Cuba chỉ trích Mỹ siết chặt bao vây cấm vận
Ngày 4/6, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã lên án việc Mỹ mới đây tiếp tục đưa ra các biện pháp siết chặt trừng phạt đảo quốc Caribe.
Đồng thời tố cáo việc áp dụng ngoài lãnh thổ lệnh cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại của Mỹ là chống lại luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia.
Khách du lịch tại La Habana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Rodriguez khẳng định chính sách của Mỹ là rào cản chính cho sự phát triển của Cuba và là sự vi phạm trắng trợn quyền con người của mọi người dân nước này. Ông nhấn mạnh đây là hành động gây chiến nhằm “bóp nghẹt” sự phát triển kinh tế và xã hội của Cuba.
Trước đó vài giờ, Bộ Tài chính Mỹ thông báo một số thay đổi trong Quy chế Kiểm soát Tài sản Cuba, bao gồm ngừng cấp thị thực cho các chuyến đi theo nhóm với mục đích giáo dục. Động thái này cắt đứt một trong những con đường đi du lịch chính, cho phép các hãng lữ hành Mỹ tổ chức cho công dân Mỹ sang đảo quốc Caribe này. Ngoài ra, Mỹ cũng cấm các công ty nước này xuất khẩu thuyền và máy bay tư nhân sang Cuba.
Video đang HOT
Quan hệ Cuba – Mỹ đã gia tăng căng thẳng sau khi Washington hồi đầu tháng 5 kích hoạt toàn phần Luật Helms-Burton, được Quốc hội Mỹ ban hành năm 1996, là nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận chống Cuba, trong đó, điều 3 của luật này cho phép các công dân Cuba bị tịch thu tài sản sau khi nhập quốc tịch Mỹ được khởi kiện tại các tòa án Mỹ để đòi lại số tài sản đó hoặc đòi bồi thường.
Chính phủ Cuba đã liên tiếp bày tỏ phản đối mạnh mẽ và lên án biện pháp của Mỹ là nhằm mục đích thắt chặt các biện pháp kinh tế chống Cuba và làm leo thang căng thẳng quan hệ hai nước.
Theo Lê Hiền (TTXVN)
Cuba tiếp tục hội nhập với thế giới
Bất chấp lệnh cấm vận vô lý của Mỹ kéo dài hơn nửa thế kỷ qua, Cuba vẫn tiếp tục theo con đường cập nhật mô hình kinh tế và hội nhập với thế giới.
Ký kết văn kiện hợp tác giữa Google và tập đoàn truyền thông nhà nước Cuba Etecsa
Sau chuyến thăm lần đầu tiên của Hoàng gia Anh với đại diện là Thái tử Charles và công nương Camilla, Google cũng đã ký một bản ghi nhớ với công ty viễn thông nhà nước Etecsa của Cuba để tạo ra mối liên thông giữa hai mạng.
Hòa nhập về Internet
Ngày 28-3, Etecsa và Tập đoàn Google của Mỹ đã ký một biên bản ghi nhớ, được xem là công cụ để tiến hành đàm phán một thỏa thuận trao đổi lưu lượng truy cập Internet với mục đích cải thiện chất lượng truy cập mạng tại đảo quốc Caribe. Thông cáo chung được đưa ra sau lễ ký kết cho biết biên bản ghi nhớ này sẽ được đưa vào áp dụng ngay sau khi các điều kiện kỹ thuật cho phép. Thông cáo cũng khẳng định văn kiện này là minh chứng cho mối quan tâm của các công ty Mỹ trong việc phát triển kinh doanh với Cuba, thể hiện trong việc hiện có hơn 10 công ty Mỹ vẫn duy trì các thỏa thuận có hiệu lực với lợi ích cho cả hai bên.
Đơn vị cung cấp dịch vụ Internet tại Cuba hiện phụ thuộc vào hệ thống cáp dẫn ngầm nối với Venezuela nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải hoặc tốc độ chậm. Đại diện của Google tại Cuba Brett Perlmutter khẳng định sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng Internet tại Cuba, đồng thời thông báo Google sẽ thành lập một nhóm làm việc để nghiên cứu các phương thức đưa kết nối trực tiếp vào dịch vụ. Đây là văn kiện hợp tác thứ 2 được ký kết giữa Etecsa và "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ.
Google và Cuba đã có lịch sử hợp tác. Ngay cả trước khi mối quan hệ Mỹ - Cuba được cải thiện, Google đã cung cấp Chrome miễn phí trên cả nước Cuba. Năm 2016, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama đã mời chào các kế hoạch của Google để đưa Internet đến Cuba. Ngay sau đó, Google đã cài đặt các máy chủ địa phương để tăng tốc các dịch vụ của mình và vào năm 2017, Google đã trở thành công ty Internet nước ngoài đầu tiên ra mắt trên hòn đảo. Cuba lần đầu tiên thử nghiệm Internet tại nhà vào năm 2016 và vừa ra mắt mạng di động Internet trên toàn quốc vào mùa hè năm ngoái, quốc gia này đã đi một chặng đường dài trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
Chuyến thăm lịch sử
Các chuyến thăm của các thành viên Hoàng gia Anh ở nước ngoài luôn thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng Anh và nhiều nước thuộc liên hiệp Anh. Khi Thái tử Charles và vợ, Camilla, đặt chân đến Havana ngày 24-3 vừa qua, họ đã làm nên lịch sử vì đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Cuba của các thành viên Hoàng gia Anh. Chuyến thăm được chú ý vào thời điểm Cuba tiếp tục bị Mỹ gây sức ép về nhiều mặt do ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảo ngược nhiều chính sách của thời Tổng thống Obama năm 2016 đối với Cuba, khôi phục các hạn chế về du lịch và thương mại. Theo một phát ngôn viên của Hoàng gia Anh, trái với chính sách thù địch của Mỹ chống Cuba, Hoàng tử Charles và Nữ công tước xứ Cornwall dành 4 ngày ở Cuba để nêu bật "mối quan hệ song phương đang phát triển với Vương quốc Anh và thể hiện một số mối liên kết văn hóa giữa hai nước". "Bản thân Hoàng gia Anh không đưa ra những quyết định về chuyến thăm này", CNN dẫn lời Andrew Lewer, nghị sĩ Quốc hội Anh thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền. "Đó là Bộ Ngoại giao".
"Quyền lực mềm" huyền thoại của Hoàng gia từ lâu đã được Chính phủ Anh sử dụng như một công cụ ngoại giao như trong trường hợp này. Văn phòng Ngoại giao & Liên hiệp Anh đã xác nhận giá trị chiến lược của chuyến thăm: "Đây là một phần trong cách tiếp cận lâu dài của chúng tôi đối với người Cuba tham gia và đối thoại thẳng thắn về các vấn đề gây chia rẽ chúng tôi như nhân quyền, nhưng cũng là cam kết hướng tới sự tiến bộ trong các vấn đề kết nối chúng tôi lại với nhau".
KHÁNH MINH (tổng hợp)
Theo SGGP
Công dân Cuba ở nước ngoài bỏ phiếu trưng cầu ý dân cho Hiến pháp mới Trong hai ngày 16 và 17/2, các phái bộ ngoại giao và công dân Cuba hiện sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia vào các cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý thông qua bản Hiến pháp mới của Cuba. Người dân tham gia buổi tham vấn về dự thảo Hiến pháp tại La Habana,...