc lại qua một cây cầu, một con đò hay phà. Về cảnh quan, miền Tây không bằng cung ven biển và cung Tây Bắc, nhưng bù lại bạn sẽ được đắm chìm trong những vườn cây ăn quả bạt ngàn, ngất ngây với cái tình quá đỗi thân thuộc của người dân như thể bạn chính là một phần cuộc sống của họ vậy.
Không chỉ có thế, bạn có thể thử lòng can đảm của mình khi đi cầu khỉ, hái dừa, tắm sông hay tát mương bắt cá. Đồng bằng sông Cửu Long còn thu hút du khách với những khu chợ nổi độc nhất trên thế giới như Cái Răng - Cần Thơ, thập cảnh vịnh Hà Tiên hay cực Nam Việt Nam ở Cà Mau...
Cung đường: Sài Gòn - Tiền Giang - Cao Lãnh - Hà Tiên - Cà Mau - Sóc Trăng - Cần Thơ - Sài Gòn.
Độ dài: 1052 km.
Thời gian thích hợp: tháng 7 đến tháng 10.
4. Tây Nguyên
Với những dân phượt chuyên nghiệp, cung đường Tây Nguyên không còn lạ lẫm. Phượt trên đường này vào mùa đông là đẹp nhất, vì lúc này thời tiết rất dễ chịu. Lên Tây Nguyên, không gì bằng khi được ngắm những con thác cuồn cuộn đổ xuống trắng xóa, chạy qua những ngọn đồi heo hút tiếng thông reo. Cảm giác cứ như lạc vào một thế giới xa lạ nào đó mà ta chưa bao giờ biết tới.
Ở đây, bạn sẽ còn được tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng của người dân phố núi dịu dàng mà mãnh liệt, thưởng thức những bình rượu cần hay những giọt cà phê nguyên chất trên những chặng đường đi. Tây Nguyên làm cho người ta dễ say lòng và muốn quay trở lại lần nữa.
Cung đường: Sài Gòn - Bảo Lộc - Đà Lạt - Buôn Mê - Pleiku - Kon Tum.
Độ dài: 1015 km.
Thời gian thích hợp: tháng 12 đến tháng 4.
5. Bắc Trung Bộ
Đi qua con đường di sản văn hóa Hội An - Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình, cung Bắc Trung Bộ không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa mà còn là con đường có giá trị lịch sử lâu đời. Khám phá con đường Hồ Chí Minh dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, băng qua những địa danh nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc, động Phong Nha, đèo Hải Vân, phá Tam Giang..., bạn sẽ hiểu rõ thêm về những thăng trầm của Việt Nam trong bề dày lịch sử chiến tranh cứu nước và giữ nước.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những mảnh đời khó khăn nhưng hồn hậu và nhân ái. Thiên nhiên không ưu ái cho họ nhiều thuận lợi nhưng với đức tính chịu thương chịu khó của người miền Trung đã giúp họ vươn lên từng ngày.
Ảnh: Loctran0005.
Cung đường: Hà Nội - Ninh Bình - Vinh - Hà Tĩnh - Đồng Hới - Huế - Hội An - Đà Nẵng.
Độ dài: 1082 km.
Thời gian thích hợp: Tháng 3 đến tháng 8.
Theo Zing
Cẩm nang cho chuyến du lịch vùng đất nắng Ninh Thuận Với kiến trúc đền tháp Champa độc đáo, lễ hội truyền thống đa dạng đặc sắc, thêm những bãi biển hoang sơ và vườn nho chín mọng, hứa hẹn sẽ đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị về vùng đất nắng Ninh Thuận. Đừng quên Ninh Thuận trong bản đồ hành trình du lịch của bạn nơi có biển, núi,...