Cục trưởng Hàng không: “Sân bay Long Thành không “đạo” thiết kế”
Trước thông tin cho rằng hình ảnh phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành là “đạo” từ sân bay Chek Kap Lok (Hồng Kông), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – ông Lại Xuân Thanh – khẳng định: “Đây là vấn đề đại sự quốc gia, không có chuyện sân bay Long Thành “đạo” thiết kế”.
Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho PV Dân trí biết: “Cấu hình đường cất hạ cánh và thiết kế ý tưởng về nhà ga hành khách đã được các công ty tư vấn JAC, ALMEC của Nhật Bản, ADPI của Pháp đưa ra và hiện nay vẫn lưu trong hồ sơ quy hoạch”.
Phối cảnh của Cảng HKQT Long Thành
Trước đó, ông Trần Đình Bá phản ánh ý kiến đến một số báo về nhận định: “Điều sự thật 100% là hình thực sự của sân bay quốc tế Chek Kap Lok (Hồng Kông) đã bị nhận vơ là phối cảnh của sân bay quốc tế Long Thành để thuyết minh cho việc xây sân bay Long Thành”.
Trao đổi về quy hoạch sân bay Long Thành, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay, sân bay Long Thành chính thức được quy hoạch tại Quyết định số 911/1997/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/10/1997 về quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Ngày 20/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 703/QĐ -TTg về việc phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô và phân khu chức năng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.
Ngày 14/06/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 14/06/2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Cảng HKQT Long Thành.Tại quy hoạch này, lần đầu tiên cấu hình đường cất hạ cánh và thiết kế ý tưởng về nhà ga hành khách đã được các công ty tư vấn JAC, ALMEC của Nhật Bản, ADPI của Pháp đưa ra và hiện nay vẫn lưu trong hồ sơ quy hoạch (bản vẽ cụ thể kèm theo).
Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, cấu hình đường cất hạ cánh gồm 04 đường cất hạ cánh song song chia thành hai cặp, các nhà ga hành khách được bố trí ở giữa hai cặp đường cất hạ cánh là thiết kế điển hình của rất nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới như Charles De Gaul, Thượng Hải, Suvarnabumi… Hiện nay, thiết kế ý tưởng về nhà ga từ quy hoạch đã được công ty tư vấn giữ nguyên và đưa vào Báo cáo đầu tư (báo cáo tiền khả thi) để làm cơ sở ước tính khái toán tổng mức đầu tư.
Ý tưởng và thiết kế Cảng HKQT Long Thành do công ty tư vấn JAC, ALMEC của Nhật Bản, ADPI của Pháp đưa ra và hiện nay vẫn lưu trong hồ sơ quy hoạch
Tại bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ dừng ở mức khái toán và thiết kế ý tưởng, phần thiết kế kỹ thuật chi tiết sẽ được thực hiện ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi (trong trường hợp được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư). Ở bước này thì các thiết kế mới thực sự được hình thành. Nghiên cứu khả thi nếu được các cơ quan chức năng phê duyệt mới đi vào thi công.
“Hình ảnh minh họa cho những nội dung mà ông Trần Đình Bá phản ánh trên một số báo điện tử là hình ảnh sân bay Chek Lap Kok và hoàn toàn không phải là hình ảnh phối cảnh và thiết kế ý tưởng của Cảng HKQT Long Thành trong các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.
Video đang HOT
Một lần nữa bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Cục trưởng Lại Xuân Thanh nhấn mạnh: “Đây là vấn đề đại sự quốc gia nên không thể phát ngôn tùy tiện. Dự án Cảng HKQT Long Thành được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và trình tới cấp Bộ Chính trị thông qua. Việc ông Bá phát ngôn là quyền tự do ngôn luận của ông Bá, nhưng Cục Hàng không sẽ có văn bản gửi tới cơ quan chủ quản mà ông Bá đang làm việc để trao đổi về vấn đề này”.
