Cử tri bày tỏ trăn trở về nạn tham nhũng với Chủ tịch nước
Sáng 17/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu thuộc Tổ Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đơn vị 1 – TPHCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con trước Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII.
Tổ Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đơn vị 1 – TPHCM tiếp xúc cử tri quận 1
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 1 bày tỏ niềm phấn khởi trước sự đổi mới mạnh mẽ của đất trước trong 25 năm qua. Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt (phường Cô Giang) hồ hởi: “Mỗi khi thấy Chủ tịch nước bắt tay với các nguyên thủ quốc gia khác là chúng tôi rất tự hào. Tự hào lắm chứ, vì chúng tôi thấy được sự phát triển của đất nước mình, thấy được vị thế dân tộc ngày càng cao hơn trên chính trường thế giới”.
Bên cạnh đó, các cử tri quận 1 cũng thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến về các tồn tại trong chính sách, cách thực thi quản lý nhà nước… Trong đó, vấn đề cử tri quan tâm nhất là vấn nạn tham nhũng đang ngày càng hoành hành, làm lung lay căn cơ của đất nước.
Cử tri Trần Minh Quang (phường Bến Thành) cho rằng: “Nhà nước cũng đã thừa nhận là có bộ phận không nhỏ cán bộ tham nhũng, nhưng theo ý tôi và theo những gì mà người xung quanh tôi trao đổi thì thấy tham nhũng hiện nay cứ như là 1 “tập đoàn”, rất nguy hiểm. Đất nước ta đã chịu bao nhiêu lần ngoại xâm rồi mà vẫn đánh thắng, nhưng tham nhũng còn đáng sợ hơn ngoại xâm, không giải quyết là mất nước”.
Cử tri băn khoăn về vấn nạn tham nhũng, mong mỏi Đại biểu Quốc hội phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn để chống lại vấn nạn này
Cư tri Lê Văn Vinh (phường Cô Giang) đồng tình và cho rằng vai trò giám sát tối cao của Quốc hội về phòng chống tham nhũng là vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay, cần ban hành nhiều hơn những văn bản pháp quy nhằm hạn chế cho được tham nhũng, giám sát chặt chẽ hơn và nâng cao vai trò phát hiện tham nhũng.
Tuy nhiên, cử tri Trần Minh Quang lại cho rằng: “Tình hình phòng chống tham nhũng hiện nay, chúng tôi thấy vô cùng phức tạp, vô cùng khó khăn. Vừa qua, các bộ ngành, tỉnh thành đều đang kiểm điểm nhưng tôi đọc báo vẫn chưa thấy nói là ai vi phạm cái gì, chưa thấy ai bị xử lý”.
Cư tri Lương Minh Nguyệt (phường Nguyễn Cư Trinh) “đặt hàng” với Tổ Đại biểu Quốc hội: “Chúng ta đã có rất nhiều chính sách và quyết tâm cũng rất cao, nhưng phải làm sao để dân tin vào quyết tâm đó. Vừa qua có Đại biểu Quốc hội sai phạm trong khai báo lý lịch đã bị xử lý, nhưng tại sao có những vụ lớn hơn, những vị lớn hơn lại không thấy xử lý. Phải làm sao cho dân tin tưởng!”.
Chủ tịch nước thăm hỏi đời sống cử tri cao tuổi.
Cử tri Trần Minh Quang đề nghị gay gắt hơn: “Khi thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm, chúng tôi đề nghị nên quy định con số cụ thể. Nếu vị nào được tin tưởng trên 50% thì giữ lại, dưới 50% thì cách chức, dưới 30% thì khai trừ luôn, cho về làm thường dân”.
Các đại biểu còn nêu bức xúc về 1 số vấn đề cụ thể tại địa phương như chế độ trợ cấp của cử tri Trần Thị Cúc, chính sách bồi thường khi cải tạo chung cư Cô Giang của 3 đại biểu phường Cô Giang, chế độ trợ cấp cho cán bộ khu phố, tình hình bán đất hẻm…
Thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn những đóng góp chân tình, những phê bình nghiêm túc của bà con cử tri. Chủ tịch nước cũng khẳng định: “Tham nhũng đang là 1 vấn nạn nghiêm trọng. Ban đầu là 1 bộ phận, sau đó là 1 bộ phận không nhỏ, và giờ thì có đồng chí còn nói là cả 1 tập đoàn”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thừa nhận là Đảng và chính quyền làm còn chưa tốt, đã nhận lỗi trước toàn thể nhân dân. Tuy nhiên, Chủ tịch nước đề nghị toàn dân phải cùng tham gia đấu tranh thì mới dẹp được vấn nạn này.
