Cục trưởng Cục Hàng không VN: Có chuyện con ông cháu cha
Nguyên nhân cũng có thể là do khâu tuyển đầu vào toàn con ông cháu cha, nên trình độ và năng lực của đội ngũ KSVKL mới kém.
Đó là khẳng định của ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục hàng không VN với Đất Việt, ngày 19/11.
PV:- Vừa qua, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), ông Đinh Việt Thắng đã chỉ ra những bất cập về trình độ và năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ kiểm soát viên không lưu (KSVKL).
Cụ thể, tất cả còn hạn chế chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng hoạt động bay và tốc độ thay đổi công nghệ, kỹ thuật. Đặc biệt khối không lưu có tỷ lệ tay nghề trung bình và yếu chiếm khoảng 40%. Thưa ông, những yếu kém trong đội ngũ KSVKL, nguyên nhân có phải do khâu tuyển dụng ở từng hãng hay không? Trách nhiệm của Cục hàng không ra sao?
Ông Lại Xuân Thanh:- Hiện nay, việc tuyển dụng được tiến hành theo quy định về tuyển dụng của từng DN, từng hãng đứng ra tuyển dụng, đó là nói riêng về lực lượng kiểm soát viên không lưu, họ là đội ngũ do DN tuyển dụng, đào tạo và huấn luyện.
Còn quản lý của Cục đối với đội ngũ KSVKL, thì dĩ nhiên, một là, họ phải được đào tạo tại các cơ sở mà Cục chứng nhận đủ điều kiện. Hai là, muốn thực hiện KSVKL phải thi cấp chứng chỉ và năng định.
Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng đội ngũ này cũng có trách nhiệm của Cục trong đó, thứ nhất, phải nâng cao chất lượng thi, cấp năng định; thứ hai, kiểm tra, giám sát năng lực, xử lý nghiêm những vi phạm, giám sát hệ thống đảm bảo về đào tạo huấn luyện của quản lý bay.
Chú trọng, đảm bảo tất cả những công việc thuộc trách nhiệm của chúng tôi, để đảm bảo chất lượng cho lực lượng KSVKL.
Mặt khác, theo tôi, thực ra đội ngũ KSVKL của nước ta hiện nay chất lượng không phải hoàn toàn kém, nó chỉ chưa bằng mức tiên tiến của các nước tiên tiến phát triển.
Tôi nói ngay, như cái so sánh về năng lực với KSVKL quốc tế, lãnh đạo VATM nhìn nhận, trong giờ cao điểm có thể điều hành từ 50-55 chuyến bay, trong khi, KSVKL của Việt Nam chỉ điều hành tối đa được 30-35 chuyến bay.
So sánh này là đem so với các nước tiên tiến, là mục tiêu phấn đấu của chúng ta mong đạt được, để làm sao trình độ của mình nâng lên từng ngày.
Vì hàng không luôn theo tiêu chuẩn quốc tế, nên phải cố gắng phấn đấu theo mục tiêu đạt chuẩn quốc tế đó là chuyện đương nhiên. Để thấy, nhận xét KSVKL của chúng ta yếu kém hết là không phải, hoàn toàn không đúng, chúng ta chỉ chưa bằng các nước tiên tiến, nhưng vẫn được xếp loại Khá của khu vực.
PV:- Nói như vậy, thì theo ông nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến việc đội ngũ KSVKL của ngành hàng không nước ta kém như vậy?
Ông Lại Xuân Thanh:- Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất, là do hệ thống đào tạo của chúng ta còn nhiều bất cập. Bây giờ, một người học hết ĐH, hết lớp 10, đi vào các cơ sở đào tạo rồi ra đều có thể trở thành KSVKL, nên để thấy, về chất lượng đào tạo phải kiểm soát từ chất lượng đào tạo ban đầu. Đó là một trong những cái mà có thể đưa ra để xem xét.
Thứ hai, là chất lượng thi, kiểm tra năng lực để cấp giấy phép, năng định cho KSVKL, tổ chức về mặt lao động của Tổng công ty quản lý bay chưa tốt.
Bên cạnh đó, trong một thời gian dài Bộ trưởng Đinh La Thăng, cũng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về việc vấn đề thu nhập của KSVKL, đây cũng là nguyên nhân chính.
