Củng cố đồng minh, Nhật tăng cường vị thế quân sự khu vực
Chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida không chỉ nhằm củng cố quan hệ với đồng minh lâu năm là Mỹ, mà Tokyo còn hướng đến tăng cường vị thế quân sự ở khu vực.
Hôm qua (14.1) theo giờ Mỹ, Thủ tướng Kishida vừa hoàn tất chuyến công du Pháp, Ý, Anh, Canada và Mỹ trong vai trò Nhật Bản đang là chủ tịch G7 nhằm củng cố quan hệ với các nước thuộc khối này, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Hiroshima.
Củng cố đồng minh trong “thời khắc lịch sử”
Tại điểm đến cuối cùng của chuyến công du lần này là Washington D.C, Thủ tướng Fumio Kishida đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo thông cáo do Nhà Trắng đăng tải, cuộc gặp thượng đỉnh này diễn ra vào “thời khắc lịch sử đối với liên minh Mỹ – Nhật, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) cũng như với thế giới”.
Thông cáo cũng khẳng định sự hợp tác giữa hai bên là “chưa từng có”, bắt nguồn từ tầm nhìn chung của hai bên về Indo-Pacific. Tầm nhìn được đặt ra trong bối cảnh “Indo-Pacific đối mặt với những thách thức ngày càng tăng, từ những hành động không phù hợp với trật tự quốc tế của Trung Quốc cho đến những hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên”, theo thông cáo chung.
Bên cạnh đó, Mỹ sẵn sàng dùng tất cả nguồn lực, bao gồm cả sức mạnh hạt nhân, để bảo vệ Nhật Bản dựa trên điều 5 của Hiệp ước An ninh và hợp tác chung giữa hai bên. Đặc biệt, thông cáo nêu rõ: “tái khẳng định rằng điều 5 áp dụng cho quần đảo Senkaku”. Quần đảo Senkaku cũng đang được tuyên bố chủ quyền bởi Trung Quốc với tên gọi là Điếu Ngư.
Tổng thống Biden tiếp Thủ tướng Kishida tại Nhà Trắng . REUTERS
Ngoài ra, thông cáo chung trên cũng tái khẳng định sự đồng thuận của hai nước về các vấn đề: bảo đảm hòa bình cho eo biển Đài Loan, tăng cường hợp tác của đối thoại “Bộ tứ” (gồm Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ) và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở Indo-Pacific, thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Indo-Pacific (IPEF), áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga liên quan chiến sự Ukraine…
Chia sẻ gánh nặng cùng Mỹ
Video đang HOT
Trả lời Thanh Niên ngày 14.1, các chuyên gia quốc tế đã phân tích những động thái của Nhật, đặc biệt sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida vừa diễn ra.
TS Satoru Nagao ( Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: “Theo các dữ liệu được công bố, ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn cao hơn 3 lần so với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại đang tăng nhanh chi tiêu quân sự. Cụ thể hơn, từ năm 2010 – 2022, Trung Quốc đã tăng ngân sách quân sự hơn 100%, còn Mỹ lại tăng không đáng kể và có một số thời điểm giảm bớt. Thêm vào đó, ngân sách quân sự của Mỹ tuy rất lớn, nhưng nước này phải tiêu tốn nguồn lực không chỉ tại Indo-Pacific. Cán cân quân sự ở khu vực này đã và đang thay đổi. Thêm vào đó, xung đột Ukraine khiến Mỹ phải chia sẻ nhiều khí tài quân sự hơn cho châu Âu. Điển hình, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, quân số Mỹ tại châu Âu đã giảm xuống còn 60.000 nhưng đến nay con số tăng lại lên thành 100.000″.
“Giữa bối cảnh như vậy, Washington đề nghị các đồng minh và đối tác chia sẻ thêm gánh nặng an ninh. Ở Indo-Pacific thì Nhật Bản, Úc, Ấn Độ là những quốc gia mà Mỹ có thể dựa vào. Đặc biệt, tiềm năng của Nhật Bản là rất quan trọng vì quy mô và vị trí của nước này”, TS Nagao nhận định.
