Cục BVTV: Sẽ loại bỏ thuốc trừ cỏ glyphosate ngay nếu đủ bằng chứng
Trao đổi với Dân Việt chiều nay (14/8) ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định Bộ NN&PTNT sẽ loại bỏ glyphosate ngay lập tức khi có đủ bằng chứng chất này ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Vào ngày 12/8 mới đây, Tòa cấp cao San Francisco (Mỹ) đã buộc Tập đoàn Monsanto đền bù 289 triệu USD cho một nguyên đơn. Theo cáo buộc, thuốc diệt cỏ của hãng này, chứa hoạt chất glyphosate có khả năng gây ung thư. Trước thông tin này, với chức năng là cơ quan quản lý về thuốc bảo vệ thực vật, ông đánh giá như thế nào?
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trả lời báo Dân Việt. Ảnh: Đình Thắng
-Tất cả các thông tin liên quan đến vụ việc của Monsanto, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng như lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật rất quan tâm, theo dõi sát kết quả cuối cùng trong phiên xử phúc thẩm của của Tòa án ở San Francisco, bang California trong 45 ngày tới.
Vấn đề hoạt chất glyphosate có gây ung thư cho người hay không, từ trước đây và cho đến giờ phút này vẫn đang còn gây tranh cãi. Chính vì vậy, phán quyết của tòa án Mỹ cho thấy đây là một bước tiến rất khác.
Thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất glyphosate được sử dụng nhiều tại Việt Nam (ảnh minh họa).
Theo báo cáo mà Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) có được, Tập đoàn Monsanto đã làm khoảng 800 nghiên cứu liên quan đến thuốc trừ cỏ này để chứng minh rằng nó an toàn cho người sử dụng.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và một loạt cơ quan nghiên cứu khác đã xếp hoạt chất glyphosate vào nhóm 2A (nhóm có khả năng gây ung thư cao cho con người).
Hiện nay, Bộ NNPTNT đang chờ phán quyết tại phiên tòa phúc thẩm của Mỹ tới đây để quyết định xem có loại bỏ hoạt chất này khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam hay không.
Tại Việt Nam, hoạt chất glyphosate được sử dụng ở mức độ nào thưa ông?
- Hoạt chất glyphosate được sử dụng ở Việt Nam từ năm 1994. Trong những năm qua, lượng glyphosate sử dụng ở Việt Nam rất lớn, mỗi năm khoảng 30.000 tấn, chiếm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật nói chung và chiếm 60% trong nhóm thuốc trừ cỏ. Glyphosate chủ yếu sử dụng cho cây trồng trên cạn.
Video đang HOT
Ngay từ năm 2015, khi có sự tranh cãi ở khối Châu Âu, ngay lập tức Cục BVTV đã báo cáo Bộ NNPTNT. Từ tháng 4/2016 Bộ đã xem xét và quyết định dừng cho đăng ký mới.
Cục BVTV cũng đã tiến hành rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc BVTV, xác định các hoạt chất nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, hiệu lực sinh học thấp…sẽ tiến hành loại bỏ khỏi danh mục được phép sử dụng.
Được biết hiện nay Bộ NN&PTNT đang có những động thái quyết liệt nhằm siết chặt lại danh mục thuốc BVTV, vậy cụ thể như thế nào thưa ông?
- Đúng như vậy, hiện nay chúng ta đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, một nền nông nghiệp sạch. Định hướng của Quốc hội, Chính phủ, hay ngành nông nghiệp cũng vậy, sản phẩm nông nghiệp làm ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; trả lại môi trường trong sạch trong nông nghiệp. Đó là mục tiêu hướng tới.
Chính vì vậy, Cục BVTV ngày càng siết công tác quản lý thuốc BVTV, đặc biệt là siết chặt đầu vào. Ngoài ra, Cục BVTV liên tục rà soát danh mục thuốc BVTV để tiếp tục loại bỏ các loại thuốc quá cũ, thuốc độc hại mà mình đã có đủ bằng chứng.
