Cục Trồng trọt: Thu phí xuất khẩu thanh long ruột đỏ là đúng luật
Ông Nguyễn Thanh Minh – Chánh Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cho rằng: Nếu Việt Nam thực hiện tốt các vấn đề liên quan đến bảo hộ giống cây trồng, về lâu dài, nông dân sẽ được lợi nhờ bán sản phẩm giá cao. Trong khi mức giá chia sẻ tác quyền hiện khá thấp, chỉ mới là tượng trưng.
Theo ông Minh, nếu một doanh nghiệp đã mua bản quyền bảo hộ giống cây trồng thì sẽ có quyền yêu cầu cơ quan hải quan giám sát các doanh nghiệp xuất khẩu trái thanh long có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, với điều kiện lô hàng đó phải sản xuất từ nguồn vật liệu bất hợp pháp, không do chủ sở hữu giống cây này xuất ra.
Nghĩa là đối với thanh long ruột đỏ LĐ1, lô hàng đó phải được thu hoạch từ vườn cây trồng bằng giống mua từ chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép cung cấp giống ra thị trường. Lúc này, chủ sở hữu giống không có quyền ngăn chặn chủ lô hàng xuất khẩu, kinh doanh… Ngược lại, cơ quan Hải quan có quyền chặn lô hàng lại để đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu giống cây trồng.
Thực hiện tốt bảo hộ giống cây trồng sẽ giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyên Vỹ
Vấn đề đặt ra là, 2017 doanh nghiệp mới mua lại bản quyền giống LĐ1 từ Viện Cây ăn quả miền Nam nhưng từ nhiều năm trước đó, Viện đã bán giống đại trà cho nông dân. Vậy thì, đối với diện tích thanh long LĐ1 này, có được xem là có nguồn gốc giống hợp pháp hay không, thưa ông?
- Theo tôi, trước thời điểm được cấp bằng bảo hộ thì giống cây trồng đó chưa được coi là một giống, vì chưa có tên trong danh mục giống cây trồng cho phép lưu hành, sản xuất, kinh doanh của Bộ NNPTNT.
Còn từ khi được cấp bằng bảo hộ, diện tích trồng trước đó được coi như là diện tích mà Viện Cây ăn quả miền Nam trồng thử nghiệm. Viện phải khoanh vùng diện tích dùng giống đã bán ra trước khi đổi chủ sở hữu. Đồng thời, phải cùng chủ sở hữu mới đứng ra thương lượng với nông dân để hài hòa lợi ích đôi bên.
Vì cây ăn quả khác cây lúa, cây ngô ở thời gian sinh trưởng, thu hoạch lâu dài nên cũng không thể bắt nông dân đốn bỏ vườn giống của chủ cũ đi để thay bằng giống mới.
Trong điều kiện bảo hộ giống cây trồng ở nước ta như hiện nay, mức thu phí bao nhiêu thì hợp lý, đảm bảo lợi ích cho chủ sở hữu, đồng thời cũng không bị nông dân phản ứng, thưa ông?
- Khi một doanh nghiệp chấp nhận mua bản quyền sở hữu trí tuệ giống cây trồng, nghĩa là họ phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ với cơ quan nhà nước, phải đóng phí duy trì hiệu lực bảo hộ giống cây trồng hằng năm và các chi phí khác nữa, các khoản này khá lớn nên người sản xuất phải có trách nhiệm chia sẻ với chủ sở hữu.
Doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí duy trì hiệu lực bảo hộ giống cây trồng hằng năm. Ảnh: Nguyên Vỹ
Đối với thanh long ruột đỏ, thời gian bảo hộ là 20 năm. Trong 3 năm đầu, mỗi năm, chủ sở hữu phải đóng cho cơ quan nhà nước 3 triệu đồng/năm để duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng.
Cứ 3 năm sau đó số tiền chủ sở hữu phải đóng sẽ tăng theo mức lũy tiến. Nghĩa là từ năm thứ 4 đến năm thứ 6, chủ sở hữu phải đóng 5 triệu/năm, từ năm thứ 7 đến năm thứ 10, số tiền phải đóng là 7 triệu/năm… Số tiền cao nhất mà chủ sở hữu phải đóng để duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng là 20 triệu đồng/năm.
