Cử tri TP.HCM chia sẻ về việc ông Đinh La Thăng bị kỷ luật
Cử tri huyện Củ Chi TP.HCM đã chia sẻ tâm tư trước việc ông Đinh La Thăng bị kỷ luật và nêu lên những nhận xét cá nhân.
Sáng 9.5, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cử tri Đỗ Thị Cưỡng ở xã Trung An cho biết Nghị quyết Trung ương 4 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký về xây dựng chỉnh đốn Đảng đã đánh giá đúng tình trạng đất nước, trong đó có vấn đề tham nhũng chưa được đẩy lùi, tự chuyển hóa, tự diễn biến…
“Vừa rồi, Tổng bí thư đã chỉ đạo thành lập 8 đoàn thanh tra, cá nhân tôi rất phấn khởi và hy vọng”, cử tri Cưỡng nói và cho biết cảm thấy rất đau với vụ việc ông Đinh La Thăng vừa bị kỷ luật.
Cử tri Đỗ Thị Cưỡng ở xã Trung An chia sẻ về việc ông Đinh La Thăng bị kỷ luật.
Về mặt cá nhân, bà Cưỡng nhận xét ông Đinh La Thăng dù là Bí thư Thành uỷ nhưng có sai phạm đến mức nào thì Đảng đã xử lý tới mức đó, như vậy là rất nghiêm minh. Tuy nhiên bà Cưỡng cũng chia sẻ tâm tư, khi làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bí thư Thành ủy TP.HCM, bà thấy ông Thăng khá được lòng dân.
“Qua báo đài tôi thấy đồng chí ấy khi còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT đi xuống các công trình để kiểm tra, đu dây xuống vực khảo sát xây cầu treo, từng đi xe buýt để khuyến khích mọi người đi xe buýt. Còn khi về làm Bí thư TP.HCM, đồng chí ấy đã về làm việc với huyện Củ Chi, giải cứu đàn bò sữa và người nuôi bò của huyện khi đó đang gặp khó khăn”, bà Cưỡng nói thêm.
Cũng theo nữ cử trí này, ông Thăng hay đi cơ sở, xuống xã để tiếp xúc dân. Không những vậy, ông Thăng còn yêu cầu cấp dưới bớt họp hành và về với người dân, những việc làm đó được lòng dân.
Video đang HOT
Còn cử tri Nguyễn Thị Mai nêu bức xúc liên quan đến kiến nghị nhiều năm về khu công nghiệp Đông Nam, và mong muốn chính quyền trả lời dứt khoát bao giờ thì đền bù cho dân. Theo cử tri Mai, người dân đã chờ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết và kiến nghị nhiều nhưng không nhận được câu trả lời.
Trả lời những búc xúc của cử tri về những vấn đề thuộc thẩm quyền, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, những phản ánh của người dân là những bức xúc, tồn tại liên quan đến quy hoạch và xây dựng cơ bản.
“Trong năm vừa qua, UBND huyện Củ Chi đã rà soát lại và thấy có 92 điểm vướng trong vấn đề quy hoạch, hiện mới giải quyết được trên 30 điểm”, ông Phú nói.
Vấn đề vi phạm trong việc tách thửa, theo ông Phú huyện đã xử lý 1 bí thư và 3 chủ tịch xã do làm trái luật. Đối với gia đình đủ giấy tờ chứng minh, gia đình đông con cháu có nhu cầu tách thửa để xây dựng chỗ ở thì chính quyền sẽ tạo điều kiện.
Tại buổi tiếp xúc, cùng với hai đại biểu ứng cử tại địa phương là ông Trần Anh Tuấn và Văn Thị Bạch Tuyết, còn có ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) tham dự. Một đại biểu Quốc hội khác của đơn vị bầu cử gồm Củ Chi và Hóc Môn là ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, vắng mặt.
Trả lời về những thắc mắc của cử tri vì sao không có mặt ông Đinh La Thăng, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết do ông Thăng đang họp Hội nghị Trung ương 5 tại Hà Nội nên không có mặt tại buổi tiếp xúc. Nhưng những kiến nghị của cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ báo cáo lại với đồng chí Bí thư.
Theo Danviet
Ông Đinh La Thăng vẫn là Ủy viên Trung ương Đảng
Với mức kỉ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng vẫn là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 7.5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã làm việc tại Hội trường để xem xét và thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng.
Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7.5, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Câu chuyện của ông Đinh La Thăng là câu chuyện dài, theo báo cáo của Ủy ban kiểm tra trung ương thì sai phạm của ông là sai phạm trong thời kỳ còn làm lãnh đạo ở Tập đoàn dầu khí, từ 2009 đến 2011.
Trong quá trình công tác gần 35 năm, ông Thăng đã 3 lần được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII. Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, tháng 1/2016, ông Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Đinh La Thăng phát biểu tại Đại hội Đảng 12. Ảnh: TTXVN
Từ ngày 5.2.2016, ông Đinh La Thăng được Bộ chính trị phân công tham gia Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM và giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Như vậy, quyết định kỷ luật hiện tại là kỷ luật những sai phạm của thời kỳ cách đây 6 năm, cũng có khi là 10 năm về trước, kỷ luật những việc làm trong quá khứ.
Các hình thức kỷ luật của Đảng, cũng có những bậc khác nhau, đầu tiên là phê bình, sau đó nếu cứ tiếp tục sai thì sẽ tiến hành khiển trách, sai nặng hơn thì cảnh cáo, nếu nặng quá thì cách chức, khai trừ. Hình thức cao nhất trong đảng là khai trừ khỏi Đảng. Tuy nhiên, với quyết định cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, ông Đinh La Thăng vẫn là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng".
"Tuy nhiên, với hình thức kỷ luật cảnh cáo sau 1 năm kiểm điểm, thực hiện tốt, có thể xoá kỷ luật, vì thế trong 1 năm, cũng có thể ông Thăng sẽ không được phân công nhiệm vụ gì. Sau khi đã xoá kỷ luật thì coi như chưa từng bị kỷ luật, từ đó có thể phân công bất cứ nhiệm vụ gì, thông thường kỷ luật cảnh cáo thì sẽ bị mất chức", ông Thuận nói thêm.
Cũng đưa ra quan điểm về câu chuyện trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho biết:
"Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp lấy phiếu của tất cả uỷ viên ban chấp hành để tiến hành xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng, với hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ chính trị khóa XII, đây là hình thức chưa đến mức khai trừ, như vậy, hiện tại ông Thăng vẫn là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng.
Sau này sẽ được bố trí làm việc tại một vị trí nào đó, vì vẫn còn là uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng".
Trước đó, từng trao đổi với báo chí ngày 3.5, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, kết quả bỏ phiếu của Ban Chấp hành Trung ương là kết luận cuối cùng và có giá trị cao nhất. Kỷ luật đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.
Cũng có trường hợp Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu kỷ luật ở mức độ thấp hơn đề nghị của Bộ Chính trị vì lá phiếu của Trung ương là quyết định.
Trong việc cách chức đảng viên, khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét có thể cách một hoặc tất cả các chức vụ mà đương sự đang nắm. Có những ủy viên Trung ương Đảng bị khai trừ ra khỏi đảng, ngay khi giải lao người bị kỷ luật phải ra khỏi cuộc họp của Trung ương luôn.
Theo Sơn Ca (Đất Việt)
Ông Đinh La Thăng với 2 lần lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 -2016) ông Đinh La Thăng giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT, ông có hai lần lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Ông Đinh La Thăng trả lời chất vấn trước khi Quốc hội khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT. Ảnh: VPQH. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (tháng 6.2013), Quốc...