Cũng theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải không cung cấp và không chịu trách nhiệm đối với các hình ảnh và thiết kế ý tưởng khác với phối cảnh và thiết kế ý tưởng của Cảng HKQT Long Thành trong Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được một số cơ quan thông tin, báo chí sử dụng để minh họa cho Cảng HKQT Long Thành.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Phó Chủ tịch QH:Đừng để thành sân bay đắt nhất hành tinh!
Vẫn còn nhiều ý kiến chưa yên tâm về dự án Sân bay Long Thành và Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đại biểu băn khoăn là đúng.
Chiều (4/11), Quốc hội gần như dành nửa ngày thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng dự án sân bay quốc tế Long Thành. Theo đó đa số các ý kiến cho rằng ai cũng muốn nước mình có một sân bay bề thế, xứng tầm, song khi bàn đến vấn đề tiền ở đâu? làm sao để hiệu quả như những gì kỳ vọng vào dự án thì vẫn là câu chuyện dài và còn nhiều băn khoăn.
Mừng ít, lo nhiều
Từ những ngày đầu kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, những thông tin về dự án sân bay Long Thành ngập tràn cùng với đó là những ý kiến đa số đại biểu tỏ ý ủng hộ dự án này.
Vẫn trong xu thế đó, nhưng khi nghiên cứu kỹ thêm về dự án Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Thừa Thiên Huế mang đến buổi thảo luận nhiều băn khoăn hơn.
Theo vị đại biểu này, điều ông lo nhất vẫn là việc thu xếp nguồn vốn. Ông cho rằng báo cáo tính toán phải bỏ ra tiền giải phóng mặt bằng gần 1 tỉ đô la nhưng khi làm sẽ tăng lên gấp đôi. Kinh nghiệm này có từ các dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu...
"Trong vòng 2 năm chưa nói làm gì mà đã phải bỏ ra 2 tỉ đô la giải phóng mặt bằng, khoản này lấy đâu ra? Báo cáo có nói huy động nguồn vốn tư nhân thông qua tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty hàng không VN. Thế nhưng cổ phần hóa liệu có ai mua không khi mấy năm qua làm ăn thì thua lỗ? Rồi báo cáo cũng nói nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm (tập đoàn của Pháp, Samsung....) cũng chỉ là những lời hứa. Những cam kết này liệu có giá trị pháp lý hay không?...", đại biểu Nhã lo ngại.
Theo đó ông cho rằng những điều này trong đánh giá dự kiến đầu tư nhất là về vốn cần phải rõ ràng minh bạch hơn.
"Báo cáo nói không làm tăng nợ công là vô lý vì ODA hay trái phiếu thì cũng là nợ công. Nợ công chúng ta đang rất cao, thêm công trình này nữa nợ công bao nhiêu thì phải tính toán", ông Nhã diễn giải.
Cho rằng nếu ngân sách ổn thì ai cũng mong có công trình này thôi, song ông Nhã còn băn khoăn thêm về tính hiệu quả của dự án.
Theo đại biểu Nhã, hiện phân tích về hiệu quả dự án đang nói quá. Báo cáo đang cho rằng có sân bay này thì việc ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giảm, kéo theo đó là giảm chi phí nhưng dự án lại không tính đến những người ở TPHCM phải tăng chi phí phải đi ô tô mất cả tiếng đồng hồ. Kể cả có đường sắt thì cũng phải chi thêm một khoản tiền nữa.
"Báo cáo lập luận 1 phía, nhấn mạnh cái này nhưng lại không chú ý cái kia. Cần giải trình một cách cụ thể rõ ràng hơn", ông Nhã đề nghị.
Cũng chung lo ngại này, đại biểu Vũ Thị Dung, đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng về nguồn vốn cho dự án cả Quốc hội và cử tri cả nước đang băn khoăn về nợ công đang ở mức báo động do đó việc sắp xếp nguồn vốn cho sân bay Long Thành có nhiều vấn đề.
"Nói là sử dụng không phải nguồn ngân sách nhà nước, tiền đó là tiền của nhân dân, sao có thể nói là nguồn vốn xã hội hóa trong khi đó?. Dân gánh nặng quá rồi", đại biểu Dung nói.
