Cú sốc với Australia sau báo động dồn dập về gián điệp Trung Quốc
Australia đang trải qua cú sốc lớn và xét lại sự hợp tác ‘cùng nhau làm giàu’ với Trung Quốc, khi một doanh nhân cáo buộc đặc vụ Bắc Kinh âm mưu cài cắm ông vào Quốc hội Australia.
Một người Trung Quốc xin sang Australia tị nạn, và nói có bằng chứng Bắc Kinh đang can thiệp vào chính trị của Canberra. Một doanh nhân bị chết sau khi khai về âm mưu của các đặc vụ Trung Quốc muốn cài cắm ông vào Quốc hội Australia. Những người có quan điểm hoài nghi về Bắc Kinh lại bị những kẻ khả nghi theo dõi ở ngay tại các thành phố lớn của Australia.
Đối với một đất nước mong muốn hợp tác kinh tế ôn hòa với Trung Quốc, những hé lộ chấn động nói trên chỉ trong tuần qua đã tạo một cú sốc.
Người Australia có thể đã biết về mối nguy bị Trung Quốc thao túng – một cách mơ hồ. Nhưng giờ đây, tham vọng của Bắc Kinh và các chiến dịch gián điệp kèm theo bỗng trở nên hữu hình, dễ hiểu và hiển hiện hơn bao giờ hết, New York Times bình luận.
“Bây giờ đó là vấn đề không thể lờ đi”, Hugh White, cựu quan chức tình báo đang giảng dạy bộ môn chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, nói với New York Times. “Chúng ta đã đánh giá thấp sự trỗi dậy của Trung Quốc và tham vọng sử dụng tầm ảnh hưởng của họ”.
Du khách Trung Quốc chụp ảnh ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra, Australia vào tháng 1. Ảnh: New York Times.
Mối đe dọa ngày càng dồn dập, hữu hình
Quan chức Mỹ thường coi Australia là trường hợp thử nghiệm để xem Trung Quốc hành động như thế nào với một đồng minh của Washington nhưng đủ thân với Bắc Kinh.
Cả bên ngoài lẫn trong các trao đổi riêng, các quan chức Mỹ hối thúc lãnh đạo Australia hãy đối mặt với Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Mỹ sẽ tiếp tục làm vậy, nhất là sau khi Tổng thống Trump ký ban hành luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong nếu có vi phạm nhân quyền đối với phong trào biểu tình ở đặc khu này.
Australia vẫn chưa đặt ra lằn ranh rõ ràng trong quan hệ với Trung Quốc, vừa là đối tác kinh tế quan trọng, vừa là quốc gia nghi là đang thực hiện các chiến dịch gián điệp táo bạo đe dọa Canberra. Đây cũng là bài toán khó mà nhiều nước gặp phải.
Thủ tướng Australia Scott Morrison tiếp tục khẳng định Australia không cần phải chọn lựa giữa Trung Quốc và Mỹ. Bộ luật mới về chống nước ngoài can thiệp chính trị mới chỉ được thực thi hạn chế, và nhiều nhà lập pháp cũng như chuyên gia không có đủ thông tin chuyên sâu để mà đề phòng.
Vì vậy, các cơ quan tình báo của nước này đã phải lên tiếng báo động về Trung Quốc theo cách mà các chính khách thường tránh. Giới tình báo Australia chưa hề thông thạo trong đối phó với Trung Quốc, không có quá nhiều nhân viên nói tiếng Trung. Nhưng giờ đây, họ phải đẩy lùi một mạng lưới phức tạp với nhiều hành vi trái pháp luật mà Bắc Kinh vẫn kịch liệt phủ nhận, New York Times bình luận.
Cuộc biểu tình tháng 10 ở Hong Kong ủng hộ dự luật của Quốc hội Mỹ ủng hộ đặc khu này. Ảnh: New York Times.
Âm mưu cài người ở Australia, can thiệp Đài Loan
Video đang HOT
Trong vụ việc đáng lo ngại nhất gần đây, giới chức Australia xác nhận đang điều tra lời tố giác của Nick Zhao, một doanh nhân người Mỹ đã khai với giới tình báo rằng một đặc vụ Trung Quốc có âm mưu cài cắm ông vào Quốc hội.
Ông Zhao, 32 tuổi, chủ công ty bán xe sang, là đảng viên ở địa phương của đảng Tự do. Ông Zhao là “mục tiêu hoàn hảo để cài cắm”, theo Andrew Hastie, nghị sĩ ở cấp liên bang. Ông Hastie thường mạnh mẽ chỉ trích Bắc Kinh, và là người được báo cáo về vụ việc.
Ông Hastie cho biết ông Zhao là “một người có tiếng phong lưu ở Melbourne, thường chi tiêu một cách xa xỉ”.
Trong lời khai, ông Zhao nói một doanh nhân khác có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đề nghị hỗ trợ 677.000 USD để ông Zhao tranh cử vào Quốc hội. Nhưng chỉ vài tháng sau, vào tháng 3, ông Zhao bị phát hiện đã chết trong phòng khách sạn. Giới chức vẫn đang điều tra nguyên nhân cái chết.
