Cục trưởng Cục Điện ảnh: ‘King Kong đến, ta được gì?’
Theo Cục trưởng Ngô Phương Lan, việc xuất hiện trong một vài cảnh quay của các phim như “King Kong” (Kong: Skull Island)… không có nghĩa hình ảnh Việt Nam sẽ lập tức thay đổi!
- Đoàn làm phim King Kong đã bắt đầu sang Việt Nam để triển khai công việc. Khi làm việc với Cục Điện ảnh, phía Cục đã đưa ra quy định nào với phía đoàn phim khi họ quay tại các danh lam thắng cảnh của Việt Nam?
- Theo đúng quy định, Cục Điện ảnh chỉ đọc và thẩm định kịch bản sau đó trình Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ra quyết định cho phép một đơn vị Việt Nam có chức năng sản xuất phim đón và phối hợp giúp đỡ đoàn vào Việt Nam quay phim.
Chúng tôi làm việc trên tinh thần cởi mở, tạo điều kiện, hợp tác để đoàn làm phim nước bạn đến Việt Nam quay được thuận lợi. Nhưng không thể ghi vào văn bản giám định kịch bản hay quyết định cho phép quay phim thêm một điều là bắt buộc phải quảng bá hình ảnh Việt Nam vì như vậy không đúng Luật. Yêu cầu này sẽ nằm trong hợp đồng của đơn vị Việt Nam được giao cung cấp dịch vụ ký với đoàn phim nước ngoài.
TS. Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh.
- Khi Hollywood đến Trung Quốc quay phim, phía Trung Quốc từng đặt ra rất nhiều điều kiện, trong đó có việc giữ gìn bối cảnh, việc quảng bá hình ảnh đất nước, thậm chí cả việc các ngôi sao Trung Quốc sẽ xuất hiện trên phim như thế nào. Vì sao chúng ta lại không làm điều đó, thưa Cục trưởng?
- Cục Điện ảnh đã có văn bản gửi Cục Hợp tác Quốc tế – đơn vị được Bộ giao đón và quản lý đoàn làm phim và sẽ chịu trách nhiệm làm việc trực tiếp với đoàn làm phim. Trong văn bản, Cục Điện ảnh đề nghị Cục Hợp tác Quốc tế yêu cầu phía nước ngoài cam kết quảng bá những địa điểm quay phim, phong cảnh đẹp, qua đó quảng bá du lịch và thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài việc quảng bá, trong quá trình quay phim cũng phải quan tâm đến việc bảo tồn danh lam thắng cảnh, giữ gìn hình ảnh đất nước… Phía các tỉnh thành nơi đoàn làm phim đến quay cũng sẽ làm việc cụ thể với họ về những nội dung này.
- Cục Điện ảnh quan tâm như thế nào đến việc quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước trong những dự án phim hợp tác như thế này, thưa Cục trưởng?
- Cục Điện ảnh luôn quan tâm đến yếu tố quảng bá hình ảnh đất nước, đã có trong nhiều buổi tọa đàm giới thiệu và triển lãm bối cảnh và tiềm năng hợp tác làm phim tại Việt Nam tại các sự kiện điện ảnh ở các nước, các liên hoan phim quốc tế.
Tuy nhiên, thông điệp quảng bá phải được chuyển tải một cách khéo léo. Chúng ta không thể vừa gặp họ đã yêu cầu, anh muốn đến đất nước chúng tôi quay phim, anh phải có trách nhiệm quảng bá hình ảnh cho Việt Nam. Muốn quảng bá, chúng ta phải chủ động. Chúng ta có thể đẩy mạnh truyền thông trong nước và quốc tế về việc Hollywood đến quay “bom tấn” ở các điểm nổi tiếng tại Việt Nam để thế giới biết. Hoặc có thể quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua cảm nhận của các ngôi sao Hollywood… chứ đâu phải chỉ có cách “bắt” họ ghi địa danh của mình lên phim.
Mặt khác, phía Việt Nam mình tạo điều kiện cho họ, nhưng không chạy theo bằng mọi giá mà trước hết phải bảo vệ các giá trị văn hóa của mình.
