Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bất ngờ công bố dự án “siêu nhân” của mình, kết quả kinh ngạc
Tháng 1-2017, Cục Tình báo trung ương Mỹ ( CIA) đã công bố toàn bộ những tài liệu liên quan đến một dự án tình báo bí ẩn nhất hành tinh – Dự án Stargate.
Đây là một dự án chuyên tuyển mộ những người có khả năng siêu nhiên và đào tạo họ để phục vụ cho các mục đích gián điệp và quân sự.
Theo Mysterious Universe, vào những năm 40, 50 của thế kỷ trước, Mỹ là quốc gia đầu tiên bày tỏ ý định về những thử nghiệm kỳ quái tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh về việc vận dụng những khả năng siêu nhiên của con người cho mục đích an ninh quốc phòng.
Đến những năm 70, cường quốc số 1 thế giới mới bắt đầu theo đuổi các nghiên cứu về sức mạnh tâm linh dưới sự đồng ý của quân đội Mỹ, CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIV). Trải qua sự lãnh đạo của tướng Edmund Thompson, tướng Albert Stubblebine – dự án cuối cùng được biết đến với cái tên Dự án Stargate, được thành lập năm 1978 tại Fort Meade, Maryland, bởi DIA và SRI International (một nhà thầu California) để nghiên cứu tiềm năng về hiện tượng tâm linh trong các ứng dụng tình báo quân sự và trong nước.
Một trong những trọng tâm chính của Dự án Stargate là nghiên cứu về khả năng dao thị, được diễn giải như năng lực quan sát và mô tả địa điểm, thông tin hoặc các đồ vật từ đằng xa. Ứng dụng với tiềm năng to lớn này được Chính phủ Mỹ theo đuổi một cách mạnh mẽ do tin rằng Liên Xô đã bắt tay vào nghiên cứu từ trước đó.
Về cơ bản Washington không muốn chậm chân trong cuộc đua “vũ trang ngoại cảm” với đối thủ của mình.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học huyền bí, dao thị là một trong những khả năng xuất hiện sau khi người ta đã khai mở “con mắt thứ ba”, hay còn gọi là “thiên mục”.
Theo các thư tịch cổ, thiên mục chính là thể tùng quả nằm ở nê hoàng cung trong não người. Giải phẫu y học hiện đại cũng đã phát hiện nửa bộ phận phía trước của thể tùng quả có một kết cấu đầy đủ của một con mắt người. Vì nó đặt ở vị trí bên trong sọ não, nên người ta cho rằng nó là một con mắt thoái hóa.
Uri Geller dùng tư tưởng để uốn cong chiếc thìa bằng thép không gỉ
Tuy nhiên, các thư tịch cổ lại gọi nó là thiên mục, và những người đã khai mở thiên mục chính là những người có thể nhìn bằng “con mắt thứ ba” này.
Những người khai mở thiên mục có thể có khả năng thấu thị (nhìn xuyên đồ vật), dao thị (nhìn đồ vật ở xa) hoặc thậm chí là “túc mệnh thông” (thấy được tương lai hoặc quá khứ, hoặc nhìn được sự vật, cảnh tượng ở một không gian khác.
Dự án Stargate ban đầu tuyển mộ khoảng 20 người được cho là có năng lực ngoại cảm để huấn luyện. Họ phải trải qua các xét nghiệm khoa học cần thiết, cũng như luyện tập một cách bài bản để trở thành thành viên của đội quân gián điệp ngoại cảm.
Những người này sẽ ngồi trong một căn phòng tối và đặt bản thân vào tình trạng bị thôi miên, sau đó họ sẽ mô tả lại những hình ảnh về một nơi rất xa hiện đến trong tâm trí mình.
Những trường hợp điển hình
Mục tiêu đầu tiên của Dự án Stargate là một trung tâm nghiên cứu khoa học bí mật của Liên Xô đặt tại nước Cộng hòa Kazakhstan, mà CIA gọi bằng mật danh là URDF-3 (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển không xác định số 3). Người tham gia tích cực và quan trọng nhất trong dự án ban đầu này là nhà ngoại cảm Pat Price.
