Cung đường phượt Huế – Đà Nẵng – Hội An với 2 triệu đồng
Chia sẻ hành trình 3 ngày 4 đêm trên trang cá nhân, Hoàng Tuấn Anh một lần nữa mang lại cho người mê du lịch bụi nguồn cảm hứng về những chuyến đi.
Trước đó, Tuấn Anh hay còn gọi là Khìn đã khiến cộng đồng mạng xôn xao khi chia sẻ chuyến đi Quảng Bình chỉ tốn 2,6 triệu với nhiều trải nghiệm. Mới đây, anh chàng lại tư vấn chi tiết cho chuyến đi Huế – Đà Nẵng – Hội An 3 ngày 4 đêm với chi phí 2 triệu đồng. Những chia sẻ này một lần nữa nhận được nhiều bình luận tích cực từ các bạn trẻ.
“Tuy không phải là lần đầu tiên mình đến Huế, nhưng cảm giác xê dịch đến một vùng đất khác nơi mình đang ở rất thú vị, khung cảnh thơ mộng và hiền hòa như nhiều người vẫn nói về Huế luôn làm mình thích thú”, Tuấn Anh chia sẻ. Trong hình là một góc đường ở trung tâm thành phố, bình yên với những hàng cây nở hoa.
Đồi vọng cảnh là một trong những địa điểm mà chàng trai này gợi ý khi đến thành phố Huế. Với cảnh sắc thiên nhiên thanh bình, có hướng nhìn ra dòng sông Hương nổi tiếng, đây chắc chắn là điểm đến thú vị dành cho người ưa thích khám phá và chụp ảnh.
Kết thúc ngày đầu tiên ở Huế, cả nhóm phi xe máy vượt đèo Hải Vân để ghé thăm Đà Nẵng. Quảng đường dài khoảng 100 km, nhưng theo chia sẻ của Tuấn Anh thì bạn có thể vừa đi vừa nghỉ chân ven đường để thưởng ngoạn và chụp ảnh lưu niệm.
Phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể thu được cảnh sắc hùng vĩ của thiên nhiên. Một bên là đồi núi một bên là biển cùng đoạn đường chông chênh sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm tuy mạo hiểm nhưng rất đáng nhớ.
Đà Nẵng hiện ra trong những bức hình của Tuấn Anh là một thành phố đang phát triển, văn minh và hiện đại. Tại đây, nhóm bạn đã chọn một khách sạn gần cầu Rồng, ngay ngã 3 Trần Quốc Toản và Bạch Đằng là điểm dừng chân. Theo lời chia sẻ, chỗ ở này khá đông vui nhộn nhịp nhiều hàng ăn, quán xá xung quanh. Phòng riêng thì 400.000 đồng/đêm, nhóm của Tuấn Anh ở 3 người nên tính thêm là 488.000 đồng/đêm.
Vì có kinh nghiệm trong lần đi trước, chia sẻ của chuyến đi này cũng bổ sung nhiều chi tiết và đầy đủ về các địa điểm ăn uống, ngủ nghỉ, tham quan. Trong hình là cây đa trăm tuổi nằm ở bán đảo Sơn Trà.
Tối đến Đà Nẵng cũng không kém phần sôi động. Bạn có thể đi ăn uống, đi bar, tham quan những cây cầu,… để hòa mình vào cuộc sống về đêm ở đây.
Theo Tuấn Anh, cả nhóm đi xe khách từ Hà Nội đến Huế với giá 500.000 đồng cho cả lượt đi và về. Chuyến xe dài khoảng 13 tiếng, nên trong hành trình này cả nhóm đã mất hai đêm nằm trên xe. Theo gợi ý thì bạn nên đi vào 18h30 đến 8h sáng hôm sau để tiết kiệm thời gian hơn. Ngoài ra, Tuấn Anh cũng không quên gọi trước và hẹn giờ cho chủ thuê xe máy ở Huế để khi đến nơi là có xe di chuyển. Giá thuê xe máy là 120.000 đồng/ ngày.
Video đang HOT
Sau khi đã khám phá Đà Nẵng ở ngày thứ hai, cả nhóm tiếp tục hành trình của mình đến địa điểm cuối cùng là Hội An. Nằm cách Đà Nẵng 30 km, nơi đây nổi tiếng là một trong những khu phố cổ đặc sắc, còn giữ lại nhiều nét đẹp truyền thống, trầm mặc, cổ kính bậc nhất ở Việt Nam. Hội An thu hút khách du lịch trong và ngoài nước vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Một hoạt động mà Tuấn Anh và nhóm bạn của mình không bỏ qua ở bất cứ nơi nào khi đến là thưởng thức ẩm thực địa phương. “Mình rất ấn tượng với bánh mình Phượng ở Hội An, tuy lúc đến là trời đang mưa nhưng bọn mình vẫn mặc áo mưa và cùng nhau thưởng thức. Đây sẽ là kỷ niệm mình không thể nào quên được trong chuyến đi vừa rồi”, Tuấn Anh kể lại.
