Cử tri TP HCM vẫn bức xúc về quy hoạch ‘treo’
Quy hoạch treo, chính sách đền bù, giải tỏa… và tình hình trộm cướp vẫn là mối quan tâm của cử tri nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố trước kỳ họp HĐND TP HCM khai mạc vào ngày mai (10/7).
Theo báo cáo tập hợp ý kiến các cử tri trước kỳ họp, nhiều người dân đề nghị HĐND thành phố tiếp tục giám sát, rà soát và có hướng thực hiện đối với những quy hoạch mang tính khả thi, “còn những quy hoạch không khả thi đề nghị xóa bỏ và công khai cho người dân biết”.
Các dự án bị “treo” nhiều năm tiếp tục là bức xúc nhiều nhất của cử tri TP HCM trước kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa VIII. Ảnh: H.C.
Cử tri xã Phong Phú, huyện Bình Chánh bức xúc vì dự án Phi Long trên địa bàn xã đã được triển khai 11 năm nay nhưng đến giờ vẫn là bãi cỏ mọc hoang. Dự án khu công nghiệp sạch Phong Phú bị cử tri huyện Bình Chánh phàn nàn vì thi công cầm chừng chưa biết khi nào mới xong, dự án Liên Việt Á thì bồi thường quá chậm làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cử tri ở đường Tái Thiết, Hương lộ 2 (phường 11, quận Tân Bình) phản ánh quy hoạch đường vành đai đã có từ năm 1999, nhưng đến nay vẫn còn treo làm người dân muốn xây dựng, sửa chữa, sang nhượng đều không được.Các dự án bị “treo” nhiều năm, đất đai bị bỏ hoàng gây ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 6 (khóa VIII) về quy hoạch đô thị, đền bù, giải tỏa đất của người dân trên địa bàn vào cuối năm 2012, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã thay mặt UBND thành phố “xin nghiêm túc tiếp thu”, nhận khuyết điểm và trách nhiệm vì đã để xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Tín hứa ngay sau cuộc họp sẽ kiểm tra tất cả các dự án treo ở TP HCM trên tinh thần “xử lý được sẽ cho làm ngay” để gỡ khó người dân. Kết quả thành phố đã xóa được gần 100 dự án “treo” do chậm triển khai và chưa bồi thường giải phóng mặt bằng giúp thành phố thu lại gần 1.500 ha.
Video đang HOT
Bên cạnh những bức xúc về quy hoạch “treo”, người dân cũng bày tỏ sự quan tâm về tình hình trộm cướp, giết người, tai nạn giao thông còn tăng cao và đề nghị chính quyền thành phố “cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn”. Cử tri quận Phú Nhuận kiến nghị thành phố tăng cường kiểm tra, truy tận gốc những nơi sản xuất hung khí và có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Kỳ họp thứ 10, HĐND TP HCM (khóa VIII) sẽ khai mạc vào ngày 10/7 và kéo dài đến hết buổi sáng ngày 13/7. Tại kỳ họp lần này, lần đầu tiên HĐND TP sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 chức danh cho HĐND bầu theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội. HĐND TP sẽ bàn và thông qua một số nội dung như đánh giá báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2013, bàn thảo đưa ra nhiệm vụ giải pháp cho 6 tháng cuối năm; báo cáo về tình hình thu ngân sách; báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 16 về lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị; báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ bảy cho tới nay. HĐND cũng sẽ xem xét 16 tờ trình của UBND TP về tăng học phí, viện phí, việc đặt tên đường… đồng thời HĐND sẽ bầu bổ sung thêm chức danh Ủy viên UBND TP đang bị khuyết.
Theo VNE
Cử tri xin thành phố xử lý quy hoạch 'treo'
Khổ sở vì bị ảnh hưởng bởi dự án khu du lịch sinh thái "treo" suốt 20 năm, một cử tri khẩn khoản nói trước HĐND TP HCM: "Chúng tôi chỉ xin một điều, nếu không thực hiện được dự án thì thu hồi, trả lại đất cho người dân".
Chiều 4/10, tại buổi họp tổ với sự tham dự của các cử tri, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận, công tác tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của TP, tác động rất lớn đến đời sống của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch. Vì vậy, việc một số đồ án quy hoạch không hợp lý , đặc biệt là nhiều dự án "treo" đã gây rất nhiều khó khăn và bức xúc cho người dân.
Dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) bị "treo" gần 20 năm gây khó khăn cho người dân. Ảnh: Hữu Công.
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND thành phố cho biết, khắp nơi đều có dự án bị "treo". Chẳng hạn như dự án Công viên Du lịch sinh thái Sài Gòn Safari với diện tích 400 ha đã đền bù xong từ năm 2004, song hiện dự án tái định cư cho người dân bị giải tỏa vẫn chưa thẩm định xong. "Thử hỏi dự án tái định cư kéo dài như thế thì người dân sẽ ở đâu? Đến bao giờ người dân ở đây mới được tái định cư?", ông Hùng bức xúc.