Video đang HOT
Chủ tịch nước mong mỏi toàn dân tham gia giám sát và tố cáo tham nhũng
Chủ tịch nước phát biểu: “Chúng tôi có lỗi lớn, nhưng cô bác anh chị cũng phải nghĩ về trách nhiệm của mình, cùng hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào? Người ta có thể trú úm 1 người, 1 nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này!”.
Về các vấn đề cụ thể, Chủ tịch nước cho biết Tổ Đại biểu Quốc hội đã ghi nhận và sẽ làm việc cụ thể với chính quyền địa phương, với UBND TP để giải quyết rốt ráo. Về chế độ của cử tri Trần Thị Cúc, Chủ tịch nước hứa: “Chúng tôi sẽ cho người kiểm tra lại, Đảng và Nhà nước sẽ không để sót ai đâu”.
Theo Dantri
Thầy giáo trẻ, tài tử: 'Sống được bằng lương, chẳng ai đi dạy thêm'
Thầy giáo dạy Toán có vẻ ngoài như diễn viên, được nhiều học sinh ngưỡng mộ lập hẳn một trang "phát cuồng", đã có trải lòng về những trăn trở, khó khăn của một giáo viên trẻ.
Thầy Lại Tiến Minh được biết tới là một giáo viên dạy Toán trẻ, được nhiều học trò ngưỡng mộ, lập fanpage trên mạng xã hội. Thầy hiện là giảng viên thuộc biên chế trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và cũng là giáo viên hợp đồng tại trường THPT Lương Thế Vinh.
Cách đây không lâu, bài viết chân dung thầy Lại Tiến Minh đã được đăng tải và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ độc giả. "Nhiều người liên hệ với tôi chỉ để nói những lời động viên, khích lệ tôi cố gắng cống hiến. Tôi không gặp họ, cũng không biết họ là ai nhưng chính những điều nhỏ nhặt đó làm tôi có thêm động lực với con đường của một nhà giáo" - thầy Lại Tiến Minh chia sẻ.
- Sau 4 năm làm giáo viên, thầy có hài lòng với công việc của mình?
- Hiện tại tôi khá hài lòng với công việc của mình. Tôi thấy môi trường làm việc chỗ tôi tương đối tốt, học sinh, sinh viên khá ngoan. Quan trọng nhất không bị áp lực về thành tích, hồ sơ sổ sách và hội họp. Ở trường ĐH Kiến trúc, nếu bạn làm tốt bạn sẽ được trọng dụng, không nhìn vào tuổi tác và những điều kiện khác để cất nhắc như ở một số trường khác.
- Lý do gì thầy chọn nghề giáo thay vì những công việc hấp dẫn khác?
- Việc tôi chọn nghề giáo cũng là một sự tình cờ. Sau này tôi mơi thấy nghề giáo cũng phù hợp với mình vì thôi thấy mình hình như cũng có chút năng khiếu sư phạm (cười).
- 4 năm không phải là dài nhưng cũng đủ để một giáo viên trẻ có cái nhìn toàn cảnh về những gì mình đã trải qua. Với những vấn đề giáo dục hiện nay, thầy có trăn trở gì?
- Tôi thấy giáo dục ở nước ta còn rất nhiều điều phải xem xét. Quan trọng nhất là giáo dục chưa gắn liền với thực tế cuộc sống. Nhiều khi chính giáo viên lại là người biến học sinh thành những cỗ máy với chương trình học tập, bài vở quá nặng thiên về truyền đạt kiến thức hơn là rèn luyện kỹ năng, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Tôi nghĩ đổi mới giáo dục là một việc làm cấp bách.
- Theo thầy, khó khăn lớn nhất đối với một giáo viên trẻ là gì? Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm vượt qua những khó khăn này?
- Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất đối với một giáo viên trẻ chính là khả năng sư phạm không được rèn luyện nhiều qua thực tế. Giáo viên mới ra trường thường ôm đồm nhiều kiến thức, chỉ tập trung thể hiện giảng bài mà quên theo dõi xem học sinh có tiếp thu được không.
Các tiết học của tôi, tôi thường giao lưu, quan sát bài làm của từng em học sinh một, tùy thuộc vào mức độ nhận thức của các em từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp.
- Thầy nghĩ sao về những áp lực của nghề giáo, do bản thân công việc, phụ huynh học sinh hay cả xã hội?
- Nghề giáo bây giờ chịu quá nhiều áp lực. Tôi thấy ở các trường phổ thông áp lực về thành tích, hồ sơ sổ sách, thanh kiểm tra, hội họp quả là... ác mộng. Giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều việc ở trường, nhất là giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thì chuyện xử lý các công việc hành chính mất rất nhiều thời gian và khiến cho họ không có điều kiện để tiếp tục học tập, nâng cao trình độ.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh kỳ vọng nhà trường, giáo viên "nhào nặn" con cái họ thành những cá nhân xuất sắc mà quên mất nhiệm vụ giáo dục của gia đình. Thậm chí, có những gia đình phó thác hoàn toàn trách nhiệm giáo dục con cái lên những người làm nghề giáo. Chưa kể những phản ứng tiêu cực từ phía những học sinh cá biệt.
- Đối với những học trò khó bảo, thầy Lại Tiến Minh dùng cách nào để thuyết phục?
- Tôi cũng đã từng gặp nhiều học sinh cá biệt. Cá nhân tôi cho rằng việc quan trọng nhất khi giáo dục một học sinh cá biệt là cần phải tâm sự để hiểu được câu chuyện của các em, hiểu được hoàn cảnh, nguyện vọng của các em từ đó đưa ra các biện pháp giáo dục cho phù hợp.
Sẽ là sai lầm khi áp dụng quá nhiều hình thức kỷ luật học sinh cá biệt, giống như dồn các em vào đường cùng, khi đó sẽ xảy ra những hậu quả không hay. Phải làm cho học sinh thấy mình đứng về phía các em và đang làm tất cả những điều tốt nhất có thể cho các em.
- Một số người còn nói, thái độ tôn kính của xã hội và học sinh, sinh viên đối với giáo viên ngày nay không còn được như xưa, thầy nghĩ điều đó có đúng không?
- Ngày nay học sinh, sinh viên dường như thực tế hơn và không có cái nhìn ngưỡng vọng, hay thái độ e dè khi tiếp xúc với giáo viên như ngày trước. Do đó, thái độ của các em đối với giáo viên vì thế cũng có phần nhạt đi.
Quan điểm của tôi là mình làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo tâm huyết với nghề, giúp đỡ các em hết mức có thể. Tôi không mong nhận lại gì cả.
- Với cương vị là giáo viên dạy Toán, thầy đánh giá ra sao về năng lực bản thân?
- Hiện tại chưa có điều gì của bản thân làm tôi hài lòng cả. Tôi còn phải cố gắng nỗ lực nhiều nữa để rèn luyện nâng cao chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề giáo.
Thầy Lại Tiến Minh và học trò.
"Sống được bằng lương thì chẳng ai muốn đi dạy thêm"
- Sắp tới, Bộ GD&ĐT chủ trương đổi mới giáo dục. Trong đó, sẽ có những đổi mới đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ. Thầy có quan tâm tới vấn đề này không và có ý kiến gì?
- Nên có những ưu đãi đặc biệt đối với ngành sư phạm. Chúng ta đều biết là mấy năm gần đây điểm tuyển sinh đầu vào của các trường sư phạm rất thấp. Vậy thì nguyên nhân tại sao nhiều người không mặn mà với ngành sư phạm? Chất lượng giáo viên thấp sẽ có ảnh hưởng thế nào thì ai cũng biết.
Do vậy, tôi nghĩ nên có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ, sao cho họ có thể sống bằng lương, có điều kiện được học tập nâng cao trình độ, phát triển bản thân. Có như vậy, họ mới tâm huyết với nghề.
- Nhiều người cho rằng mức lương chưa hợp lý làm khó nghề giáo. Thầy làm cách nào vượt qua những khó khăn tài chính vì mức lương nhà giáo hiện chưa cao?