Video đang HOT
Price được cung cấp thông tin về tọa độ địa lý của mục tiêu. Sau khi “nhập tâm”, Price bắt đầu mở công năng tìm kiếm và sau đó mô tả lại là đã nhìn thấy một “hệ thống cẩu khổng lồ”. Về sau, một sĩ quan CIA khi phân tích hình ảnh vệ tinh thám báo về trung tâm URDF-3 đã phải kêu lên thán phục vì sự mô tả của Price chính xác đến từng chi tiết nhỏ.
Năm 1976, CIA đã nhờ Stargate tìm kiếm chiếc máy bay của Liên Xô bị bắn rơi xuống một khu rừng hoang dã ở châu Phi, sau khi mọi nỗ lực truy tìm bao gồm cả hình ảnh vệ tinh đều thất bại. Nhà ngoại cảm Rosemary Smith đã khoanh vùng vị trí trong bán kính một vài dặm. Một nhóm nghiên cứu sau đó đã được gửi đến khu vực được miêu tả và đã tìm thấy.
Một ví dụ khác vào năm 1979 cũng chứng minh năng lực dao thị mà Mỹ theo đuổi là có thật. Nhà thấu thị mã số #1 hay được biết đến với tên Joseph McMoneagle sau khi chìm sâu vào tâm trí đã vẽ lại một tòa nhà thấp màu xám, không cửa sổ với làn khói lưu huỳnh cuồn cuộn bay lên.
Hình ảnh này cũng trùng với những gì nhà thấu thị mã số #29 tham gia vào nhiệm vụ phác họa, cùng với hình ảnh thêm vào là đống linh kiện máy móc kim loại đang bị nung chảy. Cả hai trường hợp đều mô tả trùng khớp với khu phức hợp hạt nhân Trung Quốc ở Lop Nur vốn không nhiều người biết đến.
Còn nhiều trường hợp khác được cho là thành công của Stargate mà nổi tiếng nhất là nhiệm vụ nhìn trộm căn cứ hải quân của Liên Xô cũng vào năm 1979. Khi đó các nhà ngoại cảm của Mỹ mô tả Liên Xô đang chế tạo một thứ vũ khí nào đó trông giống như “cá mập”. Sau đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy, cơ sở này đang cất giữ tàu ngầm hạt nhân Akula, và Akula cũng có nghĩa là “cá mập” trong tiếng Nga.
Điệp viên ngoại cảm Pat Price (bên trái) và nhà vật lý Hal Puthoff của Học viện Nghiên cứu Stanford (SRI) làm việc vào giai đoạn sau của Dự án Stargate.
Bên cạnh khả năng dao thị, các điệp viên của Stargate còn có nhiều khả năng siêu phàm khác. Có thể kể đến Uri Geller, một nhà ảo thuật bảnh trai người Israel, nổi tiếng với màn trình diễn dùng tư tưởng (sóng điện não) để uốn cong chiếc thìa bằng thép không gỉ.
Là hậu duệ của nhà phân tâm học lừng danh Sigmund Freud, năm 1970 Geller đã làm cả thế giới kinh ngạc vì khả năng siêu nhiên của mình tại các buổi biểu diễn công khai trên sân khấu.
Hai năm sau đó, được sự đồng ý của Cơ quan Tình báo quân đội Israel là Mossad và Cơ quan Tình báo quốc gia Shin Bet, CIA phối hợp với SRI, đã sử dụng Geller với nhiệm vụ dùng sóng điện não để tẩy xóa các nội dung lưu trong những đĩa mềm vi tính lưu trữ tại trụ sở Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB); đồng thời vô hiệu hóa các trạm radar và các lò phản ứng hạt nhân của Syria.
Tuy nhiên, không hề có một bằng chứng nào chứng minh rằng Geller đã thành công trong nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, CIA còn phát hiện Ingo Swann, một nghệ sĩ ở New York có khả năng đặc biệt. Theo tài liệu ghi lại, Swann có thể xác định tọa độ của bất kỳ người nào bằng cách nghe giọng nói của họ. Một buổi tối, SRI bố trí cho Swann ngồi uống rượu cạnh một hồ bơi, và cho anh ta nghe giọng nói của một nhân viên SRI qua băng ghi âm.
