Cúi rạp người trên những bãi nghêu
Những người phụ nữ gần như cúi rạp người trên bãi cát. Những chiếc muôi, chiếc cào lạo xạo xục xuống “đãi” cát để cào lấy những con nghêu bé tí ti. Chúng có thể là bữa ăn tối, cũng có thể là một vài bơ gạo chống đói trong mùa cuối năm.
2h chiều, bãi biển Quỳnh Long ( Quỳnh Lưu, Nghệ An) nắng chói chang dù đang là giữa đông. Từng con sóng lăn tăn vỗ vào bờ rồi lại dạt ra xa. Nước lấp lóa dưới ánh mặt trời. Bờ cát dài thoai thoải in hình những vệt sóng lạ. “Vết cào nghêu hôm qua đó” – cụ Trần Thị Huận nói với tôi, mắt vẫn nhìn chòng chọc xuống nền cát đang bị chiếc cào trên tay cụ xới lên.
Với cụ Nhưng, cào nghêu chỉ đơn giản là kiếm thêm vài miếng trầu.
Cụ Huận cùng hàng chục phụ nữ xóm Thành Công kéo nhau ra bãi cát đào nghêu. Những người phụ nữ ngồi xổm, chiếc thìa múc canh được gắn thêm cái cán cạo xoàn xoạt trên nền cát ẩm ướt. Mỗi lần chạm vào con nghêu đang ẩn mình, tiếng xoàn xoạt được thay bằng một tiếng khác, đanh gọn hơn. Bất kể là nghêu to hay bé, họ nhặt tất, bỏ vào chiếc túi cước hay chiếc rổ con con mang theo. Phần lớn họ ra biển để kiếm bát canh nghêu cho bữa cơm tối. Nhưng cũng có những phận đời sống nhờ những con nghêu vùi sâu dưới cát.
Bà Nguyễn Thị Hoàn năm nay cũng hơn 60 tuổi nhưng hãy còn nhanh nhẹn lắm. Bà sống một mình nên cào nghêu trở thành “nghề” chính. Cứ 2h chiều, khi nước thủy triều cạn, bà Hoàn ra bãi đào nghêu. Đồ nghề của bà chỉ là cái muôi sắt và chiếc rổ con. Mỗi buổi cũng cào được hơn 1 cân nghêu cả to lẫn nhỏ. Giá mỗi cân bán chừng 10-15 nghìn đồng, đủ để bà mua mấy bơ gạo hay mớ cá vụn ăn trong ngày.
Một buổi cào nghêu cũng giúp bà Hoàn kiếm được tầm 10-15 nghìn đồng, đủ lo cho bữa cơm tằn tiện cho người phụ nữ đơn chiếc này.
Bà Hoàn hãy còn khỏe, xương khớp cũng chưa đến nỗi rệu rã nên vẫn ngồi cào nghêu được. Cụ Huận hay cụ Đào Thị Những tuổi cao, sức yếu, những khớp chân chẳng thể đỡ nỗi thân hình tàn tạ nên chẳng thể ngồi hàng giờ mà cào cát. Mỗi cụ sắm cho mình một chiếc cào bằng tre, hì hụi kéo trên cát ẩm.
Cụ Những năm nay 74 tuổi, người đẫy đà, nụ cười hãy còn tươi lắm. Cũng phải thôi, bởi với cụ, cào nghêu chỉ là một thú tiêu khiển, như kiểu người ta tập thể dục. Đời cụ hết bốc cá thuê ở chợ, gánh nước thuê cho các thuyền hay đóng gạch sò thì cũng ngót nghét 20 năm sống với nghề cào nghêu. “Lũ con cháu nó chẳng cho đi cào nghêu đâu, tôi trốn đi đấy. Cào cho vui, cho đỡ buồn tay buồn chân chứ tiền bán nghêu cũng chỉ đủ tiền ăn trầu”, cụ nói.
Video đang HOT
Xương khớp không cho phép cụ Huận ngồi nữa nên cụ phải dùng cào để bắt nghêu. Với cách này, tuy mất nhiều sức hơn nhưng bù lại sẽ bắt được nghêu to hơn, bán được giá hơn.
Không thảnh thơi như cụ Những, cụ Huận sống với chồng. Ông chồng già yếu chẳng làm được gì nữa nên cụ Huận trở thành “lao động chính”. Ở tuổi cụ biết làm gì ngoài cào nghêu bởi nghêu thì sẵn đấy, cứ đợi thủy triều xuống là có thôi. Tuổi của cụ cũng chưa hẳn là quá già nhưng cái thân hình gầy gò, tiều tụy ấy có vẻ đường như không thể theo được nghề này nữa.
Chứng bệnh đau khớp xương không cho phép cụ ngồi, bởi vậy cụ phải đứng cào nghêu. Chiếc cào làm bằng hai thanh tre, nối với nhau bằng dây thép mỏng. Cụ nắm hai thanh tre, tỳ một đầu vào bờ vai gầy guộc, cố sức nhủi đầu kia thật sâu xuống cát. Đôi bàn tay gầy guộc cố kéo cào về phía mình nhưng dường như nó chẳng muốn nghe theo ý chủ nhân, bởi vậy, kéo được chừng vài ba bước chân, bà cụ lại phải nghỉ lấy hơi rồi kéo tiếp.
