Cục NTBD cần xin lỗi các tác giả có ca khúc bị cấm
Thay vì nói lời xin lỗi, Cục đá bóng trách nhiệm cho ban tham mưu, dùng mánh cũ “Sói tới” vụ 5 bài hát?
Thay vì nói lời xin lỗi, Cục đá bóng trách nhiệm cho ban tham mưu, dùng mánh cũ “Sói tới” vụ 5 bài hát?
Thiếu cái tầm và cả cái tâm
Với người làm nghệ thuật, tác phẩm là di sản còn lại cuối cùng định danh sự tồn tại của họ trong lòng công chúng. Hiểu theo cách đó, tạm dừng lưu hành một ca khúc không chỉ là bớt đi một lựa chọn ngoài quán karaoke, hay một tiết mục trên hội trường. Đó là sự “xóa sổ” người nghệ sĩ theo một cách vô cùng tàn nhẫn.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) vừa thực hiện một hành động tàn nhẫn như thế, đưa ra lệnh tạm dừng lưu hành 5 ca khúc: Con đường xưa em đi, Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện ngày xưa, Đừng gọi anh bằng chú. Dư luận phẫn nộ, gia đình các nhạc sĩ lên tiếng, các chuyên gia vào cuộc đòi xem xét lại. Vậy mà chỉ tới khi Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) tuýt còi, Cục mới chậm rãi đưa ra một thông cáo vỏn vẹn 2 tờ A4. Tất cả thể hiện rằng: một số người làm công tác quản lý cho cả một nền âm nhạc đang có sự khuyết thiếu không chỉ cái tầm, mà cả cái tâm nữa.
Gần như trong suốt toàn bộ quá trình thực thi lệnh tạm dừng, Cục NTBD như chơi một trò “đuổi bắt” mà trong đó họ là người “chạy trốn”. Dư luận đóng vai trò theo sau, mải miết tìm kiếm một lý do xác đáng cho việc “siết cổ” các nhạc phẩm đã có tuổi bằng nửa đời người. Thế nhưng lý lẽ của Cục đưa ra thì nực cười đến khó tin.
Video đang HOT
Lý lẽ ban đầu được dựng nên là: “có nhạc phẩm đã bị sửa lời”, trong khi việc tồn tại và phái sinh những dị bản từ lâu rồi đã là sự thật hiển nhiên. Sau đó, Cục tiếp tục trì hoãn bằng việc chưa nhận được phản hồi từ tác giả các ca khúc trên, mà quên mất trong số ấy 2 người đã mất, 1 người bị bệnh nặng đến mất giọng và 2 người ở nước ngoài mà vì nhiều lý do không thể trở về.
Giống như chú bé chăn cừu, dùng mánh “Sói tới”?
5 ca khúc tưởng chừng sống mãi với thời gian, bỗng có dịp đi một vòng qua cửa tử trong khoảng 22 ngày bị treo án. Buồn, bức xúc, ngỡ ngàng là những cảm xúc lẫn lộn của bà Kha Thị Đàng, vợ nhạc sĩ Châu Kỳ (tác giả Con đường xưa em đi) trong suốt quãng thời gian ấy. Còn giận dữ, phẫn nộ và mất niềm tin là những phản ứng rõ rệt của cộng đồng. Chúng chẳng ở đâu xa, tràn ngập trên các mặt báo. Vậy mà đối mặt với những cung bậc đan xen đó là thái độ dửng dưng, lạnh nhạt đến vô cảm của Cục NTBD.
Trong thông cáo báo chí về việc chấp hành chỉ thị của Bộ VHTTDL, người ta chỉ thấy những thông tin chung chung, câu chữ như được gõ ra từ một nhân viên đánh máy đã thảo hàng ngàn văn bản có nội dung tương tự.
Toàn văn thông cáo báo chí của Cục Nghệ thuật Biểu diễn
Nếu đọc, dư luận sẽ có dịp được gặp lại món đặc sản “kiểm điểm” và sợi dây “kinh nghiệm” rút mãi không hết đã ám ảnh nghị trường từ lâu. Lạ lùng thay, trong hoàn cảnh bước ra từ sự sụp đổ niềm tin ghê gớm, Cục lại lựa chọn những cam kết đã mất sạch trọng lượng. Giống như chú bé chăn cừu, dùng cái mánh cũ “Sói tới” đến lần thứ N và chẳng còn ai tin chú nữa. Hay chăng, việc văn bản này có xoa dịu được dư luận và truyền thông sôi sục hay không cũng không được Cục để mắt.
Việc tổ chức xử lý đơn vị sai phạm còn mù mờ hơn cả truy tìm bản gốc các ca khúc xưa. Ít nhất, các ca khúc còn đi kèm với người sáng tác. Còn thông cáo này, thậm chí không có lấy nổi một cái tên chịu trách nhiệm. Người bị kiểm điểm là “Ban tham mưu”, và phải căng mắt ra mới hiểu được nó ám chỉ sở VHTTDL Tp.HCM hay những người cấp dưới của ông Cục trưởng. Quả bóng trách nhiệm đã sẵn sàng chuyền đi vô cùng khéo léo. Và có trời mới biết nó sẽ còn được luân chuyển qua những đôi chân nào.