Vài phút sau, Swann nói chính xác vị trí của nhân viên này “ở tại kinh độ a, vĩ độ b”. Tiến hành xác minh, vĩ độ và kinh độ do Swann cung cấp thì đó là một phòng khách sạn trên tầng 9 tại thủ đô Ryah của Arập Xêút, nơi nhân viên SRI đang ở. Cũng chính Swann là người khai sinh ra phương pháp “Gián điệp tâm linh phối hợp từ xa – gọi tắt là CRV”.
Với những thành công trên, Chính phủ Mỹ đã rót 20 triệu USD vào dự án để mở rộng quy mô. Tuy nhiên, càng về sau này, tỉ lệ thất bại trở nên nhiều hơn.
Sau những nỗ lực xác định vị trí của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vào năm 1986; nơi ở của nhà lãnh đạo Panama Manuel Noriega đã bỏ trốn sau khi Mỹ xâm lược; hay đơn giản hơn là tọa độ các kho vũ khí thông thường cũng mang đến kết quả không tốt – CIA kết luận kỹ thuật này không đáng tin cậy và không đáng để theo đuổi cho mục đích thu thập thông tin tình báo.
Giữa sự hoài nghi ngày càng gia tăng và ngân sách xuống thấp, cộng với bê bối nghe lén Watergate của CIA, Dự án Stargate tan rã vào năm 1995. Năm 2003, 73.000 trang tài liệu về dự án này đã được giải mật, nhưng có tới 17.700 trang tài liệu chưa được phát hành. Đến năm 2017, tất cả tài liệu này đã được công khai.
Theo searchtotal
CIA và những kế hoạch chiêu dụ điệp viên khó ngờ
Sử dụng con người để thu thập thông tin tình báo từ đối phương đóng vai trò rất lớn trong cuộc chiến tình báo trong Chiến tranh Lạnh, trong đó việc chiêu dụ, tuyển mộ điệp viên của đối phương là sách lược sống còn được
Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành xuyên suốt Chiến tranh Lạnh. Và sách lược đó vẫn tiếp tục đóng vai trò lớn trong cuộc chơi gián điệp toàn cầu của CIA hiện nay.
Câu chuyện của Zaporozhsky
Trước khi bị CIA chiêu dụ trở thành điệp viên hai mang, Alexander Zaporozhsky là một điệp viên kỳ cựu của Cơ quan tình báo Xôviết KGB từ thập niên 1970. Sau 20 năm phục vụ trong KGB, Zaporozhsky bỗng trở thành con mồi dễ bị lung lạc và bị CIA tuyển mộ vào năm 1995. Luôn sống trong nỗi lo sợ bị phát hiện và bị bắt, Zaporozhsky bất ngờ xin nghỉ việc tại KGB và rời bỏ đất nước, trốn sang Mỹ qua ngả Prague, Tiệp Khắc (cũ) vào đầu năm 1998.
Điệp viên đào tẩu được xem là "tài sản" vô giá của CIA.
Đến Mỹ, Zaporozhsky tiếp tục cung cấp cho CIA những thông tin mật vô cùng quý giá về tổ chức và nội tình các cơ quan tình báo kế thừa của KGB, về hoạt động của mạng lưới tình báo Nga trên đất Mỹ. Nhờ thông tin do Zaporozhsky cung cấp mà cơ quan phản gián FBI của Mỹ theo dõi và phát hiện đặc vụ Mỹ Robert Hanssen làm việc cho tình báo Nga nằm vùng trong FBI.
Zaporozhsky đã được tình báo Mỹ trả công rất hậu hĩnh, lên đến hàng triệu USD. Và ông này đã dùng số tiền đó để tậu biệt thự trong khu sang trọng Cockeysville ở hạt Baltimore, bang Maryland. Trong nhiều năm liền, Zaporozhsky sống rất kín tiếng. Cư dân trong khu Cockeysville không hề biết ông ta là ai và cũng không hề hay biết ông ta đang cộng tác với CIA.
Thế nhưng, dù đã cố gắng "lặn thật sâu" để trốn tránh sự truy lùng của tình báo Nga, Zaporozhsky cũng không thể nào trốn tránh được mãi. Vào năm 2001, Zaporozhsky đã dễ dàng bị một người hàng xóm tên Scott Donahoo phát hiện chỉ sau một, hai câu chào hỏi.
