Cửa tiệm truyện tranh cũ nép mình bên góc Hà Nội khiến nhiều người thổn thức: ‘Cho tôi một vé về tuổi thơ’
500 đồng hay 1.000 đồng có lẽ là số tiền không quá lớn đối với các bạn trẻ bây giờ, thế nhưng số tiền ấy đối với thế hệ 8X, 9X đời đầu là cả một ‘gia tài’. Ngày ấy, chỉ cần 500 đồng hay 1.000 đồng cũng đủ để thuê cho mình một cuốn truyện tranh yêu thích.
Tuổi thơ của chúng ta có ai chưa từng đọc qua Thần đồng đất Việt, Nữ hoàng Ai Cập hay Doraemon? Có ai từng giấu bố mẹ nhịn ăn sáng cả tuần để mua cho bằng được những cuốn truyện tranh yêu thích? Có ai từng lén để truyện tranh trong ngăn bàn đọc trong giờ học? Trong số chúng ta, chắc hẳn rất nhiều người đã từng có một tuổi thơ ‘dữ dội’ như vậy.
Hãy cùng Tiin trở về một thời thanh xuân chưa có công nghệ qua cửa hàng truyện tranh cũ của đôi vợ chồng anh Lê Ngọc Mậu vàchị Thanh Thảo (ở Khuyến Lương, Hoàng Mai, Hà Nội).
Cửa hàng truyện nhỏ bé của anh Mậu nằm ngay ngắn trên con đường Khuyến Lương, Hoàng Mai, Hà Nội
Không gian gợi nhớ về tuổi thơ của rất nhiều bạn trẻ
Chúng tôi đến thăm cửa hàng truyện của anh chị vào một buổi chiều nhạt nắng, con đường Khuyến Lương nhỏ bé uốn mình cạnh triền đê xanh mướt khiến người ta cảm giác thật dễ chịu. Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 8km nhưng nơi đây quang cảnh yên bình, khác hẳn không khí tấp nập, xô bồ, đầy khói bụi của thành phố.
Cửa tiệm nhỏ nằm nép mình dưới những tán cây, vỏn vẹn rộng khoảng gần 10m2 thế nhưng bên trong lại chứa đựng hàng nghìn cuốn truyện. Từ truyện tranh thiếu nhi, những cuốn tiểu thuyết kinh điển đến các cuốn sách gối đầu giường của giới trẻ thời xưa. Những quyển sách được hai vợ chồng anh chị nâng niu xếp gọn gàng trên giá, bộ nào ra bộ nấy. Truyện tranh để một khu và truyện chữ để một khu riêng giúp người đến thuê có thể dễ dàng tìm kiếm.
Nhìn từ bên ngoài vào, cửa tiệm đã nhuốm màu của thời gian, nền nhà lát đá có hoa văn đặc trưng của những thập niên 90. Chẳng cần một tấm biển hiệu hoa mỹ nào nhưng bất cứ ai đi qua cũng biết ở đây cho thuê truyện lâu năm. Tấm biển duy nhất do anh chị tự cắt dán chỉ ghi dòng chữ rất đơn giản: ‘Ở đây có bán truyện cũ’. Khi nhìn vào bất cứ ai cũng dễ dàng có cảm giác giống như thấy cả một Hà Nội xưa quay trở về.
Quyển sổ ghi chép khách hàng thuê truyện cũng đã cũ nát, nhăn góc
Chị Thanh Thảo chia sẻ, anh chị lấy nhau được gần 10 năm và từ khi chị về chung một nhà với anh thì cửa hàng truyện đã có ở đó. Anh Mậu từ nhỏ rất thích đọc truyện nên tự sưu tầm cho mình những bộ truyện lên đến vài chục tập. Cứ cuối tuần là anh lại chạy ra bưu điện để ‘rinh’ về một quyển truyện.
Từ những năm 1990, khi anh Mậu còn là học sinh cấp 2 thì anh đã có cả một ‘gia tài’ là rất nhiều bộ truyện ‘hot’ thời bấy giờ. Đó là niềm mơ ước của bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa. Lúc ấy, anh Mậu đã ấp ủ ước mơ mở một cửa hàng truyện để cho thể chia sẻ thú vui của mình với nhiều người hơn. Và sau đó, nhờ sự cần mẫn, kiên trì sưu tầm anh đã có một cửa hàng truyện nho nhỏ. Số sách của cửa hàng sau nhiều năm tích lũy, trao đổi lên đến hơn 1.000 quyển.