Tăng cường vị thế
Phân tích thêm, vị chuyên gia chỉ ra: “Vừa qua, Nhật công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới và quyết định tăng ngân sách quốc phòng 65% trong 5 năm tới là một bước đi rất quan trọng. Chiến lược An ninh quốc gia mới đã đề cập rõ ràng rằng Nhật Bản sẽ sở hữu khả năng phản công giống như các quốc gia có cùng chí hướng khác như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc…”. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ thể hiện vai trò quân sự lớn hơn ở khu vực này và lấp đầy khoảng trống của Mỹ.
Tương tự, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản; Học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore) đánh giá: “Chuyến thăm của ông Kishida tới Washington tái khẳng định quan hệ đồng minh song phương mạnh mẽ Mỹ – Nhật.
Tokyo gần đây đã công bố các tài liệu Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược Phòng thủ quốc gia mới nhất, trong đó thể hiện việc Nhật Bản loại bỏ sự kiềm chế tự áp đặt trước đây đối với việc sở hữu các khả năng quân sự nhằm vào lãnh thổ trên đất liền của đối thủ”.
“Tuyên bố mới nhằm theo đuổi các khả năng “phản công” hạn chế được đưa ra nhằm đối phó với các mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng của cả CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc nhằm vào các cơ sở quân sự của Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Đông Á. Kế hoạch chi tiêu quân sự mới bao gồm việc phát triển khả năng tên lửa tầm trung mới chống lại tàu và mục tiêu mặt đất. Một báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) dựa trên chương trình mô phỏng chiến tranh đã dự đoán tổn thất lớn cho cả lực lượng Mỹ và Nhật trong tất cả các kịch bản được đưa ra nếu Trung Quốc đại lục tấn công quân sự Đài Loan. Theo đó, năng lực phản công của Nhật Bản trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột tiềm tàng có khả năng làm nghiêng cán cân có lợi cho Washington, Tokyo và Đài Loan”, GS Sato phân tích. Chính vì thế, Tokyo đang nhận được sự ủng hộ của Washington để tăng cường sức mạnh, vị thế quân sự ở khu vực.
Cùng quan điểm, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Hội đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida ở Washington đưa ra các cam kết đối với liên minh Mỹ – Nhật”.
“Với việc Nhật Bản công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới gần đây và cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật đại diện cho mối quan hệ đồng minh được cho là có lợi nhất để chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và tạo ra một phạm vi ảnh hưởng”, PGS Nagy nhấn mạnh.
Thực tế, Nhật Bản cũng đang chủ động thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với nhiều bên về vấn đề Indo-Pacific. Trong chuyến công du lần này, ngày 11.1 tại London, Thủ tướng Fumio Kishida và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã ký Thỏa thuận Tiếp cận tương hỗ (RAA). RAA là thỏa thuận quốc phòng quan trọng nhất giữa hai nước trong hơn một thế kỷ, cho phép Anh triển khai lực lượng tới Nhật Bản và ngược lại.
'Những bài toán khó' của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida
Liên minh cầm quyền đã thắng lớn trong cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản ngày 10/7, giành được 76 trong tổng số 125 ghế được bầu lại.
Cùng với 70 ghế chưa tới thời điểm phải bầu lại, liên minh cầm quyền có tổng cộng 146 ghế, chiếm 58,8% ghế thượng viện.
Đây là kết quả ngoài kỳ vọng của ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) bởi vì Thủ tướng Fumio Kishida chỉ đặt mục tiêu duy trì thế đa số của liên minh cầm quyền ở thượng viện.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gắn hoa hồng bên cạnh tên của các ứng cử viên trúng cử trong cuộc bầu cử Thượng viện, tại Tokyo ngày 10/7/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Giới phân tích cho rằng chiến thắng này sẽ không chỉ giúp củng cố vị thế của Thủ tướng Kishida trong nội bộ đảng cầm quyền mà còn giúp duy trì sự ổn định của chính trường Nhật Bản nhiều năm tới. Nhiều khả năng Thủ tướng Kishida sẽ tái đắc cử chức chủ tịch LDP vào năm 2023.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Yu Uchiyama, Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Tokyo, nhận định "Trong thời gian tới, có vẻ như chính quyền của Thủ tướng Kishida sẽ trở nên ổn định hơn và do vậy, sẽ có tỷ lệ ủng hộ tương đối cao. Trong lịch sử, đây là chính quyền thứ ba duy trì được tỷ lệ ủng hộ tương đối cao sau khi nhậm chức sau các chính quyền của hai thủ tướng Junichiro Koizumi và Shinzo Abe".
