Cục Hàng không Việt Nam lên kế hoạch mở lại đường bay nội địa theo 3 nhóm
Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa với thời gian thực hiện thí điểm 4 tuần.
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, kế hoạch này để đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì hoạt động giao thông vận tải bằng đường hàng không, tránh đứt gãy nền kinh tế, trong điều kiện một số địa phương đã có kết quả khả quan trong phòng, chống dịch và điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội.
Cụ thể, trong kế hoạch này, Cục Hàng không Việt Nam phân 22 cảng hàng không, sân bay trên cả nước thành 3 nhóm A, B, C.
Trong đó, nhóm A là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Nhóm B là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố chỉ áp dụng giãn cách xã hội theo từng khu vực (cấp quận/huyện trở lên) trong tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Nhóm C là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn 1 (áp dụng thí điểm 4 tuần sau khi kế hoạch này được phê duyệt), chặng bay chiều từ nhóm A đến nhóm A, B và C sẽ không giới hạn hành khách. Tuy nhiên, hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Video đang HOT
Với chặng bay chiều từ nhóm B đến nhóm A, B và C; từ nhóm C đến nhóm A và B, khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 sẽ có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Các hành khách khác ngoài việc phải có xét nghiệm âm tính còn cần phải đáp ứng một trong các điều kiện: Có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến cảng hàng không xuất phát; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19; trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Riêng các đường bay giữa các cảng hàng không, sân bay nhóm C với nhau, chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến.
Tất cả hành khách trên đường bay này phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Trong quá trình khai thác giai đoạn 1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ theo dõi, đánh giá thực tiễn, nếu thực hiện thông suốt, hãng hàng không sẽ tiếp tục bán vé cho hành khách với các điều kiện như trên trong 4 tuần tiếp theo.
Giai đoạn này, các hãng hàng không chỉ được mở bán cho các hành khách “có xác nhận lưu trú tại khu vực không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tối thiểu 14 ngày trước khi di chuyển” trên các chuyến bay có ngày khởi hành trong vòng 4 tuần kể từ ngày bắt đầu giai đoạn 2.
Sau 4 tuần thí điểm vận chuyển đối tượng hành khách này, các hãng hàng không triển khai việc mở bán bình thường nếu không được thông báo khác.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết, sau một số tuần thí điểm, cơ chế áp dụng tự động sẽ được triển khai để hãng hàng không chủ động tổ chức vận chuyển (xây dựng lịch bay, mở bán, tiến hành khai thác…) theo các điều kiện của kế hoạch này. Khi thay đổi quy định giãn cách xã hội tại địa phương, việc mở bán, khai thác… sẽ thay đổi tương ứng.
Theo phân chia của Cục Hàng không Việt Nam hiện tại căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 các cảng hàng không nhóm A gồm: Vân Đồn, Bãi đáp thuỷ phi cơ Vịnh Hạ Long, Cát Bi, Điện Biên.
Cảng hàng không nhóm B gồm: Nội Bài, Thọ Xuân, Đồng Hới, Vinh, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Liên Khương, sân bay Vũng Tàu phục vụ trực thăng.
Cảng hàng không, sân bay nhóm C gồm: Đà Nẵng; Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá.
Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang dừng tối đa các đường bay nội địa chở khách thường lệ (chỉ còn giao Vietnam Airlines khai thác đường bay Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/ngày nhưng do khó khăn trong việc tổ chức cách ly tại 2 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên hãng không thể thực hiện việc khai thác đường bay này).
Hoạt động vận chuyển hàng không nội địa chỉ còn các chuyến bay chở hàng hóa và các chuyến bay kết hợp chở hành khách với đối tượng là công vụ, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 và các trường hợp có văn bản đồng ý di biến động của các địa phương liên quan như chuyên chở công dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương, công dân di chuyển giữa hai địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Khẩn trương nghiên cứu về khung giá dịch vụ trên các tuyến bay nội địa
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đơn vị này khẩn trương nghiên cứu, báo cáo và có đề xuất về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Khu vực nhà ga của sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa: Nhật Anh/TTXVN
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, trong bối cảnh dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhất là tại TP Hồ Chí Minh là nơi có mật độ các chuyến bay đi đến nhiều nhất nước, việc khai thác các chuyến bay rất hạn chế. Thực tế đã phải tạm dừng khai thác chuyến bay đi từ TP Hồ Chí Minh đến một số địa phương. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh và các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn.
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông Vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông Vận tải.
Hiện tại, khung giá dịch vụ vận chuyển được quy định cụ thể tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, khung giá có dải giá từ 0 đồng đến mức tối đa của từng nhóm cự ly bay.
Cụ thể, giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá từ 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.
Cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều các hãng hàng không tư nhân, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, với dải giá linh hoạt từ 10-15 mức giá, tương ứng với các điều kiện dịch vụ và thời điểm mua khác nhau.
Trước đó, tháng 6/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã lập Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không về việc chấp hành quy định của pháp luật của Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Cụ thể, Tổ công tác xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổ công tác báo cáo kết quả làm việc về Bộ Giao thông Vận tải; trong đó, làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc.
Bộ GTVT: Việc điều chỉnh giá vé máy bay cần nghiên cứu cẩn trọng Chiều 7/9, Văn phòng Bộ Giao thông vận tải thông tin về nội dung điều chỉnh quy định mức giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN Theo đó, hiện nay Cục Hàng không Việt Nam đã có...