Cửa hàng bị phạt 7,5 triệu đồng vì không dán mã QR
Một số quán cà phê, cửa hàng tạp hóa bị phạt 7,5 triệu đồng vì không tuân thủ việc quét mã QR.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra đột xuất một số cửa hàng kinh doanh tại các phường Tràng Tiền, Hàng Bạc, Hàng Trống… từ ngày 15/10 đến 20/10 và phát hiện một số địa điểm chưa nghiêm túc quét QR code.
Cụ thể, ba quán cà phê ở đường Tông Đản và đường Nguyễn Xí không hướng dẫn khách quét mã; một cửa hàng tạp hóa ở đường Nguyễn Khắc Cần không có mã QR. Các cơ sở này bị phạt 7,5 triệu đồng vì “không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm”.
Khách hàng quét QR khi vào một cửa hàng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong ngày 19/10 và 20/10, Sở cũng tổ chức ba đoàn kiểm tra việc thực hiện tạo và quét mã QR tại các cơ quan công sở, cửa hàng, siêu thị, địa điểm công cộng ở 6 quận huyện Mê Linh, Thanh Oai, Long Biên, Thường Tín, Đống Đa, Ba Đình.
Video đang HOT
Trong 183 địa điểm được kiểm tra, phần lớn đã tuân thủ đúng quy định. “Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa thực hiện nghiêm việc quét mã QR của người vào ra” và bị nhắc nhở, xử phạt, theo kết luận của Sở.
Đại diện Sở cho biết, việc triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào bằng mã QR là những biện pháp nhằm ứng dụng công nghệ trong trạng thái bình thường mới. Khi có ca F0, các trường hợp liên quan sẽ được khoanh vùng chính xác, truy vết nhanh chóng, từ đó kịp thời ngăn chặn sự lây lan.
“Công nghệ đang góp phần là lá chắn không thể thiếu trong phòng chống dịch. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, sự tuân thủ của người dân sẽ giúp Hà Nội đảm bảo trạng thái bình thường mới”, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, nói.
Kiểm soát người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR là một trong các biện pháp công nghệ đang được Hà Nội và nhiều địa phương thực hiện thời gian qua. Mỗi cửa hàng, địa điểm cần tạo một điểm quét QR riêng. Người dân khi tới đây sẽ quét mã bằng ứng dụng như PC-Covid, hoặc đưa mã QR cá nhân của mình (trên ứng dụng chống dịch hoặc CCCD) để chủ địa điểm quét. Hoạt động này nhằm ghi lại các mốc dịch tễ. Khi có ca F0, cơ quan y tế có thể liên hệ được với những người xuất hiện cùng thời gian và địa điểm với ca bệnh để khoanh vùng và ngăn dịch bệnh lây lan.
Theo số liệu đến ngày 17/10, tổng số điểm quét mã QR tại Hà Nội là 613.266. Trong ngày 17/10, số địa điểm QR Code có lượt quét mã là 68.827. Tổng số người đi/đến đã thực hiện check-in tại các điểm quét mã trong ngày là 209.344 người.
Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc giám sát thông qua hệ thống quản lý. Hệ thống này thể hiện những quận, huyện, xã, phường và địa điểm có số lượt quét thấp, từ đó có biện pháp hướng dẫn, hoặc chấn chỉnh nếu chưa thực hiện nghiêm.
Mỗi người dân sẽ có một mã QR cho mọi ứng dụng chống dịch
Người dân có thể cài bất cứ ứng dụng chống dịch nào và nhận được một mã QR giống nhau nên không cần cài nhiều app cùng lúc.
Ngày 11/9, Bộ Thông tin và Truyền thông ra hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc. Cách thức cấp và sử dụng mã QR cá nhân đã được gửi đến các đơn vị liên quan trong việc xây dựng nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 sáng 11/9. Mã QR mới là phiên bản 1.1.
Theo ông Đỗ Lập Hiển, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19, việc xây dựng nền tảng QR quốc gia đã hoàn thành và sẵn sàng sử dụng.
"Giờ cần có thời gian cho các ứng dụng kết nối và đồng bộ. Việc này dự kiến hoàn thành trong một tuần", ông Hiển nói.
Khi hoàn thành, mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR cá nhân. Mã này hiển thị thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều nền tảng, công nghệ phục vụ phòng chống Covid-19 như nền tảng khai báo y tế, tiêm chủng, xét nghiệm, Bluezone, VHD... hay mới đây là VNEID. Ngoài ra, một số địa phương cũng tạo các ứng dụng riêng. Mỗi ứng dụng lại sinh ra một mã QR khác nhau sau khi người dùng khai báo, gây nên tình trạng người dùng khi di chuyển có thể phải cài hàng loạt ứng dụng khác nhau.
"Với việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất, người dân có thể lựa chọn cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng phù hợp với nhu cầu, không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau", văn bản của Bộ TT&TT viết.
Các ứng dụng như Bluezone, VNEID đang tạo ra các mã QR khác nhau, dù cùng một người dùng.
Mỗi mã QR phiên bản 1.1 mới sẽ chứa chuỗi thông tin gồm số CMND/CCCD, họ tên, ngày sinh, mã người dùng trên nền tảng QR quốc gia, kiểu dữ liệu (tự khai hay khai hộ), cùng một số thông tin mở rộng như: giới tính, số điện thoại, mã số thẻ bảo hiểm...
Để được cấp mã QR này, người dân cần khai báo thông tin chính xác. Thông tin được khai báo từ các ứng dụng phòng chống dịch sẽ được gửi đến hệ thống QR quốc gia. Hệ thống này tiếp tục gửi đến hệ thống xác thực. Nếu thông tin chính xác, hệ thống sẽ trả về mã QR, nếu sai sẽ báo lỗi.
Việc tạo mã QR cá nhân duy nhất cho mỗi người dùng nhằm tạo thuận lợi cho mỗi người dân và cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống Covid-19.
"Khi các ứng dụng dùng chung một QR, người dân có thể sử dụng linh hoạt bất kỳ ứng dụng nào mà vẫn giao tiếp được với nhau, đảm bảo yêu cầu về giám sát, xác thực của cơ quan chức năng; đồng thời giúp dữ liệu đồng bộ, giảm tối đa dữ liệu rác", đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 chia sẻ.
Ứng dụng VNEID khác Bluezone, VHD thế nào Cả ba ứng dụng đều dùng để khai báo và tạo mã QR, nhưng VNEID nhẹ hơn, chạy trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hai tính năng chính của VNEID là Khai báo y tế và Khai báo di chuyển nội địa. Sau khi khai báo, người dùng sẽ nhận về một mã QR dùng để quét...