Trong trường hợp doanh nghiệp không đóng các khoản này nữa, thì bằng bảo hộ giống cây trồng của doanh nghiệp đó hết hiệu lực. Ngoài ra, việc số tiền đóng tăng lũy tiến theo từng 3 năm nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu giống cây trồng và người sản xuất.
Video đang HOT
Các chi phí khá lớn nên người sản xuất phải có trách nhiệm chia sẻ với chủ sở hữu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cụ thể, ví dụ như trong vài năm tới, chủ sở hữu giống không kinh doanh, thu lợi nhuận từ giống cây trồng mà họ đăng ký bảo hộ nữa thì họ sẽ dừng hiệu lực bằng bảo hộ. Lúc này, tất cả bà con nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận giống cây trồng này một cách dễ dàng hơn.
Do đó, chiếu theo luật, chủ sở hữu mới có quyền cho phép hoặc không cho phép bên thứ ba khai thác các sản phẩm từ giống cây trồng đã được họ đứng tên bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Còn bên sử dụng giống đã được bảo hộ cũng phải có trách nhiệm chia sẻ tác quyền với chủ sở hữu. Mức phí thì tùy đôi bên thương lượng.
Việc doanh nghiệp thu phí tác quyền giống cây trồng có khiến giá thành nông sản đội lên không, thưa ông?
- Việc trả phí bảo hộ giống cây trồng khá phổ biến ở các nước phát triển, ví dụ như ở Nhật, nông dân phải trả phí tác quyền trên từng cành hoa và ban quản lý chợ sẽ có trách nhiệm thu khoản phí này khi nông dân đem hoa tới chợ bán.
Mức giá chia sẻ tác quyền giống cây trồng hiện nay chỉ ở mức tượng trưng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, phải có sự bàn bạc, chia sẻ giữa các bên, không nên áp đặt quá khiến các bên phản ứng. Tôi nghĩ, mức giá chia sẻ tác quyền giống cây trồng hiện nay chỉ ở mức tượng trưng, không đáng kể.
Trong khi nếu ta đảm bảo được việc tuân thủ các quy định về bảo hộ giống cây trồng, giá bán các sản phẩm này trên thị trường sẽ khá cao, lợi nhuận mang lại cho cả nông dân và doanh nghiệp cũng sẽ lớn hơn nhiều so với mức phí mà nông dân phải chia sẻ.
Xin cám ơn ông!
Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Chánh Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, tình hình đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam đang rất khả quan, số đơn tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2017, Văn phòng nhận 266 đơn bảo hộ, so với những năm trước, chỉ trung bình ở mức hơn 100 đơn, trước đó chỉ khoảng vài chục đơn.
Ngoài ra, rất nhiều giống mới từ nước ngoài vào và các doanh nghiệp thực hiện việc bảo hộ giống cây trồng rất nghiêm túc. Ví dụ như ở Đà Lạt, nhiều giống hoa rất đẹp, được bán với giá rất cao trên thị trường và chủ sở hữu rất coi trọng việc bảo hộ giống cho bản thân doanh nghiệp.
Khi hệ thống bảo hộ giống cây trồng của mình tốt, các tác giả nước ngoài sẽ yên tâm hơn trong việc đưa giống mới vào Việt Nam sản xuất, phát triển. Trước đây việc này rất hiếm, các doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ đưa những giống cũ, sắp hết hiệu lực bảo hộ vào Việt Nam sản xuất nhưng nay Việt Nam đã có thể có nhiều giống mới được du nhập vào.
Theo Danviet
Thu phí xuất khẩu thanh long ruột đỏ nông dân sẽ có lợi hơn về giá
Nếu việc tuân thủ các quy định về quyền bảo hộ giống cây trồng, trong lâu dài, nông sản Việt Nam sẽ bán được giá cao hơn gấp nhiều lần, nhà nghiên cứu tự tin hơn trong việc cho ra các giống mới và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng sẽ không thể cạnh tranh theo hướng giảm giá để dành thị trường.
Đóng phí tác quyền để bán thanh long giá cao
Những ngày qua, nông dân và cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thanh long khu vực Long An xôn xao trước thông tin phải trả phí tác quyền khi xuất khẩu thanh long ruột đỏ giống LĐ1.