- Việc quảng bá hình ảnh đất nước luôn được nhấn mạnh mỗi khi các danh thắng của Việt Nam được chọn là bối cảnh trong phim quốc tế. Năm 2016, ngoài đoàn làm phim King Kong, còn có các phim của Bollywood sẽ đến Việt Nam… Dư luận đang kỳ vọng, đây sẽ là cơ hội để điện ảnh giúp du lịch Việt Nam thăng hạng. Quan điểm của bà về vấn đề này?
- Chúng tôi vui mừng, chào đón các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam quay phim. Đó đúng là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước. Còn là cơ hội để chúng ta học hỏi, nâng cao tính chuyên nghiệp điện ảnh. Khi làm việc, chúng tôi không quên giới thiệu với các đoàn làm phim quốc tế về những danh lam thắng cảnh tươi đẹp của đất nước như Vịnh Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình…
Mình còn nhấn mạnh với họ về việc, khi đến đây, họ được an toàn. Việt Nam là điểm đến lý tưởng khi an ninh quốc gia được đảm bảo tuyệt đối. Thêm nữa, Việt Nam là đất nước có lịch sử lâu đời, nhiều giá trị văn hóa, nhiều câu chuyện thú vị có thể khám phá.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tôi cũng phải chia sẻ thêm rằng, đó là cơ hội lớn nhưng không phải là tất cả … Bởi không phải xuất hiện trên một vài cảnh quay của các phim Hollywood là ngay lập tức, hình ảnh Việt Nam sẽ hoàn toàn thay đổi trong mắt thế giới. Không phải cứ xuất hiện trên phim Hollywood là hình ảnh của chúng ta sẽ đẹp hơn bội phần. Chưa kể, King Kong lấy bối cảnh trái đất thời cổ đại, chắc họ sẽ không ghi lên màn ảnh là “Hạ Long- Việt Nam năm 2016″! Sau khi ra rạp, còn phải xét đến sức hút của phim. Ví như bộ phim Pan quay một số cảnh tại hang Én, Quảng Bình năm vừa rồi đã không có được lượng khán giả như mong đợi.
‘Không phải cứ xuất hiện trên phim Hollywood là hình ảnh Việt Nam bỗng đẹp lên bội phần…’
- New Zealand đã trở nên nổi tiếng thế giới sau khi trở thành bối cảnh của loạt phim về người Hobbit. Vậy theo bà, chúng ta cần những gì để Việt Nam trở thành điểm đến của thế giới sau khi xuất hiện trên những dự án phim bom tấn như King Kong…?
- Tôi nghĩ, đó là một câu chuyện dài, cần sự phối hợp và cố gắng vun đắp của nhiều cơ quan chức năng, thậm chí của từng người dân nơi đoàn đến quay phim chứ không phải là câu chuyện của riêng ngành điện ảnh.
- Cuối năm 2015, có thông tin về những cuộc gặp gỡ giữa Cục Điện ảnh và Bollywood (Ấn Độ) về việc hợp tác trong thời gian tới. Bollywood sẽ đầu tư sản xuất các bộ phim quay tại Việt Nam. Bà có thể chia sẻ một vài thông tin về sự hợp tác này?
- Cục đã làm việc với các nhà làm phim Ấn Độ, tuy nhiên, mọi thứ còn nằm ở dự định. Các nhà làm phim Bollywood rất phấn khởi, trao đổi rất nhiều, họ thích Việt Nam và muốn làm phim ở đây… Nhưng mọi dự định cần thêm nhiều thời gian để thành hiện thực.
Theo Zing
'Nhiệm kỳ của tôi, không dễ có thêm một Hoa vàng cỏ xanh'
Trước thềm năm mới, Cục trưởng Cục Điện ảnh - Tiến sĩ Ngô Phương Lan có cuộc trò chuyện với phóng viên Zing.vn về bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" và điện ảnh Việt năm qua.
Điện ảnh Việt năm 2015 được đánh giá đã có những bước tiến nhất định. Phim nhảm, phim thảm họa giảm trông thấy. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đánh giá như một hiện tượng điện ảnh. Bộ phim là cái bắt tay đầu tiên giữa Cục Điện ảnh và các hãng phim tư nhân.