Sức yếu, cào được vài ba bước chân, cụ Huận phải dừng lại nghỉ lấy sức. Mỗi hôm cụ cũng kiếm được tầm 15-20 nghìn đồng, đủ đong gạo cho hai ông bà.
Cào nghêu bằng cách này tuy có mệt nhưng lại đào được sâu, sẽ bắt được những con nghêu to hơn, bán được giá hơn. Mỗi ngày cụ kiếm được 15-20 nghìn, hai ông bà đủ nương tựa vào nhau lần hồi qua ngày.
Bà Ngô Thị Chiên chẳng dùng muôi mà cũng chẳng dùng cào để bắt nghêu. Bà ngồi trên chiếc ghế nhựa, cứ dùng hai bàn tay không mà xục xuống cát để cào. Chồng chết sớm, nhà neo người, hai cô con gái lấy chồng xa nên bà Chiên sống một mình. 66 tuổi nhưng khớp xương không còn tuân theo sự điều khiển của trí não, đôi mắt chỉ nhìn thấy mờ mờ nên cách duy nhất là dùng tay để cào. Cào trúng vật cứng sẽ dùng tay “nhìn” xem là đá, là vỏ sò hay là nghêu.
Xương khớp rệu rã, đôi mắt gần như bị mờ hẳn, bà Chiên phải dùng 10 đầu ngón tay để cào nghêu. Chồng chết sớm, hai con gái lấy chồng xa, bà sống chật vật bằng nghề cào nghêu.
“Sống một mình nên cũng chẳng ăn uống chi nhiều, cứ có cơm cho no, bát canh nghêu nấu canh vặt là qua ngày thôi. Cào nghêu, con nhỏ thì để ăn, con to thì bán. 2h chiều ra đây, tầm 4h, nước lên lại cắp rổ về. Ngồi còng lưng hai tiếng đồng hồ, mười đầu ngón tay buốt rồi chai cứng lại cũng chẳng thấy đau nữa. Mỗi bữa kiếm được cân hơn, cân kém, bán cũng được mươi, mười lăm nghìn, cũng chẳng phải lo đói”, nhướng đôi mắt gần như trắng đục, bà Chiên vẫn lạc quan về cuộc sống. “Nghêu có quanh năm, cứ tay làm thì hàm có nhai, biển chẳng phụ ai bao giờ”, bà Chiên nói.
Nắng đã nhạt, biển không còn lấp lóa mà bắt đầu chuyển sang màu đỏ sẫm. Thủy triều lên, bãi cát nhanh chóng chìm dưới nước, đàn nghêu lại sinh sôi. Nồi cơm của những người đàn bà làng biển cứ vơi rồi lại đầy theo con nước.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Dân bất an vì nguy cơ sạt lở bờ biển
Ngay khi dự án nạo vét sông Đơ tại cống Trường Lệ thuộc phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đi vào thực hiện, việc sạt lở, xâm thực bờ biển, sập đổ nhà sàn làm du lịch xuất hiện khiến dân luôn trong tình trạng lo lắng, bất an.
Theo phản ánh của bà con phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, hơn một tháng qua, được sự cho phép của UBND tỉnh, Dự án nạo vét khẩn cấp và tận thu cát cho việc san lấp mặt bằng xây dựng theo hình thức xã hội hóa tại cửa sông Đơ, cống Trường Lệ phục vụ cho việc khơi thông dòng chảy và phòng chống lụt bão được thực hiện bởi công ty TNHH Hồng Thắng. Ngay khi dự án được tiến hành thì bắt đầu xuất hiện hiện tượng sạt lở, xâm thực của biển, hai căn nhà sàn làm du lịch của người dân cũng bị đổ.
Anh Phan Viết Hùng, chủ nhân của ngôi nhà sàn bị đổ sập bùi ngùi: "Chúng tôi ở đây nhiều năm rồi nhưng có bao giờ bị như thế cả, thế mà từ khi xuất hiện tình trạng hút cát ở cửa biển Trường Lệ, cát ở khu vực này sụt xuống nhìn trông thấy. Trước đây, cát cao so với bây giờ cả mấy gang tay, nay cứ sụt dần theo thủy triều. Các trụ cột nhà sàn của chúng tôi cũng không đứng vững, chẳng gặp gió bão gì cũng tự sụp đổ. Nhà sập chúng tôi chẳng biết kêu ai, cũng chẳng có ai nhận trách nhiệm, thiệt hại do gia đình tự chịu".
Cũng theo người dân ở đây thì việc nạo hút cát ở cống sông Trường Lệ thực chất là lấy cát biển đi bán, chứ không phải là nạo vét gì cả. Vì khu vực cống Trường Lệ, nếu nạo vét thì chỉ khoảng nửa tháng là xong thôi, ở đây thì đã sâu lắm, đâu cần thiết phải nạo vét nữa.