Bà Dung cũng lo lắng về trình độ quản trị, với tham nhũng tràn lan, siêu dự án như thế này rất khó quản lý.
"Đề nghị lùi thời điểm đầu tư, tiếp tục nghiên cứu về nhiều mặt, cần thiết lấy ý kiến của chyên gia, ý kiến nhân dân làm cơ sở cho quốc hội xem xét. Có thể 10 năm nữa hoặc sau 2030 mới đầu tư để giảm nợ công, gánh nặng cho dân", đại biểu Dung đề nghị.
Đưa ra ý kiến của mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì cho rằng ông đồng ý Quốc hội thông qua chủ trương để Chính phủ lập báo khả thi. Từ lập dự án qua thẩm định, đến khi triển khai còn nhiều bước nữa, nếu không làm, e sẽ chậm.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành
Quốc hội rất cần nghị quyết để minh bạch hiệu quả đầu tư
Trước nhiều ý kiến còn băn khoăn về dự án, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Các đại biểu băn khoăn là đúng.
"Lần này, trình ra Quốc hội để xin chủ trương, chưa phải đủ điều kiện để bấm nút thông qua. Công trình này có chủ trương lâu rồi và chỉ là chủ trương để nghiên cứu. Lần này đưa ra Quốc hội cũng chỉ là để "xới lên" và cho chủ trương", bà Ngân nói.
Bà Ngân cũng đồng tình rằng dự án này quá cần thiết... nhưng vấn đề đặt ra, lo nhất tình hình nợ công thì vốn xây dựng sân bay lấy ở đâu ra. Nhưng đến giai đoạn 2020-2030 mới khai thác dần dần chứ không phải thực hiện ngay mà có lộ trình.
Theo đó "Quốc hội rất cần nghị quyết để minh bạch hiệu quả đầu tư, chi phí đầu tư sân bay. Hiện khái toán là cao so với các sân bay khu vực. Bộ Giao thông Vận tải chưa đưa ra con số cụ thể để nói cao hay thấp. Nếu không tính để Quốc hội so sánh, xem suất đầu tư chia cho hành khách là bao nhiêu tiền đầu tư m2 thì nếu không khéo lại thành sân bay đắt nhất hành tinh giống như con đường đắt nhất hành tinh. Đây là vấn đề quan trọng", Nữ Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị khi trình ra thì tổng mức đầu tư phải rõ ràng, khái toán phải so sánh bằng, cao hay thấp hơn với các sân bay trong cùng khu vực, xung quanh Việt Nam như Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...
Cách tính tỷ lệ hoàn vốn cũng phải tính lại cho rõ ràng. Khi khai thác Long Thành đồng thời với khai thác sân bay Tân Sơn Nhất chứ không phải đóng cửa Tân Sơn Nhất. Có nghĩa, chúng ta phải tính khai thác hết công công suất của sân bay Tân Sơn Nhất (25 triệu lượt hành khách/năm), rồi tính hành khách, hàng hóa khi đầu tư Long Thành.
Phó Chủ tịch lưu ý: "Khả năng cạnh tranh gay gắt chứ không đơn giản". Do đó bà cho rằng Chính phủ phải làm rõ các nội dung về: vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư trong việc phát triển đồng bộ; tại sao không mở rộng Tân Sơn Nhất; tại sao không sử dụng Biên Hòa.
"Các vấn đề này phải giải trình cho rõ. Tôi thấy vấn đề này chưa giải trình rõ", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị: "Chính phủ phải trả lời thỏa đáng những băn khoăn mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như qua thảo luận các đại biểu đã đặt ra, nếu không rất khó để Quốc hội bấm nút".
Bích Ngọc
Theo_Báo Đất Việt
Dự án sân bay Long Thành: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ Nhiều câu hỏi "nóng" của báo chí về dự án Cảng hàng không (gọi tắt là sân bay) quốc tế Long Thành chưa được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị có liên quan trả lời một cách thỏa đáng; hoặc trả lời với vai trò của một... cử tri. Máy bay lên xuống tại sân bay Tân Sơn...