Thực ra dư luận chẳng cần biết những diễn biến bên trong phòng họp. Chúng xa lạ và vô nghĩa. Cái mà công luận cần là tinh thần hối lỗi chân thành, sòng phẳng của Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương.
Luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: “Các gia đình nhạc sĩ có quyền khởi kiện. Việc nói lời xin lỗi gia đình người nghệ sĩ là nên, bởi điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của họ”.
Nhưng không, trong 1 trang A4 dày đặc con chữ ấy cũng không có một lời đề cập đến các nhạc sĩ quá cố và gia đình họ, như thể trong câu chuyện này họ là người dưng. Khó mà không đặt ra câu hỏi: Phải chăng đây là chiêu bài của Cục, để nội bộ hóa toàn bộ câu chuyện vốn lùm xum này, để lái hướng giải quyết theo tôn chỉ dĩ hòa vi quý?
Có lẽ với văn hóa quản lý ở Việt Nam, còn xa mới mơ đến cảnh một vị quan chức mặc trang phục chỉnh tề, đến tận nhà gia đình nhạc sĩ để cúi đầu xin lỗi như vị đại sứ Nhật Bản gần đây về Hưng Yên xin lỗi gia đình em bé bị sát hại ở Nhật. Chỉ cần một phần tư như vậy, một lời xin lỗi chân thành từ Cục NTBD gửi qua giấy tờ, truyền thông đến gia đình các nhạc sĩ đã là tốt lắm rồi. Nhưng ngay cả điều đó dường như cũng vô cùng xa xỉ.
Cách hành xử của cơ quan đầu ngành về quản lý văn hóa xem ra còn kém cả đơn vị bên dưới của họ. (Sở VHTTDL Tiền Giang sau khi rút lại lệnh cấm ca khúc Màu hoa đỏ đã gửi lời xin lỗi tới gia đình nhạc sỹ Thuận Yến).
Theo Minh Nguyễn/ Baogiaothong.vn
Lý do ca khúc 'Con đường xưa em đi' bị tạm dừng lưu hành
Ca khúc "Con đường xưa em đi" là 1 trong 5 ca khúc sáng tác trước 1975 đã cấp phép phổ biến bị Cục Nghệ thuật biểu diễn tạm dừng lưu hành.
Ảnh minh họa.
Ngày 16.12.2016, Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh đã có công văn gửi tới Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) về việc xem lại nội dung một số ca khúc sáng tác trước năm 1975 kèm theo danh mục một số bài hát đã có Quyết định cho phép phổ biến kèm theo.
Qua xem xét nội dung ca từ một số bài hát do Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh cung cấp, Hội đồng nghệ thuật - Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tiến hành tổ chức thẩm định lại và thống nhất tạm thời dừng việc tiếp tục lưu hành môt số bài hát đã cấp phép phổ biến để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu với bản nhạc gốc, bao gồm: "Cánh thiệp đầu xuân" của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ; "Rừng xưa" của tác giả Lam Phương; "Chuyện buồn ngày xuân" của tác giả Lam Phương; "Đừng gọi anh bằng chú" của tác giả Diên An; "Con đường xưa em đi" của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương.
Theo Cục NTBD, hơn 40 năm đã qua từ khi đất nước được giải phóng hoàn toàn và gần 30 năm từ khi Cục Âm nhạc và Múa - Bộ Văn hóa nay là Cục NTBD - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp phép phổ biến hơn 2.500 bài hát của các tác giả sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhiều bài hát do thất lạc bản nhạc nhạc gốc, các đơn vị đề nghị xin cấp phép sử dụng đều ký âm lại và cam kết tính chính xác của tác phẩm, việc làm này dẫn đến nhiều tên tác giả/bút danh và ca từ có sự khác nhau trên cùng một tác phẩm âm nhạc.
Trong thời gian tới, Cục NTBD sẽ chủ động tiến hành thẩm định, rà soát, so sánh, đối chiếu những bài hát đã cấp phép sử dụng với những bản nhạc gốc do các đơn vị, cá nhân cung cấp và nguồn dữ liệu từ việc thu thập, sưu tầm nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng nội dung các bài hát, việc hoạt động sản xuất chương trình bản ghi âm, ghi hình và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Cục NTBD cũng yêu cầu Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh cung cấp danh mục các bài hát mà Sở đã thẩm định, cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng và lưu hành các bài hát sáng tác trước 1975 và của người Việt Nam định cư tại nước ngoài sáng tác tại thời điểm trước ngày 01 tháng 01 năm 2013, khi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 chính thức có hiệu lực để rà soát và cấp phép theo quy định của pháp luật.
Theo Gia Linh (Cục NTBD)
Đàm Vĩnh Hưng, Vi Thảo nói gì khi 'Con đường xưa em đi' được cấp phép trở lại Ngoài việc vui mừng, các ca sĩ cũng kiến nghị nên "giải oan" cho một số ca khúc khác cũng từng được cấp phép rồi lại bị tạm dừng lưu hành không rõ lý do. Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng quyết định thu hồi lại lệnh tạm dừng lưu hành "Con đường xưa em đi" và một số ca khúc...