Cuba tưởng niệm cựu chủ tịch Fidel Castro
Các quầy rượu tạm ngừng hoạt động, các buổi biểu diễn bị hủy bỏ và những cuộc tuần hành lớn dự kiến diễn ra khi Cuba hôm qua bắt đầu 9 ngày để tang cựu chủ tịch Fidel Castro.
Quốc kỳ được treo rủ ở Quảng trường Cách mạng Havana sau khi ông Fidel Castro qua đời. Ảnh: Reuters
Phần lớn đời sống ở thủ đô Havana vẫn diễn ra bình thường nhưng có phần trầm lắng hơn sau khi Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo ông Fidel Castro qua đời vào tối 25/11, ở tuổi 90.
Đông đảo sinh viên tại trường đại học thủ đô Havana cầm ảnh chân dung của ông Fidel và các biểu ngữ, đồng loạt hô vang “Tôi là Fidel”, hay “Fidel muôn năm Raul muôn năm”. Nhiều người rơi nước mắt.
Các quầy bán rượu tạm ngừng hoạt động, quốc kỳ được hạ xuống một nửa ở các tòa nhà và hoạt động biểu diễn bị hủy bỏ.
Các cuộc tuần hành lớn cũng dự kiến được tổ chức ở Quảng trường Cách mạng ở Havana cũng như thành phố Santiago để tưởng nhớ cựu lãnh đạo.
Các tờ báo ở quốc đảo 11 triệu dân đều được in mực đen thay vì màu đỏ và màu xanh thường thấy.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hiện quân đội và cảnh sát chưa có động thái tăng cường lực lượng sau cái chết của ông Fidel.
Người dân đi qua một bức tường viết “Fidel muôn năm” ở thủ đô Havana, Cuba. Ảnh: Reuters
Thi hài của ông đã được hỏa táng và tro cốt của cựu chủ tịch sẽ được đưa về thành phố Santiago de Cuba, nơi ông an nghỉ, vào ngày 4/12.
Các quan chức nước ngoài sẽ tham dự lễ tưởng niệm diễn ra ở Quảng trường Cách mạng vào tối 29/11 tới.
Anh Ngọc
Theo VNE
Sự nghiệp cách mạng của huyền thoại Cuba Fidel Castro
Ông Fidel Castro là biểu tượng cho sự kiên cường đấu tranh vì tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng của người dân Cuba.
Ông Fidel Castro trong một sự kiện ở Cuba tháng 5/2004. Ảnh: Reuters
Fidel Castro sinh ngày 13/8/1926, tại Biran, một thị trấn nhỏ ở miền đông Cuba trong một gia đình làm nông giàu có. Khi học luật tại Đại học Havana, ông bắt đầu quan tâm đến chính trị. Ông tham gia đảng Chính thống chống tham nhũng và tranh cử vào Quốc hội Cuba năm 1952.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử không bao giờ xảy ra vì tướng Fulgencio Batista, người được Mỹ hậu thuẫn, đã đảo chính và lên nắm quyền vào tháng 3/2952, khiến hàng nghìn chính khách bị sát hại và dân chúng sống dưới sự đàn áp. Ông Castro đã phát động phong trào chống lại Batista bằng biện pháp vũ trang. "Từ lúc đó, tôi đã có một ý tưởng rõ ràng về cuộc đấu tranh phía trước", ông nói vào năm 2006.
Ông Castro liên kết được hơn 200 người ủng hộ cách mạng trên toàn quốc và trở thành thủ lĩnh của họ. Năm 1953, ông Castro và các chiến hữu tấn công vào trại lính Moncada. Hơn 80 người hy sinh trong trận đánh, ông Castro bị bắt và bị kết án 15 năm tù.
Năm 1955, để cải thiện hình ảnh, Batista đặc xá cho nhiều tù nhân chính trị, trong đó có ông Castro. Ông Castro sang Mexico lập nhóm vũ trang kháng chiến có tên Hai sáu tháng bảy và gặp Che Guevara, người khi đó là sinh viên y khoa đang tập sự tại Mexico City.
Năm 1956, ông Castro và 81 đồng đội đổ bộ vào bờ biển phía đông Cuba nhưng nhanh chóng bị lính của Batista bao vây. Sau trận đụng độ dữ dội, khoảng 18 người sống sót và chạy thoát, bao gồm ông Castro, em trai Raul Castro và ông Guevara. Họ rút vào vùng rừng núi Sierra Maestra ở đông nam đất nước để tổ chức kháng chiến, theo History.
Nhóm kháng chiến được quần chúng ủng hộ và phát triển mạnh mẽ. Trong hai năm, họ áp dụng chiến thuật đánh du kích gây nhiều thiệt hại cho quân chính phủ. Đầu năm 1959, nhóm của Fidel Castro tiến vào La Havana, quân đội của Batista đào ngũ hàng loạt và hầu như không kháng cự. Ông Castro trở thành thủ tướng Cuba. Batista chạy trốn khỏi Cuba và sang tị nạn chính trị ở Mỹ.
Năm 1960, ông Castro quốc hữu hóa tất cả các công ty Mỹ tại Cuba, khiến Mỹ kết thúc mối quan hệ ngoại giao và áp đặt lệnh cấm vận thương mại với nước này. Tháng 4/1961, khoảng 1.400 người Cuba lưu vong được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn đổ bộ xuống gần Vịnh Con Lợn với mục đích lật đổ ông Castro. Tuy nhiên âm mưu này đã bị các lực lượng vũ trang Cuba phá tan, hơn 100 phần tử lưu vong bị tiêu diệt và các tay súng còn lại đều bị bắt.
Cuối năm 1961, ông Castro tuyên bố Cuba sẽ đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản. Cuối năm 1976, một hiến pháp Cuba mới được xây dựng với những thay đổi về cơ cấu chính quyền. Ông Castro được bầu vào vị trí Chủ tịch hội đồng nhà nước Cuba - chức vụ vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ Cuba. Chức vụ này được Quốc hội Cuba bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm, ông Castro đã đắc cử suốt 7 nhiệm kỳ và cầm quyền liên tục trong 32 năm cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2008.
Trong giai đoạn cầm quyền, ông Castro áp dụng chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa, quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp. Ông xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và rất quan tâm tới phúc lợi xã hội cho người dân, trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nhà ở. Nhân dân Cuba xem ông là một anh hùng, một huyền thoại đã thực hiện cuộc cách mạng và đấu tranh không mệt mỏi vì nền độc lập của đất nước Cuba.
Người viết tiểu sử Leycester Coltman mô tả ông Castro là "người nhiệt huyết, tận tâm, trung thành, hào phóng và hào hiệp", nhưng luôn giữ thái độ "không khoan nhượng" với kẻ thù.
Huyền thoại Fidel Castro trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25/11, hưởng thọ 90 tuổi. Thi hài ông sẽ được hỏa táng theo ý nguyện của nhà lãnh đạo này, Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo.
Phương Vũ
Theo VNE
Cuộc đời lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua ảnh Lãnh tụ Cuba Fidel Castro vừa qua đời ở tuổi 90, sau khi cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro sinh ngày 13/8/1926, mất ngày 25/11/2016. Ông là Thủ tướng của Cuba từ tháng 2/1959 tới tháng 12/1976. Sau đó ông làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba tới khi...