Tuấn Anh lưu ý rằng chuyến đi của mình chỉ dành cho các bạn thật sự thích phượt, có sức khỏe tốt và đặc biệt là không ngại khổ cực để tiết kiệm chi phí. Đối với phượt thủ, đích đến đôi khi không phải là một vùng đất nào đó mà là ở cách nhìn cùng những trải nghiệm mới mẻ khiến đam mê của chúng ta không bao giờ mất đi.
Theo VNExpress
Đến Huế tham quan lăng tẩm - Kỳ 1: Những ngôi mộ tiền tỉ
Quan niệm "sống ở thác về" từ xưa đã tồn tại trong lòng người Huế và đến tận ngày nay, điều này được thể hiện qua những ngôi mộ tiền tỉ khang trang ở các làng cổ hay những "cung điện lăng" của các vị vua triều Nguyễn.
Một đền thờ họ giáp đầy gạch men và cẩm thạch ở làng chài Thái Dương Hạ
Có người cho rằng những lăng mộ được xây dựng như cung điện của các vua triều Nguyễn thật xa hoa lãng phí. Nhưng nếu có dịp dạo quanh các ngôi làng cổ ở Huế, bạn sẽ hiểu là ngay cả đối với người dân bình thường, lăng mộ của người đã khuất có khi còn được xem trọng hơn là nhà của người sống. Một lăng mộ khang trang, lộng lẫy không chỉ thể hiện sự tôn kính, hiếu thuận đối với người thân đã khuất mà còn là niềm tự hào của người sống. Theo cảm nhận của riêng người viết là vậy.
Xây "nhà" khang trang để "trở về"
Có lần lạc vào những ngôi mộ và đền thờ giáp đầy gạch men, cẩm thạch ở làng chài Thái Dương Hạ (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), tôi đã không khỏi ngạc nhiên và có phần... thích thú. Hỏi ra mới biết, người trong làng quan niệm rằng con người sống trên đời chỉ là sống tạm, khi trở về thế giới bên kia mới thật sự là trở về nhà. Chính vì lẽ đó, ai cũng xây cho người thân của mình một "ngôi nhà" khang trang để "trở về".
Những ngôi mộ bề thế trong một nghĩa trang rộng lớn ở phá Tam Giang
Một ngôi làng khác ở Huế cũng nổi tiếng với nhiều ngôi mộ tiền tỉ là làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Người dân ở "thành phố lăng" này cho rằng "sống cái nhà, thác cái mồ", cho nên dù người sống có đói kém thế nào cũng ráng xây cho người thân đã khuất của mình một ngôi mộ hoành tráng. Người trong làng cho biết, những ngôi mộ đồ sộ nhất có chi phí lên đến trên dưới 1 tỉ đồng.
Một ngôi mộ tiền tỉ ở "thành phố lăng" An Bằng. Ảnh: Mùa thu nhỏ
Ngoài ra, nếu có dịp ghé thăm chùa cổ ở Huế, bạn sẽ thấy các ngôi chùa này thường có khu vực mộ phần của những vị trụ trì, cao tăng đã khuất. Tuy không lộng lẫy như ở làng An Bằng nhưng cũng là những ngôi mộ được xây dựng chỉn chu và được chăm sóc kỹ lưỡng.
Khu vực lăng mộ của các vị cao tăng và thái giám triều đình xưa ở chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) được quét dọn mỗi ngày
Những lăng vua nổi tiếng
Có một điều hay (hoặc dã đã được người xưa sắp đặt) là những lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn còn tổn tại đến ngày nay đều nằm ở phía Tây Nam của kinh thành Huế. Điều này có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể vạch ra một cung đường chung để tham quan hầu hết các lăng mộ nổi tiếng.
Đầu tiên, từ trung tâm thành phố Huế, bạn đi theo đường Điện Biên Phủ, ra quốc lộ 49. Ở đầu quốc lộ 49 là đàn Nam Giao, bạn có thể tranh thủ ghé vào tham quan, đây là nơi mà ngày xưa triều đình làm lễ tế trời.
Đàn Nam Giao - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Rời khỏi Đàn Nam Giao, bạn tiếp tục đi trên quốc lộ 49 khoảng 5km để đến lăng Khải Định (Ứng Lăng). Trên cung đường này, bạn sẽ đi ngang đồi Thiên An, nơi có không khí mát mẻ trong lành với những cây thông cao vút, gợi nhớ về Đà Lạt ngàn thông.
Đoạn đường đi qua đồi Thiên An không khác gì những cung đường Đà Lạt
Từ lăng Khải Định, bạn vẫn tiếp tục đi trên quốc lộ 49, qua khỏi cầu vượt Khải Định, cầu Châu Ê và cầu Tuần (bắc ngang sông Hương), đi thêm khoảng 2km nữa (vẫn trên quốc lộ 49) thì hỏi đường vào lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng).
Rời khỏi lăng Minh Mạng, bạn quay lại cầu Tuần, đi theo con đường bên dưới cầu, dọc theo sông Hương khoảng 3 km để đến bến đò Kim Ngọc, qua sông đi thêm 2,5 km là đến lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng). Đây là lăng vua xa nhất, khó đi và khó tìm nhất, bạn cần hỏi đường dân địa phương để khỏi lạc.