- Mức lương thấp không chỉ là khó khăn đối với nghề giáo mà còn là của những người làm công ăn lương nói chung, nhất là đối với những người mới ra trường. Tôi nghĩ chẳng ai có thể đủ sống (nhất là ở các thành phố) với mức lương khởi điểm thấp như vậy. Bản thân tôi cũng phải tranh thủ thời gian ngoài giờ đi dạy ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa hoặc dạy các nhóm học sinh do phụ huynh học sinh tổ chức.
Cá nhân tôi, việc đi dạy thêm cũng thu lượm được nhiều điều, vừa rèn luyện được chuyên môn, khả năng sư phạm vừa cải thiện được thu nhập. Thực ra tôi cũng từng có ý định đầu tư chứng khoán, bất động sản, mở cửa hàng...nâng cao thu nhập, nhưng sau đó gia đình tôi khuyên nên tập trung vào công việc mình đam mê nên tôi đã từ bỏ. Khó có thể hoàn thành tốt nhiều việc cùng lúc được.
- Vấn đề dạy thêm, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có nói: phải tính toán thế nào để giáo viên đủ sống. Với phụ cấp dành cho giáo viên ở miền núi 70%, họ không đủ tiền về quê thăm bố mẹ. Như thế ai mặn mà với giáo dục miền núi? Giáo viên không đủ sống thì sẽ tiếp tục xảy ra lạm thu, dạy thêm, học thêm... Thầy có đồng ý với ý kiến này?
- Tôi đồng ý với ý kiến này. Tôi nghĩ nếu đã sống được bằng lương chính được thì chẳng ai muốn đi dạy thêm làm gì. Giáo viên cũng vậy, nếu có thể sống được bằng tiền đứng lớp được thì sao họ phải dạy thêm.
Tuy nhiên, theo tôi việc dạy thêm xuất phát từ sự tự nguyện, từ nhu cầu thực sự từ hai phía giáo viên và học sinh cũng chẳng có gì xấu. Giáo viên đi dạy thêm vừa rèn luyện được chuyên môn vừa cái thiện được thu nhập, giúp họ tiếp tục bám lấy nghề. Tôi thấy có nhiều giáo viên không đi dạy thêm mà quay ra kinh doanh buôn bán dần dần thu nhập khá lên, họ cũng chẳng mặn mà lắm với nghề nữa. Đó mới là hiện tượng đáng báo động.
- Ngoài những vấn đề đối với giáo viên trẻ, thầy có ý kiến, đề xuất gì thêm đối với cả cách giáo dục, đặc biệt là cấp 2, 3?
- Tôi nghĩ nền giáo dục của ta hiện nay đang đi lệch hướng. Mục đích của việc học ở phổ thông hiện nay là để thi chứ không tập trung vào việc đào tạo nên một con người toàn diện về "đức, trí, thể, mỹ". Tôi thấy chúng ta đang bắt học sinh học nhiều thứ không thật sự cần thiết, không giúp gì được cho các em khi bước vào cuộc sống.
Giáo dục hiện tại chỉ tập chung vào việc truyền đạt cho học sinh kiến thức mà quên đi việc rèn luyện các kỹ năng cơ bản như: khả năng làm việc độc lập, khả năng làm việc theo nhóm, hòa đồng, phản biện, lãnh đạo và thuyết phục... Các kỹ năng này cần phải được rèn luyện trong 12 năm học phổ thông. Tôi nghĩ đổi mới, cải cách giáo dục một mặt là nâng cao chất lượng cơ sở vật vất, đội ngũ giáo viên một mặt phải rà soát lại hệ thống sách giáo khoa, chương trình học theo tiêu chí giảm tải kiến thức, tăng thời gian rèn luyện kỹ năng.
MAI CHÂM
Theo Infonet
Chất vấn việc thực hiện lời hứa của 9 Bộ trưởng Chương trình dự kiến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (tháng 10 tới), ngoài 2 ngày chất vấn như thông lệ, Quốc hội dành một buổi sáng để các Bộ trưởng đã đăng đàn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3, trả lời về việc thực hiện lời hứa với người dân. Qua gần 2 năm nhậm chức trong nhiệm kỳ...