Nhìn cơ ngơi khá sang trọng của Zaporozhsky, Donahoo đã hỏi thăm ông ta làm nghề gì? Zaporozhsky bảo mình "kinh doanh xuất nhập khẩu" đặt trụ sở tại chính căn biệt thự của mình. Vốn là lái buôn ôtô nổi tiếng ở Baltimore, Donahoo phát hiện Zaporozhsky nói dối, vì chẳng nghe nói đến tên công ty nào như thế trong vùng Baltimore. Thế là Donahoo nghi ngờ Zaporozhsky "kinh doanh phim sex".
Cựu điệp viên Alexander Zaporozhsky.
Không lâu sau câu chuyện tưởng chừng "vô thưởng vô phạt" đó, Zaporozhsky đã bị tình báo Nga phát hiện và bắt đầu tung chiêu để dụ dỗ ông ta quay trở về Nga. Biết được thông tin này, đồng thời nhìn thấy trước nguy cơ không thể tránh đối với Zaporozhsky khi quay trở về nơi xưa kia mình từng gắn bó và đã từng phản bội, giới chức tình báo CIA và FBI đã ra sức can ngăn nhưng bất thành. Zaporozhsky đã quyết trở về, dù có thế nào cũng mặc.
Tháng 11-2001, Zaporozhsky trở về Moscow, mục đích là để tham dự một cuộc họp mặt các cựu thành viên của KGB. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến Moscow, Zaporozhsky bị bắt ngay lập tức. Ông ta bị xét xử về tội làm gián điệp cho Mỹ, cung cấp thông tin bí mật về các điệp viên ngầm của Liên Xô cũ (và Nga) tại Mỹ dẫn đến việc điệp viên Robert Hassen bị lật tẩy năm 2000. Zaporozhsky một mực kêu oan, nhưng câu chuyện ông này bị CIA chiêu dụ để làm điệp viên hai mang là có thật.
Zaporozhsky bị tuyên án 18 năm tù. Năm 2010, ông ta được chuyển giao cho Mỹ (cùng với một số điệp viên khác) trong cuộc trao đổi 10 điệp viên Nga trong vụ mạng lưới điệp viên Nga bị phát hiện và bị bắt năm đó.
Chương trình bí mật của CIA
Câu chuyện của Zaporozhsky, và cả cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, là những trường hợp điển hình của cái gọi là Chương trình bí mật chiêu dụ điệp viên nước ngoài của CIA được triển khai từ thời cao trào Chiến tranh Lạnh. Chương trình được thiết kế với mục đích ban đầu là tuyển dụng và tạo điều kiện tái định cư cho những điệp viên phản bội và trốn chạy khỏi đất nước như Zaporozhsky và Skripal.
Đồng thời tìm cách lôi kéo, chiêu dụ các điệp viên ngầm, điệp viên còn trong tổ chức của các quốc gia thù địch để biến họ thành những "tài sản" nằm vùng phục vụ mục tiêu thu thập thông tin tình báo đủ mọi kiểu cách.
Theo các cựu điệp viên và quan chức tình báo Mỹ, Chương trình bí mật của CIA bắt đầu được triển khai từ năm 1949, khi đó Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật cho phép CIA tái định cư 100 công dân nước ngoài "nếu việc đó nằm trong lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp ích cho hoạt động tình báo của đất nước".
Giai đoạn đầu, CIA thường không sử dụng hết hạn mức Quốc hội cho phép mỗi năm, bởi một lý do khá phổ biến khi đó là các cựu điệp viên đào tẩu cư trú trên khắp nước Mỹ bằng thân phận mới, danh tính và hồ sơ giấy tờ hoàn toàn mới. Họ chấp nhận chôn vùi, xóa bỏ đi lai lịch, tên tuổi, nghề nghiệp cũ để sống một cuộc sống mới. Đó gọi là "ẩn thân giữa đám đông" trong xã hội Mỹ nhằm trốn tránh sự truy đuổi của đất nước cũ.