Cục trưởng Cục Điện ảnh - TS. Ngô Phương Lan. Ảnh: NVCC
"Kịch bản Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nằm trên bàn tôi 2 năm"
- Bộ phim &'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' được đánh giá là hiện tượng điện ảnh của năm 2015. Trước đây, khi nhắc đến phim nhà nước đặt hàng, người ta thường chỉ nhớ đến những phim lịch sử ế khách. Tại sao &'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' lại khác biệt, thưa bà?
- Cách đây chừng 3 năm, hầu hết các hãng phim tư nhân chỉ muốn đầu tư cho những dự án phim hài, sau đó là phim "ma, kinh dị" mang tính giải trí để khi ra rạp dễ bề thu hồi vốn. Khi đó, họ rất ngại đầu tư vào những dự án phim nghệ thuật, vì sợ rủi ro, sợ thua lỗ. Kịch bản phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của tác giả Việt Linh chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã trình lên Cục Điện ảnh từ năm 2012. Tôi thích chất điện ảnh, sự trong trẻo của tâm hồn các nhân vật và màu sắc nhân văn của kịch bản. Phía các nhà sản xuất khi ấy rất băn khoăn, chần chừ chưa đầu tư cho dự án phim. Đứng trước sự băn khoăn này, Cục Điện ảnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tìm cơ chế đầu tư cho dự án phim.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim đầu tiên Cục Điện ảnh đặt hàng 70% cho các hãng phim tư nhân sản xuất (sau này các hãng có đầu tư thêm). Cá nhân tôi tin rằng phim sẽ hay và có khán giả, nhưng tôi vẫn bất ngờ trước những thành công mà bộ phim đạt được, cả về hiệu quả xã hội và doanh thu.
Thành công của bộ phim cho chúng ta một niềm tin lớn vào thị hiếu khán giả. Nếu như trước đây, những bộ phim bị truyền thông gắn mác là hài nhảm thường vẫn có được doanh thu, bây giờ đã khác. Phim hài nhảm, phim thảm họa không còn thắng thế ở rạp, vì không được khán giả đón nhận như cách đây vài năm. Tôi cho rằng, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có thể xem là một mốc lịch sử mới về sự kết hợp hài hòa giữa chất lượng phim và thị hiếu khán giả, trong những năm gần đây. Phim đã khơi dòng trong cho điện ảnh Việt.
Trong nhiệm kỳ của tôi, có lẽ, chỉ một lần có được dự án phim thành công như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, vì thành công ấy kết hợp cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
- Nhìn vào sự thành công của &'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh', không ít người đã đặt câu hỏi, tại sao Cục Điện ảnh và nhà nước không đầu tư tiền cho những dự án phim chất lượng như thế, thay vì cứ đi dồn tiền cho những phim lịch sử không bán được vé?
- Chúng ta vẫn phải đầu tư cho cả 2. Ở các nước, họ vẫn có Quỹ Điện ảnh (lấy từ phần trăm số tiền bán vé các phim) để đầu tư cho các dự án phim. Ở Việt Nam chưa có được Quỹ này. Dự án Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhđược xem như một thí điểm đầu tiên của Cục Điện ảnh. Sau thành công có được của phim, tôi hy vọng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn những dự án phim chất lượng được tư nhân và nhà nước hợp tác cùng làm.
Phim lịch sử, phim đặt hàng cho những dịp kỷ niệm lớn của đất nước lại có sứ mệnh riêng và trước hết nó phải phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tôi lấy ví dụ, năm 2015, Cục Điện ảnh được giao nhiệm vụ tổ chức nhiều Tuần phim, Đợt phim lớn, trong đó có Tuần phim kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng CSVN, Đợt phim kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Tất cả những Đợt phim, Tuần phim đó đều chiếu phim lịch sử, phim truyền thống cách mạng, phim chiến tranh hàng tháng trời ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước.