Cụ thể, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) đã gửi công văn lên Cục Hải quan TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phải tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho rằng, từ năm 2017, Viện Cây ăn quả miền Nam đã chuyển giao bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 do Viện lai tạo cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với giá 5 tỷ đồng, thời hạn bảo hộ đến năm 2037.
Viện Cây ăn quả miền Nam đã chuyển giao bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 cho Công ty Hoàng Phát Fruit từ năm 2017. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Huy cũng đã làm việc với một số bà con nông dân trồng giống LĐ1 do Viện Cây ăn quả miền Nam cung cấp trước đó và các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu trái cây về việc tuân thủ các quy định bảo hộ giống cây trồng.
Mục tiêu của việc này là nhằm giữ giá bán sản phẩm thanh long ruột đỏ LĐ1 vào các thị trường lớn ở mức cao, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp trong thời gian lâu dài. Vì nếu xuất khẩu tràn lan, cạnh tranh theo kiểu giảm giá sẽ khiến Việt Nam mất lợi thế trên thị trường, ông Huy nói.
Ông Huy cho ví dụ, hiện tại có 3 nhà máy đang bán thanh long ruột đỏ LĐ1 vào Nhật Bản. Ban đầu bán được 4USD/kg, sau đó, một nhà máy cạnh tranh giảm giá còn 3USD/kg, rồi thêm nhà máy khác giảm chỉ còn có 2USD/kg... nên giá thu mua trong nước cũng giảm theo.
Hay như một số giống xoài, ban đầu Hoàng Huy xuất khẩu được với giá 23 USD/thùng vào Hàn Quốc nên mua giá của nông dân rất cao, từ 30.000 - 40.000 đồng/kg và nông dân rất vui lòng hợp tác với Hoàng Huy để sản xuất ra những lô sản phẩm chất lượng.
Tuy nhiên, về sau, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh giảm giá nên hiện giờ chỉ còn ở mức 15-17USD/thùng và tương lai sẽ còn giảm nhiều nữa. Kéo theo đó là giá thu mua của nông dân cũng giảm theo.
Doanh nghiệp đồng ý hợp tác hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng giống thanh long LĐ1. Ảnh: Nguyên Vỹ
Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long LĐ1, ông Huy cho rằng, nếu chấp nhận bán ra thị trường với giá từ 3 - 3,5USD/kg, thì Hoàng Phát sẽ không ý kiến gì về việc bản quyền. Vì khi giá bán giữ được ở mức cao, doanh nghiệp có lãi mà người nông dân cũng được thu mua giá cao.
Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cao hơn thị trường 10% cho nông dân trồng giống LĐ1, điều chúng tôi muốn là hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá quá sâu làm mất giá sản phẩm trên thị trường.
Nông dân không hề... thấy phiền
Ông Cao Văn Xị (Tư Xị, ngụ ấp Thanh Hòa, xã Thanh Phú Lâm, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết, gia đình ông có gần 3 mẫu đất (1 mẫu khoảng 10.000m2) trồng thanh long ruột trắng và ruột đỏ giống LĐ1. Nguồn giống LĐ1 được mua từ Viện Cây ăn miền Nam với giá 20.000 đồng/hom.
Trước đây, khi chưa nắm bắt được kỹ thuật nên thanh long ruột đỏ có năng suất thấp hơn so với ruột trắng, tuy nhiên, nếu ruột trắng chỉ bán được với giá 10.000 đồng/kg thì thanh long ruột đỏ có giá đến 20.000 - 25.000 đồng/kg. Vào vụ nghịch (vụ chong đèn), giá ruột đỏ có thể lên mức 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Hiện nay, sau 6 năm chăm sóc, năng suất vườn thanh long ruột đỏ LĐ1 của vợ chồng ông Tư Xị cũng đã tương đương với giống ruột trắng, khoảng 1,5 tấn/công.
Lúc mua giống phía Viện Cây ăn quả miền Nam cũng có giải thích rõ vấn đề bản quyền, tôi thấy không vấn đề gì, vì giá bán ruột đỏ cao hơn rất nhiều so với ruột trắng, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Tôi trồng giống LĐ1 và được thu mua giá cao nên rất ham, ông Tư Xị chia sẻ khi được hỏi về vấn đề nông dân phải trả tiền tác quyền khi sử dụng giống LĐ1.