Hiện tại, Cục đã loại bỏ 6 hoạt chất ra khỏi danh mục với 1.024 sản phẩm. Vừa qua Cục BVTV đã hoàn chỉnh 6 báo cáo về mặt kỹ thuật về 4 hoạt chất, 3 hoạt chất khác cũng đang được xem xét, trong đó có cả hoạt chất glyphosate để báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT xem xét loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Hiện nay Cục BVTV đang tiếp tục hoàn thiện các báo cáo này, trên cơ sở góp ý của các hội đồng khoa học, các ý kiến phản biện từ các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tuy Bộ NNPTNT đã dừng đăng ý thuốc trừ cỏ glyphosate vào danh mục mới từ năm 2015, nhưng trên thực tế, hàng năm lượng thuốc này nhập khẩu vào nước ta vẫn lớn do các doanh nghiệp đã được cấp hạn ngạch nhập khẩu từ trước đó. Vậy việc loại bỏ loại thuốc này có gì khó khăn không thưa ông?
- Riêng báo cáo về hoạt chất glyphosate hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, Cục BVTV rất thận trọng, dù báo cáo đã làm xong nhưng vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến.
Phía Monsanto đang phản hồi rất mạnh, bằng cách là họ tìm các bằng chứng để chứng minh rằng hoạt chất glyphosate không gây ung thư. Tuy nhiên, việc phản hồi hay phản ứng là việc của họ.
Khi có đủ bằng chứng, Bộ NNPTNT sẽ lập tức loại bỏ hoạt chất glyphosate ra khỏi danh mục được phép sử dụng. Chúng tôi đang chờ phán quyết tại phiên xét xử phúc thẩm tại Mỹ. Ngay khi có đủ bằng chứng gây ảnh hưởng sức khỏe con người, chúng tôi sẽ loại bỏ ngay ra khỏi danh mục sử dụng.
Trong quá trình xử lý việc loại bỏ các loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, cá nhân ông và Cục có gặp áp lực và phản ứng gì không?
- Chúng tôi xác định, việc lập lại danh mục thuốc BVTV là để đảm bảo môi trường, cũng như sức khỏe cho nhân dân, nên dù có phản ứng nhưng chúng tôi không áp lực. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn của cá nhân Bộ trưởng Bộ NNPTNT và các đồng chí lãnh đạo Bộ. Bởi qua rà soát, hiện có quá nhiều danh mục thuôc BVTV, như riêng cây lúa có tới 3.221 nhóm là quá nhiều, không thể chấp nhận được. Theo tính toán của chúng tôi, hiện Việt Nam đang có 50 loại cây trồng chính, với mỗi cây trồng thường bị 10 loại sinh vật gây hại khác nhau, thì chỉ cần 500 danh mục là cùng.
Trong quá trình xử lý, loại bỏ các loại thuốc BVTV khỏi danh mục, có nhiều doanh nghiệp họ “chạy” chúng tôi không được, đã đi “chạy” rất nhiều nơi, thậm chí còn tố cáo Cục. Song chúng tôi luôn được lãnh đạo Bộ ủng hộ và sẽ tiếp tục làm nghiêm vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
EC gia hạn "thẻ vàng": Chủ tịch Bình Định nhận khuyết điểm
Xung quanh câu chuyện Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục gia hạn thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và giao trách nhiệm khắc phục thẻ vàng về tận bộ máy chính quyền huyện, xã.
Ngày 13.8, Bộ NNPTNT đã tổ chức cuộc họp triển khai Luật Thủy sản 2017 và thúc đẩy triển khai việc khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Quảng Nam đến Bình Thuận, tại TP. Quy Nhơn (Bình Định).
Cảng chật như nêm, nguy cơ gây hiểm họa
Theo ông Nguyễn Chí Công - Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, địa phương này đang dẫn đầu tỉnh Bình Định về số lượng tàu thuyền của ngư dân với trên 2.000 chiếc. Giai đoạn từ năm 2013-2014, số lượng tàu thuyền ngư dân vi phạm lãnh hải bị nước ngoài bắt giữ rất lớn. Tuy nhiên, đến năm 2017 các trường hợp vi phạm đã giảm đến hơn 70%.