Video đang HOT
Chính vì vậy, nên các giải pháp sắp tới sẽ phải tập trung vào các vấn đề này. Hệ thống đào tạo ban đầu, hệ thống đào tạo huấn luyện của Tổng công ty quản lý bay. Đối với, các chứng chỉ của ngành hàng không thì luôn luôn được đào tạo, huấn luyện cập nhật chứ không phải như giấy phép lái xe máy, thi 1 lần rồi sử dụng hết đời, ở đây hàng năm được đào tạo huấn luyện định kỳ, cập nhật, bổ sung.
Hai máy bay suýt đâm nhau do nhân viên kiểm soát không lưu
Hệ thống giám sát nội bộ theo chuyên môn là hệ thống quản lý an toàn, trong đó rất quan trọng công tác giám sát nội bộ, duy trì cái kiểm soát năng lực, trình độ của KSVKL.
Đó là những khâu trọng yếu làm nên chất lượng. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những vi phạm, làm nên chất lượng, nếu đánh giá chưa đạt yêu cầu thì phải nhìn vào những khâu trọng yếu để mà nâng cao.
PV:- Một nguyên nhân cũng được chỉ ra, dẫn đến đội ngũ nhân viên điều hành bay hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu là do chất lượng tuyển dụng đầu vào thấp. Hơn nữa, tại buổi làm việc về nâng cao năng lực, an toàn chất lượng và dịch vụ bảo đảm an toàn bay mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã nêu thực trạng: “Sở dĩ nguồn nhân lực của Hàng không Việt Nam chất lượng kém là do các tổng công ty quản lý cảng, quản lý bay… nhận vào toàn con cháu nên không nói được. Thi tuyển phải công khai, minh bạch”.
Thậm chí, các chuyên gia hàng không cũng đã từng lên tiếng phản ánh thực trạng rất nhiều lần, ông có đồng tình hay không? Vì sao ạ?
Ông Lại Xuân Thanh:- Thực ra câu Bộ trưởng khẳng định thì nó dành nói chung cho toàn nguồn nhân lực của ngành hàng không VN, chứ không riêng lực lượng KSVKL.
Nhưng cũng có thể là do nguyên nhân tuyển đầu vào toàn con ông cháu cha, nhưng đây cũng là cảnh báo của Bộ trưởng về nguyên nhân này, nhắn nhủ đừng để xảy ra như vậy, theo tôi nó chỉ mang tính cảnh báo.
Đặc biệt phải rà soát, chấn chỉnh nếu có, thực ra mà nói, chúng tôi cũng chưa bao giờ đi kiểm tra, thống kê, xem người được tuyển vào là con ai, cháu ai, Cục hàng không không kiểm soát cái đó, nhưng đó là cảnh báo hết sức đúng đắn, đặc biệt trong những ngành đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật sâu, tính đảm bảo an toàn lại rất cao, thì lời cảnh báo lại càng có giá trị.
PV:- Tổng công ty quản lý bay VN cũng đặt mục tiêu tới năm 2016 không còn tồn tại tình trạng KSVKL tiếng Anh chưa đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra sẽ chuẩn hóa nội dung thoại của KSVKL, không còn tình trạng KSVKL cãi nhau trên sóng hay bỏ chốt trực. Đây có phải là minh chứng rõ ràng nhất cho câu chuyện tuyển đầu vào toàn con ông cháu cha, nên thực lực không có hay không?
Ông Lại Xuân Thanh:- Đúng là, hiện nay, tỷ lệ nhân viên KSVKL của chúng ta nói được Tiếng Anh vô cùng ít, thậm chí còn kém.
Vì một trong những yêu cầu của KSVKL theo tiêu chuẩn quốc tế, trình đọ Tiếng Anh phải đạt Level 4. Thế nhưng, hiện nay, có tới 30% chưa đạt, nên đã phải có những giải pháp tình thế để xử lý, như đào tạo ngắn hạn để giải quyết ngay. Đây là tiêu chuẩn rất cao của quốc tế.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hàng loạt sự cố nguy hiểm do KSVKL
Ngày 23/7, chuyến bay BL522 của hãng hàng không Jestar khi chuẩn bị hạ cánh, tổ bay không liên lạc được với đài chỉ huy tại Cảng hàng không Vinh nên phải bay vòng trên bầu trời. Lúc 2230 phút, máy bay liên lạc với Đài kiểm soát không lưu Vinh, kiểm soát viên cấp huấn lệnh tiếp cận, tổ lái báo nhận.