Những cuốn sách được bày ở cửa hàng đều do đích thân anh Mậu đến tận đại lý sách để chọn lọc. Anh cẩn thận như vậy là để thỏa mãn niềm đam mê sách của mình cũng như để xem sách này có phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi hay không.
Chị Thảo chia sẻ về cửa hàng truyện tranh của gia đình
Trước đây, mỗi ngày cửa hàng của anh chị có thể kiếm được vài trăm ngàn từ việc cho thuê truyện. Có rất nhiều người đến thuê truyện ở cửa hàng của anh hầu hết là giáo viên sống xung quanh hoặc các những người yêu thích đọc sách.
Thế nhưng thời gian qua đi, công nghệ ngày càng phát triển, các bạn trẻ bây giờ không còn mặn mà với sách và truyện tranh. Smartphone và mạng xã hội dần thay thế cho niềm vui giản dị ngày nào. Ngày trước, cửa tiệm nhỏ bé luôn tấp nập người ra vào nườm nượp, số người thuê truyện một ngày có thể ghi kín một trang giấy, nhưng giờ đây cả ngày chỉ ghi được vài người đến thuê. Số tiền từ việc cho thuê truyện cũng ngày một ít đi, có khi cả ngày chỉ thu về được vài chục ngàn.
‘Bây giờ văn hóa đọc của các bạn trẻ đã dần bị mai một, nhiều người không còn thích đọc sách như xưa. Trẻ con thì chỉ thích xem hoạt hình trên Youtube. Ngày xưa, chị vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp chờ đợi cả tháng chỉ để đọc một tập truyện mới. Giờ đây các bạn muốn đọc gì chỉ cần lên internet gõ vài từ là ra rất nhanh, nhưng nó làm mất đi cảm giác chờ đợi của người đọc em ạ’ – chị Thảo bùi ngùi bộc bạch.
Video đang HOT
Những món đồ khiến nhiều người bồi hồi nhớ về ngày xưa
Harry Potter là cuốn truyện quen thuộc của nhiều người
Cũng rất nhiều lần chị Thảo bàn với anh Mậu thanh lý hết chỗ sách, truyện kia đi, vì cả hai anh chị đều rất bận rộn không có khả năng trông coi cửa hàng. Anh đi làm xa, chị cũng là giáo viên nên thời gian rảnh rất ít, hơn nữa nguồn thu từ cửa hàng truyện ngày một ít, không đóng góp cho kinh tế gia đình là bao.
Thế nhưng anh Mậu không đồng ý và kiên quyết giữ lại bởi anh không nỡ rời xa những kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ. Anh Mậu nhiều lần nói với vợ rằng anh không muốn những quyển sách ấy bị bán rẻ cho những hàng đồng nát hay những người không yêu sách bởi anh coi nó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.
Khi cửa hàng ngày một ít khách đi anh nói buồn và tiếc nuối, nhưng cũng không biết phải làm thế nào để duy trì như xưa.
Những giá sách nhuốm màu cũ kỹ của thời gian
Cả cửa tiệm, chỗ nào cũng là sách và truyện
Những chồng sách được nâng niu sắp xếp gọn gàng
Ngoài cho thuê truyện tranh anh chị còn cho thuê cả băng đĩa
Cả một ‘gia tài mơ ước’ của biết bao nhiêu bạn trẻ thời xưa được xếp ngay ngắn trên những giá tủ
Tuy hiện tại tiệm chỉ còn đón những vị khách ruột nhưng đối với vợ chồng anh Mậu – chị Thảo thì tiệm truyện tranh vẫn mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho gia đình và cũng giúp anh chị rèn luyện cho các con thói quen, niềm yêu thích với sách, truyện. Anh chị luôn mong muốn rằng có thể đem những cuốn sách, truyện này đến với nhiều người để thế hệ trẻ bây giờ hiểu được giá trị của sách và rèn luyện văn hóa đọc.
Với cuộc sống ngày càng hiện đại như ngày hôm nay, nếu muốn đọc một cuốn sách chỉ cần mang theo một chiếc smartphone hay một chiếc ebook tiện lợi. Thế nhưng cảm giác mong chờ hồi hộp như ngày xưa sẽ không còn nữa. Liệu rằng sau mấy mươi năm nữa chúng ta có còn nhìn thấy hình ảnh người ta cầm cuốn sách nâng niu, nghiền ngẫm đọc hay chỉ còn nhìn thấy những quyển sách bám đầy bụi được xếp trong dĩ vãng?
