Cử tri muốn đưa chuyện Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội
“Đề nghị các đại biểu chuyển những nguyện vọng của người dân Thủ Thiêm tới Quốc hội”, cử tri Nguyễn Hồng Quang phát biểu sáng 7.5.
Sáng 7.5, tổ đại biểu Quốc hội (đơn vị số 7) tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIV. Các đại biểu tiếp xúc cử tri gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP và bà Trịnh Ngọc Thúy – Phó chánh án TAND TP.HCM.
Bà Trịnh Ngọc Thúy thông tin một số nội dung của kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra từ ngày 20.5 đến 14.6.
Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 2. Ảnh: Sỹ Đông
Phải giải quyết dứt điểm
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị The (cử tri phường Bình An) cho hay bà đã ra Hà Nội nhiều lần để khiếu nại về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Đề nghị các đại biểu có trách nhiệm với người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm vì bao nhiêu người đã chịu cực khổ”, bà The mong mỏi.
“Vụ này, cô Quyết Tâm qua nhiều thời kỳ làm đại biểu Quốc hội mà không giải quyết được thì người mới lên thế cô Quyết Tâm phải làm cho trọn vẹn những công việc mà người dân bức xúc”, bà The nói thêm.
Cử tri Trương Văn Sinh (cử tri phường Bình Trưng Tây) kiến nghị tổ đại biểu Quốc hội kiểm tra, giám sát việc UBND TP.HCM tổ chức đối thoại với người dân 5 khu phố tại 3 phường và ranh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.
Cử tri Trương Văn Sinh đề nghị chính quyền TP.HCM phải đối thoại với người dân Ảnh: Sỹ Đông
Nhiều lần đi khiếu nại, ông Sinh cho rằng Thanh tra Chính phủ chưa làm rõ được những khiếu nại, bức xúc của người dân. Ông đề nghị UBND TP.HCM cần phải đối thoại với người dân để làm rõ các vấn đề mà người dân khiếu nại, có sự tham gia của nhiều bộ ngành Trung ương.Đề nghị Quốc hội giám sát vấn đề Thủ Thiêm
Ông Nguyễn Hồng Quang (cử tri phường Bình Trưng Đông) cho rằng việc xác định ranh 4,3 ha sai thì cần phải xử lý thấu đáo. Ông Quang nói người dân còn giữ nhiều chứng cứ để chứng minh rằng chính sách đất đai ở Thủ Thiêm không tuân thủ pháp luật về bồi thường theo hướng có lợi nhất cho người dân.
Dẫn chứng trường hợp của gia đình mình, ông Quang cho hay đất của gia đình có bằng khoán trước năm 1975, được cấp chủ quyền nhưng chỉ được bồi thường 150.000 đồng/m2 là quá thấp.
“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất cần giám sát vấn đề Thủ Thiêm. Đề nghị các đại biểu chuyển những nguyện vọng của người dân Thủ Thiêm tới Quốc hội. Yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội lắng nghe tiếng nói nguyện vọng của người dân và giải quyết”, ông Quang nhấn mạnh.
Video đang HOT
Cử tri Nguyễn Hồng Quang. Ảnh: Sỹ Đông
Quá nửa buổi tiếp xúc, không khí hội trường trở nên nóng hơn khi hầu hết ý kiến của cử tri chỉ tập trung vào quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thậm chí, một số người chưa đến lượt phát biểu ý kiến đã đứng dậy lớn tiếng yêu cầu ban tổ chức đưa micro để phản ánh bức xúc của mình.
Trước tình cảnh này, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị một số cử tri giữ trật tự để đại biểu lắng nghe, ghi lại ý kiến.
Theo dự kiến, các cử tri sẽ phát biểu ý kiến đến 11h, sau đó các đại biểu sẽ trả lời. Tuy nhiên, do quá nhiều người muốn phát biểu, lúc 10h45, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay sẽ tiếp tục ngồi lắng nghe, ghi nhận thêm ý kiến.
