Cử tri sẽ không chấp nhận
Trong tuần qua, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII về những vấn đề đời sống dân sinh thực sự đậm đặc hơi thở cuộc sống, mang tính thời sự mà cả xã hội đang quan tâm: nợ xấu, độ an toàn của thủy điện, điều hành giá xăng dầu, quản lý thị trường vàng, xử lý gánh nặng bất động sản tồn kho, kiểm soát giá thuốc, viện phí bất hợp lý…
Cử tri cả nước, bên cạnh việc đồng tình với các vấn đề, ý kiến chất vấn của đại biểu, cũng không ít người chưa yên tâm phần trả lời của các Bộ trưởng. Có những câu trả lời dứt khoát, quyết đoán và thuyết phục, thể hiện vai trò quán xuyến và tinh thần trách nhiệm cao của tư lệnh ngành, giải quyết được một số vấn đề, đưa ra được một số giải pháp. Nhưng cũng có những câu trả lời chưa giải đáp được đầy đủ những vướng mắc đang nóng bỏng, bức xúc và nhức nhối của nhân dân. Không chỉ chưa làm thỏa mãn các đại biểu và cử tri mà thay vào đó là những lời trần tình mang tính biện bạch, quy lỗi cho người này, người kia hoặc cho cơ chế, thể chế. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đánh giá chất lượng các phiên chất vấn đã thừa nhận, vẫn còn những nét gợn như việc gì cũng kêu khó; trả lời chệch ý đại biểu, “đá bóng” trách nhiệm cho nhau; khất trả lời đại biểu vì lỡ “để tài liệu ở nhà”…; hay như câu chuyện an toàn tại Thủy điện Sông Tranh 2 có đến 2 Bộ trưởng báo cáo, nhưng Quốc hội vẫn chưa yên tâm.
Cũng thấy những lời hứa, cam kết chung chung, không được bảo đảm bằng trách nhiệm cụ thể trước Đảng, trước dân về tính hiệu quả của công việc mà ngành, lĩnh vực được giao phụ trách.
Chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường từ mấy năm nay được truyền hình trực tiếp còn là phương tiện giám sát của người dân đối với công việc của người được chất vấn, từ đó cho phép đánh giá năng lực chuyên môn của những người chất vấn và trả lời chất vấn.
Song một phiên chất vấn nóng ở nghị trường chưa đủ, quan trọng là sau chất vấn hiệu quả giải quyết vấn đề được nêu ra sẽ đến đâu. Một phiên chất vấn sẽ không có giá trị nếu sau đó việc triển khai những cam kết không rõ kết quả. Việc hứa thì dễ, thực hiện lời hứa mới là điều đáng quan tâm. Đã có tình trạng việc hứa cứ hứa, còn có làm hay không thì cứ phải chờ. Cần coi trọng giám sát thường xuyên việc thực hiện lời hứa, trả lời kiến nghị của cử tri. Đại biểu và cử tri nhân dân chắc chắn sẽ không chấp nhận những vị tư lệnh hứa rồi để đấy.
Mong rằng, đòi hỏi chính đáng này sẽ được đáp ứng để người dân sẽ cùng chia sẻ, cùng hiến kế, cùng gánh vác nhiệm vụ với Nhà nước. Khi ấy, dù có khó khăn đến đâu thì “dân liệu cũng xong”.
Theo ANTD
Sông Tranh chảy ngoài nghị trường
Có tới 4 đoàn đại biểu Quốc hội: Quảng Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai, Sơn La đề xuất đưa "thủy điện" vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2013.
Nước đã từng chảy xối xả qua các khe nhiệt trong thân đập của thuỷ điện Sông Tranh 2. Ảnh: KS Lê Văn Tăng
Đề xuất này được nêu trong báo cáo tổng hợp trình bày trước Quốc hội sáng nay (8.11). 4 công trình được đề xuất đưa vào diện giám sát là những thuỷ điện cả cũ Hòa Bình, Sơn La, cả mới Sông Tranh, Đồng Nai. Nỗi lo này không hề hão huyền.
Thủy điện Hòa Bình đã già đến "hết khấu hao" giờ vẫn tính đến việc ổn định đời sống dân cư. Còn Sông Tranh 2, đúng vào ngày Quốc hội họp bàn chuyện giám sát, xuất hiện mới một nỗi lo lớn với "Bờ phải thân đập đã xuất hiện dòng thấm khá lớn", thậm chí "đã có dịch chuyển bêtông".