Chúng tôi đưa ra nghị quyết chuyên đề, giao trách nhiệm quản lý về tận xã nên việc tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài giảm đáng kể. Hiện nay, nghề khai thác hải sản đang phát triển khá toàn diện, trở thành ngành kinh tế chiến lược và số lượng tàu thuyền đóng mới liên tục tăng. Tuy nhiên, khu neo đậu tại cảng cá Tam Quan đang bị bồi lấp và xuống cấp nghiêm trọng, tàu thuyền ra vào chật như nêm khiến việc phòng cháy, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn do hạ tầng chưa được đảm bảo, ông Công lo lắng nói.
Quang cảnh buổi làm việc của Bộ NNPTNT với các địa phương ven biển tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng: Cảng cá Tam Quan là cảng quy hoạch cấp vùng, theo công suất thiết kế là gần 3.000 tàu neo đậu. Thế nhưng, thực trạng tại cảng này cho thấy tàu vào không có chỗ ra, nếu xảy ra sự cố cháy một chiếc tàu thì nguy cơ cháy lan các tàu bên cạnh là rất lớn. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp cảng là điều rất cấp thiết.
Khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Tam Quan đang quá tải do bị bồi lấp, xuống cấp nghiêm trọng.
Chủ tịch Bình Định nhận khuyết điểm
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhận định: Nếu có cháy ở khu neo đậu cảng cá Tam Quan thì đúng là việc cứu chữa trở tay không kịp. Nhiều năm nay, chúng tôi đã kiến nghị Trung ương đầu tư nhưng chưa được. Khu neo đậu xuống cấp khiến ngư dân Bình Định phải đi tha phương cầu thực khắp nơi vì không chỗ neo đậu. Điều này, gây bức xúc rất lớn trong nhân dân.
Xung quanh câu chuyện Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục gia hạn thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NNPTNT và hứa chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Ảnh: Dũ Tuấn
Thời gian vừa qua, tỉnh đã triển khai rất quyết liệt nhưng nhiều việc vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vẫn còn trách nhiệm trong khâu quản lý nhà nước để ngư dân đánh bắt vi phạm. Trong khi đó, nhiều huyện còn lơ là trong việc tuyên truyền vận động ngư dân. Xin hứa với Bộ trưởng, cùng với ngư dân cả nước tỉnh Bình Định sẽ nghiêm túc thực hiện việc khắc phục thẻ vàng, nếu địa phương nào để ngư dân vi phạm thì Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch xã sẽ bị xử lý kỷ luật, ông Dũng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng tha thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT chọn tỉnh này là nơi triển khai thí điểm Luật Thủy sản 2017.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Dũ Tuấn
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, tất cả 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Đây là đòi hỏi của cả nền kinh tế và cũng là của người dân, các điều khoản, quy định trong luật phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Luật thủy sản sửa đổi đã được Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 4 thông qua vào cuối năm 2017 với 2 nghị định, 9 thông tư và chính thức có hiệu luật từ ngày 1.1.2019. Hiện nay, Bộ NNPTNT đang bàn với 3 địa phương tiên phong trong khâu tổ chức thực hiện là: Kiên Giang, Bình Định và Quảng Ninh. Tại 3 tỉnh này đều có sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh, ngư dân sở hữu số lượng tàu lớn, riêng tỉnh Quảng Ninh có đặc điểm gắn giữa vùng biển với di tích thiên nhiên vịnh Hạ Long nên cực kỳ quan trọng. Việc thực hiện sẽ được triển khai theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, ai cũng phải có trách nhiệm vì đây là lợi ích chung của quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất của tỉnh Bình Định về các bất cập tại cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Địa phương phải chuẩn bị các kiến nghị, giải pháp xử lý và ghi lại bất cập thực tế tại cảng bằng video, hình ảnh. Sắp đến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đăng ký buổi làm việc riêng với các Bộ, ngành Trung ương với sự tham gia của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT... để có hướng xử lý, tháo gỡ. Việc này làm càng nhanh càng tốt vì có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân.
Theo Danviet
Nhãn VietGAP của Hưng Yên "bay" vào siêu thị Đánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ nhãn của tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có hai điểm nổi bật là sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết được mở rộng và dấu ấn của các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nhãn ngày càng rõ. Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hưng Yên,...