Cùng với việc giúp duy trì sự ổn định trên chính trường Nhật Bản, theo giới phân tích, thắng lợi trên cũng mở ra "cơ hội hiếm có" cho Thủ tướng Kishida, vì nếu hạ viện không bị giải tán trước thời hạn, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản sẽ không phải đối mặt với bất cứ cuộc bầu cử nào ở quy mô quốc gia trong 3 năm tới. Trong thời gian đó, ông có thể tập trung theo đuổi các mục tiêu chính sách của mình, từ việc xây dựng "hình thái mới của chủ nghĩa tư bản" theo kiểu Nhật Bản cho đến việc giúp nước này sở hữu năng lực phản công và có thể là sửa đổi Hiến pháp. Đây đều là những vấn đề quan trọng và có thể ảnh hưởng tới tương lai của Nhật Bản.
Đáng chú ý, Thủ tướng Kishida đang đứng trước cơ hội làm nên lịch sử với khả năng trở thành vị thủ tướng đầu tiên có thể sửa đổi Hiến pháp kể từ khi văn bản này được ban hành vào năm 1947. Nguyên nhân là do trong cuộc bầu cử này, phe ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp, gồm LDP, đảng Công minh, đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) và đảng Dân chủ vì nhân dân (DPFP) cùng với nghị sỹ độc lập Seiko Hashimoto, đã giành được thế đa số 2/3 ở thượng viện với 178 ghế trong tổng số 248 ghế. Điều đó tạo cơ hội cho ông Kishida khởi động tiến trình sửa đổi Hiến pháp ở quốc hội sau khi phe này đã giành thế đa số 2/3 ở hạ viện trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện tại Tokyo, Nhật Bản ngày 10/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngay sau khi biết kết quả bầu cử, Thủ tướng Kishida đã cam kết thúc đẩy các nỗ lực hướng tới nhanh chóng đưa ra đề xuất sửa đổi Hiến pháp "càng sớm, càng tốt". Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại ý định tìm cách làm sâu sắc hơn các cuộc tranh luận về các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân và "tăng cường mạnh mẽ" nền quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra hoài nghi về khả năng Nhật Bản sẽ sớm tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Theo Giáo sư Uchiyama, có nhiều thách thức và vấn đề đang chờ đợi chính quyền của Thủ tướng Kishida, vì vậy, ông cho rằng "vẫn chưa rõ liệu việc sửa đổi Hiến pháp có trở thành vấn đề ưu tiên hay không".
Quả thật, đối với Thủ tướng Kishida, việc sửa đổi Hiến pháp vẫn là vấn đề mang tính dài hạn. Dù quan điểm của ông đối với vấn đề này đã thay đổi theo hướng tích cực hơn trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang ngày càng phức tạp, nhưng giới phân tích nhận định việc sửa đổi Hiến pháp khó có thể trở thành ưu tiên trong ngắn hạn. Ngoài việc dư luận Nhật Bản vẫn bị chia rẽ trong vấn đề này thì trước mắt, Thủ tướng Kishida còn phải tập trung vào giải quyết hàng loạt vấn đề cấp bách như khống chế dịch COVID-19, giảm bớt các tác động tiêu cực của việc đồng yen mất giá và tình trạng giá cả hàng hóa leo thang tới người dân và doanh nghiệp, và vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Từ cuối tháng 6/2022, số ca mắc mới COVID-19 bắt đầu tăng trở lại ở Nhật Bản, chủ yếu do sự xuất hiện của biến chủng BA.5 của biến thể Omicron. Đây là một biến chủng có khả năng lẩn tránh hệ thống miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến chủng BA.1 và BA.2 đã thịnh hành trước đó ở Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong tuần từ 5 đến 11/7, nước này đã ghi nhận thêm 305.825 ca nhiễm mới, tăng 108% so với một tuần trước đó, làm dấy lên lo ngại về khả năng Nhật Bản đang bước vào làn sóng lây nhiễm mới dịch, khiến Chính phủ Nhật Bản có thể phải tạm hoãn triển khai chương trình kích cầu du lịch mới. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để cân bằng giữa phục hồi kinh tế và phòng chống dịch COVID-19 chắc chắn sẽ vẫn là vấn đề mà Thủ tướng Kishida phải quan tâm thời gian tới.