Xác định lại ranh giới khu đất 4,3 ha
Trước đó, tại buổi họp về tình hình kinh tế – xã hội quý I/2019, thảo luận nhiệm vụ, giải pháp cho công việc trong quý II/2019, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu ra những vấn đề của các sở ngành còn tồn đọng từ năm 2018 và quý I/2019, trong đó có vấn đề ranh giới địa lý của lô đất 4,3 ha đã được chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP.HCM xác định lại ranh giới cụ thể của khu đất 4,3 ha, dựa vào đó để làm cơ sở xem xét tái bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư cho người dân theo đúng quy định.
Thường trực UBND TP.HCM đang lấy ý kiến của các sở liên quan, các bộ, ngành Trung ương để sớm đi đến thống nhất, tìm giải pháp tốt nhất cho những khiếu nại kéo dài của người dân ở Thủ Thiêm.
Cử tri quận 2 bức xúc về vấn đề Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: Sỹ Đông
Khu 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm tại góc đường Lương Định Của – Trần Não – đường 34 – đường 35, được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với hàng trăm hộ dân ở khu vực 4,3 ha là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Khu đô thị Thủ Thiêm được kỳ vọng trở thành trung tâm hiện đại và mở rộng của TP.HCM, có các chức năng chính là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí…
Để đầu tư “siêu dự án” này, thành phố đã mất nhiều năm giải tỏa, xảy ra nhiều tranh chấp, liên quan việc xác định ranh quy hoạch.
Theo Sỹ Đông (Zing)
Người dân Thủ Thiêm lại trào nước mắt tại cuộc gặp Bí thư Nhân
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 sáng 20/10, nhiều vấn đề nóng liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm lại được xới lên, người dân lại trào nước mắt và đề nghị TP đừng xin lỗi nữa.
Nhiều người dân Thủ Thiêm không kiềm được nước mắt khi kể về khó khăn trong suốt nhiều năm vì quy hoạch Thủ Thiêm.
Trước 7h sáng 20/10, rất đông cử tri quận 2 và người dân Thủ Thiêm tập trung về Nhà Thiếu nhi quận, tham dự cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, tổ Đại biểu đơn vị 7 với cử tri quận 2. Trước cửa hội trường, có 2 chiếc bàn để cử tri đăng ký ý kiến phát biểu. Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nói với Zing.vn: "Vấn đề đang thời sự nên buổi tiếp xúc sẽ rất nóng".
Bên trong hội trường, nhiều cử tri có mặt từ rất sớm. Họ mang theo nhiều tài liệu, vừa ăn sáng vừa xem trong khi chờ Đoàn đại biểu Quốc hội đến.
Trong số hàng trăm cử tri quận 2, có nhiều rất nhiều người cao tuổi tham dự buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.
7h25, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đến, lúc này bên trong hội trường Nhà Thiếu nhi quận 2 đã có đông người dân ngồi chờ. Họ nóng lòng được nêu ý kiến với ông.
Đến dự Hội nghị tiếp xúc cử tri có Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó trưởng đoàn ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, Phó chánh án Toà án nhân dân TP.HCM Trịnh Ngọc Thuý, lãnh đạo các sở ban ngành liên quan, lãnh đạo Quận uỷ, UBND, MTTQ, quận 2, lãnh đạo 11 phường, và hơn 500 cử tri quận 2.
Mở đầu cuộc tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thế Vinh, 82 tuổi, phường Bình An nói: "Xin hỏi ông Nguyễn Thiện Nhân, ai ra quyết định phá nhà tôi? Tôi năm nay 82 tuổi, vợ 70 tuổi, dành dụm ít tiền để xây một căn nhà để dưỡng già, vậy mà họ đập nhà, dọn hết đồ dùng. Tài sản 500 triệu đồng của tôi bị dọn hết. Chúng tôi hỏi chính quyền nhưng không ai trả lời. Hôm nay, tôi mong Bí thư Nhân cho tôi biết quyết định nào dẫn đến việc này".
Ông Cao Thanh Ca, phường Bình Khánh phát biểu: "Mong các đại biểu đưa vấn đề Thủ Thiêm vào cuộc họp Quốc hội sắp tới, để dựa vào đó Chính phủ vào cuộc. Theo tôi, mặt pháp lý của kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa rồi không đủ. Bởi vì chỉ kiểm tra 1 số vấn đề, không xác minh, không căn cứ vào đơn kiến nghị của bà con Thủ Thiêm chúng tôi 3 năm trước".