Tuy nhiên, đến 22h40 phút, tổ lái gọi Đài kiểm soát nhiều lần trên tần số điều hành và tần số khẩn nguy nhưng không thấy trả lời. 4 phút sau, khi Đài kiểm soát thiết lập lại liên lạc với máy bay trên tần số điều hành, tổ lái báo đang thực hiện bay lại vòng 2.
Nguyên nhân sự cố theo xác định của Cục Hàng không VN, có sự lúng túng trong sử dụng thiết bị nghe nói của kiểm soát viên không lưu.
Hi hữu hơn là vụ việc hôm 27/6, khi kiểm soát viên thực tập Trương Nguyễn Quỳnh Anh đã cấp huấn lệnh bay sai tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Kiểm soát viên này đã không quan sát đường cất hạ cánh, cấp huấn lệnh bay cho máy bay VN-A198 của Jestar Pacific khi máy bay VN-A356 của Vietnam Airlines chưa thoát ly khỏi đường cất hạ cánh.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Hàng không VN, dù chưa gây hậu quả, nhưng đây là vụ việc uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng, do lỗi vi phạm mang tính hệ thống: bố trí nhân viên thực tập chưa có giấy phép, năng lực chuyên môn điều hành hoạt động bay chính.
(Theo Đất Việt)
Máy bay VNA, Jestar suýt va chạm: Cục hàng không chỉ lỗi
- Ngày 11/7, máy bay của Jetstar Pacific đi TP HCM có nguy cơ va chạm với máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Cấp huấn lệnh bay sai
Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 11/7, ông Lại Xuân Thanh - Cục hàng không VN đã cho biết nguyên nhân dẫn đến sự cố: "Do kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh bay sai vi phạm quy định quy chế hàng không dân dụng. Chắc chắn là do quan sát không kỹ, nhưng không phải là suýt va chạm".
Thế nhưng, theo chia sẻ của ông Thanh thì Cục xem xét hành vi cấp huấn lệnh bay, dù đã xảy ra va chạm hay không va chạm thì vẫn xét hành vi đó là nghiêm trọng. Cụ thể là lỗi của đài kiểm soát không lưu tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Bởi vì, ông Thanh cho biết: "Nhiệm vụ của đài kiểm soát không lưu là điều hành máy bay lên đường băng, chạy và cất cánh, bay đến vùng trời tiếp cận ở sân bay, sau đó mới chuyển sang cơ quan điều hành đường bay dài, đó là những nhiệm vụ của đài kiểm soát không lưu".
Chính vì vậy, theo ông Thanh thì không cần biết huấn lệnh của anh đã gây ra cái này hay cái kia, nhưng hành vi cấp huấn lệnh bay sai là chính thức nghiêm trọng có thể dẫn đến tai nạn thảm khốc, chưa cần tính đến va chạm hay không va chạm, nhưng trong trường hợp này là chưa va chạm.
Hai máy bay suýt va chạm nhau. Ảnh minh họa
Nói đến trách nhiệm đối với sự cố này, ông Thanh khẳng định: "Đây lỗi của cả một hệ thống quản lý bay, tại vì kiểm soát viên không lưu đã cấp huấn lệnh sai, đúng với quy định vi phạm của quy chế không lưu hàng không dân dụng. Tức anh không quan sát đường băng trong khi trên đường băng vẫn có máy bay của hãng khác lại đi cấp huấn lệnh bay, đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng, uy hiếp an toàn bay của hàng không".
Sẽ xử phạt nghiêm khắc
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Cục hàng không đang điều tra và hoàn thiện kết luận rồi báo cáo Bộ GTVT và đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc, giống như xử lý các cá nhân cụ thể vụ Vietjet Air vừa qua.
Nhìn nhận lại những sự cố trong ngành hàng không thời gian qua, ông Thanh cũng đã nhận khuyết điểm trong khâu quản lý, giám sát, đưa ra các biện pháp:
Một là,tăng cường giám sát, sát sao hơn, đổi mới một cách toàn diện phương thức kiểm tra giám sát nâng cao hiệu quả lớn hơn, đặc biệt áp dụng các chế tài nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước. Phải đổi mới từ con người, nội dung giám sát, phương thức giám sát, năng lực giám sát cũng phải được cải thiện, nâng cao.