Nông dân biết rõ vấn đề tác quyền giống khi chọn canh tác giống thanh long từ Viện Cây ăn quả miền Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Xị kể, ngày trước trồng lúa gia đình rất khó khăn, khi bắt tay vào trồng thanh long thì kinh tế gia đình đã cải thiện nhiều. Hiện, cứ 15 ngày ông cắt bán khoảng 5 tấn thanh long các loại.
Năm 2016, thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 1 tỷ đồng, trong khi năm 2017 chỉ còn khoảng 800 triệu. Năm nay, có thể còn giảm hơn vì giá thu mua đang trên đà giảm. Ông bà vừa đầu tư trồng mới hơn 1.100 trụ thanh long từ ruột trắng sang giống LĐ1.
Tôi vừa đầu tư 5,5 tỷ đồng mua thêm một mẫu đất vườn trồng thanh long. Ngày xưa làm liều mua giống LĐ1 trồng mà nay thu được lợi nhuận khá nên thấy ham lắm. Trong khi thời điểm đó, hom giống ruột trắng được nhiều vườn cho không, ông Tư Xị chia sẻ.
Theo TS Trần Thị Oanh Yến - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, tác giả nghiên cứu giống thanh long ruột đỏ LĐ1, việc tuân thủ các yêu cầu về bảo hộ giống cây trồng đem lại nhiều lợi thế cho nông dân.
Khi Viện bán giống ra cho người sản xuất, Viện đã cấp chứng nhận đây là giống hợp pháp. Về mặt nguyên tắc thì người sản xuất đã sử dụng đúng giống LĐ1 được Viện cấp chứng nhận. Phía Hoàng Phát cũng chấp nhận phần diện tích sản xuất mà Viện đã bán giống ra này.
Việc tuân thủ các yêu cầu về bảo hộ giống cây trồng đem lại nhiều lợi thế cho nông dân. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tuy nhiên, cái khó là số diện tích mà nông dân tự ý nhân giống từ nguồn giống Viện bán ra. Ở nước ngoài, một khi giống đã được bảo hộ, thì chủ sở hữu sẽ quản lý được diện tích sản xuất, tức quản lý được đầu ra của giống và các sản phẩm ra từ giống. Điều này giúp giống được bảo hộ không mất giá trị.
Còn ở Việt Nam chưa làm được việc này nên mới có chuyện có một số vùng trồng giống lậu, xảy ra tranh chấp giữa chủ sở hữu giống và người sản xuất, kinh doanh. Ngay cả Cục Trồng trọt cũng khó có được con số thống kê chính xác diện tích vùng trồng thanh long ruột đỏ hiện nay là bao nhiêu.
Trên thị trường có rất nhiều giống thanh long ruột đỏ, giống nhập từ Đài Loan và nhiều giống dòng lai của Viện, không riêng gì LĐ1. Do đó, khi doanh nghiệp xuất khẩu muốn xác nhận nguồn gốc giống thì Viện làm chức năng của một cơ quan khoa học, phân tích, xác nhận giống cho doanh nghiệp, bà Yến cho biết.
Hiện tại, rất nhiều thương lái Trung Quốc vào tận vườn để mua thanh long, chèn ép giá nông dân rất dữ. Việc yêu cầu thương lái Trung Quốc tuân thủ các quy định về bản quyền giống cũng giúp ngăn chặn tình trạng này.
Ngoài ra, giống LĐ1 cũng bị nhiều nước lân cận như Thái Lan, Lào, Campuchia... sử dụng, trồng tràn lan trên nước họ. Một khi các nước này đăng ký bảo hộ giống tại các thị trường nhập khẩu trước Việt Nam thì doanh nghiệp và nông dân Việt Nam sẽ mất quyền lợi.
Hiện, Hoàng Huy Fruit đang tiếp tục nộp đơn đăng ký bảo hộ giống LĐ1 ở nước ngoài như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, khu vực Châu Âu..., ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết.
Theo Danviet
Muốn xuất khẩu thanh long ruột đỏ LĐ1, phải trả phí 100 đồng/kg Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) vừa gửi công văn lên Cục Hải quan TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phải tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1. Cụ thể, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc công ty này cho rằng, doanh nghiệp khác...