Vì vậy, CIA đã triển khai hàng chục điệp viên kỳ cựu tham gia Chương trình để lần tìm ra những cựu điệp viên đào tẩu đó và đưa ra những lời khuyên, dụ dỗ họ nên làm gì để cuộc sống về sau được tốt đẹp hơn, thoải mái hơn. Trong khi đó, các điệp viên CIA được chỉ thị và nắm rõ tình trạng an toàn của các cựu điệp viên này luôn đáng báo động vì sự truy lùng của cố quốc. Thu hút và bảo vệ những "tài sản" tình báo quý giá này là nhiệm vụ hàng đầu, vô cùng khó khăn và đòi hỏi kỹ thuật hoàn hảo của các điệp viên tham gia Chương trình.
Lợi ích của việc chiêu mộ các điệp viên đào tẩu là không nhỏ. Cựu Giám đốc CIA Michael Hayden cho biết, các cựu điệp viên đào tẩu không chỉ giúp ích với các thông tin tình báo hiện tại mà còn giúp rất nhiều cho việc khai thác thông tin tình báo đề giải mã các vấn đề tình báo trong quá khứ. "Chúng tôi đã phát hiện các điệp viên đào tẩu là những nguồn thông tin tình báo dồi dào và có giá trị lâu dài. Họ giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà chúng tôi dù đã thu thập được nhưng chưa giải mã, hiểu rõ được" - ông Hayden nói.
Tuy nhiên, không phải điệp viên nào cũng đáp ứng các tiêu chuẩn khai thác thông tin của Chương trình để được CIA giúp đỡ, chiêu mộ. Nước Mỹ thường chỉ chiêu mộ các quan chức, sĩ quan cấp cao của quân đội, tình báo, các học giả, viện sĩ, nhà khoa học và những nhân viên hàng đầu trong các công việc có điều kiện tiếp cận những thông tin nhạy cảm, có nguy cơ bị bắt giữ rất cao.
Nếu điệp viên đào tẩu được đưa ra khỏi đất nước một cách an toàn, thường là vào ban đêm, họ và gia đình họ sẽ được đặt cho tên họ mới, được học tiếng Anh, được cấp cho một số tiền, một căn nhà để ở, và kèm theo lời khuyên: đừng sử dụng mạng xã hội, đừng tiếp xúc, liên lạc với ai ở quê nhà.
Có nhiều hình thức trợ giúp khác nhau được CIA sử dụng cho các điệp viên đào tẩu, như tạo điều kiện cho đi học đại học bằng giấy tờ giả, tên họ mới, hay như tạo ra một vụ ly hôn bí mật cho một cựu điệp viên đào tẩu khi người vợ của ông ta vẫn còn lưu trú ở quê nhà, không chịu đi theo. Rồi thì cũng phải mời chuyên gia tâm lý, tâm thần học đến để hỗ trợ các gia đình điệp viên đào đẩu làm quen với môi trường sống mới,...
Cựu điệp viên Sergei Skripal.
Việc bảo vệ an toàn cho các cựu điệp viên được xem là một vấn đề lớn trong Chương trình. Các cựu điệp viên bỏ trốn khỏi đất nước của họ thường đối mặt với nguy cơ bị bắt hoặc bị thủ tiêu vì họ đã phạm tội tày trời là phản bội tổ quốc, phải lĩnh án nặng. Kể cả khi các cựu điệp viên này đặt chân lên đất Mỹ, mối nguy hiểm đối với họ vẫn chưa hết, vì cố quốc của họ luôn theo đuổi, săn lùng họ cho đến chết.
Thách thức từ các nguy cơ đó càng trở nên phức tạp hơn trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, các công nghệ số tiên tiến được triển khai sử dụng rộng rãi và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội càng làm cho công tác bảo vệ điệp viên đào tẩu trở nên khó khăn hơn.
Joe Augustyn, cựu sĩ quan CIA phụ trách Chương trình bí mật của CIA, cho rằng trong nhiều thập niên qua, các điệp viên cấp cao đào tẩu đóng vai trò như viên ngọc quý trên chiếc vương miệng của hoạt động tình báo con người. "Với sự phát triển công nghệ hiện đại, các điệp viên đào tẩu khó có thể ẩn thân giữa ban ngày trên đất Mỹ, vì vậy việc bảo vệ các điệp viên đào tẩu ngày nay gặp thách thức lớn hơn rất nhiều so với vài thập niên trước đây".