Cục đã triển khai công tác giám sát rồi nhưng các sự cố vẫn xảy ra nhiều thì có nghĩa Cục giám sát chưa hiệu quả, chưa hiệu quả thì Bộ trưởng đã chỉ đạo phải đổi mới toàn diện, đổi mới năng lực phương pháp, nội dung cho đến năng lực, nhân lực để làm sao hiệu quả hơn.
Hai là,tăng cường, áp dụng các chế tài mạnh mẽ hơn, đối với các vi phạm quy định về an toàn, để làm sao hiệu lực quản lý nhà nước được nâng cao.
Trước đó, Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của những người có liên quan để xảy ra tình huống 2 máy bay có thể va chạm trên đường băng của sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6.
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Hàng không, sự việc xảy ra trong vòng 7 phút, trong khoảng thời gian từ 20h41 đến 20h48.
Lúc này, sân bay quốc tế Đà Nẵng tiếp nhận chuyến bay HVN130 của Vietnam Airlines từ TP HCM hạ cánh xuống và chuẩn bị cho chuyến bay PIC595 của Jetstar Pacific cất cánh đi TP HCM. Bản tin quan trắc cho biết tại sân bay không có hiện tượng thời tiết đặc biệt, tầm nhìn khoảng 10 km.
Các hệ thống thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát đều hoạt động bình thường. Trách nhiệm điều hành không lưu là Công ty quản lý bay miền Trung thuộc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam.
Lúc 20h41p17s, chuyến bay HVN130 của Vietnam Airlines được nhân viên điều hành không lưu cho phép hạ cánh xuống đường băng 35 Phải. Tổ lái đã báo cáo nhận huấn lệnh. Cách đó 7s, chuyến bay PIC595 của Jetstar Pacific đang dừng chờ tại đường lăn E5 thì kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho phi công rẽ phải vào đường băng 35 Phải, lăn bánh đến cuối đường và quay đầu để vào đường băng 17 Trái chuẩn bị cất cánh.
17s sau, máy bay Vietnam Airlines được lệnh lăn chậm trên đường băng và dừng lại trước đường lăn E5 để chờ.
Lúc 20h46p38s, kiểm soát viên không lưu chỉ thị cho máy bay của Jetstar Pacific cất cánh theo đường băng 17 Trái. Nhưng chỉ 12s sau khi yêu cầu Jetstar Pacific cất cánh, phi công của Vietnam Airlines thông báo với đài không lưu chưa thoát ra khỏi đường băng.
Lúc này, kiểm soát viên không lưu mới phát hiện, hủy ngay lệnh cất cánh đối với Jetstar Pacific và tổ lái đã thực hiện ngay theo chỉ lệnh mới. Phải mất 56s nữa, máy bay của Vietnam Airlines mới rời khỏi đường băng để vào sân đỗ, đủ điều kiện cho Jetstar Pacific cất cánh. Lúc 20h48 phút, máy bay của Jetstar Pacific cất cánh an toàn.
Cục Hàng không đã thành lập Đoàn điều tra sự cố, đang thu thập thông tin, dữ liệu và sẽ có báo cáo trong 1 hoặc 2 ngày tới.
VietJet Air hạ cánh nhầm: Kỷ luật hàng loạt cá nhân
Ngày 10/7,Cục Hàng Không đình chỉ Giấy phép người lái tàu của Cơ trưởng Pavel Ondrej, Cơ phó Amin Hassiri và Tiếp viên trưởng Phan Thị Hương Trang với thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm đình chỉ giấy phép để VietJet Air thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm và huấn luyện lại các quy trình khai thác và kỹ năng phối hợp tổ bay (CRM), báo cáo Cục Hàng Không trước ngày 20/7.
Bên cạnh đó, là rất nhiều cán bộ, nhân viên liên quan đến sự việc. Cục Hàng Không Việt Nam cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tập thể đối với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Cảng vụ Hàng không miền Bắc.
Thanh Huyền
Theo_Báo Đất Việt
50 chuyến bay bị ảnh hưởng vì mất điện tại ACC Hồ Chí Minh Thời điểm mất điện tại ACC Hồ Chí Minh trưa nay (20/11), có 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, trong đó bị ảnh hưởng trực tiếp là 3 chuyến bay quốc tế quá cảnh. Đây là sự cố chưa có tiền lệ trong lịch sử không lưu. Ngay khi sự cố xảy, lãnh đạo Cục...