Theo một đại biểu huyện Hóc Môn, trên địa bàn có 22 dự án khu dân cư, "nhưng đến nay chưa có dự án nào được làm cho ra hồn". Nhất là dự án khu đô thị mới An Phú Hưng rộng 650 ha đã có phương án đền bù từ năm 2004, tuy nhiên chủ đầu tư chỉ chuyển được 3 hộ và tạm ứng tiền cho 4 hộ với diện tích 2,6 ha. Huyện đã kiến nghị với UBND thành phố nhiều lần, chủ đầu tư đã được gia hạn đến 3 lần và mỗi lần lại đổi tên mới nhưng tình hình cũng không thay đổi.
"Với những chủ đầu tư không có năng lực, không có khả năng hoàn thành dự án thì thành phố cần thu hồi để sử dụng đất làm việc khác. Không thể treo mãi như thế được", đại biểu này kiến nghị.
Tương tự, đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, việc giải quyết các dự án "treo" bằng cách cử các sở, ngành đi thực tế rồi về báo cáo như hiện nay không thể giải quyết dứt điểm, mà cần thành lập một đoàn liên ngành là những người có quyền cho thu hồi ngay dự án khi thấy có sai sót hay chủ đầu tư không đủ năng lực để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Là một trong những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa bị "treo" gần 20 năm, cử tri Đặng Văn Quốc (phường 28, quận Bình Thạnh) chắp tay khẩn khoản: "20 năm, thời gian đủ để hình thành một thế hệ để xây dựng đất nước. Chúng tôi chỉ xin một điều, nếu không thực hiện được dự án thì thu hồi, trả lại đất cho người dân nhờ".
"Chúng tôi chỉ xin một điều nếu dự án không thực hiện được thì thành phố thu hồi cho người dân được nhờ", cử tri Đặng Văn Quốc khẩn khoản nói tại buổi thảo luận chiều 4/10. Ảnh: Hữu Công.
Ngoài việc quy hoạch treo, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 cũng là đề tài 'nóng' được nhiều người quan tâm. Đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng, quá trình lập quy hoạch chưa tính đến nguồn lực thực hiện được những mong muốn đó. "Quan trọng là đến năm 2025 tổng thu nhập bình quân đầu người đạt bao nhiêu, liệu có đủ tiền để làm những gì chúng ta đã vẽ ra? Ai cũng muốn xây nhà đẹp nhưng khi sờ lại túi tiền thì mới thấy trống rỗng. Phải chăng chúng ta đã duy ý chí khi lập đồ án?"
Không đồng ý với ý kiến của ông Quân, đại biểu Lê Trương Hải Hiếu nhìn nhận, quy hoạch là việc bắt buộc, không thể nói chưa có tiền thì không nên làm. "Vấn đề là hiện nay dường như công tác lập quy hoạch của chúng ta đang bị xung đột với cuộc sống của người dân, đây là điều cần giải quyết", ông Hiếu nói.
Còn theo đại biểu Võ Văn Sen, để TP HCM trở thành trung tâm về kinh tế, dịch vụ của cả vùng Đông Nam Á như trong quy hoạch thì cần mở rộng thêm diện tích. "Ranh giới các tỉnh chỉ có ý nghĩa trên bản đồ hành chính, về kinh tế thì không có ý nghĩa. Tại sao chúng ta không nhập thêm Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) và cả Biên Hòa (Đồng Nai) vào TP HCM để có thêm nguồn lực cho sự phát triển?", đại biểu Sen đề xuất.
Trong khí đó, đại biểu Trần Văn Thiện lại tỏ ra băn khoăn đối với công tác lập quy hoạch của Việt Nam hiện nay. Theo ông Thiện, các khu đô thị do nước ngoài quy hoạch và xây dựng như Phú Mỹ Hưng... đều rất thành công, trong khi những khu do Việt Nam quy hoạch đều dang dở. "Chúng ta từng hy vọng khu Đồng Đen, Bàu Cát (quận Tân Bình) là một khu đô thị hiện đại thì nay nhìn lại chỉ là một khu vực ngập nước", ông Thiện dẫn chứng.
Ngày mai, kỳ họp thứ 6 HĐND khóa 8 sẽ bế mạc.
Theo VNE
Bức xúc những khu quy hoạch "treo" cả một thế hệ "Hai mươi năm sống "treo" trong quy hoạch đã bằng thời gian cho một thế hệ lớn lên rồi. Đề nghị TP coi có làm được thì làm ngay, còn không thì thôi, tháo bỏ giùm cái quy hoạch, trả lại hiện trạng đất trước kia cho người dân an cư làm việc". Cử tri Đặng Văn Chuốc (P.28, Q.Bình Thạnh) đã bức...