Đây là những khẳng định chính thức của đoàn chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam. Sông Tranh 2 hóa ra không chỉ có chuyện "nước phun thành vòi qua thân đập", không chỉ có "động đất kích thích" từ việc tích nước, mà còn "không chỉ có đứt gãy chạy thẳng vào thân đập mà có thể còn là cả mạng lưới phá hủy kiến tạo rất phức tạp và có khe nứt đi dưới chân đập", khi mà "Thân đập được gắn với hai vách đá thực chất đã bị xệ xuống, không còn gắn với đá mẹ nữa".
"Đập Sông Tranh 2 có nguy hiểm"- một thành viên của đoàn chuyên gia khẳng định trên báo Tuổi trẻ. Và cần phải nói thêm rằng: Nguy hiểm ngay cả khi chưa tích nước.
Vài hôm trước, trả lời báo chí về đề xuất của đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai, đề nghị đưa vấn đề thủy điện Đồng Nai 6, 6A ra trước nghị trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng "Những phản ứng từ phía địa phương là một thông tin "đầu vào" cho hội đồng thẩm định xem xét". Ông cũng khẳng định "Nếu thấy có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng thì có thể đề nghị không làm dự án".
Thế nhưng trong 3 chuyên đề dự kiến sẽ được Quốc hội và các ủy ban thực hiện giám sát năm 2013, không có một chữ liên quan đến thủy điện. Dù nó đang trường kỳ tồn tại trong những xóm làng bị bỏ quên, trở thành "bóng tối dưới chân cột đèn" từ nửa thế kỷ nay, dù nó đang nhức nhối trong những cơn hoảng loạn sờ sờ trước mắt của dân chúng, thấp thỏm trong nỗi lo từ phía chính quyền, và nhãn tiền nguy cơ tàn phá môi sinh, thậm chí đó là vườn Quốc gia, là di tích quốc gia đặc biệt.
Còn nhớ, khi vấn đề Thủy điện Sông Tranh 2 được đưa ra trước Quốc hội hồi tháng 5.2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hứa đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khu vực hạ lưu bằng mọi biện pháp, nếu phát hiện không an toàn sẽ kiên quyết dừng. Cho rằng đây là "sự cố hy hữu", ông Hoàng hứa sẽ "khắc phục bằng được".
Thực tế cho thấy Sông Tranh không phải là sự cố hy hữu khi hơn 80 trận động đất được thừa nhận là động đất kích thích, do thủy điện gây ra, từ những cái sai của con người. Và đến giờ, việc "khắc phục" chưa "bằng được" bởi mới chỉ khắc phục bằng việc dừng tích nước, nói đúng hơn là không dám tích nước.
Sáng nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đã đề nghị "những vấn đề cấp bách phải giám sát ngay, chứ để lại thì mất tính thời sự". Chuyện thời sự là Đoàn đại beau Quốc hội Đồng Nai sẽ đưa vấn đề Đồng Nai 6 và 6A ra trước QH. Nhưng đổi lại, sẽ cũng lại là một lời hứa giống với Sông Tranh 2? Huống chi kỳ này, Bộ trưởng Hoàng sẽ không phải "đi thi", chắc là vì vừa trả lời chất vấn hồi tháng 5.
Nhưng ai sẽ giám sát những lời hứa đó, cho "kịp thời", cho "thời sự" với những cơn rung chấn vẫn liên tiếp diễn ra tại Sông Tranh 2 khi mà việc thực hiện giám sát tối cao nhất "chất vấn", đang được thực hiện theo cách thức "xếp hàng các bộ trưởng". Và giám sát chuyên đề thì "tránh những vấn đề đã giám sát", được liệt thứ tự đến con số 39 mà cái cũ nhất đã từ 2004.
Theo laodong
"Đập thủy điện sông Tranh 2 an toàn sau trận động đất" "Ban Quản lý dự án kiêm tra, thông báo đâp thủy điên không có biên dạng bất thường nào, lượng nước thâm vân bình thường" - Bô trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thông tin trong cuôc họp khân tại Bô sau trân đông đât mạnh nhât vừa xảy ra tại khu vực thủy điên Sông Tranh. Chiều 15/11, Bộ trưởng Xây dựng...