Cua biển Cà Mau tăng giá mạnh
Nếu trước Tết cua gạch chỉ 390.000 một kg thì nay tăng lên 550.000-600.000 đồng.
Khảo sát tại các chợ TP HCM cho thấy, cua gạch loại 1, trước Tết giá chỉ 390.000 đồng một kg thì nay là 550.000 đồng. Cua loại 2 giá từ 160.000 đồng tăng lên 250.000-290.000 đồng một kg.
Chị Hạnh, tiểu thương chợ Hòa Bình (Q.5) cho biết, trước Tết, cua thịt loại 4-5 con một kg giá chỉ 160.000 đồng nhưng nay đã 250.000 đồng, còn cua loại 2 con một kg nay đã đắt thêm 70.000 đồng lên 350.000 đồng. Riêng cua gạch, chị bán rẻ hơn so với các chợ khác nhưng cũng đắt thêm 50.000 đồng so với trước Tết, lên 450.000 đồng một kg.
Cua Việt còn phụ thuộc vào nhiều thị trường Trung Quốc. Ảnh: Phúc Hưng.
Cũng bán giá khá cao, anh Thanh ở chợ Bà Chiểu cho biết, anh chỉ bán duy nhất cua thịt loại 2 giá 260.000 đồng một kg. “Mấy ngày nay đi lấy hàng rất hiếm, tôi chỉ chọn được khoảng gần chục kg vì mùa này cua ít. Dù bán giá cao hơn so với ngày thường 70.000 đồng, nhưng đến trưa là không còn hàng để bán”, anh Thanh nói và cho biết, từ Tết đến nay cua gạch Cà Mau loại 1 rất khó mua vì thương lái lớn đến tận nhà dân thu gom với giá 550.000-600.000 đồng một kg để xuất đi Trung Quốc nên cua trở nên đắt đỏ. Nếu có mua thì khách ở các tỉnh đa phần chỉ được ăn cua loại 2.
Cũng xác nhận giá cua khởi sắc so với trước Tết, chủ vựa cua ở Đầm Dơi (Cà Mau) cho hay, thời điểm này cua có giá khá tốt, thương lái mua đi bán lại cũng đắt hàng và lãi hơn so với trước đó. Bởi lẽ, cua chuẩn bị hết mùa nên số lượng ít dần. Mặt khác, sau Tết Trung Quốc ồ ạt thu mua khiến cung không đủ cầu, đẩy giá lên cao.
Video đang HOT
Trao đổi với VnExpress, ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, cua tăng giá là do sản lượng năm nay giảm hơn so với năm trước vì hộ dân nuôi cua mùa này ít hơn so với cùng kỳ.
“Nhờ giá tăng từ sau Tết đến nay mà bà con nông dân nuôi cua ở Cà Mau đã có lãi cao. Tuy nhiên, cua Việt vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Nếu 2 thị trường này thu gom mạnh thì giá sẽ tăng, còn ngược lại giá rớt mạnh”, ông Lĩnh nói, đồng thời cho biết thêm, sản lượng tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp nên giá cả bấp bênh. Thông thường, vào tháng 5-6 hàng năm là thời điểm Trung Quốc ngưng mua, giá lại giảm mạnh.
“Chúng tôi cũng luôn tìm kiếm thêm thị trường mới để tạo đầu ra ổn định cho người dân nhưng rất khó tiếp cận vì các thị trường mới khá khó tính và quy định khắt khe. Trong khi đó, quy mô nuôi cua ở các hộ dân còn manh mún”, ông Lĩnh nói.
Theo Hồng Châu (vnexpress)
Thương lái Trung Quốc ngừng mua, đặc sản cua Cà Mau rớt gần nửa giá
Người nuôi cua ở Cà Mau đang "đứng ngồi không yên" khi giá cua liên tục xuống thấp. Hiện giá cua đã giảm khoảng 30 - 40 % so với vài tháng trước. Nguyên nhân được xác định là do thị trường Trung Quốc không nhập khẩu cua, thương lái Trung Quốc đồng loạt ngừng "ăn hàng".