Trong một thông cáo hiếm hoi ngày 25/11, Mike Burgess, giám đốc cơ quan tình báo nội địa của Australia, cho biết cơ quan của ông biết về vụ ông Zhao và coi đây là vụ việc nghiêm trọng.
Nhưng chính phủ Trung Quốc phủ nhận, gọi các cáo buộc là quá cảm tính.
“Những câu chuyện như ‘gián điệp Trung Quốc’ hay ‘Trung Quốc cài người vào Australia’, với những âm mưu kỳ lạ và chi tiết lý thú, đều là giả dối”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/11.
Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: AP.
Bắc Kinh cũng bác bỏ một vụ việc khác nổi lên vào tuần trước, khi một người Trung Quốc tên Wang Liqiang sang Australia xin tị nạn.
Ông Wang nói mình là điệp viên Trung Quốc, làm trợ lý cho một doanh nhân Trung Quốc mà ông Wang nói phụ trách việc do thám, tuyên truyền, phát tán tin giả để dập tắt các tư tưởng trái ý Bắc Kinh ở Hong Kong, và để phá hoại Đài Loan.
Một tài liệu 17 trang mà Wang cung cấp đang được cơ quan tình báo các nước kiểm chứng, bao gồm thông tin về những chủ hiệu sách Hong Kong nghi bị Trung Quốc bắt cóc, về nỗ lực theo dõi các sinh viên Hong Kong, và về việc đánh cắp công nghệ quân sự của Mỹ.
Trung Quốc lại nói ông Wang là kẻ lừa đảo đã bị kết án. Tờ Global Times, phụ san của tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, công bố video phiên tòa năm 2016 trong đó ông Wang thừa nhận đã lừa đảo 17.000 USD.
Xiang Xin, người sếp mà Wang tố cáo, nói không biết Wang, nhưng chính quyền Đài Loan đã bắt giữ ông Xiang và một doanh nhân khác từng là sếp của Wang. Chính quyền Đài Loan đang điều tra cáo buộc hai doanh nhân này làm việc cho tình báo Trung Quốc.
Người Australia đồng loạt bày tỏ e ngại
“Tình báo Australia đang bị thử thách”, John Fitzgerald, chuyên gia về Trung Quốc ở Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne. “Đó là thử thách khó, và họ không thể làm hỏng chuyện”.
Nhưng một điều rõ ràng là các cáo buộc đã khiến công chúng lo sợ việc xích lại gần với Bắc Kinh. Các thăm dò cho thấy thái độ của người Australia về Trung Quốc đã trở nên e ngại hơn, ngay từ trước tuần chấn động vừa qua.
Giờ đây, ông Hastie, nghị sĩ đảng Tự do vốn hoài nghi về Bắc Kinh và đang làm chủ tịch ủy ban tình báo ở Quốc hội, cho biết văn phòng ông tràn ngập cuộc gọi và email, thậm chí thư tay, của người dân tỏ ra giận dữ và lo lắng về hành động của Trung Quốc ở đất nước họ.
Dấu hỏi và sự hoài nghi tiếp tục đổ dồn về nghị sĩ đảng Tự do Gladys Liu, và bà đã lúng túng khi trả lời các câu hỏi vào tháng 9 về việc tham gia nhiều nhóm có liên hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nghị sĩ đảng Tự do của Australia, Gladys Liu, hứng chịu nhiều nghi vấn về lòng trung thành. Ảnh: RTHK.
Các cáo buộc gián điệp tuần qua tiếp nối nhiều tháng căng thẳng ở các đại học Australia, nơi các cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong đã bị phá rối, thậm chí bằng bạo lực, bởi sinh viên từ Trung Quốc đại lục.
Một số nhà hoạt động sinh viên đã báo với giới chức rằng họ bị bám theo, chụp ảnh bởi những người có vẻ có liên hệ với lãnh sự quán Trung Quốc.
Điều đó còn xảy ra với một cựu quan chức có tiếng tăm, John Garnaut. Cũng là một phóng viên lâu năm, ông tập hợp một báo cáo mật cho cựu thủ tướng Malcolm Turnbull vào năm 2017 về sự can thiệp của Trung Quốc. Gần đây ông công khai thừa nhận đã bị theo dõi bởi những người có vẻ là đặc vụ Trung Quốc, bao gồm cả những lần ông đang ở bên gia đình.
Sinh viên Hong Kong và đại lục đang cãi cọ ở Đại học Queensland ở Australia vào tháng 7. Ảnh: Twitter.
Những mô tả nói trên tạo nên một hình tượng Trung Quốc mà người Australia không hề biết. Trong nhiều thập kỷ, Australia đã hợp tác với Trung Quốc một cách đơn giản: “Hãy cùng nhau làm giàu”. Và các công ty khai mỏ thân với chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Scott Morrison đã thắng lớn.