Bởi vậy, tôi thấy nên có cách nhìn toàn diện và công bằng, không nên "bắt" phim đặt hàng theo tiêu chí phục vụ nhiệm vụ chính trị phải "chạy đua" với phim thị trường và phải có doanh thu cao. Ngay ở Pháp, mỗi năm cũng có cả trăm phim được nhà nước tài trợ để làm, và cũng không đòi hỏi phim phải thu hồi vốn.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai cường quốc điện ảnh trong khu vực, mỗi năm sản xuất cả nghìn phim nhưng số phim xuất sắc của họ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ta sản xuất trên dưới 40 phim/năm, có được một phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhđã là rất quý, đừng bắt tất cả các phim đều phải đạt mức xuất sắc, vì như vậy là duy ý chí!
- Đánh giá khách quan của Cục trưởng về các phim lịch sử do nhà nước đặt hàng?
- Cũng phải nhìn nhận nghiêm khắc rằng một số bộ phim đặt hàng chất lượng chưa cao, chưa có sức hấp dẫn; khâu tiếp thị, tuyên truyền quảng bá phim của các hãng phim nhà nước yếu và chưa chuyên nghiệp. Đây là điều mà ngành điện ảnh phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong thời gian tới.
Tôi muốn nói thêm rằng, ở các tỉnh, doanh thu chiếu bóng gần như không có, nhưng nhu cầu xem phim của người dân lại rất lớn. Bà con ở các tỉnh không thích xem phim nước ngoài, hoặc các phim giải trí xa lạ mà thích xem phim chiến tranh, phim cách mạng, phim lịch sử... hơn. Vì vậy, những bộ phim do nhà nước đặt hàng luôn được sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần, trong nhiều tuần lễ phim kỷ niệm, suốt nhiều năm ròng, ở khắp các tỉnh thành, theo đó, cũng nên ghi nhận những gì mà các phim ấy đã và đang phục vụ công chúng.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đánh giá là hiện tưởng điện ảnh của năm 2015. Ảnh : Đoàn làm phim cung cấp
- Phim lịch sử đặt hàng cũng có thể hấp dẫn nếu dự án được giao cho những đạo diễn trẻ tài năng. Phim lịch sử của chúng ta đang bị chê sáo mòn, cũ kỹ bởi cách sản xuất của những hãng phim cũ, bởi cách làm của những đạo diễn cũ. Ý kiến của Cục trưởng về vấn đề này?
- Cục Điện ảnh đã có thư mời hãng tư nhân gửi kịch bản và các dự án làm phim để tuyển chọn, trong đó có phim lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, danh nhân; có cả phim về đề tài hiện đại, công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, về thanh thiếu niên, về chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng... Nhưng thời gian qua chưa có dự án phim lịch sử nào đáng kể của hãng phim tư nhân gửi đến Cục.
Làm phim lịch sử rất khó, ngay đến các phim Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long của các hãng tư nhân dù được đầu tư kinh phí rất cao (cao hơn các phim đặt hàng của nhà nước), đạt chất lượng cao về hình ảnh, được đánh giá tốt về nội dung và nghệ thuật nhưng cũng không thể thu hồi được vốn!
Tại LHP 19 vừa qua, tôi cho rằng, điện ảnh Việt đã có những tín hiệu vui về một thế hệ đạo diễn trẻ đầy nhiệt huyết đang khẳng định tiếng nói của mình. Điện ảnh mỗi giai đoạn đều có một thế hệ đạo diễn đóng góp công sức, gánh vác trách nhiệm. Đã đến lúc, không thể đòi hỏi thêm nhiều ở các đạo diễn lão thành, chúng ta cần phải đặt niềm tin vào một thế hệ đạo diễn trẻ, có năng lực gánh vác công việc của điện ảnh Việt hôm nay.
"Victor Vũ sẽ còn tiến xa h ơ n"
- Nhắc đến một thế hệ đạo diễn mới, lại có câu chuyện về các đạo diễn Việt Kiều. Chỉ vài năm trước, các nhà làm phim trong nước có cái nhìn... kỳ thị với các đạo diễn Việt Kiều bởi cho rằng họ không còn giữ được những gì thuộc về bản sắc dân tộc. Nhưng, Victor Vũ đang là một nhân vật nổi bật của điện ảnh Việt. Vượt qua những nghi ngại về tài năng, Victor Vũ đang là đạo diễn được tung hô, khen ngợi. Quan điểm của bà về các đạo diễn trẻ Việt kiều?