Theo người nuôi cua địa phương, giai đoạn từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 5/2015, giá cua liên tục giữ mức khá ổn định. Cua gạch được thương lái thu mua tại vuông nuôi với giá 320.000 - 350.000 đồng/kg; cua y giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Đến nay, cua y đang được thu mua với giá 140.000 đồng/kg; cua gạch chỉ còn từ 200.000 - 220.000 đồng/kg.
Đặc sản cua biển Cà Mau đang rớt giá.
Tỉnh Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì cả nước, tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước...Thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, quân bình mỗi năm lượng cua biển xuất khẩu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch lên đến đến hàng chục ngàn tấn; trong đó thị trường chính là Trung Quốc.
Như đã thành quy luật, cứ đến thời gian gần Rằm tháng 7 hàng năm, giá cua sẽ giảm. Nguyên nhân được xác định do thị trường Trung Quốc không nhập khẩu cua, thương lái Trung Quốc đồng loạt ngừng "ăn hàng". Thế là giá cua cứ lao dốc, chỉ tội cho những gia đình kinh tế khó khăn, chỉ trông chờ vào con cua, con tôm để sống.
Gắn bó với con cua đã mấy chục năm nay, chưa năm nào thấy giá cua giảm mạnh như hiện nay, ông Nguyễn Văn Thoái (xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân), thở dài: "Ai cũng biết, đến giai đoạn này giá cua sẽ giảm. Nhưng tình hình năm nay căng quá, tính ra giá giảm đến cả 100.000 đồng/kg, chúng tôi nuôi sao có lời".
Ông Nguyễn Minh Phồi (ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới) cho biết: Vụ vừa qua gia đình thả hơn 4.000 con cua giống, ước đạt tỷ lệ sống 25%. Hiện sản lượng cua trong vuông ít nhất có 3 tấn, đã dư kích cỡ thu hoạch nhưng không dám thu.
Theo tính toán của ông Phồi, nếu bây giờ bắt cua, chưa tính công gia đình ông chắc chắn sẽ lỗ không dưới 3 triệu đồng. "Chẳng ai muốn thu hoạch lúc này cả, bà con đang đợi đến Trung thu, thị trường tiêu thụ sẽ tăng trở lại, hy vọng giá cua được đẩy lên mới thu hoạch", ông Phồi nói.
Huyện Cái Nước có diện tích nuôi cua hơn 6.000 ha, tập trung nhiều tại các xã Trần Thới, Đông Thới,... "Tình hình nuôi năm nay cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, thương lái Trung Quốc ngừng mua, giá cả quá thấp gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Ngay cả những doanh nghiệp tiêu thụ cũng đang điêu đứng", ông Đoàn Văn Chính- Phó trưởng Phòng NN&PTNN huyện Cái Nước cho biết.
Người nuôi cua ở Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn khi giá cua đang thấp.
Ông Võ Ngọc Hùng (chủ cơ sở thu mua cua biển lớn ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) cho biết: Trước đây, hàng ngày ông xuất sang Trung Quốc 1 tấn cua biển các loại, thì nay chỉ còn khoảng vài trăm kg/ngày. Giá cua giảm đang tác động mạnh đến thị trường thu mua và xuất khẩu của các địa phương. Người nuôi luôn đang chịu áp lực lớn nhất.
"Doanh nghiệp có thể chủ động dừng mua khi thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng người nông dân ít vốn thì khó có thể dừng thu hoạch khi cua tới đợt khai thác", ông Hùng nói.
Ông Châu Công Bằng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng: Đồng nhân dận tệ của Trung Quốc bị phá giá xuống thấp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các mặt hàng thủy sản xuất vào thị trường này rớt giá, trong đó có cua biển Cà Mau.
"Ngành nông nghiệp đang theo dõi sát sao mọi biến động của các mặt hàng thủy sản trên địa bàn để có hướng xử lý và khuyến cáo người dân khi cần thiết", ông Bằng nói.
Khánh Hưng
Theo Dantri