Cử tri này cũng chỉ ra 3 điều sai đó là: Không có phương án bồi thường; Khu tái định cư 160 ha, trong phạm vi 5 phường ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm chia cho 51 dự án. Tại sao đem đất này của dân cho người kinh doanh? Quy hoạch còn tranh cãi, ranh 4,3 ha không xác định được.
Bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi, phường An Khánh, nói rằng Thủ Thiêm sẽ không là bài học đau xót như hôm nay, nếu: Hồ sơ tố cáo của người dân từ năm 2007 được giải quyết thấu tình đạt lý; Ý kiến cử tri gửi 4 ban thường trực của TP gồm Thành ủy, UBND, HĐND, MTTQVN từ năm 2007 được lãnh đạo xem xét kịp thời; Lãnh đạo TP đối thoại, lắng nghe người dân, xích lại gần nhau hơn để lắng nghe ý kiến của dân; Các tổ chức quần chúng đại diện cho dân làm tốt công tác quản lý, tham mưu, giám sát; Các sai trái tại Thủ Thiêm được nhắc đến công khai.
Trong khi cử tri ý kiến về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm lại được trưng ra.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã nhận được 150 phiếu câu hỏi của cử tri quận 2, các câu hỏi và ý kiến sẽ được gọi theo số thứ tự. Tuy nhiên khi thời điểm sắp kết thúc buổi tiếp xúc, khoảng 30 người được phát biểu. Không khí hội trường trở nên nóng khi nhiều người chờ lâu những chưa đến lượt.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, khu phố 1, phường Bình An, liên tục xin hỏi đến lượt mình chưa. Mỗi lần nghe những người cùng cảnh ngộ như mình vì khu đô thị Thủ Thiêm nước mắt bà và nhiều cư dân khác lại trào ra.
"Chúng tôi là nạn nhân, từ một gia đình ấm cúng, giờ mất hết, sống dở chết dở. Ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm nước mắt đổ quá nhiều. Những người sống cứ phải vào nam ra bắc, tiêu tốn tiền bạc, thời gian đi kêu cứu, cứ như vậy mấy chục năm trời, hết cả tuổi xuân. Xin hãy trả tài sản bị cưỡng chế, đền bù tiền bạc, tinh thần bị mất mấy chục năm qua. Hy vọng vào cuộc họp tiếp theo, chúng tôi không cần đứng đây đòi nhà, đòi quyền lợi nữa. Chúng tôi còn tin Đảng, Nhà nước", bà Phượng nói.
"Chúng tôi quay lại quận 2 với những lời đã cam kết. Chúng tôi sẽ còn quay lại khi vấn đề Thủ Thiêm chưa giải quyết. Ngày hôm nay, những điều bà con nêu vẫn như cũ, nhưng khác là Chính phủ, lãnh đạo TP đã cố gắng làm nhiều điều. 5 tháng trôi qua, từ đầu tháng 5 đến giờ là tháng 10, Thường vụ Thành ủy đã họp 6 lần đều giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, để bà con hiểu rằng chúng tôi có chuẩn bị, có cố gắng", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong cuộc tiếp xúc.
Bí thư Nhân cho biết trong tháng 11 sẽ làm kiểm điểm những cán bộ sai phạm đến vi phạm đất đai ở Thủ Thiêm. Sau khi kiểm điểm thì cán bộ vi phạm mức độ tới đâu sẽ xử lý tới đó. Quá trình kiểm điểm có cả Thanh tra Chính phủ, Trung ương cùng làm. "Chúng tôi cam kết những người vi phạm phải bị kiểm điểm, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Bí thư Nhân nói.
Lê Quân - Thuận Thắng
Theo Zing
5 đời Chủ tịch TPHCM cùng ngồi lại giải quyết vấn đề Thủ Thiêm Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, Thường vụ Thành ủy đã họp 10 phiên liên quan đến Thủ Thiêm. Trong tháng 11, Chủ tịch UBND TP đương nhiệm đã có 3 cuộc làm việc với 4 Chủ tịch đời trước để làm rõ các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm. Sáng 4/12, HĐND TPHCM khóa IX khai mạc kỳ họp thứ...