Cụm công nghiệp làm dân… ngất xỉu
Khi khói bụi từ cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (tỉnh Bình Định) nghi ngút bốc lên rồi bay xuống khu dân cư ở Tây Phương Danh thì có 2 phụ nữ bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Sau đó, hơn 50 hộ dân ở Tây Phương Danh đồng ký đơn gửi đi các cơ quan chức năng từ tỉnh đến thị xã khiếu nại nhưng tới giờ vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Hơn hai năm qua, người dân phường Đập Đá (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) phải “gồng mình chịu trận” sống chung với khói, bụi, rác thải… do các cơ sở, nhà xưởng tái chế phế liệu, đúc và gia công kim loại… tại Cụm công nghiệp (CCN) Gò Đá Trắng gây ra. Bất bình, người dân đã phản ánh với nhiều cơ quan chức năng của địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Theo người dân khu vực Tây Phương Danh (phường Đập Đá), CCN Gò Đá Trắng chỉ là một “bãi chứa rác thải” với những bao bì, lon bia, ni-lông… được thu gom từ các nơi chở về để tái chế. Cùng với đó là hàng chục nhà xưởng của DNTN Nguyễn Nga Lâu sản xuất nhang, lấn chiếm lề đường để phơi nhang cây và bột nhang. Mỗi khi các nhà xưởng hoạt động, khói, bụi bay mù mịt vào khu dân cư khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ em và người già, hay bị khó thở, đau đầu, tức ngực…
Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Nga Lâu lấn chiếm lề đường nội bộ CCN Gò Đá Trắng để phơi nhang.
Video đang HOT
Tháng 12/2011, khi khói bụi từ CCN Gò Đá Trắng nghi ngút bốc lên rồi bay xuống khu dân cư ở Tây Phương Danh thì có 2 người là Nguyễn Thị Hoa Huệ và Trần Thị Hương bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Sau đó, hơn 50 hộ dân ở Tây Phương Danh đồng ký đơn gửi đi các cơ quan chức năng từ tỉnh đến thị xã khiếu nại. Ông Nguyễn Hữu Hải, Trưởng khối phố Tây Phương Danh, cho biết: “Tây Phương Danh có 530 hộ dân thì hơn 50% sống trong khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi ô nhiễm môi trường từ CCN Gò Đá Trắng…”.
Tháng 8/2011, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn) đã ra quyết định xử phạt hành chính 13 cơ sở sản xuất tại CCN Gò Đá Trắng vì các vi phạm như: không có hồ sơ môi trường, không thực hiện đúng nội dung như trong bản cam kết bảo vệ môi trường, thải mùi hôi thối vào môi trường, xây dựng không đúng công trình hệ thống xử lý môi trường…
Đến cuối tháng 12/2011, Tổ kiểm tra gồm Ban quản lý các cụm công nghiệp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường… thị xã An Nhơn lại đi kiểm tra 16 cơ sở có hoạt động đúc, nấu kim loại thì 14 cơ sở không có hệ thống xử lý khí, khói thải lò, 6 cơ sở nấu nhôm phế liệu, 2 cơ sở chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh… Trong đó có 2 cơ sở không thể kiểm tra vì khóa kín cửa là cơ sở Tây Ninh và cơ sở Thu Hùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khác khẳng định với đoàn kiểm tra là hai cơ sở này chỉ tiến hành nấu chì vào ban đêm, ban ngày không hoạt động.
Theo ông Lê Minh Toán, Phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, việc sản xuất, tái chế kim loại của các cơ sở tại CCN Gò Đá Trắng làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận trong nhân dân. Thị xã An Nhơn vừa gửi báo cáo bằng văn bản và đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết vụ việc này
Theo CAND
Nghe nhà ngoại cảm, xới tung đường tìm mộ
Tin lời một nhà ngoại cảm, gia đình ông Long ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn đã thuê xe đào bới trục đường chính của cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, Bình Định) để tìm mộ.
Tuy nhiên, sau khi con đường đã bị "xới tung" thì gia đình ông Long cũng không tìm thấy mộ đâu.
Hiện trường vụ việc
Chiều 23/2, ông Trần Châu - Chủ tịch UBND huyện An Nhơn - cho biết thông tin này. Theo đó, vào khoảng 9 giờ ngày 16/2, gia đình ông Nguyễn Đình Long (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn) có nghe theo lời một nhà ngoài cảm ở Hà Nội đến khu vực trục đường chính của cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, Bình Định) để tìm mộ cha.
Sau khi đào bới điểm thứ nhất không tìm thấy, nhà ngoại cảm lại chỉ ông Long đào điểm thứ hai (cách đó khoảng 4m). Nhưng đào điểm thứ hai, gia đình ông Long cũng không phát hiện có dấu tích của ngôi mộ nào, lúc này thì các ngành chức năng phát hiện và đến hiện trường lập biên bản, yêu cầu ông Long phải dừng lại.
Theo ông Châu, việc làm của gia đình ông Long là không đúng pháp luật, ông Long đã tự ý đào bới đường mà không xin phép, báo cáo với ủy ban.
Vụ việc khiến lòng đường bị đào bới một đoạn dài hơn 10m, rộng khoảng 2,5m, sâu hơn 2m, toàn bộ hệ thống cáp quang, hố ga trên đoạn đường cũng bị xới tung để tìm mộ.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông Long đã bị yêu cầu phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả đoạn đường bị đào bới. Gia đình ông Long cũng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình và xin được khắc phục hậu quả mình gây ra.
Theo Vietnamnet