Nhưng giờ đây, hơn bao giờ hết, Australia đang nhìn nhận lại rằng đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mọi thứ không chỉ là về thương mại và kinh tế.
“Những thương vụ không làm họ hài lòng nữa, mà họ muốn nhiều hơn”, John Blaxland, giáo sư nghiên cứu an ninh và tình báo quốc tế ở Đại học Quốc gia Australia, nói với New York Times. “Họ muốn giành ảnh hưởng hơn, đối với các quyết sách (của các nước) như việc Mỹ tham gia (vào khu vực), việc phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, ở Nam Thái Bình Dương, ở Đài Loan”.
Ông Blaxland, và cả các quan chức Mỹ, thường chỉ ra rằng quặng sắt là món hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia sang Trung Quốc, và quặng sắt khó kiếm ở nơi khác với giá mà Trung Quốc đang mua của Australia. Vì vậy, trước Trung Quốc, Australia có thế mạnh lớn hơn họ tưởng.
Ông Hastie, gần đây bị từ chối visa vào Trung Quốc theo một đoàn nghiên cứu của Quốc hội, cũng đồng tình. Ông nói những hé lộ gần đây là “lần đầu tiên công chúng Australia có dẫn chứng cụ thể về mối đe dọa mà chúng ta đang gặp phải”.
Và đã tới lúc Australia phải thay đổi, ông nói.
Quặng sắt là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia sang Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Trọng Thuấn
Theo news.zing.vn
Thủ tướng Morrison: Australia 'không ngây thơ'
Thủ tướng Scott Morrison nói Australia "không ngây thơ" trước mối đe dọa can thiệp từ nước ngoài, giữa những thông tin chấn động về âm mưu xâm nhập Quốc hội nước này.
"Australia không ngây thơ trước các mối đe dọa... tôi đảm bảo với người Australia rằng dưới quyền của tôi, các nguồn lực chưa bao giờ mạnh hơn, luật pháp chưa bao giờ chặt chẽ hơn, và chính phủ chưa bao giờ quyết tâm hơn trong việc bảo vệ Australia trước can thiệp từ nước ngoài", ông Morrison nói.
Tuy nhiên, ông cho biết sẽ không đưa ra kết luận gì về một âm mưu nghi là của Trung Quốc nhằm cài cắm người vào Quốc hội Australia, được phơi bày trong chương trình 60 Minutes ngày 24/11.
Chương trình này cáo buộc các điệp viên Trung Quốc đã đề nghị trả 1 triệu USD để thành viên đảng Tự do Nick Zhao, 32 tuổi, chạy đua vào Quốc hội ở khu vực Chisholm của Melbourne, hiện do nghị sĩ cùng đảng Gladys Liu, sinh ra ở Hong Kong, nắm giữ.
"Australia không ngây thơ trước các mối đe dọa", Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết. Ảnh: Getty Images.
Vào tháng 3, ông Zhao được phát hiện đã tử vong trong nhà nghỉ ở Melbourne. Khoảng một năm trước, ông Zhao khai với Tình báo An ninh Australia (ASIO) về âm mưu nói trên.
Cơ quan an ninh Australia cho biết vụ việc đang được điều tra.
"Tôi thấy những cáo buộc trên rất đáng lo ngại, và tôi nhắc lại tuyên bố của giám đốc ASIO đã cho biết vụ việc đang được điều tra", thủ tướng Australia cho biết.
Thủ tướng Morrison phủ nhận cáo buộc rằng phản ứng của chính phủ trước sự can thiệp của nước ngoài là chưa đủ mạnh. Ông nhắc tới việc hủy bỏ giấy tờ thường trú của Huang Xiangmo, người có những khoản đóng góp chính trị gây tranh cãi.
Chính phủ Australia vốn đang phải giải quyết một vụ việc khác cũng liên quan tới Trung Quốc, trong đó Wang Liqiang, người tự tuyên bố là gián điệp Trung Quốc, chạy sang Australia và xin được bảo vệ.
Thủ tướng Morrison nói yêu cầu được bảo vệ của ông Wang sẽ được đánh giá theo tình tiết cụ thể của vụ việc.
Khi được hỏi chính phủ có thể bảo đảm an toàn cho ông Wang trong khi xử lý hồ sơ, ông Morrison chỉ nói rằng ông Wang được bảo vệ bởi pháp luật Australia.
Nhưng hai nghị sĩ đảng Tự do Andrew Hastie và James Paterson, hai người thường chỉ trích Trung Quốc, đã ủng hộ đề nghị được bảo vệ của ông Wang.
Theo news.zing.vn
Trung Quốc bác tin điệp viên trốn chạy sang Australia Báo Australia cho rằng Vương Lập Cường là điệp viên Trung Quốc bỏ trốn sang Australia nhưng công an Trung Quốc nói đây là nghi phạm thất nghiệp. Đêm qua (23/11), Công an quận Tịnh An thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) ra thông báo về một nghi phạm đang bỏ trốn mang tên Vương Lập Cường (Wang Liqiang), trong khi báo chí...