- Trước khi tôi làm Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã có thời gian dài làm trưởng phòng Nghệ thuật và các đạo diễn Việt kiều đã từng làm phim đặt hàng tài trợ của nhà nước, ví dụ đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh làm phim Mùa len trâu, đạo diễn Hồ Quang Minh làm Bụi hồng, Thời xa vắng... Đến Victor Vũ, cá nhân tôi cho rằng, đó là một đạo diễn có tài. Tay nghề của Victor Vũ đã được khẳng định qua nhiều dự án phim ăn khách.
Khi nhà sản xuất trình dự án phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, và đề xuất mời đạo diễn Victor Vũ, Cục Điện ảnh đồng ý ngay. Dù, đề tài của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh rất mới với chính Victor Vũ.
Trong quá trình làm phim, nhà sản xuất phải trình bản dựng, bản hòa âm để Hội đồng của Cục thẩm định, góp ý. Phía nhà sản xuất và đạo diễn Victor Vũ đã tiếp thu, điều chỉnh rất cầu thị.
Với tài năng và sự cầu tiến của một người trẻ, tôi tin rằng, Victor Vũ sẽ còn tiến xa hơn.
Phim lịch sử do nhà nước đặt hàng ra rạp khó bán vé. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.
- Trở lại với câu chuyện từ LHP 19, nhiều nhà làm phim đã xúc động khi khán giả chen chân xếp hàng đến rạp xem phim Việt. Việc khán giả bắt đầu tin yêu điện ảnh Việt đặt thêm trách nhiệm nào cho các cấp quản lý ngành trong năm tới, thưa bà?
- Liên hoan phim 19 tổ chức tại TP HCM cũng là một thuận lợi, khi đây là trung tâm kinh tế, xã hội, văn hóa giải trí lớn nhất cả nước. Nhiệm vụ của BTC chúng tôi là làm thế nào để sự kiện điện ảnh có sức lan tỏa đến đông đảo khán giả. Chứng kiến, khán giả xếp hàng đến xem phim, đó là niềm động viên rất lớn đến những nhà làm phim Việt.
LHP 19 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của phim Việt từ chất lượng đến số lượng. Nếu năm 2011và 2012 chúng ta chỉ có khoảng 15- 16 phim/năm, từ 2013, 2014 có 25-26 phim/năm, thì đến 2015 chúng ta có 40 phim. Nguồn lực xã hội hóa tham gia sản xuất phim ngày càng lớn.
Nếu ở LHP 18 năm 2013 có 23 phim tham gia tranh giải gồm cả "thảm họa, hài nhảm" (vì theo điều lệ LHP từ xưa đến đó, phim tranh giải không qua tuyển chọn. Mà số lượng phim ít cũng không thể tuyển lựa) thì năm 2015, tại LHP 19, với số lượng phim tăng vọt, Cục Điện ảnh đã lập Hội đồng tuyển chọn phim vào cấc hạng mục phim tranh giải và phim chiếu Toàn cảnh theo thông lệ quốc tế. Khi đã có vòng tuyển chọn thì chỉ những phim chất lượng mới có quyền bước vào tranh giải.
Nhìn lại như vậy để thấy rằng, rõ ràng, điện ảnh Việt đang có những bước tiến rõ rệt và sẽ còn phát triển hơn nữa. Trách nhiệm của chúng tôi là thúc đẩy, tạo điều kiện và hợp tác với các hãng phim, các nhà làm phim và những tổ chức cá nhân quan tâm đến điện ảnh để điện ảnh Việt có thêm nhiều tác phẩm hay hơn nữa, chất lượng hơn nữa phục vụ khán giả.
"Nhân dịp năm mới, tôi gửi lời chúc độc giả Zing.vn hạnh phúc, thành công, toại nguyện những điều mình mong ước. Là một người làm điện ảnh, tôi ước rằng, khán giả Việt sẽ luôn ủng hộ điện ảnh Việt chân thành, nhiệt tình nhất có thể, để chúng ta cùng chung tay xây dựng một nền điện ảnh phát triển hơn, vững mạnh hơn" - Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan.
Theo Zing