Chính vì vậy, cho dù CIA giữ bí mật hoạt động tuyển mộ các cựu điệp viên đào tẩu, nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra những trường hợp các cựu điệp viên lưu vong ở nước ngoài bị đầu độc, như vụ Aleksandr Litvinenko và mới đây nhất là Sergei Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh ở thành phố Salisbury, Anh.
Mặc dù chưa rõ về mục đích cũng như thủ phạm của nhiều vụ việc như thế, song trong các trường hợp này, trách nhiệm của các điệp viên được giao quản lý là rất lớn. Việc bảo vệ an toàn cho các điệp viên đào tẩu được tuyển mộ đã được đích thân Giám đốc CIA truyền đạt cho các điệp viên mới vừa trải qua khóa huấn luyện làm điệp viên cho CIA.
Không chỉ thách thức về an toàn như đã nêu, các điệp viên đào tẩu còn đem đến cho các điệp viên quản lý của CIA những vấn đề khác về tâm lý và vận chuyển khi thực hiện công việc tái định cư lâu dài cho các cựu điệp viên. Một số điệp viên đào tẩu tỏ ra quá tự tin vào sự chắc chắn của bản thân họ, và chính đức tính chết người đó gây thêm khó khăn cho CIA trong công tác bảo vệ. Một số người không thể chấp nhận thực tế mình không còn là mình như trước đây nữa.
Cựu điệp viên CIA Augustyn cho biết: "Bất cứ ai phản bội đất nước mình vì bất cứ lý do gì, đều có cá tính khác nhau", và họ thường là những con người có cái tôi rất mạnh và có động lực lớn như trả thù hay tham tiền bạc để thực hiện hành động phản bội đất nước mình. Chưa hết, còn phải kể đến việc con cái của điệp viên đào tẩu không thể từ bỏ được mạng xã hội, và cả những cựu điệp viên sau thời gian không thể điều chỉnh sang cuộc sống mới đành đưa cả gia đình trở về quê nhà sinh sống, chấp nhận rủi ro cao cho bản thân.
Sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal, mặc dù chưa thể kết luận vụ việc, CIA đưa ra nhận định rằng đang có sự gia tăng truy lùng điệp viên đào tẩu của Nga trên khắp châu Âu và Mỹ. Điều này có nghĩa là CIA càng phải đẩy mạnh hoạt động Chương trình bí mật để mau chóng tuyển mộ và tái định cư cũng như tăng cường bảo vệ an toàn cho họ nhằm lợi dụng, khai thác "kho" dữ liệu tình báo mà họ mang theo.
Ngoài Zaporozhsky và Skripal còn nhiều câu chuyện khác về các điệp viên đào tẩu được CIA tuyển mộ, như trường hợp Ryszard Kuklinski, cựu đại tá quân đội Ba Lan, được CIA chiêu mộ và đưa ra khỏi Ba Lan vào năm 1981.
Sau đó, Kuklinksi đã cung cấp cho CIA những tài liệu nhạy cảm về chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Kuklinksi được tái định cư, sống yên bình ở Florida trong nhiều năm, được cộng đồng tình báo Mỹ tôn vinh như người hùng. Tuy nhiên, năm 1994 xảy ra biến cố khiến hai con trai của ông chết một cách bí ẩn, không để lại dấu vết gì của hung thủ. Cho đến nay, CIA vẫn chưa thể giải đáp được những cái chết bí ẩn này.
Theo Nguyên Khang (tổng hợp) (Công An Nhân Dân)
FBI âm mưu lôi kéo tỉ phú Nga cấp chứng cứ chống ông Trump Christopher Steele, cựu điệp viên MI6 của Anh đã giúp FBI nỗ lực dụ dỗ tỉ phú Nga Oleg Deripaska cung cấp chứng cứ Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Tổng thống Putin thân cận ông Deripaska - Ảnh: The Hill Tổng thống Mỹ Donald Trump rất tức giận Steele, và người ủng hộ ông đã xem Steele là...