Theo Baodatviet.vn
Cả một bầu trời ký ức ùa về qua những trang sổ lưu bút của thế hệ 8X, 9X đời đầu
Những nét bút cẩn thận từ bút bi, bút màu chia sẻ về sở thích, thói quen hay quan niệm sống, ước mơ... trong cuốn sổ lưu bút cho bạn - là cả miền ký ức không thể quên của những 8X, 9X đời đầu.
Có những miền ký ức gắn bó với thế hệ 8X, 9X đời đầu mà dù trôi qua nhiều năm cũng không thể xóa nhòa. Từ những trò chơi, những bộ trang phục hay đến cuốn sổ lưu bút viết cho bè bạn năm cuối cấp... đều gợi nhắc cho ta về quãng thời gian hồn nhiên, trong trẻo và hạnh phúc trong cuộc đời.
Mới đây, trên một fanpage, tài khoản facebook có tên TT.N đã chia sẻ những hình ảnh về cuốn lưu bút - kỷ vật gắn liền với thời học sinh của mình. Chỉ ít phút sau khi chia sẻ, bài đăng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.
Hình ảnh cuốn sổ lưu bút gắn liền với thế hệ 8X được chủ nhân chia sẻ, nhanh chóng thu hút nhiều lượt like và bình luận rôm rả từ các cư dân mạng
Kèm theo đó, tác giả chia sẻ: ' Tớ tìm lại được cuốn sổ lưu bút cấp 3 ngày xưa. Cái này chắc chỉ có thế hệ 8X, đầu 9X mới biết thôi nhỉ. Cái thời toàn thích Đan Trường, Lâm Chấn Huy. Cả một trời kỉ niệm. 12 năm qua rồi. Nhanh thật!'
Bài đăng nhận được nhiều comment từ cộng đồng mạng - những người đã từng nhìn thấy, đọc hay trực tiếp ghi những dòng lưu bút tương tự cho bạn bè của mình. Bìa sổ thường có in hình ảnh các ca sĩ thần tượng ngày đó như Đan Trường, Cẩm Ly, Lam Trường, Lâm Chấn Huy... Bên trong là những dòng bộc bạch từ họ tên, quê quán, đến sở thích về màu sắc, thói quen, ca sĩ, bài hát yêu thích và cả câu danh ngôn yêu thích hay phương châm sống của bạn...
Sau những dòng chia sẻ về bản thân là nhận xét về tính cách hoặc ghi lại kỷ niệm đáng nhớ với chủ sổ
Còn có cả những bạn dùng bút màu đỏ để trang trí cho bài viết của mình
Số điện thoại liên lạc, với 8X đời đầu, đâu đã có di động dùng như bây giờ, chỉ là số máy bàn của gia đình thôi!
Có những số điện thoại còn tự chế kiểu tổng đài '1900100 có'
Những chia sẻ chân thành về tình bạn trong lớp...
Và nhiều thông điệp gửi gắm đến bạn, mạnh mẽ, cố gắng và thành công trong mọi lĩnh vực...
Cả những nét chữ ký ngượng nghịu...
Rất nhiều kỷ niệm chất chứa bên trong...
Những cuốn sổ lưu bút đã gắn liền với thời học sinh của thế hệ 8X, 9X đời đầu. Để giờ đây, mỗi lần lần giở lại, lòng vẫn không khỏi xốn xang. Nhiều cư dân mạng cũng nhân đây để chia sẻ cảm xúc của mình về những cuốn sổ lưu bút từ cách đây cả thập kỷ:
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, những cuốn sổ lưu bút hay những cánh thư viết tay đã trở thành điều gì đó rất xa xỉ. Có lẽ chính bởi vậy mà những nét chữ của bạn bè tự tay viết từ ngày xưa lại khiến nhiều người cảm động và thấy trân trọng nhiều hơn.
Theo Baodatviet.vn
Sự thật đáng buồn về nguyên bản Winnie The Pooh: Cậu bé bị bố lợi dụng, mẹ từ mặt Cha đẻ Winnie The Pooh đã lấy con trai mình làm ý tưởng sáng tác cho tác phẩm đình đám này, nhưng không ít người bất ngờ khi biết sự thật về mối quan hệ giữa ông và con trai. Winnie The Pooh là câu chuyện quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ. Chuyện xoay quanh cuộc phiêu lưu của...