Người dân cho biết bờ biển sạt lở là do hút cát
"Đã 15 năm nay, chưa có năm nào bờ biển bị sạt lở sâu như vậy. Nếu để tình trạng nạo vét, hút cát như thế này thì chắc chắn vào mùa mưa lũ, sóng biển xâm thực vào đất liền thì người dân chúng tôi chẳng biết đi đâu. Nhà sàn làm ăn kinh doanh thì sập, nhà sàn kế bên thì siêu vẹo, phải dùng dây thừng chằng néo vào gốc cây để chống đỡ. Biết là nguy hiểm cho khách, nhưng vì tình thế phải chèo néo tạm thời để kinh doanh được ngày nào hay ngày đấy" - ông Phan Viết Hiệp, ở Khu phố Vinh Sơn cho hay.
Dẫn chúng tôi đến khu vực những chiếc nhà sàn vừa bị sập đổ, trưởng Khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn Vũ Tiến Thắng cho biết: Từ khi có Công ty TNHH Hồng Thắng về khai thác, nạo hút cát ở cống Trường Lệ, người dân ven biển lo lắng, liên tục phản ánh về tình trạng sạt lở, xâm thực sâu vào bờ biển tới các cấp chính quyền. Mấy ngày trước, sập đổ 2 nhà sàn của người dân làm du lịch. Chúng tôi cũng đã báo cáo với chính quyền phường xuống kiểm tra thực tế, ước tính thiệt hại của người dân lên đến hơn 100 triệu đồng.
Những ngôi nhà sàn du lịch sụp đổ tan hoang cũng được cho là nguyên nhân hút cát
Cho rằng, sự xuất hiện của Công ty TNHH Hồng Thắng không chỉ gây sạt lở bờ biển, sập nhà mà còn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, đường sá hư hỏng, nhiều người dân ở đây tỏ ra vô cùng bức xúc. Nhiều lần, nhân dân phố Vinh Sơn phản ánh tới chính quyền địa phương cũng như gửi đơn đến cơ quan chức năng.
Trước những phản ánh của bà con, ngày 20/10, UBND thị xã Sầm Sơn phối hợp với phường Trường Sơn, Đồn biên phòng 122 Sầm Sơn và đại diện Công ty TNHH Hồng Thắng kiểm tra tình hình. Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị chưa thực hiện việc định vị, tuyến luồng, mặt bằng khai thác cát, nạo vét luồng lạch, chưa cắm phao tiêu, mốc giới, biển báo theo quy định. Hiện trạng bờ biển và phần tiếp giáp với khu dân cư có hiện tượng sạt lở, xâm thực của bờ biển là có.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, kết luận của Sở TNMT Thanh Hóa lại khẳng định, hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển có nhiều nguyên nhân do thời thiết, biến đổi khí hậu, chưa thể khẳng định do là do hoạt động nạo vét của Cty Hồng Thắng.
Bởi thế mà ngày 21/10, UBND thị xã Sầm Sơn đã yêu cầu Công ty TNHH Hồng Thắng tạm dừng việc thi công công trình nạo vét thì ngày 24/11, Công ty này lại tiếp tục được cho phép hoạt động trở lại khiến bà con khu phố Vinh Sơn vô cùng bức xúc.
Cát được đưa từ biển vào bờ tập kết bằng một vòi lớn
Theo quan sát của PV tại hiện trường, máy hút cát được bố trí, lắp đặt ngoài cửa biển, bên ngoài tàu hút cát được che bằng bạt màu xanh, vòi bạch tuộc khủng được lắp đặt vào đến tận bãi tập kết.
Trao đổi với PV, ông Lê Trọng Hưng, Chủ tịch phường Trường Sơn cho biết: "Sau khi nhận phản ánh từ phía bà con nhân dân, chúng tôi đã có ý kiến lên cấp trên. Sau khi đoàn của tỉnh về, phía Công ty cũng đã có cắm cọc mốc quan trắc. Chúng tôi vẫn đang theo dõi nếu thấy tiếp tục sạt lở bờ biển thì sẽ yêu cầu đơn vị phải dừng nạo vét và báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết.
"Công ty hứa sẽ hút thêm mấy trăm khối nữa, cung cấp đủ cho công trình rồi thôi, chứ ở trên mà cứ cấp phép theo kiểu này chỉ khổ anh em chúng tôi thôi" - ông Hưng phân trần.
Bình Minh
Theo dantri
"Thủy quái" trăm triệu vào tay thợ săn Việt Những con cá khủng, kỳ dị có tuổi đời lên đến cả trăm năm liên tiếp bị săn bắt và được rao bán với giá cả trăm triệu đồng. 'Thủy quái' cá tra dầu liên tiếp xuất hiện Cá tra dầu là loài cá đặc trưng sống ở vùng hạ lưu sông Mê Kông. Loài cá này có tên trong sách đỏ, có...