Thiên Thọ Lăng không chỉ là nơi an nghỉ thờ tự vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, mà còn là nơi chôn cất của nhiều hoàng thân quốc thích khác nên được cho là lăng tẩm hoành tráng nhất của nhà Nguyễn.
Mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu được đặt cạnh nhau, đây là điều đặc biệt so với những lăng mộ khác. Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu là vợ đầu của vua Gia Long, cùng ông trải qua nhiều gian khổ từ thưở hàn vi đến lúc qua đời nên được đặc ân này. Ảnh: Cristian Sorega
Từ lăng Gia Long, bạn quay lại bến đò Kim Ngọc, trở về con đường dọc theo sông Hương. Vi vu bên bờ sông Hương là một trải nghiệm thú vị, bạn sẽ hiểu vì sao bao nhiêu thơ ca cũng không đủ để miêu tả hết vẻ đẹp của dòng sông này.
Nước sông Hương còn thương chưa cạn...
Từ bến Đò Kim Ngọc, đi khoảng 6km theo con đường bên bờ sông Hương, bạn sẽ thấy một ngã 3, rẽ phải, đi tiếp chừng 500m là tới lăng Thiệu Trị (Xương Lăng).
Sinh thời, vua Thiệu Trị không muốn dân binh hao công tốn của nên chưa xây dựng lăng. Đến khi ông mất đi, vua Tự Đức (con của ông) mới cho gấp rút xây dựng Xương Lăng. Chỉ trong vòng 10 tháng, Xương Lăng đã được hoàn thành với những nét kiến trúc khá giống với lăng Gia Long và lăng Minh Mạng, hòa hợp về phong thủy và gần gũi với thiên nhiên. Xương Lăng cũng là nơi an táng của hoàng hậu Từ Dũ, vợ của vua Thiệu Trị, người được xem là một trong những bậc mẫu nghi thiên hạ bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Hồng Trạch Môn của Xương Lăng
Tuy nhiên, Xương Lăng đang xuống cấp trầm trọng và đang được đóng cửa trùng tu, sửa chữa. Những hoang tàn rêu phong của Xương Lăng làm bất cứ ai ghé qua cũng thoáng chút ngậm ngùi cho vị vua cả đời vì dân vì nước và vị hoàng hậu nhân từ, đức hạnh.
Bi Đình hoang tàn
Cây dại "tự do" mọc ở Bửu Thành, nơi đặt lăng mộ của vua Thiệu Trị - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Tiêu điều và đổ nát - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Rời khỏi Xương Lăng, bạn đi tiếp trên con đường dọc sông Hương thêm chừng 700m, rẽ phải vào đường Đoàn Nhữ Hài, chạy chừng 1,5 km là tới lăng Tự Đức (Khiêm Lăng).
Khiêm Lăng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, chất chứa tâm hồn nhạy cảm của vua Tự Đức, một vị vua yêu thích thiên nhiên và nghệ thuật. Không có con nối vị, lại trị vì trong giai đoạn Pháp bắt đầu công cuộc xâm lược, vua Tự Đức luôn bi quan nghĩ rằng cái chết là điều tất yếu nên ông đã cho xây dựng lăng từ khi còn trẻ và xem đây là một "ngôi nhà lâu dài" dành cho mình, cả khi sống lẫn khi qua đời.
Bức tranh sơn thủy hữu tình của Khiêm Lăng - Ảnh: Chris Glass
Đặc biệt hơn, bia Thánh đức thần công trong Khiêm Lăng được xem là tấm bia công đức lớn nhất Việt Nam, nặng 20 tấn với bài "Khiêm Cung Ký" dài hơn 5.000 chữ do chính ông viết.
Vậy là chỉ với một cung đường, bạn đã có thể đi qua 5 lăng mộ nổi tiếng nhất của các vị vua triều Nguyễn còn tồn tại ở Huế. Tuy nhiên, các lăng vua đều khá quy mô và rộng lớn. Nếu không có nhiều thời gian mà lại muốn chiêm ngưỡng từng góc cạnh khác biệt đặc sắc của các lăng mộ, bạn có thể chọn đến Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định. Lăng Minh Mạng tiêu biểu cho kiến trúc lăng tẩm truyền thống của triều Nguyễn và Lăng Khải Định tiêu biểu cho kiến trúc mang dáng dấp Tây phương hiện đại.
Ở kỳ sau, chúng ta sẽ tham quan từng công trình chi tiết của 2 lăng vua nổi tiếng này.
(Còn tiếp)
Theo iHay
4 thành phố vẫn đẹp kể cả trong mưa Huế, Hội An, Buôn Mê Thuột hay Đà Lạt là những thành phố du lịch thích hợp ngay cả khi trời mưa. Thời điểm giao mùa là lúc mà khách du lịch gặp rủi ro nhiều nhất khi không đoán biết được thời tiết ở nơi mình đến sẽ thế nào. Trời mưa thường làm hỏng hết các kế hoạch vui chơi ngoài...