Bên cạnh đó, tình trạng giá cả leo thang do ảnh hưởng của xung đột ở Ukraine, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng đang tác động trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Kể từ tháng 10 năm ngoái, lạm phát ở Nhật Bản đã liên tục tăng và đã lần đầu tiên vượt ngưỡng mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tháng 4/2022 sau hơn 7 năm. Trước bầu cử, không ít thành viên LDP đã bày tỏ lo lắng về việc lạm phát có thể tác động tiêu cực tới kết quả bầu cử, nhất là khi phe đối lập không ngừng chỉ trích về phản ứng của chính phủ đối với vấn đề này.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Chủ tịch đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) Kenta Izumi khẳng định rằng đảng này có nghĩa vụ nêu bật vấn đề "lạm phát Kishida" trong yêu cầu về cải cách chính phủ. Kết quả thăm dò dư luận của nhật báo Yomiuri trước bầu cử cho thấy có 71% người được hỏi không hài lòng với phản ứng của chính phủ trước việc giá cả hàng hóa leo thang, chỉ có 20% người ủng hộ. Chắc chắn Thủ tướng Kishida sẽ phải dành nhiều thời gian để tìm giải pháp giảm bớt tác động của tình trạng "bão giá" tới người dân.
Mặt khác, so với các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực, đà phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau đại dịch khá chậm và không bền vững. Trong giai đoạn từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2022, kinh tế Nhật Bản có tới ba quý bị tăng trưởng âm, xen giữa là hai quý tăng trưởng dương. Đáng chú ý, trong quý I/2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản giảm 0,1% so với quý trước đó và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều khả năng trong quý II/2022, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng dương, nhưng mức tăng có thể không cao. Đây là lý do khiến trong phiên họp thường kỳ tháng 4, BOJ hạ mức dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm nay từ 3,8% xuống còn 2,9%. Làm thế nào để vực dậy nền kinh tế sẽ là bài toán nan giải khác đối với Thủ tướng Kishida trong thời gian tới.
Ngoài ra, Thủ tướng Kishida sẽ phải tiếp tục giải quyết các vấn đề "muôn thủa" là tỷ lệ sinh giảm, sự suy giảm về dân số ở khu vực nông thôn và tình trạng già hóa dân số.
Trên mặt trận đối ngoại, Thủ tướng Kishida đang "đau đầu" với câu hỏi đảm bảo an ninh cho Nhật Bản trong bối cảnh nước láng giềng Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở Biển Hoa Đông và Triều Tiên tiến hành hàng loạt các vụ thử tên lửa, cũng như tác động của việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Có thể thấy, mặc dù liên minh cầm quyền thắng lớn trong cuộc bầu cử thượng viện nhưng Thủ tướng Kishida đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề hóc búa. Ông sẽ không có nhiều thời gian để "nhấm nháp hương vị chiến thắng" mà phải bắt tay ngay vào giải quyết các vấn đề này.
Thủ tướng Nhật Bản cam kết thúc đẩy tầm nhìn về thế giới không vũ khí hạt nhân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 14/1 cam kết sẽ thúc đẩy tầm nhìn về một thế giới không vũ khí hạt nhân tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: AFP/TTXVN Phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington nhân chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng...